Thứ Hai, 21 tháng 11, 2016

Luật Vĩnh Hằng



Người Việt xưa có câu: "Ngu si hưởng thái bình". Có lẽ chẳng ai muốn là ngu si. Cho nên ít người được bình yên. Osho là một trong số ít những triết gia lớn nhất của thế kỷ 20. Có lẽ ông là người hiểu được triết lý đó. Nó có nguồn gốc từ Đạo của Lão Tử, một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của loài người. Sau đây là trích đoạn một bài nói của Osho về cái chết, trích từ tác phẩm Đạo - Ba Kho Báu.  

Chết là định mệnh. Nó phải thế bởi vì nó là nguồn gốc. Bạn tới từ cái chết và bạn đi tới cái chết. Sống chỉ là khoảnh khắc giữa hai cái không. Nếu chết là định mệnh, thế thì toàn thể cuộc sống trở thành việc chuẩn bị, huấn luyện cho nó - một bộ môn về cách chết đúng và cách chết một cách toàn bộ và tuyệt đối. Toàn thể cuộc sống bao gồm việc học cách chết. Nhưng một quan niệm sai về chết đã đi vào nhân loại, quan niệm rằng chết là kẻ thù. Đây là cơ sở của mọi quan niệm sai, và đây là cơ sở của nhân loại đi lạc lối khỏi luật vĩnh hằng.

Con người coi chết là kẻ thù của sống, cứ như chết có đó để phá huỷ sống, cứ như chết chống lại sống. Nếu đây là quan niệm thì tất nhiên bạn phải tranh đấu với cái chết, và sống trở thành nỗ lực để sống sót qua chết. Thế thì bạn đang đấu tranh chống lại cội nguồn riêng của mình, bạn đang đấu tranh chống lại định mệnh của mình, bạn đang đấu tranh chống lại cái gì đó sẽ xảy ra. Toàn thể cuộc đấu tranh này là ngớ ngẩn bởi vì chết không thể né tránh.

Nếu như nó là cái gì đó bên ngoài bạn, nó có thể được tránh né, nhưng nó ở bên trong. Bạn mang nó từ chính khoảnh khắc bạn được sinh ra. Bạn bắt đầu chết đi thực sự khi bạn bắt đầu thở, vào cùng khoảnh khắc đó. Nói rằng chết tới ở chỗ cuối là không đúng. Nó bao giờ cũng ở cùng với bạn từ lúc bắt đầu. Nó là một phần của bạn, nó là trung tâm bên trong nhất của bạn, nó phát triển cùng bạn, và một ngày nào đó nó đi tới cao trào, một ngày nào đó nó đi tới nở hoa. Chết đã phát triển bên trong bạn mọi lúc, bây giờ nó đã đạt tới đỉnh. Một khi chết đạt tới đỉnh bạn lại biến mất vào trong cội nguồn.

Nhưng con người có thái độ sai và thái độ sai đó tạo ra vật lộn, tranh đấu, bạo hành. Người nghĩ rằng chết là chống lại sống không bao giờ có thể bất bạo hành được. Điều đó là không thể được. Người nghĩ rằng chết là kẻ thù không bao giờ có thể thoải mái, như ở nhà. Làm sao bạn có thể thoải mái khi kẻ thù đang chờ đợi bạn mọi khoảnh khắc? Nó sẽ nhảy lên bạn và phá huỷ bạn, và bóng của chết bao giờ cũng trùm lên bạn. Nó có thể xảy ra vào bất kì khoảnh khắc nào. Làm sao bạn có thể nghỉ ngơi khi cái chết có đó? Làm sao bạn có thể thảnh thơi được? Kẻ thù sẽ không cho phép bạn thảnh thơi.

Do đó mới có căng thẳng, lo âu, phiền não của nhân loại. Bạn càng tranh đấu với cái chết, bạn sẽ càng trở nên đầy lo âu. Đó là hệ quả tự nhiên. Nếu bạn tranh đấu với cái chết bạn biết rằng bạn sẽ bị thất bại. Làm sao bạn có thể hạnh phúc với cuộc sống sẽ đi tới kết thúc trong thất bại? Bạn biết rằng bất kì nỗ lực nào, chẳng cái gì sẽ thành công chống lại cái chết. Sâu bên dưới bạn chắc chắn chỉ mỗi một điều và đó là cái chết. Trong cuộc sống mọi thứ khác đều không chắc chắn, chỉ cái chết là chắc chắn. Chỉ có một chắc chắn, và trong chắc chắn đo bạn có kẻ thù.

Tranh đấu với cái chắc chắn và hi vọng về những cái không chắc chắn làm sao bạn có thể trong nghỉ ngơi được? Làm sao bạn có thể được thảnh thơi, bình thản, điềm tĩnh? Nếu cái chết là kẻ thù, thế thì về căn bản toàn thể cuộc sống trở thành kẻ thù của bạn. Thế thì mọi khoảnh khắc, mọi nơi, bóng cái chết đổ xuống. Thế thì mọi khoảnh khắc, từ mọi nơi, cái chết đều vang vọng. Toàn thể cuộc sống trở thành thù địch, và bạn bắt đầu tranh đấu.

Mọi kiểu cuộc sống đều dẫn tới cái chết - cuộc sống của người nghèo, cuộc sống của người giầu, cuộc sống của thành công và cuộc sống của thất bại, cuộc sống của người trí huệ và cuộc sống của người dốt nát, cuộc sống của tội nhân và thánh nhân. Mọi loại cuộc sống, dù khác biệt đến đâu, đều dẫn tới cái chết. Làm sao bạn có thể yêu cuộc sống nếu bạn chống lại cái chết? Thế thì tình yêu của bạn không là gì ngoài sở hữu, tình yêu của bạn không là gì ngoài níu bám. Chống lại cái chết, bạn níu bám lấy cuộc sống. Nhưng bạn không hiểu rằng chính cuộc sống này đang bắc cầu sang cái chết gần như mọi ngày. Cho nên bạn đã phải chịu tận số, mọi nỗ lực của bạn đều tận số. Và thế thì lo âu nảy sinh. Bạn sống trong run rẩy và bạn trở nên bạo hành và điên khùng.

Sống và chết là một, hai mặt của cùng một hiện tượng. Khi bạn chấp nhận cái chết nhiều điều lập tức được chấp nhận. Ở làng quê, rất ít ý thức về thời gian. Thực tế, ý thức thời gian là ý thức về cái chết. Khi bạn sợ chết thì thời gian là ngắn ngủi. Với nhiều điều thế cần làm và ít thời gian thế, bạn ý thức về mọi giây trôi qua. Cuộc sống đang bị làm ngắn dần lại cho nên bạn căng thẳng, chạy quanh, làm nhiều thứ, cố tận hưởng toàn thể về nó, chạy từ chỗ này sang chỗ nọ, từ tận hưởng này sang tận hưởng khác - và chả tận hưởng được gì bởi vì bạn ý thức tới thời gian thế.Thời gian cái chết, cái chết thời gian. Càng ý thức cái chết, bạn sẽ càng ý thức thời gian. Càng ít ý thức tới cái chết, càng ít ý thức tới thời gian. Nếu bạn đã hoàn toàn hấp thu cái chết vào trong cuộc sống, ý thức về thời gian đơn giản biến mất.

Sống trong thế giới vô thời gian, đá còn hạnh phúc hơn người. Sống trong thế giới nơi cái chết không được biết tới, cây còn phúc lạc hơn người. Không phải là chúng không chết, nhưng cái chết không được biết tới. Con vật sung sướng, mở hội, chim hót, toàn thể sự tồn tại ngoại trừ con người đều vô nhận biết về cái chết một cách phúc lạc. Duy chỉ con người nhận biết về cái chết và điều đó tạo ra mọi vấn đề.

Đáng ra phải không như vậy bởi vì con người là đỉnh cao nhất, được tinh chế nhất, đỉnh của sự tồn tại - tại sao nó lại vậy với con người? Bất kì khi nào bạn đạt tới đỉnh, gần như ngay bên cạnh thung lũng trở nên sâu hơn. Đỉnh cao chỉ có thể tồn tại được với thung lũng sâu. Với đá, không có bất hạnh, không có phần thung lũng, bởi vì hạnh phúc của chúng cũng ở trên đất bằng. Con người là đỉnh, con người đã vươn lên cao, nhưng bởi vì việc vươn lên này, ngay bên cạnh có vực sâu. Bạn nhìn xuống và bạn cảm thấy nôn nao, bạn nhìn xuống và bạn cảm thấy sợ. Thung lũng là một phần của đỉnh, thung lũng không thể tồn tại mà không có đỉnh và đỉnh không thể tồn tại mà không có thung lũng. Nhưng con người đứng ở chiều cao của đỉnh nhìn xuống và cảm thấy nôn nao, choáng váng, sợ sệt, hãi hùng.
Top of Form
Bottom of Form

Con người có ý thức.Ý thức về hạnh phúc và bất hạnh. Khoảnh khắc con người trở nên có ý thức người đó trở nên có ý thức về cái kết thúc, rằng người đó sẽ chết. Người đó trở nên có ý thức về ngày mai, ý thức về thời gian, ý thức về sự trôi qua của thời gian. Thế thì chẳng mấy chốc cái kết thúc sẽ tới gần. Càng có ý thức, cái chết càng trở thành vấn đề, vấn đề duy nhất.

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2016

Chuyện Tam Quốc


Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã phân thắng bại. Kẻ thắng hân hoan ăn mừng. Người thua buồn bã, ngậm ngùi nuối tiếc. Người ta quan tâm đến đến sự kiện này vì vai trò và quyền lực to lớn của TT Mỹ đối với một nước giàu mạnh và nhiều ảnh hưởng nhất thế giới. Một số nước khác thay vì công khai cạnh tranh thì đóng chặt cửa lại để "đấu đá" nội bộ, có khi còn thủ tiêu nhau, không ai biết đã xảy ra chuyện gì, xong rồi thì lên TV dùng những lời lẽ hoa mỹ để tuyên bố là đã "thành công tốt đẹp", v.v. Các ứng viên TT Mỹ thì đấu đá nhau ngay trên truyền hình trực tiếp, phơi bày mọi chi tiết trên mạng internet toàn cầu. Họ không chỉ phê phán đường lối chính sách mà còn moi móc đủ thứ xấu xa về đời tư của nhau, thật có bịa có, cốt sao hạ uy tín đối phương và giành được nhiều phiếu bầu hơn. Nước Mỹ mới gần 250 tuổi nên là một trong những quốc gia trẻ nhất thế giới. Thế nhưng Mỹ lại là một nền dân chủ vào loại lâu đời nhất. Hiến pháp Mỹ gây được cảm hứng cho Việt Nam - một nước có cả mấy ngàn năm lịch sử và văn hóa - được trích dẫn trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa năm 1945. Nền dân chủ hơn hai thế kỷ của Mỹ hẳn phải là một trong những nguyên nhân chính giúp cho nước này thành một siêu cường trong thế kỷ 20 và có lẽ sẽ tiếp tục như thế trong thế kỷ 21. Nhưng cuộc bầu cử TT vừa qua - sự trình diễn của nên dân chủ ấy - cũng đồng thời làm hé lộ những vấn đề không nhỏ của nước Mỹ. Người ta khó hiểu vì sao một hệ thống bầu cử với quy trình đồ sộ, phức tạp, được thử thách qua hàng trăm năm, sàng đi lọc lại kỹ càng như thế lại để lọt không phải là một hạt sạn, mà là cả một cục đá to tướng và xấu xí - một "đại gia" bất động sản, ít hiểu biết chung, không kinh nghiệm chính trường, kém văn hóa, tính khí hồ đồ thất thường, một kẻ nói dối có hệ thống, thô lỗ, coi thường phụ nữ, phân biệt chủng tộc và tôn giáo, có tư tưởng phát-xít, có những ý đồ không tưởng và nguy hiểm về đối nội và đối ngoại. Phải chăng đó là một lỗi của hệ thống chính trị hai đảng Mỹ? Dân Mỹ nói chung là có dân trí khá cao, sống trong một xã hội luôn khuyến khích độc lập suy nghĩ, lại đã trải qua hàng chục cuộc bầu cử đại loại như vậy rồi nên dường như họ khá là "tỉnh đòn". Xưa nay, không chỉ ở Mỹ mà các chính trị gia ở khắp nơi, ở mọi thời đại đều hành xử đại loại như Bismarck, chính khách Đức thế kỷ 19 đã từng nói đại ý là người ta - tức là chính trị gia, các ứng viên cho vị trí được bầu - nói dối nhiều nhất là trong khi bầu cử. Những ý kiến ồn ào của cử tri Mỹ chúng ta nghe thời gian vừa qua chưa hẳn đã là phản ánh đầy đủ quan điểm của đa số dân Mỹ, cho dù đó là kết quả thăm dò dư luận bởi các tổ chức chuyên nghiệp của Mỹ. Một số nhà quan sát bây giờ mới nhận ra là có một "đám đông im lặng". Có vẻ họ không quan tâm nhiều đến những vấn đề toàn cầu về môi trường hay những lý tưởng cao cả về nhân quyền, đạo đức, chủng tộc, giàu nghèo, v.v. Họ cũng chẳng thèm để ý đến "đạo đức tác phong" của ứng viên. Cái họ quan tâm là ai có khả năng hơn để giúp - hay ít nhất là gây ít rủi ro hơn - cho thu nhập, việc làm, môi trường cho một cuộc sống yên ổn, khá giả như những ngày xưa, ít khả năng xảy ra chiến tranh, cho dù phải trả giá bằng chấp nhận phân biệt chủng tộc, tôn giáo, khoảng cách cách giàu nghèo, phân biệt nam nữ, kỳ thị dân nhập cư và người theo đạo Hồi, chống lại toàn cầu hóa với hậu quả là dân Mỹ mất việc làm, v.v. . Họ biết quan điểm của họ là không "mốt", không hợp thời, ích kỷ, thiếu nhân văn nên họ giữ im lặng để cuối cùng phát biểu bằng lá phiếu của mình. Trên đây chỉ là "chém gió" một chút góp vui thôi của một người ngoài cuộc, chứ không phải là bình luận chính trị gì cả. Chỉ ít lâu sau, cuộc sống ở Mỹ sẽ trở lại business as usual như dân họ thường nói, đại ý là như cũ, đâu vẫn hoàn đấy. Muốn biết nước Mỹ sẽ ra sao dưới sự dẫn dắt của TT mới thì phải nói như trong chuyện Tam Quốc là xem hồi sau sẽ rõ.

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2016

Cách Mạng tháng Mười Nga



99 năm trước đây, vào ngày này - 7/11/1917 - vô sản và binh lính Nga, dưới sự lãnh đạo của Lê Nin ồ ạt xông vào chiếm Cung Điện Mùa Đông ở Xanh Pê-tec-bua, khởi đầu cuộc Cách Mạng Tháng Mười, lập lên một nhà nước của người vô sản, công nhân và nông dân. Từ đó, người ta đã xây dựng đất nước này với một niềm tin gần như vô bờ bến vào chủ nghĩa cộng sản, bằng mồ hôi và xương máu của hàng triệu người, bằng cách xóa bỏ thị trường và sở hữu tư nhân và thay bằng một hệ thống kinh tế theo kế hoạch được thống nhất chỉ huy bởi chính phủ trung ương, bằng quyền lực độc tài, bằng một bộ máy kiểm soát gắt gao mọi hoạt động của xã hội, bằng sự chịu đựng bền bỉ của hàng triệu người, bằng hy vọng rằng tương lai sẽ tốt đẹp hơn, bằng một hệ thống tuyên truyền, giáo dục trong nhà trường, bằng văn thơ, âm nhạc, nghệ thuật và bằng bất cứ biện pháp nào người ta có thể nghĩ ra. Thế nhưng, bất chấp những cố gắng khổng lồ đó, vào năm 1991, Liên Bang Xô Viết bỗng nhiên sụp đổ tan tành. Một điều trớ trêu là khi người ta hạ lá cờ đỏ búa liềm ở trung tâm Mạc Tư Khoa, không một ai xuống đường, không người nào tới để bảo vệ lá cờ một thời là biểu tượng thiêng liêng đó. Có lẽ vì người ta nhận ra rằng người ta đã sống trong một giấc mơ dài. Bây giờ, khi đã tỉnh dậy, người ta hiểu rằng sẽ là vô ích khi cố níu kéo giấc mơ đó. Giả sử Liên Xô còn tồn tại cho đến hôm nay để kỷ niệm 99 năm ngày Cách Mạng Tháng Mười, có thể sẽ có ai đó tán dương rằng Liên Xô và Cách Mạng Tháng Mười là bằng chứng cho giá trị vĩnh cửu của chủ nghĩa cộng sản, bởi vì con số 99 là cửu cửu - có nghĩa là vĩnh cửu. Thế nhưng câu chuyện về Liên Xô chỉ là thêm một bằng chứng lịch sử hiện đại cho một sự thật cổ xưa là mọi sự đều biến đổi. Chẳng có gì là mãi mãi.