Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

Tản mạn ngày cuối năm



Mới hôm nào, cả thế giới còn bàng hoàng xúc động trước hình ảnh một em bé tỵ nạn mới 3 tuổi từ Syria trôi dạt vào bở biển Thổ Nhĩ Kỳ rồi nằm úp mặt trên bờ cát. Sự kiện đó như giọt nước cuối cùng làm tràn ra sự thương cảm của người dân châu Âu trước số phận bi thảm của hàng triệu người tị nạn chiến tranh. Thế là nước Đức, rồi sau đó là một số nước khác rộng mở cánh tay, tấm lòng và hầu bao để đón nhận hàng triệu người tỵ nạn. Nhưng rồi chẳng bao lâu sau, họ phải chịu những hậu quả cay đắng và thảm khốc. Những cuộc thảm sát bằng một loại vũ khí mới theo một phương thức mới khó có gì ngăn cản được: những chiếc xe tải - bình thường như tất cả những chiếc xe khác, trừ đầu óc của kẻ lái xe - chạy hết tốc lực, lao thẳng vào và cày nát một đám đông! Đó chính là những gì đã xảy ra ở Nice, ngay vừa rồi lại lặp lại ở chợ Noel Berlin. Cũng vào dịp này năm ngoái, hàng trăm cô gái Đức bị tấn công tình dục trong lúc họ đang vui mừng đón năm mới tại một quảng trường ở Cologne và một số thành phố khác bởi những đám đông thanh niên mà nhiều người trong đó lại vừa mới đến theo diện tị nạn. Bà thủ tướng Angela Merkel, một chính trị gia lão luyện hẳn phải đã tính đến khả năng xảy ra những chuyện như thế khi quyết định mở cửa nước Đức cho người tị nạn.  Bà biết có thể vấp phải sự phản đối của dân, các lực lượng đối lập, rủi ro cho sự nghiệp chính trị của mình. Nhưng có thể bà cũng nghĩ đến những điều khủng khiếp - có lẽ không còn gì khủng khiếp hơn - mà nước Đức đã gây ra cho loài người trong Thế Chiến 2. Và bà có thể đã nhìn thấy một cơ hội để nước Đức làm một điều gì tốt đẹp cho loài người, cho dù bà có thể mất ghế thủ tướng. Nhưng sau quá nhiều những điều tệ hại xảy ra, dân Đức và các nước châu Âu khác bắt đầu hết kiên nhẫn với dân tị nạn. Họ bắt đầu quay sang ủng hộ những xu hướng dân tộc chủ nghĩa, hẹp hòi, thậm chí là cực hữu. Có lẽ cũng vì thế mà đa số dân Anh, đa phần là người lớn tuổi đã bỏ phiếu để ra khỏi EU, để dần thoát ra khỏi những nghĩa vụ quốc tế. để tập trung vào vun đắp cho nước Anh. Ở bên kia đại dương, một người phụ nữ khác - bà Hilary Clinton - tưởng chừng như chắc chắn sẽ làm nên lịch sử khi trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ. Ấy thế mà sự bất ngờ nhất lại xảy ra: bà đã thua vì không vượt qua được một người đàn ông, một kẻ phân biệt chủng tộc và coi thường phụ nữ. Người phụ nữ chỉ mạnh hơn đàn ông khi họ có nhiều nữ tính, chứ không phải cố để có nhiều nam tính hơn. Giá mà bà có ít nhiều nữ tính của Marilyn Monroe thì có lẽ không phải chỉ nước Mỹ, mà cả thế giới sẽ bầu cho bà. Ở viễn đông thì nước Trung Hoa vẫn ráo riết theo đuổi giấc mơ siêu cường. Họ tự tin thế vì nhìn quanh khu vực thì hầu như không có nước nào đủ khả năng đối đầu với họ. Châu Âu thì còn đang vướng bận những vấn đề của họ. Nước Nga to lớn đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế do cấm vận của Phương Tây nên họ cần TQ để giảm bớt ảnh hưởng của Mỹ và Tây Âu. Chỉ còn lại Mỹ là cường quốc có thể đối đầu với TQ. Nhưng Mỹ có ra tay ngăn chặn TQ hay không thì chưa rõ. Vị tổng thống vừa trúng cử lại có vẻ không mặn mà với chính sách "xoay trục sang châu Á" của vị tổng thống sắp mãn nhiệm. Có vẻ ông ta muốn giảm dần sự hiện diện và can thiệp vào các nơi khác để tập trung quan tâm vào nước Mỹ để Make America Great Again - khẩu hiệu tranh cử của ông ta - tạm dịch là "làm cho nước Mỹ lại vĩ đại trở lại". Một vài nước Đông Nam Á đang tỏ ra ngả theo TQ vì yếu thế và/hoặc bị mua chuộc. Các nước còn lại sẽ lâm vào một tình thế khó khăn hơn trước một TQ to lớn hùng mạnh đang hung hăng bành trướng với quyết tâm nuốt trọn vùng biển Đông Nam Á. Ngoảnh đi ngoảnh lại, một năm nữa lại sắp qua đi. Đêm nay ở khắp nơi trên thế giới người ta sẽ lại bắn pháo hoa mừng năm mới, nâng cốc chúc nhau một năm mới tốt đẹp hơn. Năm qua, cũng như nhiều năm trước, nhiều chuyện cả hay lẫn dở đã xảy ra trên thế giới, trong mỗi gia đình, với mỗi con người. Nhưng rồi thì cũng vẫn thế, nghĩa là mọi chuyện rồi sẽ qua đi, trôi vào dĩ vãng, vào lãng quên, để nhường chỗ cho những chuyện mới hơn. Hôm qua trời Hà Nội xanh thẳm, rực sáng vui tươi dưới nắng ấm, mát rượi trong làn gió lạnh phương bắc. Hôm nay trời lại xầm xì buồn tẻ. Nhưng mai sẽ lại khác. Cuộc sống trên Trái Đất là một sự trình diễn to lớn, lộn xộn và bất tận của Tạo Hóa. Con người từ xưa tới giờ thì cứ cố tìm câu trả lời cho muôn vàn câu hỏi tại sao. Nhưng liệu có bao giờ con người hiểu được Tạo Hóa không?          

Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2016

Một niềm tin



Khi Thế Chiến 2 kết thúc, cả bên thua lẫn bên thắng đều kiệt quệ. Chỉ có nước Mỹ là hùng mạnh hơn lên do không bị tàn phá và do sản xuất trong nước phát triển vượt bậc để phục vụ chiến tranh. Ở Bắc Việt Nam khoảng cuối những năm 50 - đầu 60 có bài thơ sau:

Một tay xách bị Đô-la
Tay bom nguyên tử giơ ra dọa người
Lê la khắp vòm trời kiếm chác
Thằng Mỹ đi buôn nước hại dân

Lúc đó Mỹ gần như là siêu cường duy nhất, "làm mưa làm gió" khắp thế giới. Châu Mỹ La-tinh, vùng Ca-ri-bê được coi là sân sau của Mỹ. Nước nào chịu thuần phục thì Mỹ để yên. Nếu chống lại thì Mỹ cho CIA lật đổ và thay vào đó một chính phủ theo Mỹ. Cuba cho tới những năm 50 thế kỷ trước là nơi tư bản Mỹ làm ăn với sự bảo trợ của chế độ độc tài thân Mỹ. Với thủ đô Habana có kiến trúc thuộc địa lộng lẫy, Cuba là nơi lý tưởng cho dân Mỹ, nhất là giới nhà giàu, tài phiệt, các ngôi sao giải trí, mafia sang ăn chơi ở những bãi biển nhiệt đới, casino, vũ trường và hộp đêm. Trong khi đó, phần lớn dân Cuba sống trong nghèo khổ. Cuba từng đấu tranh lâu dài trong thế kỷ 19 dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc Jose Marti, giành được độc lập từ thực dân Tây Ban Nha, chỉ để rồi lại thoái hóa thành ra một "thuộc địa kiểu mới", một xứ "nhà thổ" của Mỹ. Chàng trai trẻ Fidel Castro đã sớm nhận ra những điều trớ trêu, cay đắng đó. Làm gì để xóa bỏ bất công xã hội? xóa bỏ cái lối "người bóc lột người"? để tất cả mọi người có việc làm, có cơm ăn áo mặc, có nhà ở, được học hành và chữa bệnh? để được sống có nhân phẩm con người? Đó là những câu hỏi mà những thanh niên có lý tưởng nhân văn ở đâu cũng đều tự hỏi mình. Ở đầu thế kỷ 20, họ tìm tòi những tư tưởng mới giải thích sự bất công xã hội, quan sát những gì đang xảy ra trên giới. Thời đó, có lẽ ít ai giải thích các vấn đề của xã hội loài người một cách thuyết phục hơn là Karl Marx. Trong bộ sách đồ sộ Das Kapital mà các nhà cách mạng Việt Nam tiền bối dịch là Tư Bản, Marx giải thích sự bất công của xã hội loài người. Đó là do một số ít người sở hữu được tư liệu sản xuất, như hầm mỏ, nhà máy, đất đai - gọi là tư bản - bóc lột lao động của đại đa số những người không có tư liệu sản xuất như thợ mỏ, công nhân, nông dân - gọi là vô sản. Cách xóa bỏ sự bất công đó là vô sản ở tất cả các nước trên thế giới phải đoàn kết lại để làm cách mạng, giành lấy chính quyền từ nhà nước tư bản. Sau đó nhà nước vô sản sở hữu toàn bộ tư liệu sản xuất, thực hiện một nền kinh tế theo kế hoạch do nhà nước chỉ huy và chia đều mọi lợi ích thu được cho toàn dân. Theo tư tưởng đó, lãnh tụ của vô sản Nga là Lenin đã thực hiện thành công cuộc Cách Mạng Tháng Mười Nga, xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên là Liên Bang Xô Viết. Nước Nga từ một nước nông nghiệp lạc hậu nhanh chóng trở thành một siêu cường công nghiệp và quân sự, đánh bại âm mưu nô dịch thế giới của Đức Quốc Xã. Tư tưởng Marx - Lenin, thực tế cách mạng Nga và nhà nước Liên Xô đã trở thành nguồn cảm hứng to lớn cho những thanh niên có lý tưởng công bằng xã hội chống lại áp bức bất công của tư bản và thực dân ở khắp nơi trên thế giới. Năm 1959, Fidel cùng các đồng chí của mình như Che Guevara làm cuộc cách mạng Cuba, lật đổ chế độ độc tài thân Mỹ, đưa Cuba đi theo con đường cộng sản. Lý tưởng của ông về một xã hội công bằng - ít nhất là về giáo dục và y tế - đã đạt được những thành tựu xuất sắc được thế giới công nhận. Nhưng Cuba - cũng tất cả các nước XHCN khác - đã gặp phải trở ngại hầu như không thể vượt qua về mặt kinh tế. Nhưng có lẽ Fidel tin rằng khó khăn kinh tế của Cuba chủ yếu là do bị Mỹ cấm vận, chứ không hẳn là lỗi của hệ thống. Kể cả sau khi các nước XHCN Đông Âu sụp đổ hàng loạt, cuối cùng thì chính cả Liên Bang Xô Viết cũng sụp đổ vào năm 1991, Fidel dường như vẫn kiên trì đường lối của mình. Có lẽ không phải là vì ông đã đi quá xa trên con đường lý tưởng và không thể quay lại? Phải chăng đối với ông, từ bỏ CNXH để quay sang kinh tế thị trường, dù có lý giải thế nào và gọi là gì đi nữa thì thực chất vẫn là theo tư bản, là đi ngược lại niềm tin của mình? Chắc hẳn ông đã phải trăn trở lắm khi thấy cuộc sống của nhân dân mình thiếu thốn đến cả thực phẩm và những đồ dùng thiết yếu hàng ngày, ở chen chúc trong những căn nhà chật chội, cũ nát, không có nước. Ông hẳn phải hiểu rõ rằng nếu từ bỏ con đường mình đã chọn để đi theo con đường tư bản thì đời sống của nhân dân có thể sẽ khá lên. Nhưng Cuba cũng sẽ nhanh chóng trở lại như xưa, nghĩa là sẽ lại là xứ ăn chơi đàng điếm cho người ngoại quốc, sẽ lại là xứ "nhà thổ", mà lần này thì không chỉ cho Mỹ mà cho toàn thế giới.  Phải chăng bởi vì ông là một người cộng sản có niềm tin mạnh mẽ nhất? Nếu không thì làm sao ông có thể trở thành một diễn giả hùng biện bậc nhất thế giới, có thể nói rất lôi cuốn và liên tục nhiều giờ mà không dùng một tờ giấy viết sẵn nào? Là lãnh đạo tối cao một nước đến nửa thế kỷ, ông đã có thể biến thành một thứ lãnh tụ thần thánh cho hàng triệu người sùng bái lắm chứ? Ông đã có thể để cho dựng tượng mình la liệt ở khắp mọi nơi, những tượng đồng phơi những lối mòn, như nhà thơ Tố Hữu đã từng bóng gió ám chỉ những bức tượng Mao ở TQ thời Cách mạng Văn Hóa ? Rồi là cho xuất bản những cuốn sách chứa những lời răn dạy của mình trong mấy chục năm để toàn dân làm cẩm nang giải quyết mọi vấn đề hay để tụng đọc như kinh thánh? Ấy là chưa nói còn có thể tranh thủ vơ vét cho bản thân và gia đình hàng tỷ Đô-la gửi vào ngân hàng nước ngoài phòng khi thất thế, về hưu hay tuổi già? Hoặc giả sắp xếp để cho con rồi cháu "nối ngôi" mình mà làm vua đời này sang đời khác? Có thể Fidel là một người mang chất cộng sản thuần khiết trong máu thịt nên ông không chấp nhận những cái lối tha hóa của quyền lực với những biểu hiện như trên, những thứ mà ông đã dành cả đời mình để chống lại vì chúng hoàn toàn đi ngược lại niềm tin và nguyên tắc của ông.  Hoặc giả ông đã sống rất lâu, nhìn thấy bao cuộc "bể dâu", thăng trầm của bao nhiêu nước và các nhà lãnh đạo - cộng sản và không cộng sản - suy ngẫm tỉnh táo, không bị lú lẫn bởi quyền lực nên hẳn ông đã hiểu ra lẽ "vô thường" của Phật. Chẳng có cách gì trong những cách trên có thể làm một ông vua, một vị tổng thống, một vị lãnh tụ, v.v. thành người được dân "đời đời kính yêu" và trở thành bất tử được. Stalin khi còn sống là lãnh tụ kính yêu của dân Nga và cộng sản toàn thế giới. Khi mất, hàng triệu người đã khóc thương ông. Nhưng rồi chẳng bao lâu sao, chính các đồng chí của ông đã lên án sự sùng bái cá nhân ông, rồi dần dần công khai những tài liệu về việc trong thời gian cầm quyền, ông đã cho bắt bớ, giam cầm, giết hại những người bất đồng chính kiến trong đó có nhiều đồng chí của mình. Sự thật lịch sử về Fidel thế nào thì sớm muộn rồi cũng sẽ được biết. Dù thế nào đi nữa thì Fidel là một trong những nhân vật nổi bật nhất của lịch sử thế giới thế kỷ 20. Ông lớn hơn tầm cỡ của nước Cuba nhỏ bé nhiều. Người ta có thể không ưa ông. Nhưng không ai có thể coi thường ông. Suốt nửa thế kỷ, ông đối đầu siêu cường số 1 thế giới là Mỹ, nước chỉ cách Cuba có 90 dặm. Suốt nửa thế kỷ đó, trải qua 10 đời tổng thống Mỹ, CIA đã hàng trăm lần tiến hành mưu sát ông mà đều thất bại. Cuối năm 1946, trước nguy cơ "ngàn cân treo sợi tóc" là đất nước vừa giành được độc lập lại một lần nữa mất vào tay người Pháp, chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn dân "thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ". Ngoài vũ khí chủ yếu là tinh thần hy sinh vô bờ bến ấy ra, nước Việt Nam DCCH non trẻ, với quân đội nhỏ bé, chưa qua huấn luyện, vũ khí ít ỏi thô sơ thì lấy gì mà chống lại được đội quân viễn chinh nhà nghề của Pháp, được trang bị những vũ khí hiện đại nhất của Mỹ thời ấy? Năm 1962, nước Cuba XHCN non trẻ cũng phải đối mặt với nguy cơ một cuộc xâm lược toàn diện của Mỹ. Fidel Castro có ít lựa chọn lắm. Nếu đối đầu tay đôi thì khả năng thắng được Mỹ là mỏng manh lắm. Vậy làm thế nào có thể ngăn chặn được Mỹ? Có thể cũng trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn này mà Fidel đã đi đến một quyết định lịch sử gây tranh cãi suốt nửa thế kỷ qua: cho phép Liên Xô đưa tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vào Cuba nhằm mục đích răn đe và ngăn chặn cuộc xâm lược Cuba. Ông hẳn phải hiểu rõ lắm rằng nếu chẳng may mà cuộc đối đầu hạt nhân xảy ra - mà lúc đó các tên lửa của cả hai bên đã sẵn sàng trên bệ phóng rồi - thì nước Cuba sẽ bị xóa sạch khỏi bản đồ đầu tiên để mở đầu cho cuộc chiến tranh hủy diệt toàn cầu bằng hạt nhân. Nếu không thì ông chỉ còn một lựa chọn nữa: đầu hàng. Đó là điều mà ông không bao giờ chấp nhận. Đó có lẽ là lý do mà khẩu hiệu Patria o Muerte - Tổ Quốc hay là Chết là điều mà Fidel và nhiều người dân Cuba tâm niệm suốt hàng chục năm qua.  Cuối cùng, vào tháng 3 năm 2016, tổng thống Mỹ Obama có chuyến thăm lịch sử tới Cuba, chấm dứt cuộc bao vây hơn nửa thế kỷ của Mỹ. Có người cho rằng chủ nghĩa cộng sản giống như một tôn giáo của thế kỷ 20. Điều này có lẽ phần nào đúng. Hàng triệu công nhân, nông dân và binh lính Nga năm 1917 đi theo Lenin làm cuộc cách mạng vô sản Nga chủ yếu vì niềm tin vào lãnh tụ Lenin và một cuộc sống tốt đẹp hơn sau cách mạng. Cũng tương tự như vậy đối với hàng triệu nông dân Trung Quốc khi họ đi theo Mao Trạch Đông. Điều này có vẻ giống như việc các tín đồ Thiên Chúa Giáo theo Chúa Giê-su vì tin rằng sẽ được lên thiên đàng, có cuộc sống sung sướng vĩnh cửu ở đó. Niềm tin giản dị ấy có thể làm cho những người theo cách mạng thời kỳ còn chưa giành được chính quyền chịu đựng khó khăn và hy sinh vô điều kiện cho cách mạng, giống như tử vì đạo vậy. Đa số họ rất ít học, có khi còn chưa biết chữ. Ngay cả người có học và có ý định đọc Tư Bản của Marx và các tác phẩm của Lenin thì cũng khó lòng mà hiểu được vì nó quá đồ sộ và quá khó. Nhưng Fidel là một trí thức, với một đầu óc có lẽ cực kỳ thông minh. Ông hẳn đã đọc Marx và Lenin và có lẽ ông hiểu nhiều và rõ hơn không chỉ đa số chúng ta mà còn hơn cả nhiều người tự cho mình là người theo Marx và Lenin. Có lẽ vì thế mà niềm tin của ông có cơ sở hơn, vững chắc hơn. Nhưng có lẽ cũng không thể thiếu được một niềm tin vô bờ bến. Xét theo cả hai cách thì ông là người có niềm tin mạnh mẽ và có ý thức nhất, như chính ông đã từng tuyên bố:

Tôi là một người Marxist - Leninist. Tôi sẽ là người như vậy cho tới ngày cuối cùng của đời mình.

Và ông đã giữ đúng lời hứa. Tro cốt của ông được đưa vào một tảng đá cuội, với một dòng chữ duy nhất: Fidel. Biểu tượng cuối cùng này cũng giản dị như lối sống và vững chắc như niềm tin của ông vậy.

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2016

Luật Vĩnh Hằng



Người Việt xưa có câu: "Ngu si hưởng thái bình". Có lẽ chẳng ai muốn là ngu si. Cho nên ít người được bình yên. Osho là một trong số ít những triết gia lớn nhất của thế kỷ 20. Có lẽ ông là người hiểu được triết lý đó. Nó có nguồn gốc từ Đạo của Lão Tử, một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của loài người. Sau đây là trích đoạn một bài nói của Osho về cái chết, trích từ tác phẩm Đạo - Ba Kho Báu.  

Chết là định mệnh. Nó phải thế bởi vì nó là nguồn gốc. Bạn tới từ cái chết và bạn đi tới cái chết. Sống chỉ là khoảnh khắc giữa hai cái không. Nếu chết là định mệnh, thế thì toàn thể cuộc sống trở thành việc chuẩn bị, huấn luyện cho nó - một bộ môn về cách chết đúng và cách chết một cách toàn bộ và tuyệt đối. Toàn thể cuộc sống bao gồm việc học cách chết. Nhưng một quan niệm sai về chết đã đi vào nhân loại, quan niệm rằng chết là kẻ thù. Đây là cơ sở của mọi quan niệm sai, và đây là cơ sở của nhân loại đi lạc lối khỏi luật vĩnh hằng.

Con người coi chết là kẻ thù của sống, cứ như chết có đó để phá huỷ sống, cứ như chết chống lại sống. Nếu đây là quan niệm thì tất nhiên bạn phải tranh đấu với cái chết, và sống trở thành nỗ lực để sống sót qua chết. Thế thì bạn đang đấu tranh chống lại cội nguồn riêng của mình, bạn đang đấu tranh chống lại định mệnh của mình, bạn đang đấu tranh chống lại cái gì đó sẽ xảy ra. Toàn thể cuộc đấu tranh này là ngớ ngẩn bởi vì chết không thể né tránh.

Nếu như nó là cái gì đó bên ngoài bạn, nó có thể được tránh né, nhưng nó ở bên trong. Bạn mang nó từ chính khoảnh khắc bạn được sinh ra. Bạn bắt đầu chết đi thực sự khi bạn bắt đầu thở, vào cùng khoảnh khắc đó. Nói rằng chết tới ở chỗ cuối là không đúng. Nó bao giờ cũng ở cùng với bạn từ lúc bắt đầu. Nó là một phần của bạn, nó là trung tâm bên trong nhất của bạn, nó phát triển cùng bạn, và một ngày nào đó nó đi tới cao trào, một ngày nào đó nó đi tới nở hoa. Chết đã phát triển bên trong bạn mọi lúc, bây giờ nó đã đạt tới đỉnh. Một khi chết đạt tới đỉnh bạn lại biến mất vào trong cội nguồn.

Nhưng con người có thái độ sai và thái độ sai đó tạo ra vật lộn, tranh đấu, bạo hành. Người nghĩ rằng chết là chống lại sống không bao giờ có thể bất bạo hành được. Điều đó là không thể được. Người nghĩ rằng chết là kẻ thù không bao giờ có thể thoải mái, như ở nhà. Làm sao bạn có thể thoải mái khi kẻ thù đang chờ đợi bạn mọi khoảnh khắc? Nó sẽ nhảy lên bạn và phá huỷ bạn, và bóng của chết bao giờ cũng trùm lên bạn. Nó có thể xảy ra vào bất kì khoảnh khắc nào. Làm sao bạn có thể nghỉ ngơi khi cái chết có đó? Làm sao bạn có thể thảnh thơi được? Kẻ thù sẽ không cho phép bạn thảnh thơi.

Do đó mới có căng thẳng, lo âu, phiền não của nhân loại. Bạn càng tranh đấu với cái chết, bạn sẽ càng trở nên đầy lo âu. Đó là hệ quả tự nhiên. Nếu bạn tranh đấu với cái chết bạn biết rằng bạn sẽ bị thất bại. Làm sao bạn có thể hạnh phúc với cuộc sống sẽ đi tới kết thúc trong thất bại? Bạn biết rằng bất kì nỗ lực nào, chẳng cái gì sẽ thành công chống lại cái chết. Sâu bên dưới bạn chắc chắn chỉ mỗi một điều và đó là cái chết. Trong cuộc sống mọi thứ khác đều không chắc chắn, chỉ cái chết là chắc chắn. Chỉ có một chắc chắn, và trong chắc chắn đo bạn có kẻ thù.

Tranh đấu với cái chắc chắn và hi vọng về những cái không chắc chắn làm sao bạn có thể trong nghỉ ngơi được? Làm sao bạn có thể được thảnh thơi, bình thản, điềm tĩnh? Nếu cái chết là kẻ thù, thế thì về căn bản toàn thể cuộc sống trở thành kẻ thù của bạn. Thế thì mọi khoảnh khắc, mọi nơi, bóng cái chết đổ xuống. Thế thì mọi khoảnh khắc, từ mọi nơi, cái chết đều vang vọng. Toàn thể cuộc sống trở thành thù địch, và bạn bắt đầu tranh đấu.

Mọi kiểu cuộc sống đều dẫn tới cái chết - cuộc sống của người nghèo, cuộc sống của người giầu, cuộc sống của thành công và cuộc sống của thất bại, cuộc sống của người trí huệ và cuộc sống của người dốt nát, cuộc sống của tội nhân và thánh nhân. Mọi loại cuộc sống, dù khác biệt đến đâu, đều dẫn tới cái chết. Làm sao bạn có thể yêu cuộc sống nếu bạn chống lại cái chết? Thế thì tình yêu của bạn không là gì ngoài sở hữu, tình yêu của bạn không là gì ngoài níu bám. Chống lại cái chết, bạn níu bám lấy cuộc sống. Nhưng bạn không hiểu rằng chính cuộc sống này đang bắc cầu sang cái chết gần như mọi ngày. Cho nên bạn đã phải chịu tận số, mọi nỗ lực của bạn đều tận số. Và thế thì lo âu nảy sinh. Bạn sống trong run rẩy và bạn trở nên bạo hành và điên khùng.

Sống và chết là một, hai mặt của cùng một hiện tượng. Khi bạn chấp nhận cái chết nhiều điều lập tức được chấp nhận. Ở làng quê, rất ít ý thức về thời gian. Thực tế, ý thức thời gian là ý thức về cái chết. Khi bạn sợ chết thì thời gian là ngắn ngủi. Với nhiều điều thế cần làm và ít thời gian thế, bạn ý thức về mọi giây trôi qua. Cuộc sống đang bị làm ngắn dần lại cho nên bạn căng thẳng, chạy quanh, làm nhiều thứ, cố tận hưởng toàn thể về nó, chạy từ chỗ này sang chỗ nọ, từ tận hưởng này sang tận hưởng khác - và chả tận hưởng được gì bởi vì bạn ý thức tới thời gian thế.Thời gian cái chết, cái chết thời gian. Càng ý thức cái chết, bạn sẽ càng ý thức thời gian. Càng ít ý thức tới cái chết, càng ít ý thức tới thời gian. Nếu bạn đã hoàn toàn hấp thu cái chết vào trong cuộc sống, ý thức về thời gian đơn giản biến mất.

Sống trong thế giới vô thời gian, đá còn hạnh phúc hơn người. Sống trong thế giới nơi cái chết không được biết tới, cây còn phúc lạc hơn người. Không phải là chúng không chết, nhưng cái chết không được biết tới. Con vật sung sướng, mở hội, chim hót, toàn thể sự tồn tại ngoại trừ con người đều vô nhận biết về cái chết một cách phúc lạc. Duy chỉ con người nhận biết về cái chết và điều đó tạo ra mọi vấn đề.

Đáng ra phải không như vậy bởi vì con người là đỉnh cao nhất, được tinh chế nhất, đỉnh của sự tồn tại - tại sao nó lại vậy với con người? Bất kì khi nào bạn đạt tới đỉnh, gần như ngay bên cạnh thung lũng trở nên sâu hơn. Đỉnh cao chỉ có thể tồn tại được với thung lũng sâu. Với đá, không có bất hạnh, không có phần thung lũng, bởi vì hạnh phúc của chúng cũng ở trên đất bằng. Con người là đỉnh, con người đã vươn lên cao, nhưng bởi vì việc vươn lên này, ngay bên cạnh có vực sâu. Bạn nhìn xuống và bạn cảm thấy nôn nao, bạn nhìn xuống và bạn cảm thấy sợ. Thung lũng là một phần của đỉnh, thung lũng không thể tồn tại mà không có đỉnh và đỉnh không thể tồn tại mà không có thung lũng. Nhưng con người đứng ở chiều cao của đỉnh nhìn xuống và cảm thấy nôn nao, choáng váng, sợ sệt, hãi hùng.
Top of Form
Bottom of Form

Con người có ý thức.Ý thức về hạnh phúc và bất hạnh. Khoảnh khắc con người trở nên có ý thức người đó trở nên có ý thức về cái kết thúc, rằng người đó sẽ chết. Người đó trở nên có ý thức về ngày mai, ý thức về thời gian, ý thức về sự trôi qua của thời gian. Thế thì chẳng mấy chốc cái kết thúc sẽ tới gần. Càng có ý thức, cái chết càng trở thành vấn đề, vấn đề duy nhất.

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2016

Chuyện Tam Quốc


Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã phân thắng bại. Kẻ thắng hân hoan ăn mừng. Người thua buồn bã, ngậm ngùi nuối tiếc. Người ta quan tâm đến đến sự kiện này vì vai trò và quyền lực to lớn của TT Mỹ đối với một nước giàu mạnh và nhiều ảnh hưởng nhất thế giới. Một số nước khác thay vì công khai cạnh tranh thì đóng chặt cửa lại để "đấu đá" nội bộ, có khi còn thủ tiêu nhau, không ai biết đã xảy ra chuyện gì, xong rồi thì lên TV dùng những lời lẽ hoa mỹ để tuyên bố là đã "thành công tốt đẹp", v.v. Các ứng viên TT Mỹ thì đấu đá nhau ngay trên truyền hình trực tiếp, phơi bày mọi chi tiết trên mạng internet toàn cầu. Họ không chỉ phê phán đường lối chính sách mà còn moi móc đủ thứ xấu xa về đời tư của nhau, thật có bịa có, cốt sao hạ uy tín đối phương và giành được nhiều phiếu bầu hơn. Nước Mỹ mới gần 250 tuổi nên là một trong những quốc gia trẻ nhất thế giới. Thế nhưng Mỹ lại là một nền dân chủ vào loại lâu đời nhất. Hiến pháp Mỹ gây được cảm hứng cho Việt Nam - một nước có cả mấy ngàn năm lịch sử và văn hóa - được trích dẫn trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa năm 1945. Nền dân chủ hơn hai thế kỷ của Mỹ hẳn phải là một trong những nguyên nhân chính giúp cho nước này thành một siêu cường trong thế kỷ 20 và có lẽ sẽ tiếp tục như thế trong thế kỷ 21. Nhưng cuộc bầu cử TT vừa qua - sự trình diễn của nên dân chủ ấy - cũng đồng thời làm hé lộ những vấn đề không nhỏ của nước Mỹ. Người ta khó hiểu vì sao một hệ thống bầu cử với quy trình đồ sộ, phức tạp, được thử thách qua hàng trăm năm, sàng đi lọc lại kỹ càng như thế lại để lọt không phải là một hạt sạn, mà là cả một cục đá to tướng và xấu xí - một "đại gia" bất động sản, ít hiểu biết chung, không kinh nghiệm chính trường, kém văn hóa, tính khí hồ đồ thất thường, một kẻ nói dối có hệ thống, thô lỗ, coi thường phụ nữ, phân biệt chủng tộc và tôn giáo, có tư tưởng phát-xít, có những ý đồ không tưởng và nguy hiểm về đối nội và đối ngoại. Phải chăng đó là một lỗi của hệ thống chính trị hai đảng Mỹ? Dân Mỹ nói chung là có dân trí khá cao, sống trong một xã hội luôn khuyến khích độc lập suy nghĩ, lại đã trải qua hàng chục cuộc bầu cử đại loại như vậy rồi nên dường như họ khá là "tỉnh đòn". Xưa nay, không chỉ ở Mỹ mà các chính trị gia ở khắp nơi, ở mọi thời đại đều hành xử đại loại như Bismarck, chính khách Đức thế kỷ 19 đã từng nói đại ý là người ta - tức là chính trị gia, các ứng viên cho vị trí được bầu - nói dối nhiều nhất là trong khi bầu cử. Những ý kiến ồn ào của cử tri Mỹ chúng ta nghe thời gian vừa qua chưa hẳn đã là phản ánh đầy đủ quan điểm của đa số dân Mỹ, cho dù đó là kết quả thăm dò dư luận bởi các tổ chức chuyên nghiệp của Mỹ. Một số nhà quan sát bây giờ mới nhận ra là có một "đám đông im lặng". Có vẻ họ không quan tâm nhiều đến những vấn đề toàn cầu về môi trường hay những lý tưởng cao cả về nhân quyền, đạo đức, chủng tộc, giàu nghèo, v.v. Họ cũng chẳng thèm để ý đến "đạo đức tác phong" của ứng viên. Cái họ quan tâm là ai có khả năng hơn để giúp - hay ít nhất là gây ít rủi ro hơn - cho thu nhập, việc làm, môi trường cho một cuộc sống yên ổn, khá giả như những ngày xưa, ít khả năng xảy ra chiến tranh, cho dù phải trả giá bằng chấp nhận phân biệt chủng tộc, tôn giáo, khoảng cách cách giàu nghèo, phân biệt nam nữ, kỳ thị dân nhập cư và người theo đạo Hồi, chống lại toàn cầu hóa với hậu quả là dân Mỹ mất việc làm, v.v. . Họ biết quan điểm của họ là không "mốt", không hợp thời, ích kỷ, thiếu nhân văn nên họ giữ im lặng để cuối cùng phát biểu bằng lá phiếu của mình. Trên đây chỉ là "chém gió" một chút góp vui thôi của một người ngoài cuộc, chứ không phải là bình luận chính trị gì cả. Chỉ ít lâu sau, cuộc sống ở Mỹ sẽ trở lại business as usual như dân họ thường nói, đại ý là như cũ, đâu vẫn hoàn đấy. Muốn biết nước Mỹ sẽ ra sao dưới sự dẫn dắt của TT mới thì phải nói như trong chuyện Tam Quốc là xem hồi sau sẽ rõ.