Tổng số lượt xem trang

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2019

Bài học cho mọi người


Vừa rồi có một phim tài liệu mới của Mỹ về chiến tranh Việt Nam. Phim khá lớn, dài 10 tập, xem mất 18 giờ và mất tới 10 năm để hoàn thành. Cuộc chiến VN đã kết thúc cách đây gần nửa thế kỷ rồi. Trong khoảng thời gian này, người Mỹ và phương tây đã làm không biết bao nhiêu bộ phim về cuộc chiến này. Năm 1980 đã từng có một phim dài tới 26 tập của một đạo diễn Canada. Biết rồi, khổ lắm, nói mãi là câu người Việt có thể nói về chuyện này. Nhưng đối với người Mỹ, cuộc chiến này quá dài, quá phức tạp, quá khổ đau, quá nhiều mất mát, chia rẽ, tranh cãi và nhiều thứ quá nữa đến mức họ khó có thể ngừng suy ngẫm về nó. Có một điều tưởng như là nghịch lý. Ấy là càng lùi xa về quá khứ, sự việc dường như lại rõ hơn. Những phim trước kia chỉ nói về người Mỹ. Phim này nói nhiều cả về người Việt, nhất là những người từng bị coi là “kẻ thù đáng ghét nhất” – Việt Cộng và lính Bắc Việt. Có 2 tuyến nhân vật – một bên là Mỹ, bên kia là Việt – là người thật, bằng xương thịt, có tên tuổi, có câu chuyện cuộc đời họ, có lời họ nói. Đó là chuyện thật chứ không phải là Rambo, một lính Mỹ tưởng tượng hồi đầu sau chiến tranh, một anh lính Bắc Việt vô hồn, hay một anh Việt Cộng sắt đá . Là “người thật, việc thật” nên nó sinh động, đôi khi thật cảm động. Một bà mẹ Mỹ có con ra chiến trường thì cũng chẳng khác gì bà mẹ Việt, cũng mòn mỏi đêm ngày mong ngóng tin con. Thanh niên Mỹ lứa tuổi 18 đôi mươi ngày đó cũng thật lòng yêu nước và ngây thơ, bỏ cả vào đại học để ra trận, để “ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản, bảo vệ thế giới tự do” thì cũng không khác gì cậu bé Bắc Việt nhét cục gạch vào túi cho “đủ cân” để được vào bộ đội, ra chiến trường “chống đế quốc Mỹ xâm lược, vì độc lập tự do của Tổ Quốc”. Những lính Mỹ trẻ măng ra trận lần đầu trước mưa đạn từ phía đối phương mà cứ thế xông lên chiếm cho bằng được đỉnh cao của ngọn đồi không tên nào đó thì cũng gan dạ chẳng kém những người lính Bắc Việt hành quân dưới mưa bom bão đạn trên đường mòn Hồ Chí Minh. Anh thanh niên Mỹ trốn quân dịch chạy sang Canada thì cũng không khác anh lính Bắc Việt trẻ đào ngũ ở trận chiến Ia Drang. Ở đâu cũng có người như thế, và chuyện đó thường thôi. Sau chiến tranh, những cựu binh Mỹ đầu tiên quay lại chiến trường xưa. Họ gặp những cựu chiến binh Bắc Việt, những người đã từng bắn vào họ khi xưa. Sau ít phút ngờ vực, đôi bên nhanh chóng nhận ra rằng họ chẳng khác nhau mấy, cũng giản dị, chân thật, ấm áp, rất “con người” cả. Và thời gian cũng đã đủ lâu, đủ dài để người ta ngẫm nghĩ về cuộc chiến. Người Mỹ tự hỏi rằng bấy nhiêu mất mát, khổ đau cuối cùng thì để làm gì? Đạt được gì? Có đáng phải thế không? Những người “phía bên kia” cũng hỏi những câu tương tự. Hàng triệu người phải hy sinh có quá đắt không? Liệu có con đường khác không? Cuối cùng thì người dân ở đâu cũng đều có những mong muốn như nhau. Rất giản dị. Đó là cơm ăn áo mặc, cuộc sống bình yên, yêu và được yêu. Dù là ở những tỉnh lẻ đâu đó ở Mỹ hay là những vùng quê Việt Nam thì cũng không khác nhau là bao. Cách đây 2500 năm, triết gia TQ cổ đại Lão Tử nêu ra ý tưởng “vô vi” cho quản trị xã hội. Vô vi có nghĩa là thuận theo tự nhiên, không cần cố can thiệp vì mọi việc cuối cùng sẽ “đâu vào đấy” cả. Bộ phim kết thúc bằng bài hát Let It Be của ban nhạc Beatles lừng danh. Let it be cũng có nghĩa là hãy để mọi việc tự trôi, theo lẽ tự nhiên. Phải chăng đó là một bài học lớn từ chiến tranh Việt Nam, cho thế giới, cho tất cả mọi người?      

Thứ Ba, 14 tháng 5, 2019

Ai thắng, ai thua?


Hôm qua, dân TTCK New York bàng hoàng khi thấy chứng khoán lao dốc “không phanh”. Không biết có bao nhiêu tỷ đô-la đã “biến mất” sau một đêm yên lành ở NY. Đó là kết quả đòn trả đũa của TQ bằng cách áp thuế lên gần trăm tỷ đô-la hàng Mỹ. Không biết TT Mỹ có còn “hỷ hả” không như khi mới đây ông áp một mức thuế cao ngất lên hàng trăm tỷ đô-la hàng TQ. Không biết liệu dòng tiền-hàng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này có vì thế mà giảm sút nhiều không? Đã từ lâu rồi, hàng triệu dân Mỹ đã quá quen với việc tiêu dùng “xả láng” rất nhiều thứ hàng khá tốt với giá “cực rẻ” bởi chúng được Made in China rồi. Còn hàng trăm triệu dân TQ vẫn ngày ngày chăm chỉ như đàn kiến ở các công xưởng khổng lồ để làm ra Iphone và hàng vạn thứ khác cho dân Mỹ - và cả thế giới nữa – xài. Có lẽ chẳng ai có thể dừng cái chu trình sản xuất-xuất nhập khẩu - tiêu dùng đó cả. Nhưng “bàn tay vô hình” sẽ điều chỉnh cuộc chơi này. Ở TQ sản xuất có thể sụt giảm một chút, thất nghiệp tăng một chút. Ở Mỹ thì dân sẽ phải mua hàng giá cao hơn. Cả dân TQ và Mỹ sẽ chẳng được lợi lộc gì. Còn giới lãnh đạo hai nước có thể đạt được những mục tiêu chính trị gì thì dân thường không biết mà cũng chẳng quan tâm. Dù lãnh đạo có cho những mục tiêu của họ là “vì nước – vì dân”, người ta vẫn nghi ngờ - mà thường là đúng – rằng chúng chỉ là những chiêu trò ích kỷ mà thôi. Chiến tranh - dù là thương mại hay bom đạn – nhiều khi không rõ bên nào thắng cuộc. Nhưng “bên thua cuộc” thì bao giờ cũng rất rõ. Đó là hàng triệu thường dân bị thiệt thòi trong chiến tranh thương mại, hay hàng triệu binh lính và thường dân phải chịu tổn thất hy sinh trong chiến tranh bom đạn. Giới tinh hoa lãnh đạo giàu có thì không hoặc rất ít bị ảnh hưởng. Cho nên họ chẳng thèm quan tâm.  

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2019

Nên đi đâu, đến đâu?

  Gần đây có đến vài diễn đàn lớn về phát triển như làm sao để thúc đẩy khu vực tư nhân hay phát triển công nghệ. Có vẻ như động lực chính của thời kỳ đầu như lao động và tài nguyên rẻ đang yếu dần, đà phát triển đang chững lại và người ta muốn tìm giải pháp cho nó. Có thể nhận thấy có ít hơn những chỉ thị và hô hào mà bắt đầu có tranh luận. Tuy nhiên, mọi tranh luận dường như vẫn ở trong một “khuôn khổ” định sẵn nào đó, không phải là trong một văn bản chính thức nào, mà có lẽ là ở ngay trong “não trạng” người phát biểu. Cuối cùng thì các diễn đàn kiểu như thế này cũng sẽ có một số tác động nào đó. Có lẽ sẽ có người tự hỏi tại sao lại không nên/không thể có những diễn đàn tự do và không e ngại sợ hãi về những chủ đề rộng hơn, giống như một cái nhìn toàn cảnh để có thể thấy đất nước xuất phát từ đâu, từ đó nên đi về đâu, tại sao và làm thế nào, v.v. Thế giới có khá nhiều hình mẫu phát triển có thể tham khảo, học hỏi. Cũng chỉ nên và chỉ có thể như thế thôi bởi “trời sinh ra” không ai giống ai, không nước nào giống nước nào hoàn toàn cả. Có những ví dụ “sờ sờ” nay trước mắt. Bắc Hàn quả thực có một sự “ổn định” với một “chính phủ mạnh” suốt gần bảy chục năm qua. Cái giá phải trả là mức sống rất thấp của dân kể cả về kinh tế và dân trí, thậm chí là có cả nạn đói, sự cô lập gần như hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Hình ảnh đối lập hoàn toàn ở ngay bên cạnh là Nam Hàn với nền kinh tế thuộc tốp đầu thế giới, cả công nghệ và dân trí phát triển cao, mức sống cao, có một hộ chiếu cực mạnh cho phép đi tới hầu hết các nước trên thế giới mà không cần visa. Có một điểm dễ nhận thấy của hệ thống chính trị Nam Hàn, đó là sự “bất ổn định” của chính phủ. Đã nhiều lần, người ta “lôi cổ” những nhà lãnh đạo một thời được coi là có nhiều công lao ra để xét xử lại công/tội, và kết quả là có những vị phải ngồi tù. Gần đây nhất, một vị tống thống nữa bị hạ bệ, phải ra tòa, phải vào tù vì một vài “tội” mà so với những nước như TQ, Nga hay VN, chúng chỉ là “muỗi” mà thôi. Nhưng với tinh thần “thượng tôn pháp luật, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không ai có thể đứng trên pháp luật’ như người ta hay nói gần đây thì có lẽ Nam Hàn chính là một ví dụ tốt cần học tập. Nước hàng xóm khổng lồ phía bắc dường như vẫn “ổn đinh” và họ mong muốn như vậy dưới một sự “lãnh đạo” vô thời hạn của nhà lãnh đạo đương nhiệm. Có gì liên quan không khi mà gần đây tốc độ phát triển của TQ đã chững lại, nhiều công ty lớn có dấu hiệu muốn dời đi nơi khác, vấn đề môi trường đang lớn dần lên và khả năng một thảm họa thực sự không phải là điều có thể “bỏ ngoài tai” nữa, sự bành trướng kinh tế ồ ạt bằng những khoản tiền khổng lồ ở nước ngoài đón nhận cả sự “hoan nghênh” lẫn hoài nghi và phản đối. Ở TQ, luôn có sự “nhất trí cao” đơn giản vì không ai có thể/có quyền hoài nghi chứ chưa nói đến phản đối. Khi chính quyền cực mạnh và tập trung, với một đường lối “đúng”, ít nhất về kinh tế, như ở TQ cho tới giờ thì có thể có một sự phát triển ngoạn mục. Nhưng nếu sai thì sao, và nhất là khi không có ý kiến phản biện? Đó là điều đã xảy ra với Liên Xô: sự “sụp đổ” vào năm 1991. Ở những thời điểm hiểm nguy, khẩn cấp như chiến tranh, một sự lãnh đạo mạnh và nhanh, không bàn cãi nhiều có thể là cần thiết, dù biết rằng kết quả có thể phải trả bằng sinh mạng của hàng ngàn, hàng vạn, thậm chí hàng triệu người. Trong điều kiện hòa bình, những quyết sách lớn liên quan đến cuộc sống của hàng triệu người cần có ý kiến rộng rãi và thật sự của toàn dân. Gần đây, dân Anh quyết định đi hay ở lại EU qua một cuộc trưng cầu dân ý. Quyết định “ra đi” nay lại gây tranh cãi vì nhiều người có vẻ đã “nghĩ lại’ và nay lại muốn “ở lại”. Điều đó cho thấy là không phải lúc nào người dân bình thường cũng biết rõ mình muốn gì. Song điều đó không thể dẫn đến việc cần có một nhóm nhỏ một số người “sáng suốt” để quyết định thay cho hàng triệu người khác, kể cả khi đám đông dân chúng cứ “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” như ở Anh bây giờ. Liệu có ai nghĩ rằng chính cái cách đó – gọi là dân chủ hay là gì tùy bạn – lại là một cách quản trị đất nước tốt, dẫn đến kết quả nước Anh là một xã hội đáng mơ ước, là nơi mà hầu như tất cả những gia đình “có điều kiện” ở VN đều muốn gửi con em sang học tập, làm việc và sinh sống? Đó là một cách quản trị “chậm nhưng chắc”. Có lẽ điều quan trọng hơn cả là hệ thống đó sẽ không cho phép một kẻ - có thể coi là tài năng xuất chúng – như Hitler lên nắm quyền, hoặc có lên nắm quyền cũng không thể đưa dân tộc mình và nhiều dân tộc khác vào “chỗ chết” như ông ta đã từng làm trong Thế Chiến 2 mà không ai ở Đức khi đó dám “có ý kiến khác”. Con đường VN đang đi – cũng như con đường của các dân tộc khác - đều có nguyên nhân không hề đơn giản. Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố vô cùng phức tạp như kinh tế, lịch sử, địa lý, khí hậu, văn hóa, trình độ phát triển, bối cảnh thế giới, v.v. kể cả những yếu tố tưởng như là ‘tình cờ”. Cho nên có lẽ không mấy có ích khi cứ mãi tranh luận theo kiểu “khi đó mà làm như thế này mà không như thế kia, thì bây giờ thì đất nước sẽ được như các nước abc, rồi cứ đổ lỗi cho một nhóm người, thậm chí là một cá nhân nào đó. Chẳng có ai có thể dẫn dắt một dân theo ý riêng của mình.  Nên chăng là tạm bỏ qua quá khứ - vì có thay đổi được đâu – bình tĩnh, kỹ lưỡng cân nhắc hiện tại, tương lai gần và tương lai xa hơn để thấy đất nước nên đi về đâu, muốn đến cái đích nào, muốn được như nước nào. Thực ra thì chính Cụ Hồ cũng đã từng có một tầm nhìn cho đất nước như thế, được thể hiện rõ trong những tài liệu lịch sử về thời kỳ đầu của VNDCCH, còn khá đủ trong lưu trữ.                          

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2019

Tản mạn ngày chiến thắng Điện Biên Phủ

Truyền hình NHK Nhật có một phóng sự về Đà Nẵng. Một nhóm học sinh đang tập nhảy múa rất vui vẻ ở công viên 29/3. Khi được hỏi 29/3 là ngày gì, các em ngơ ngác nhìn nhau và trả lời là không biết. Ở một chỗ khác, một bác lớn tuổi cho biết còn nhớ rõ ngày 29/3/1975. Theo ông trước ngày đó có đánh nhau to, súng nổ nhiều và rất nhiều xe tăng chạy qua. Đến chiều 29/3, khi hết tiếng súng, ông hiểu là cuộc chiến ở Đà Nẵng đã kết thúc. Ở bãi biển, khi bình minh đang lên, một nhóm các cô dâu rạng rỡ trong váy cưới đang chụp ảnh cùng chú rể giữa một đàn chim bồ câu. Không biết các cô gái và chàng trai hạnh phúc kia có biết rằng đúng chỗ họ đang đứng hơn năm mươi năm trước vào sáng ngày 8/3/1965, thủy quân lục chiến Mỹ ào ạt đổ bộ vào bờ biển Đà Nẵng, mở đầu thời kỳ ác liệt nhất của chiến tranh Việt Nam. Ở một ngõ nhỏ sâu trong phố, vài họa sỹ đang vẽ lên tường ngõ những bức tranh làng quê xưa bên cạnh những bức “tưởng tượng” về tương lai thanh bình tươi sáng của thành phố. Liệu có ai đó nghĩ rằng sự hồn nhiên ‘thiếu hiểu biết lịch sử” của các cô bé cậu bé tại cái công viên 29/3 kia hay là cái ‘nhận thức không phân biệt ta thắng/địch thua của cụ ông trên kia có khi lại là hay không? Ngày hôm nay 65 năm trước, quân Pháp hạ vũ khí, cầm cờ trắng ra hàng ở Điện Biên Phủ. Gần đây, ngay ở Điện Biên Phủ, gần hầm chỉ huy của tướng De Castries, theo sáng kiến của một cựu binh Pháp, người ta xây một ngôi mộ tưởng niệm những binh sỹ Pháp chết trận. Ngôi mộ được trông coi chăm sóc cẩn thận bởi một cựu quân nhân Việt Nam. Phải chăng đó là những cách tốt hơn để hàn gắn vết thương lớn về tinh thần gây ra bởi cuộc Chiến Tranh Việt Nam – theo cách gọi của Mỹ hay là Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước – cách gọi chính thức ở Việt Nam?     

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2019

Kiến và Châu Chấu

Ngày Quốc Tế Lao Động 1/5 vừa rồi, ở Paris và nhiều nơi ở Pháp, những người Áo Vàng lại xuống đường biểu tình. Vẫn là những cảnh mà thế giới đã “quen thuộc” từ nhiều tháng nay: đám đông áo vàng tay không đụng độ với cảnh sát có trang bị xe bọc thép, vòi rồng, súng bắn đạn cao su, khói lựu đạn cay mù mịt, những đám cháy bùng lên từ những chiếc xe hơi bị đốt, cửa hàng bị đập phá, nhiều người chống đối bị bắt. Vị lãnh đạo nước Nga có vẻ đã có những tuyên bố đại ý như: mọi người hãy nhìn xem! Các vị có muốn như ở Paris không? Có vẻ ý ông là tại sao các vị lại không bằng lòng với sự “ổn định” ở Nga mà lại thích “dân chủ” kiểu Phương Tây mà theo ông chỉ là sự hỗn loạn. Người biểu tình Pháp là những người tầng lớp “bình dân”. Họ bất bình vì cuộc sống khó khăn, giá cả những mặt hàng cơ bản như xăng dầu tăng vọt. Vừa rồi sau khi nhà thờ Đức Bà Paris bị hỏa hoạn, một số “đại gia” trong số những người giàu nhất nhanh chóng tuyên bố đóng góp hàng chục, hàng trăm triệu đô-la để sửa chữa nhà thờ. Sự “hào phóng” này có vẻ chẳng những không được khen ngợi mà lại còn như “đổ thêm dầu vào lửa”, ngọn lửa tức giận về sự bất công, khoảng cách giàu – nghèo quá lớn trong xã hội Pháp. Có những người Nga đã lên truyền hình – đây là những kênh truyền hình độc lập, không do nhà nước quản lý – và đã “trả lời” lãnh đạo Nga, đại ý như: có, chúng tôi rất muốn được như ở Paris, ở Pháp. Có thể hiểu rằng họ muốn được quyền phản đối khi cuộc sống của họ - đa số là những người nghèo, có nhiều triệu người như vậy – bị những quyết định của những công ty lớn, như là xăng dầu hay điện – hẳn là phải có sự đồng ý của nhà nước -làm cho trở nên rất khó khăn. Chuyện này nghe “quen quen” phải không? Nếu xem tờ báo mạng – tờ báo “được nhiều người đọc nhất”, theo lời tự quảng cáo – thì cũng đang có câu chuyện về bản chất là tương tự. Trong lúc đang có một hội thảo lớn “tầm quốc gia – quốc tế” về chủ đề làm thế nào để doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh, hai “ông lớn nhà nước” là xăng dầu và điện ‘tranh thủ tăng giá ào ạt! Đa số người dân “thấp cổ bé họng” chỉ còn biết ngao ngán thở dài và cắn răng chịu đựng như họ vẫn cam chịu đựng như thế từ bao đời nay rồi. Một số người cũng “có ý kiến” ở trên tờ báo mạng kia. Có lẽ đó chỉ là những ý kiến yếu ớt, chẳng ai thèm nghe. Từ xa xưa, dân Việt đã hiểu rằng đó là chuyện vô ích, chuyện “con kiến kiện củ khoai”. Những cũng chính dân Việt còn có câu:

Nực cười châu chấu đá xe
Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe ngiêng

Chẳng có gì là mãi mãi, là không thể thay đổi cả.