Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Bến sông xưa



Đâu rồi bãi ngô non xanh mướt?
Đâu rồi bãi cát trắng ven sông?
Đâu rồi những bè gỗ bè tre?
Đâu rồi ven đê bãi cỏ?
Đâu rồi chú bé con quàng khăn đỏ?
Trưa hè đùa nước mát dòng sông
Nhìn quanh toàn sắt, đá với bê-tông
Khói bụi, còi xe, người mua, kẻ bán
Tuổi thơ mãi xa trôi theo dòng năm tháng
Cuốn theo mình cả bến sông xưa.

Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

Hoa rụng



Sớm mai hoa rụng khắp bên đường
Nhụy tàn lá úa vẫn còn hương
Ngắn ngủi mong manh đời là thế
Nay còn mai mất, chẳng vấn vương.   

Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2014

Cái gì còn mãi?



Trong cuộc đời, người ta học không biết bao nhiêu thứ ở trường, nào là khoa học, kỹ thuật, chuyên môn, văn hóa... Người ta lại bỏ ra bao nhiêu năm, suốt cuộc đời, hàng ngày miệt mài trong công việc. Ấy thế mà cuối cùng, người ta vẫn quên hết! Rất ít cái đọng lại. Rồi một lần lang thang trên "mạng", bỗng nghe thấy một bài hát cũ. Phải rồi, đó là một bài hát về tình yêu nghe được từ lâu lắm rồi, lúc mới 17-18 tuổi, trong một buổi văn nghệ ở một cái nông trường xa xôi tít gần biển Hắc Hải. Bài hát được trình bày bởi một cô bé học sinh ở trường làng nơi đó. Chả có gì đặc biệt, phải không? Lạ là sao cái thoáng qua ấy mà người ta lại cứ nhớ mãi. Đất nước giờ đây đang sục sôi phẫn nộ lẫn thấp thỏm chờ đợi không biết tiếp theo những cuộc đụng độ căng thẳng hàng ngày trên Biển Đông sẽ là cái gì. Không ai có thể loại trừ khả năng một cuộc chiến tranh mới. Những cuộc chiến tranh oai hùng, khốc liệt đã xảy ra trên xứ sở này giữa thế kỷ 20. Nhưng chúng đã trôi qua. Một cuộc chiến mới, nếu có xảy ra, thì rồi cũng sẽ trôi qua, và không bao lâu cũng sẽ lại đi vào dĩ vãng. Với mỗi con người, chỉ những gì lọt vào được tới chốn sâu thẳm của tâm hồn thì mới còn mãi. Người ta bảo tâm hồn là cái bất tử, bởi nó chỉ mang theo những gì là tinh túy nhất của con người để truyền sang đời sau, rồi đời sau nữa, và cứ mãi như thế.      

Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

Chưa chết!




Bạn bảo Hit-le và đồng bọn đã chết?
Không, chúng vẫn sống đàng hoàng
Bạn không tin?
Hãy nhìn những đống xác người
Các sinh viên tuổi mười tám đôi mươi
Chồng chất lên nhau ở Bắc Kinh
Bị bắn chết và nghiền nát bởi xe tăng
Của Quân Giải Phóng Nhân Dân
Chính giữa quảng trường Thiên An Môn
Ngay dưới ảnh chủ tịch Mao
Một thảm sát kiểu Au-sơ-vich trong đêm Lục Tứ
Đã 25 năm kể từ ngày ấy
Trung Hoa giàu hơn cả tiền bạc lẫn bạo tàn
Đã 25 năm các bà mẹ vẫn khóc con
Nhưng chỉ dám khóc thầm thôi
Bởi ở Bắc Kinh vẫn chễm chệ ngồi
Những đồng bọn của Hit-le ở thế kỷ 21. 

*Đêm 4/6/1989, chính quyền TQ cho quân đội và xe tăng giết chết hàng ngàn sinh viên biểu tình hòa bình đòi tự do dân chủ ở quảng trường Thiên An Môn. Au-sơ-vich là trại tập trung Đức Quốc Xã lập ra ở Ba Lan trong thế chiến thứ 2. Tại đây, hàng triệu người - đa số là người Do Thái - từ nhiều nước châu Âu đã bị giết trong các phòng hơi ngạt, sau đó xác họ bị thiêu trong các lò thiêu xác.