Sau một giấc ngủ “ngon”, thức dậy thật sảng
khoái. Có tiếng chim hót ngay gần cửa sổ, có tiếng xa hơn và xa hơn nữa. Tất cả
hòa quyện vào nhau thật tài tình với nhưng âm thanh to nhỏ, cao thấp, dài ngắn,
âm sắc khác nhau như thể một giàn nhạc giao hưởng vậy. Xa nữa là tiếng ù ù của
xe cộ trên đường. Một buổi sáng bình yên, như bao ngày qua và như ở khắp nơi
trên Trái Đất vậy. Nhưng ở Triều Tiên những ngày này thì khác. Cái người ta
thấy trên TV và internet là nhưng lời tuyên bố hung hăng của những người lãnh
đạo, những nắm đấm và những khẩu súng giương cao, những khẩu đại bác đang phun
lửa, những đoàn xe tăng rầm rầm chuyển động và những gương mặt “sát khí đằng
đằng” của binh lính. Đó chỉ là một phần của bức tranh, cái phần mà lãnh đạo
muốn thế giới thấy. Nhưng còn những người khác – mà họ là đa số - những bà mẹ
ngày ngày phải lo bữa ăn cho con và đưa con tới trường, những người lớn đã trải
qua cuộc đời vất vả không mấy niềm vui và giờ đây chỉ muốn được bình yên, những
phụ nữ trẻ chỉ mong được yêu thương và rồi thì sẽ có tổ ấm gia đình. Ngay cả
những nam thanh niên trẻ, có lẽ họ cũng chỉ muốn được học hành, rồi có công ăn
việc làm tử tế và theo đuổi những cái mình thích như âm nhạc, thể thao, nghệ
thuật và bao nhiêu thứ khác. Nhưng tất cả giờ đây, muốn hay không muốn, đang bị
cuốn vào cái guồng máy chiến tranh khổng lồ. Lãnh đạo nói là để tiêu diệt kẻ
thù! Kẻ thù nào nhỉ, của ai nhỉ? Của bà mẹ sáng sáng đưa con tới trường kia ư? Của
các cụ về hưu sáng sáng tập thể dục kia ư? Của những em bé đang chạy nhảy nô
đùa kia ư? Những nhà lãnh đạo từ xưa tới nay ở mọi nơi đều luôn tìm ra nhưng
cái “nguy hiểm cho an ninh quốc gia” để từ đó lý giải cho việc họ phải tiếp tục
“lãnh đạo”. Mà nếu không có cái gì như thế, họ sẽ không ngần ngại tạo ra chúng.
Hitle đã tạo ra “hiểm họa Do Thái”, chính quyền Mỹ đã tạo ra “sự kiện Vịnh Bắc
Bộ”ở Việt Nam, rồi “vũ khí hủy diệt hàng loạt” ở Irak. Họ muốn nắm quyền lực, muốn
có những “chiến công vĩ đại”, muốn để lại “dấu ấn” của mình trong lịch sử, muốn
được “vinh quang muôn đời” và “bất tử”. Có lẽ có một số ít người đã được như
thế thật, và có lẽ chỉ là một kết quả phụ ngoài mong muốn của họ. Còn những nhà
lãnh đạo khác thì đa phần chỉ là những kẻ “ích kỷ vĩ đại” mà thôi. Họ sẵn sàng “hy
sinh” tài sản, hạnh phúc, sức khỏe và tính mạng của hàng triệu người để đổi lấy
“vinh quang” cho họ. Còn người Mỹ thì hình như cũng rút ra được vài kinh nghiệm
ở Việt Nam, Irak, Afganistan … nên có vẻ - hay làm ra vẻ - “thận trọng” hơn, ít
nhất là qua những phát ngôn “chính thức”. Nhưng những gì “không chính thức”
trên internet – mà đó lại thường mới là suy nghĩ thực – thì dường như người Mỹ “sốt
ruột” lắm rồi. Họ thúc dục chính phủ của họ phải “ra tay” ngay. Họ có thể là cả
thường dân Mỹ, những người không ưa gì những thể chế độc tài gia đình trị. Khỏi
phải nói đến những tướng lĩnh và chính khách “diều hâu” và những ông chủ sản
xuất và buôn bán vũ khí. Họ luôn cần có chiến tranh để họ được tồn tại. Sáng
mai, không ai có thể chắc rằng bà mẹ Triều Tiên kia còn có thể đưa con đến
trường nữa không. Rất có thể ngôi trường ấy lúc đó sẽ không còn nữa. Mà rất có
thể chính bà mẹ ấy và đứa con cũng sẽ nằm dưới đống đổ nát của ngôi nhà của họ
hay của ngôi trường ấy. Ở thời nào và ở đâu, ở bất cứ cuộc chiến tranh nào, những
bà mẹ, trẻ em và hàng triệu người dân bình thường như thế – họ luôn là Bên Thua
Cuộc.