Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

Joseph Joubert



Joseph Joubert là một triết gia Pháp (1754-1824). Sinh thời, ông không xuất bản gì cả, có lẽ bởi ông chỉ định viết cho bản thân, như một cách nói chuyện với chính mình. Sau khi ông qua đời, gia đình ông mới công bố những ghi chép của ông.

·       Ta chỉ có thể hiểu Đất khi ta biết Trời. Thiếu thế giới tinh thần, thế giới vật chất chỉ là một ẩn số đầy thất vọng.
·       Thượng Đế cũng dễ hiểu thôi, nếu bạn không định giải thích Ngài.
·       Người không có chất thơ thì chẳng thấy thơ trong bất cứ cái gì.
·       Mục đích của mọi tranh luận là tiến bộ chứ không phải thắng cuộc.
·       Bạn có chịu nghe những người yên lặng không?
·       Thông thái là sức mạnh của người yếu.
·       Trí óc chỉ có thể tạo ra sai lầm chứ không tạo ra chân lý bởi chúng vốn vẫn tồn tại.
·       Khi dân ngu thì kẻ điên thống trị.
·       Thượng Đế tạo ra cuộc sống là để sống chứ không phải là để biết.
·       Một phần của sự tử tế tốt bụng là yêu người trên mức người ấy xứng đáng được.
·       Có người tưởng biết hết từ ngữ là biết hết chân lý.
·       Mọi thứ chính xác đều ngắn gọn.
·       Cái tôi mài dũa là tư tưởng của tôi chứ không phải từ ngữ.
·       Tất cả những thứ dễ nói đều đã được nói một cách hoàn hảo.
·       Ngôn từ ngăn cản ta nhìn thấy ý tưởng.
·       Viết lách quá nhiều hư hại trí óc. Không viết gì cả thì nó han gỉ.
·       Hình như trong rượu vang có chất trí tuệ.
·       Tôi chỉ viết những gì tôi muốn nói với bản thân mình.
·       Bộ não có một cái gì đó đứng ngoài và quan sát chính bộ não.
·       Triết học sinh ra cách mạng.
·       Hiếm có những bộ óc rộng rãi. Phần lớn chúng ít năng lực và bị nhét đầy bằng một số kiến thức. Những kiến thức này là vật cản chắn hết lối vào bộ óc…
·       Những bộ óc thiển cận chỉ thấy được những gì trong cái tầm của những ý tưởng nhỏ bé và hạn hẹp của chúng.
·       Chỉ có Chúa Trời mới nhìn thấy chân lý.
·       Hình phạt cho kẻ qúa yêu đàn bà là phải yêu họ mãi mãi.
·       Những gì chúng ta đo được đều nhỏ.
·       Một công việc chỉ hoàn hảo khi không còn gì để thêm hoặc bớt.
·       Kẻ “mồm mép” là kẻ nói nhiều hơn nghĩ.
·       Không tìm thấy gì giá trị hơn là sự trống không thì để trống chỗ còn hơn.
·       Một chút hư danh, một chút khoái lạc – đó tất cả những gì có trong cuộc đời của phần lớn đàn ông và đàn bà.

Tại Trời cả mà thôi


Ai cũng muốn sống theo ý mình. Ta chọn trường học, nghề nghiệp, nơi làm việc, chỗ ở, vợ chồng, bạn bè, cách giải trí và rất nhiều thứ khác nữa. Có vẻ như ta làm chủ cuộc đời mình. Nhưng rồi phần lớn chúng ta vẫn thất vọng. Cuộc đời vẫn bị lái đi nhiều khi theo những hướng mà ta không ngờ tới mà cũng chẳng cưỡng lại được. Muốn hay không muốn, luôn có những động lực mạnh mẽ nào đó bên ngoài chi phối cuộc đời ta. Người xưa đã thấy điều này từ lâu: “Mưu sự tại Nhân, thành sự tại Thiên”.  Nghĩ kỹ thì cái “mưu sự” ấy có lẽ cũng là tại Trời cả mà thôi.  

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2013

Không đề



Có hai cái vô hạn: Không gian và Thời gian. Tất cả những thứ còn lại là hữu hạn, gồm cả - và có lẽ đáng để ý nhất - là “hiểu biết” của từng cá nhân, bất kỳ ai, cũng như toàn thể loài người, kể từ khi xuất hiện trên Trái Đất đến giờ.

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

Lão Tử





Lão Tử - tiếng Hán có nghĩa là “ông thầy già”có lẽ là một người cô độc lắm, bởi ngay đến tên ông là gì cũng chẳng ai biết nên mới đành gọi như vậy. Tương truyền ông sống vào khoảng 500 năm trước Công Nguyên ở Trung Quốc. Cuộc đời ông như thế nào cũng chẳng ai biết, bởi có lẽ lúc sinh thời ông rất ít giao tiếp. Có lẽ ông đã sống ẩn dật đâu đó ở một nơi núi cao hẻo lánh. Hẳn ông đã lặng ngắm Trời Đất, cỏ cây, loài người và ghi những suy nghĩ của mình vào một cuốn sách nhỏ có tựa đề là Đạo Đức Kinh. Rồi ông để đấy và bỏ đi đâu không ai biết. Những điều mà lúc sinh thời ông chẳng thể nói với ai cả - có lẽ bởi chúng vượt quá xa cái tầm suy nghĩ của con người lúc đó, và có lẽ những người “bình thường và khôn ngoan” lúc đó - cũng như phần lớn chúng ta bây giờ - ai mà lại nghe một ông già vô danh, cô độc và lẩn thẩn. Những nhà tư tưởng lớn đời sau và ngày nay cho rằng cuốn sách nhỏ đó chứa đựng những gì sâu sắc và thông thái nhất của loài người.   

Có một vật hỗn độn mà thành trước cả trời đất. Nó yên lặng, vô hình, đứng một mình mà không thay đổi vĩnh cửu, vân hành khắp vũ trụ không ngừng, có thể coi nó là mẹ của vạn vật trong thiên hạ. Ta không biết tên nó là gì, tạm đặt tên cho nó là "đạo".

Đạo trời không tranh mà khéo thắng, không nói mà khéo đáp, không gọi mà vạn vật tự tới, bình thản vô tâm mà khéo mưu tính mọi việc.


Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt.

Lời nói chân thật thì không hoa mỹ, lời nói hoa mỹ thì không chân thật.


Người thiện thì không cần phải biện giải, người nào phải biện giải cho mình là người "không thiện".

Người biết thì không nói, người nói là người không biết.

Người ta sinh ra thì mềm yếu mà khi chết thì cứng đơ. Thảo mộc sinh ra thì mềm dịu mà khi chết đi thì lại khô cứng.



Cho nên cứng mạnh là cùng loài với chết, mềm yếu là cùng loài với sống. Vì vậy binh mạnh thì không thắng, cây cứng thì bị chặt. Cứng mạnh thì phải ở dưới, mềm yếu lại được ở trên.

Mạnh mẽ về dám làm thì chết, mạnh mẽ về không dám làm thì sống. Hai cái đó cùng là mạnh mẽ, mà một cái thì được lợi, một cái lại bị hại; ai mà biết được tại sao trời lại ghét cái đó?

Người nào hứa một cách dễ dàng quá thì khó tin được, người nào cho việc gì cũng dễ làm thì sẽ gặp nhiều cái khó. Cho nên người hiểu đạo coi việc gì cũng khó mà rốt cuộc không gặp cái gì khó.


Cái gì an định thì dễ nắm, giòn thì dễ vỡ, nhỏ thì dễ phân tán. Ngăn ngừa sự tình từ khi chưa manh nha, trị loạn từ khi chưa thành hình.

Cây lớn một ôm, khởi sinh từ một cái mầm nhỏ; đài cao chín tầng khởi đầu từ một sọt đất, đi xa ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân.



Người ta làm việc, thường gần tới lúc thành công thì lại thất bại, vì không cẩn thận như lúc ban đầu, dè sau như trước thì không hỏng việc.

Người hiểu đạo trị thiên hạ theo chính sách vô vi, giữ thái độ điềm đạm.


Xem cái nhỏ cũng như cái lớn, cái ít như nhiều, lấy đức báo oán.

Giải quyết việc khó từ khi còn dễ, thực hành việc lớn từ khi còn nhỏ. Cho nên thánh nhân trước sau không làm việc gì lớn mà thực hiện được việc lớn.

Đạo lớn bị bỏ rồi mới có nhân nghĩa, mưu trí xuất hiện rồi mới có trá ngụy, gia đình bất hòa rồi mới sinh ra hiếu từ, nước nhà rối loạn rồi mới có tôi trung.

Trời đất bất nhân, coi vạn vật như chó rơm; thánh nhân bất nhân, coi trăm họ như chó rơm.



Càng nói nhiều lại càng khốn cùng, không bằng giữ sự hư tĩnh.

Muốn cho vật gì thu rút lại thì tất hãy mở rộng nó ra đã. Muốn cho ai yếu đi thì tất hãy làm cho họ mạnh lên đã. Muốn phế bỏ ai thì tất hãy đề cử họ lên đã. Muốn cướp lấy vật gì thì tất hãy cho đã. Hiểu như vậy là sâu kín mà sáng suốt. Vì nhu nhược thắng được cương cường.

Ngũ sắc làm cho người ta mờ mắt; ngũ âm làm cho người ta ù tai; ngũ vị làm cho người ta tê lưỡi, ngựa săn bắn làm cho lòng người ta mê muội, vàng bạc làm cho hành vi người ta đồi bại. Cho nên bậc đắc đạo cầu no bụng mà không cầu vui mắt, bỏ cái xa xỉ, đa dục mà chọn cái chất phác, vô dục. Bậc đắc đạo bận áo vải thô mà ôm ngọc quý trong lòng.

Trời đất trường cửu. Sở dĩ trời đất trường cửu được là vì không sống riêng cho mình, nên mới trường sinh được.



Vì vậy thánh nhân đặt thân mình ở sau mà thân lại được ở trước, đặt thân mình ra ngoài mà thân mới còn được. Như vậy chẳng phải vì thánh nhân không tự tư mà thành được việc riêng của mình ư ?

Không trọng người hiền để dân không tranh, không quý của hiếm để dân không trộm cắp, không phô bày cái gì gợi ham muốn, để lòng dân không loạn.



Chính trị của thánh nhân là làm cho dân lòng thì hư tĩnh, bụng thì no, không ham muốn, không tranh giành, khiến cho dân không biết, không muốn mà bọn mưu trí thì không dám hành động. Theo chính sách vô vi thì mọi việc đều trị.

Không học thì không phải lo. Càng theo học thì mỗi ngày dục vọng, "hữu vi" càng tăng, theo đạo thì mỗi ngày dục vọng càng giảm, vô vi càng tăng.

Vì nhân ái mà sinh ra dũng cảm, vì không dám đứng trước thiên hạ mà làm chủ được thiên hạ.
 

Trời muốn cứu ai thì cho người đó lòng nhân ái để tự bảo vệ, lấy lòng nhân ái mà giúp người đó.

Người sáng suốt nghe đạo thì gắng sức mà thi hành, người bình thường nghe đạo thì nửa tin nửa ngờ, người tăm tối nghe đạo thì cười rộ. Nếu không cười thì đạo đâu còn là đạo nữa?

Nước là vật cực mềm mà lại thắng được vật cực cứng là đá. Nó luôn tìm chỗ thấp mà tới, ngày đêm chảy không ngừng, bốc lên thì thành mưa, chảy xuống thì thành sông, thấm vào lòng đất để nuôi vạn vật. Tự nó không ngừng biến đổi, lại sinh ra mọi loài. Nó không tranh với ai, lựa chỗ thấp mà tới, gặp cái gì cản thì nó uốn khúc mà tránh đi, cho nên đâu nó cũng tới được.

Vàng ngọc đầy nhà, làm sao mà giữ nổi ? Giàu sang mà kiêu căng là tự rước họa vào thân.

Ba mươi nan hoa cùng qui vào một cái bánh xe, nhưng chính nhờ khoảng trống không trong cái bánh mà xe mới dùng được. Nhồi đất sét để làm chén bát, nhưng chính nhờ cái khoảng trống không ở trong mà chén bát mới dùng được. Đục cửa, cửa sổ để làm nhà, chính nhờ cái trống không đó mà nhà mới dùng được.
Vậy ta tưởng cái "có" có lợi cho ta mà thực ra cái "không" mới làm cho cái "có" hữu ích.

Kẻ tự biểu hiện mình thì không bao giờ chói lọi, kẻ tự kể công thì không có công, kẻ tự phụ thì chẳng khuyên bảo được ai.

Hồn nhiên, vô tư, vô dục như đứa trẻ mới sinh là có đức dày, ai cũng yêu quý.


Dứt thánh hiền, bỏ mưu trí dân lợi gấp trăm; dứt nhân bỏ nghĩa, dân lại hiếu từ; dứt trí xảo bỏ lợi, không có trộm giặc.

Việc học rộng lớn thay, không sao hết được.

Mọi người hớn hở như hưởng bữa tiệc lớn, như mùa xuân lên đài; riêng ta điềm tĩnh, như đứa trẻ chưa biết cười, rũ rượi mà đi như không có nhà để về. Mọi người có thừa, riêng ta như thiếu thốn, lòng ta ngu muội, đần độn thay. Mọi người đều có chỗ để dùng, riêng ta ngoan cố mà bỉ lậu.

Vạn vật tuần hoàn, âm cực dương sinh, lúc sinh lúc tử, trăng tròn trăng khuyết. Vạn vật biến đổi rồi trở lại cái bản thể của nó. Đó là do đạo.

Thánh nhân không tranh với ai nên không ai tranh với mình được.

Ít nói thì hợp với đạo. Cho nên gió lốc không thể thổi suốt buổi sáng, mưa rào không suốt ngày. Ai làm nên những cái ấy? Chính là do trời đất. Trời đất còn không thể lâu được, huống hồ là con người ?

Người giữ đạo không dùng binh khí. Bất đắc dĩ mới phải dùng đến nó, mà dùng đến thì điềm đạm là hơn cả. Thắng cũng không cho là hay, nếu cho là hay tức là thích giết người. Kẻ nào thích giết người thì không trị được thiên hạ.