Tổng số lượt xem trang

Thứ Năm, 1 tháng 8, 2019

Thơ Đường và Thời Sự


Đạm đạm Trường Giang thủy
Du du viễn khách tình
Lạc hoa tương dữ hận
Đáo địa nhất vô thanh

Đó là bài thơ Nam hành biệt đệ của Vi Thừa Khánh, một nhà thơ thế kỷ thứ 7 đời nhà Đường TQ. Sau đây là một số bản dịch:

Nước sông trôi lặng lẽ
Viễn khách nhớ thương dài
Hoa rụng sầu tê tái
Nhẹ nhàng không tiếng rơi

(Trần Trọng Kim)

Lững lờ dòng nước Trường Giang
Ngậm ngùi lòng khách mênh mang một trời
Hoa kia cũng hận theo người
Đầy trên mặt đất cánh rơi âm thầm

(Đỗ Bằng Đoàn – Bùi Khánh Đản)

Trường Giang nước vẫn lặng lờ trôi
Tha hương viễn khách dạ chơi vơi
Hoa rụng cùng mang niềm sầu hận
Nhẹ nhàng chạm đất chẳng tăm hơi

(Phụng Hà)

Trường Giang nước chảy dầu dâu
Tiễn đưa một chén dạ sầu đôi nơi
Nhìn theo hoa rụng tơi bời
Hoa kia cũng hận cho người biệt ly

(Nguyệt Hồ)

Nước biếc Trường Giang chảy lặng lờ
Người xa man mác sóng tình xô
Rẽ đôi mối hận hoa sầu rụng
Chạm đất âm thầm không tiếng tơ

(Nguyễn Lãm Thắng)

Còn rất nhiều bản dịch khác nữa cũng hay không kém. Ngắn ngủi vẻn vẹn 4 câu, viết bằng tiếng Hán, vậy mà 13 thế kỷ sau vẫn gây được cảm hứng cho nhiều người Việt. Thơ có nguyên tác bằng tiếng nước ngoài có lẽ không thể dịch. Người ta phải hiểu ý, cảm thụ sâu sắc và xúc động vì hình ảnh, âm thanh và tình cảm của bài thơ ấy thì mới có thể “dịch” nó – đúng hơn là làm một bài thơ khác theo cảm xúc của riêng mình. Nỗi buồn của con người khi phải xa nơi chốn và những người thân yêu thì ở đâu và bao giờ cũng thế.  Có người sẽ hỏi trong lúc đang “nước sôi lửa bỏng” ở Biển Đông lại đi nói chuyện thơ Đường thì có “lạc đề và vô duyên” không? Trên mạng xã hội Việt Nam ngày nay thì cứ động nói đến TQ, Biển Đông, v.v. thì nhiều người lập tức “nhảy dựng” lên ngay bởi có sẵn cái sự ghét “Tàu” như “đào đất đổ đi” vậy. Nếu có phép màu nào đó thì người ta sẵn sàng cho TQ “biến mất” khỏi bản đồ thế giới! Nhưng TQ vẫn ở đấy từ hàng ngàn năm qua và chắc sẽ còn lâu nữa. Tổ tiên người Việt chúng ta đã biết rõ như thế từ lâu. Các cụ vẫn học kinh điển Trung Hoa như Tứ Thư, Ngũ Kinh, vẫn yêu thơ Đường như bài thơ trên, vẫn du nhập nhiều phong tục từ TQ như Tết, thờ cúng cha mẹ tổ tiên, vẫn theo đạo người quân tử do Khổng Tử truyền bá và lại còn trang trọng lập đền thờ ngài tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội. Nhưng cha ông ta cũng luôn quyết liệt chống lại tư tưởng và hành động bá quyền nước lớn của vua chúa TQ qua nhiều thế hệ. Bài học của tổ tiên chúng ta là không thể nào “xổ toẹt” một nước láng giềng khổng lồ và một nền văn hóa lớn như TQ. Chỉ có một cách là phải khéo léo cương nhu tùy thời để tồn tại bên cạnh, học được cái hay mà vẫn không bị đồng hóa, bị nuốt chửng bởi dân tộc Hán như nhiều dân tộc sống xung quanh dân tộc Hán bao gồm cả trăm dân tộc Việt – sử gọi là Bách Việt - trong lịch sử. Ông cha đã làm được như thế thì không lẽ gì chúng ta lại chịu thua?