Ở thế kỷ 20, một nửa loài người hồ hởi hoặc bị bắt
buộc đi theo một mô hình xã hội mới “không có
người bóc lột người” xây dựng theo ý tưởng của
một triết gia Đức ở thế kỷ 19 có tên là Karl Marx.
Hàng triệu người đã đổ ra không biết bao nhiêu là
nhiệt tình, công sức, mồ hôi, nước mắt và xương máu
chỉ để cuối cùng nhận ra rằng đó là một sự không
tưởng. Điều kinh ngạc là hầu như không ai nhận rõ
một cách chắc chắn sự không tưởng đó cho đến khi
Liên Xô, “thành trì vững chắc của phe XHCN” bỗng
nhiên sụp đổ tan tành vào năm 1991. Nguyên nhân
của sự thất bại này thì các chuyên gia đủ các loại đã
“phân tích” quá nhiều. Có lẽ, tựu trung lại thì các nhà
sáng lập và chủ trì việc thực thi mô hình xã hội này
dường như không tính đến bản chất cố hữu từ ngàn
xưa của con người là tư hữu. Mà có lẽ, yếu tố này
cũng đã được tính đến nhưng người ta tin rằng có thể
xóa bỏ nó bằng những cách như "tập thể hóa", "xây
dựng con người mới XHCN", "tinh thần làm chủ tập
thể",v.v. Nhưng tư hữu có lẽ cũng là một bản năng gốc,
bản năng sinh tồn của con người, gần tương tự như ăn,
ngủ hay tình dục vậy và đơn giản là không thể xóa bỏ nó.
Không biết rồi đây, một "lãnh tụ thiên tài" mới nào đó có
lại xuất hiện và lại đưa loài người vào một cuộc thí nghiệm
mới nào không. Không ai có thể biết trước lịch sử cho đến
khi nó xảy ra.