Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2019

Ai đúng? Ai sai?


Có một hội thảo quốc tế về Kinh Thánh. Đến chủ để Thiên Đàng, với cảnh Adam và Eva – không quần áo - dạo chơi trong vườn Eden, đại biểu Pháp nói: - Hãy xem đôi trai gái này lãng mạn và say đắm làm sao! Tất nhiên đây là Pháp rồi.

Đại biểu Anh nói: - Chỉ có một quả táo. Và chàng trai nhường nó cho cô gái. Đó chắc chắn phải là một gentlement người Anh.

Đại biểu Phần Lan nói: - Chỉ có trai gái Phần Lan mới trần truồng bên nhau tự nhiên như thế. Tất nhiên đây là khu vườn của một sauna để người ta thư giãn sau khi tắm hơi.  

Đại biểu Hà Lan nói: - Không còn gì nghi ngờ nữa, đây chắc chắn là một nhà thổ ở Amsterdam.

Đại biểu Liên Xô nói: - Nơi này nghèo tới mức không có quần áo mặc, còn táo thì chỉ có một quả cho hai người. Vậy mà họ vẫn tin chắc đó là Thiên Đàng. Các vị thử nghĩ xem trên thế giới ngoài Liên Xô ra thì còn có nơi nào như thế nữa không?

Đó là một truyện cười của người Nga thời Liên Xô (có một chút “bịa” thêm của người viết!). Ở đời, cùng một sự việc nhưng bao giờ cũng có chuyện mỗi người nhìn một cách cả. Không ai tuyệt đối đúng hay sai cả. Ở một xã hội độc tài – bây giờ vẫn còn nhiều xã hội như vậy - vị vua, giáo chủ hay vị lãnh tụ sẽ kết luận kiểu như đây là Thiên Đàng và ai không tin sẽ bị trừng phạt. Ở xã hội dân chủ, người ta sẽ tranh luận. Nếu cuối cùng không thể đồng ý với nhau thì người ta sẽ nói lets agree to disagree – tạm dịch là “hãy đồng ý với nhau rằng chúng ta không nhất trí với nhau” và vui vẻ kết thúc thảo luận.  

Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2019

Thiếu cái gì?

Vừa có chuyện một đoàn cấp Bộ về tỉnh Vĩnh Phúc để thanh tra về xây dựng. Ở một huyện, có vẻ như đoàn “đánh hơi” được một số điều bất bình thường. Ví dụ như tại sao một công ty khá nhỏ mà lại liên tục được địa phương trao nhiều hợp đồng bao gồm một số có giá trị khá lớn. Báo chí nói đoàn dường như đã đòi một khoản tiền khá lớn - khoảng hơn 20 tỷ đồng (1 triệu USD) – có thể hiểu rằng đó là cái giá để bỏ qua vụ việc này. Đối với một anh taxi, một bà bán hàng ở chợ hay một bác về hưu đang chơi cờ ở công viên, đây là chuyện “biết rồi – khổ lắm – nói mãi”. Tham nhũng ngày nay đã thành chuyện bình thường, chuyện hàng ngày. Người dân không chỉ “nghe nói” mà đa số họ đều đã từng bị viên chức chính quyền “vòi tiền” như vậy. Cái nguy kịch ở đây là người ta dường như đã chấp nhận chuyện đó và chung sống với nó. Cái chuyện “thường ngày” này có từ bao giờ? Truyện Kiều có chuyện gia đình Thúy Kiều bị vu oan, bị sai nha tra khảo, đánh đập cho đến khi hiểu ra rằng “có ba trăm lạng việc này mới xong”. Tục ngữ cổ Việt Nam có câu Nén bạc đâm toạc tờ giấy. Thời thuộc địa Pháp, nhà văn Nguyễn Công Hoan có kể chuyện một vị quan cấp dưới cho vợ mình đi “hầu hạ” vị quan cấp trên để mong lên chức. Như vậy, tham nhũng là chuyện vẫn có từ xưa, từ thời phong kiến. Khi đó, ông quan huyện toàn quyền quyết định mọi việc trong huyện của ông ta. Tương tự, ông quan tỉnh có toàn quyền trong tỉnh mình. Ông vua có toàn quyền trong nước. Vua được coi là “con Trời”, thay Trời cai trị dân. Ý vua là ý Trời. Các quan có thể “khuyên can” vua nhưng không có quyền quyết định. Ít ai dám can ngăn vua vì có thể bị mất chức, thậm chí mất mạng. Vị nào quyết liệt hơn thì chỉ còn cách “treo ấn từ quan”, về quê ở ẩn, sống nghèo khổ. Công cụ ngăn ngừa tham nhũng ở thời ấy có lẽ chủ yếu là những lời dạy của Nho Giáo như “phú quý bất năng dâm” – đại ý là giàu sang tiền bạc không thể làm lung lạc. Nhưng đối với đa số, tiền bạc sang giàu vẫn hấp dẫn hơn đạo lý người quân tử. Sau thời phong kiến – thuộc địa là cuộc chiến tranh 30 năm.Trong chiến tranh, quan tâm hàng đầu của người ta là “sống sót”, chứ không phải là tiền bạc. Vì thế mà chuyện tham nhũng hầu như không có. Sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975, khoảng thời gian 10-15 năm sau đó là thời kỳ nghèo đói nhất. Kinh tế kiệt quệ nên cuộc sống vẫn chỉ là làm sao tồn tại với khẩu phần lương thực vô cùng ít ỏi được chia đều cho mọi người. Không còn gì để tham nhũng cả. Sang thời kỳ “đổi mới”, kinh tế và sở hữu tư nhân bắt đầu được cho phép và khuyến khích. Người ta được tự do làm giàu. Như con quỷ thoát ra sau khi bị nhốt kín suốt thời kỳ chiến tranh và XHCN “bao cấp”, lòng tham nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí thống trị. Tiền bạc trở thành quan tâm hàng đầu. Nhưng xã hội lại không có công cụ hữu hiệu nào để kiểm soát lòng tham ấy. Xã hội về cơ bản trở lại giống như thời phong kiến. Cái khác nói nôm na là thay vì một ông vua thì nay là một vị “vua tập thể”, một nhóm người. Có “vua lớn” ở cấp quốc gia, “vua nhỡ” ở tỉnh, “vua con” ở huyện xã. Tư duy vẫn như cũ, nghĩa là làm vua là để cai trị chứ không phải là phục vụ. Không có cơ chế nào hữu hiệu để giám sát các vua cả. Cách quản lý như thế là môi trường màu mỡ cho việc lạm dụng quyền lực mà tham nhũng là phổ biến nhất. Đồng tiền  lên ngôi chúa tể, đạo lý Nho Giáo truyền thống trọng nghĩa khinh tài không còn. Gần đây, có lẽ vì tham nhũng quá trầm trọng, người ta bắt đầu trừng phạt một số vụ lớn. Khó có thể đo lường tác dụng của “chiến dịch” này. Việc vừa xảy ra ở Vĩnh Phúc có thể là một dấu hiệu cho thấy tác dụng của những trừng phạt ấy là chưa đủ để răn đe. Vậy phải làm gì?    Các nghiên cứu về tham nhũng thường chỉ ra biện pháp “3 không”: Phải làm sao để người ta (1) không cần tham nhũng; (2) không muốn tham nhũng; (3) không thể tham nhũng. Có thể hiểu đại khái là một viên chức nhà nước có lương tốt sẽ không cần tham nhũng. Người đó sẽ không muốn tham nhũng vì lý do đạo đức, sợ bị trừng phạt. Người đó sẽ khó có thể tham nhũng do xã hội có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và hữu hiệu. Như vậy sẽ phải cải thiện thu nhập cho công chức, tăng cường giáo dục cho trẻ em và các biện pháp trừng phạt. Cuối cùng – điều khó và quan trọng nhất – là thay đổi cơ chế quản lý xã hội để có thể giám sát chặt chẽ và hữu hiệu hoạt động của viên chức nhà nước. Đã có biết bao nhiêu khóa học tập, tham quan, khảo sát, hội thảo trong ngoài nước, bao nhiêu dự án, bao nhiêu chuyên gia giỏi nhất đã đến rồi. Thế giới có rất nhiều mô hình chống tham nhũng hiệu quả mà các cơ quan có trách nhiệm hẳn đã đến học hỏi và tham khảo rồi.  Như vậy là người ta đều biết cả rồi và rất rõ nữa. Người ta hẳn cũng biết rõ vướng mắc nằm ở chỗ nào nhưng không ai dám nói ra cả. Người ta sợ. Nếu cứ tiếp tục như hiện nay thì tham nhũng sẽ bào mòn hết nguồn lực tinh thần và vật chất của xã hội. Đất nước sẽ tụt hậu, thậm chí có thể sụp đổ. Phải chăng đã đến lúc phải có một cuộc cách mạng mới – có người gọi là “Đổi Mới 2”. Cuộc đổi mới 1986 cơ bản chỉ là kinh tế. Đổi Mới 2 sẽ phải là toàn diện. Trong diễn văn nhậm chức, vị tổng thống mới của Ucraina có nói đại ý rằng tại các cơ quan nhà nước đừng treo ảnh ông mà hãy để ảnh con cái mình, để mỗi sáng mỗi người nhìn vào ảnh chúng và tự hỏi mình có muốn chúng được thừa kế một đất nước văn minh và phồn vinh hay không, hay là để chúng phải nguyền rủa cha anh vì để lại cho chúng một đất nước bất công, tham nhũng, hỗn loạn và nghèo khổ. Đã có đủ mọi điều kiện cho cuộc Đổi Mới 2. Cái còn thiếu là sự dũng cảm.


Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2019

Con đường tiến bộ xã hội


Có tin Bắc Hàn vừa xử tử một số quan chức cao cấp vì tội “làm cuộc đàm phán Trump – Kim ở Hà Nội thất bại”. Thực hư thế nào thì khó biết, vì đó là Bắc Hàn. Làm cho lãnh tụ không vừa ý là đủ để cấu thành một trọng tội, đáng tử hình mà không cần xét xử gì cả.Thời phong kiến xưa kia, tội đó gọi là “khi quân”, tạm gọi là thiếu kính trọng, coi thường, xúc phạm vua. Bắc Hàn là hình ảnh một xã hội quân chủ phong kiến hà khắc, cha truyền con nối. Chuyện này nhắc nhở rằng chủ tịch Kim là một hoàng đế tàn bạo, chứ không phải là “một người đàn ông bình thường” như có lúc người ta tưởng khi xuất hiện ở Hà Nội hồi đầu năm nay. Đi tới một xã hội dân chủ là một con đường dài gập ghềnh. Nam Hàn cho đến gần đây cũng đã từng phải trải qua một thời kỳ “đẫm máu”, hàng trăm người biểu tình bị tàn sát, mấy vị tổng thống bị ám sát, tử hình hay tù chung thân mới có được một xã hội phồn vinh và dân chủ như bây giờ. Nước Nga phá bỏ chế độ chuyên chế Nga Hoàng bằng cách mạng cách đây một trăm năm. Sau đó thì vẫn là một xã hội không kém hà khắc, nhất là ở thời lãnh tụ Stalin. Liên Xô tan rã năm 1991. Ngay sau đó, một hiến pháp dân chủ ra đời. Vài chục năm sau đó, phồn vinh và dân chủ vẫn chưa thấy đâu. Tham nhũng và khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng. Nhiều người Nga bắt đầu thấy nuối tiếc quá khứ khi Liên Xô là một siêu cường, cuộc sống không giàu có nhưng khá đầy đủ, xã hội bình đẳng, có tôn ti trật tự. Thậm chí dân Nga còn quay lại tôn vinh Stalin, người đã từng bị chính họ lên án nặng nề vì độc tài và tàn bạo. Ý tưởng dân chủ xuất hiện từ thời cổ Hy Lạp. Nhưng cả ngàn năm sau đó, các nước Tây Âu vẫn phải trải mấy thế kỷ “đêm trường trung cổ” dưới áp bức nặng nề của vua chúa và nhà thờ. Để tiến tới dân chủ, cuối thế kỷ 18, dân Pháp đã phải làm cách mạng lật đổ chế độ phong kiến, chặt đầu nhà vua. Sau rất nhiều thăng trầm sau đó, dân Pháp mới thực sự có dân chủ. Do đó những nước có chế độ phong kiến, rồi thuộc địa cho đến tận gần đây như TQ hay VN thì “nhảy một phát” – như nhiều người mong muốn - lên hàng các nước giàu có, văn minh, dân chủ là không dễ, thậm chí có lẽ là không thể. Những di sản cũ nhiều thế kỷ không dễ “biến mất” nhanh như thế. Tòa lâu đài nguy nga của phồn vinh, văn minh, dân chủ không dễ xây như thế. Dân chủ không phải là một thiên đường dưới sự trị vì của một vị “vua hiền” thay dân chịu trách nhiệm về mọi việc, còn người dân chỉ việc “hưởng thái bình”. Cần có thêm thời gian và cố gắng bền bỉ của tất cả mọi người để tiến dần từng bước một. Nhưng ít nhất, nếu đất nước không đến nỗi quá tệ như xã hội Bắc Hàn thì không việc gì phải bi quan cả. Cây nhỏ dần dần sẽ lớn, ra hoa và kết quả.