Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

Dấu vết quá khứ

Một bài hát Nga có câu “Trên Trái Đất này không có gì đi qua mà không để lại dấu vết”. Trong những hang núi, từng giọt nước cứ tí tách nhỏ xuống. Mỗi giọt nước trôi qua đều để lại một tí chút những gì nó mang theo. Lâu ngày, những “tí chút” ấy gộp vào nhau thành những cột đá. Từng giây từng phút cuộc đời ta cứ trôi qua tưởng chừng như biến mất vào quá khứ sâu thẳm. Nhưng cũng như những giọt nước kia, từng giây phút ấy đều để lại dấu vết trong ta. Tháng năm trôi qua, vô vàn những dấu vết ấy cũng gộp lại làm biến đổi ta tới mức ta quên mất là ta đã từng là những đứa bé hồn nhiên tung tăng trên phố, hân hoan ngắm nhìn cuộc sống xung quanh. Các bậc thầy tâm linh dạy rằng ta phải sống với hiện tại và không bận tâm với quá khứ. Tuy nhiên, không ai có thể vứt bỏ quá khứ của mình vì nó là một phần của ta. Nhưng ta có thể dùng quá khứ ấy theo cách khác nhau. Hoặc coi đó là những bài học làm người và như thế, quá khứ là một kho báu. Hoặc coi đó là những nuối tiếc, tủi hổ, căm giận, cay đắng, khổ đau và như vậy, quá khứ là một gánh nặng theo ta suốt đời.

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

Làm thế nào để hết khổ?

Khi xưa, đói kém, áp bức, bất công, dốt nát và khổ đau tràn ngập thế giới. Thời ấy, những người thông minh nhất ở cả phương Đông và Tây đều cho rằng con người phải chịu đựng và sẽ đỡ khổ vì có thể sau khi chết được lên một cõi sướng hơn như Thiên Đàng hay sẽ được sướng hơn ở kiếp sau. Có lẽ những hứa hẹn về những “phần thưởng” mơ hồ trong tương lai như thế không thuyết phục được đại đa số. Vì thế người ta đi tìm cách khác để thoát khổ. Người phương Tây nhờ sớm phát triển khoa học kỹ thuật đã tạo ra những thay đổi to lớn. Cuộc sống của họ được cải thiện vượt bậc vì làm ra nhiều của cải vật chất hơn hẳn thời xưa. Xã hội và cuộc sống tinh thần của họ theo đà đó cũng có những tiến bộ căn bản. Phương Đông sau đó cũng học theo và cũng đạt được những tiến bộ đáng kể. Cái khổ của con người thì vẫn còn đó và sẽ không bao giờ hết, nhưng có lẽ đã giảm nhiều. Vậy có thể nói không phải là thần thánh chúa phật nào, mà chính là những con người thông minh và thực tế đã và đang dẫn dắt loài người thoát dần cái khổ đau triền miên tê tái của cuộc đời.

Không ai có thể làm thay

Khi bị bệnh nặng khó chữa, ta thường “vái tứ phương”, ai nói có thầy giỏi thuốc hay ở đâu là tìm đến đó ngay. Hậu quả thường là tốn sức tốn tiền thêm lo lắng mà bệnh vẫn không khỏi. Thực ra phần lớn chúng ta đều bị một số bệnh tinh thần khá nặng. Ta thường lo âu và sợ hãi về nhiều thứ và thường cảm thấy khổ và bất hạnh. Thế là từ xưa đến nay sinh ra đủ các loại thầy cùng các loại sách dạy ta cách quẳng gánh lo, tìm hạnh phúc và an lạc. Thầy nào thì cũng cho rằng mình đúng. Còn chúng ta, những “con bệnh” thì chả biết ai đúng ai sai. Thế nên người xưa mới có câu “lắm thầy nhiều ma”. Có lẽ vì thế nên Krisnamurti, một trong những vị thầy nổi tiếng nhất cho rằng “Thông minh là biết suy nghĩ tự do, không sợ hãi, không theo một công thức nào, để khám phá cho mình điều gì là thật, là đúng mà không bao giờ khẳng định hay kết luận”. Tìm cho ra cái gì là thật là đúng cho cuộc đời mình có lẽ là điều không ai có thể làm thay.

Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2011

Hôm nay ta sẽ làm gì?

Buổi sáng ta thức dậy như thường lệ, như hàng ngàn ngày đã qua. Nhưng có thể hôm nay là một ngày đặc biệt, bởi hôm nay có thể là ngày cuối cùng ta sống trên đời này! Vậy ta định dành trọn hôm nay để vơ vét thêm tiền bạc ư? hay là tranh giành thêm quyền lực và danh vọng nữa? thêm hưởng thụ và khoái lạc? thêm mưu mô và thù hận? nhồi nhét thêm thông tin và kiến thức vào đầu ta? hay là để yêu thươngbao dung, dù đây là lần duy nhất trong đời?

Cuồng tín


Một kẻ cuồng tín chính trị cực hữu Na uy sau khi đánh bom nổ tung tòa nhà chính phủ đã xả súng giết chết gần một trăm thanh thiếu niên trong một trại hè gần Oslo để phản đối chính sách của đảng cầm quyền ở nước này. Người ta tìm thấy “tuyên ngôn” của hắn ở trên internet, đại ý là một người có niềm tin và lý tưởng thì mạnh hơn cả trăm ngàn người. Thực ra thì hắn chỉ củng cố thêm một điều đã được “chứng minh” khá nhiều lần bởi một số kẻ cuồng tín nổi tiếng khác. Chỉ khác là “thành tích” của kẻ ở Na uy – giết chết 100 người - khá là “khiêm tốn” so với thành tích “đáng nể” của Hitle, Stalin, Mao, Pôn pốt, v.v – giết chết hàng triệu người! Các niềm tin “sắt đá”, dù là tin vào chúa, thánh, lãnh tụ, vua, chủ nghĩa, một tổ chức chính trị hay cái gì đi nữa, đều có thể biến trái tim thành “sắt đá”, là “điều kiện cần” cho việc thực hiện những vụ tàn sát khủng khiếp nhất gây ra bởi một cá nhân, một làng, một bộ tộc đến một giáo phái, một chủng tộc, một đảng chính trị, một quốc gia hay một phe phái.

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

Lại bàn về thói đạo đức giả


Nếu “giỏi”, bạn có thể đóng vai một nhân vật đáng kính và có thể lừa dối tất cả mọi người để họ khen ngợi và tung hô bạn với những từ ngữ "hoành tráng" nhất. Nhưng như thế cũng chả có ích gì, vì cái người bạn cần được sự kính trọng nhất là chính bản thân thì bạn lại không thể nào lừa được. Hắn biết rõ cái bộ mặt thật và cái lòng dạ xấu xa của bạn ở đằng sau cái mặt nạ ấy.

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

Tâm linh

Nếu không bàn tới khía cạnh huyền bí thực thực hư hư thì tâm linh có lẽ là cảm giác thiêng liêng đan xen giữa sự kính sợ Trời Đất quỷ thần và lòng nhớ thương người đã khuất. Như thế thì tâm linh sẽ giúp ta sống khiêm nhường, thận trọng và sâu sắc hơn.

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

Lại bàn về giàu và nghèo


Hình như có một quy luật, có lẽ do Trời đặt ra, là ai được giàu có về tiền bạc của cải thì phải nghèo về tinh thần và ngược lại. Chúng ta thường chạy theo tiền bạc vì tưởng nó sẽ cho ta tất cả. Người giàu tiền bạc may ra có thể để lại cả tỷ đôla, nhưng cả người lẫn tiền rồi sẽ tan biến hết. Người giàu tinh thần có thể để lại những gì sẽ còn mãi trong tâm trí và trái tim người đời sau. Đó có thể là nhạc như Chopin, Tchaikovsky, Mozart, có thể là thơ văn như Shakespear, Andersen, Nguyễn Du, có thể là đạo lý làm người như Phật, Khổng Tử, Giêsu và muôn vàn ví dụ tương tự.

Sự khác nhau giữa sống và chết

Sống là khi ta còn tư duy và xúc cảm. Chết là không còn cả hai hoặc thậm chí một trong hai thứ.

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

Gia đình

Gia đình là trường học đầu tiên và có lẽ quan trọng nhất về lòng nhân ái.

Nếu  bạn không tìm thấy tổ ấm ở gia đình mình thì khó có thể tìm thấy ở đâu nữa.

Gia đình là nơi bạn khó đeo cái mặt nạ đạo đức giả nhất.

Lúc còn trẻ khỏe, bạn đi khắp nơi, làm đủ mọi thứ và có khi còn thấy gia đình là gánh nặng và trở ngại cho “sự nghiệp to lớn” của mình. Nhiều khi bạn không ý thức được rằng có thể sẽ có một ngày, ước muốn cháy bỏng nhất lại chỉ đơn giản là được về nhà mình.

Nhanh và Vội

Khi gặp vấn đề khó, kẻ nông cạn và dại dột hành động vội vã mà không suy xét kỹ càng nên hay dẫn đến hậu quả xấu. Người thông minh và bản lĩnh luôn cân nhắc kỹ lưỡng rồi hành động nhanh chóng nên thường đạt kết quả tốt mà không lỡ cơ hội. Nhanh và vội tưởng chừng giống nhau mà lại rất khác nhau.

Cơ hội của người tàn tật

Trời tạo cơ hội cho những người có hình thức xấu và bị tàn tật tập trung hoàn toàn vào cái đẹp tâm hồn, rèn tính tự tin và sức mạnh để sống hạnh phúc trong một thế giới thường chỉ trọng người giàu, đẹp hay có chức có quyền.

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

Vĩ đại và khổ đau


Có lẽ những khổ đau to lớn làm nên sự vĩ đại của một dân tộc. Con người khi phải chịu vô vàn khổ đau mà không thể “quẳng” đi đâu được thì chỉ còn cách phải nén chúng sâu vào lòng mình. Nén mãi thì tâm hồn họ trở nên sâu thẳm tới mức có thể thu nhận được cả khổ đau của loài người. Chúa Giêsu có lẽ là một người như thế. Những dân tộc như thế có những bài ca, những bản nhạc, những giọng hát, những nhạc cụ, những áng văn thơ, những bộ phim sâu lắng nhất.

Công dân của Trái Đất


Giá mỗi cá nhân không chỉ suy nghĩ bó hẹp trong quyền lợi của cá nhân mình, gia đình mình, làng mình, tỉnh mình hay thậm chí nước mình, mà biết suy nghĩ như một công dân toàn cầu – có nghĩa là vứt bỏ hết mọi thứ biên giới lâu nay chia rẽ loài người - thì có lẽ Trái Đất sẽ là một nơi tốt đẹp hơn biết bao nhiêu.

Gia vị


Tình dục cũng giống như gia vị, có thể làm cho tình yêu đậm đà hơn. Và cũng như gia vị, dùng quá mức có thể làm hỏng tình yêu.

Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2011

Thước đo đẳng cấp


Đẳng cấp của một người đo bằng chiều rộng của trí tuệ, chiều sâu của tâm hồn và độ lớn của lòng bao dung. Đẳng cấp của một dân tộc cũng vậy.

Gà mái rụng lông


Hồi bé có lẽ chúng ta đều biết chuyện "gà mái rụng lông". Đại khái là có một con gà mái bị rụng một cái lông. Gà ta thấy chuyện này rất nghiêm trọng nên kể cho vịt nghe. Vịt lập tức đi kể lại cho ngan. Rồi ngan kể tiếp cho ngỗng, v.v. Con nào khi kể lại cũng tăng thêm số lông rụng cho câu chuyện của mình “giật gân” hơn. Câu chuyện sau khi đi vòng quanh sân nhà thì lại quay về chính chị gà mái đó, chỉ khác là trong “phiên bản” cuối cùng này, gà mái đã bị rụng trụi hết cả lông. Thực ra thì chúng ta đều ít nhiều giống các con vật trong câu chuyện trên. Chúng ta đều rất thích “quan trọng hóa” chuyện của mình, thích “hóng hớt” chuyện “giật gân” về người khác để mang đi “buôn” tiếp và không quên thêm ít “dấm ớt” cho nó mùi mẫn và hấp dẫn hơn. Ngày nay có khá nhiều báo chí loại “lá cải” chuyên đăng những thứ “giật gân” mà đại loại có thể gọi là chuyện “gà mái rụng lông”.   

Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

Kẻ điên khùng


Bạn đang sống trong một lâu đài tráng lệ cùng người vợ trẻ đẹp và những đứa con như thiên thần và với một kho đầy ắp vàng bạc châu báu. Bạn có cả một đội quân phục vụ gồm cả một đàn thiếu nữ đẹp như tiên sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của bạn. Nhưng rồi một ngày trong đầu bạn xuất hiện một ý tưởng “điên rồ”. Thế là bạn vứt bỏ tòa lâu đài, gia đình và tất cả mọi thứ khác, đi vào rừng sâu để … ngồi một mình và suy nghĩ! Chúng ta, những người “bình thường và khôn ngoan” nghe chuyện này chắc chắn sẽ thốt lên: “Thật là một gã điên khùng!”. Thật ra thì ít nhất đã từng có một người như thế. Đó chính là Đức Phật! Quả thực Phật đã có một ý nghĩ khá là điên rồ - Làm thế nào để giải thoát loài người khỏi cái bể khổ mênh mông của cuộc đời? Và Người đã chỉ ra cho chúng ta con đường đó. Chúng ta, những người “bình thường và khôn ngoan” thường cam chịu mọi khổ đau và bất công mà xã hội áp đặt. Song ở mọi thời đại đều có những kẻ “điên khùng” dám hành động để thay đổi những thứ mà chúng ta tin là không thể thay đổi được.

Chỉ có bấy nhiêu thôi!


Báo trong nước hôm nay đưa tin một số nghệ sỹ trong đó có những người râu tóc bạc phơ phản đối quyết định của một hội đồng quốc gia gạt tên họ ra khỏi danh sách đề cử giải thưởng Hồ Chí Minh – được coi là một trong những giải thưởng danh giá nhất ở Việt Nam. Một tin khác là chuyện tranh cãi quyết liệt về việc ai sẽ được thừa kế bộ sưu tập tranh của Michael Jackson được cho là có trị giá tới 1 tỷ đôla. Thực ra thì những chuyện đại loại như thế không hiếm. Chi tiết có thể khác nhau nhưng tổng thể thì vẫn như một vị cao tăng người Thái đã nói – chỉ có bấy nhiêu thôi – vẫn là chạy theo danh và lợi. Khó có thể khác được.

Thứ Tư, 6 tháng 7, 2011

Dũng cảm

Chúng ta thường có những lời nói và hành động mà sau đó ta nhận ra là sai. Song điều đáng nói là ít khi ta dám công khai nhận là mình sai vì ta thiếu dũng cảm để làm điều đó.