Tổng số lượt xem trang

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2019

Cám ơn Cụ


Hôm nay là một ngày rất đặc biệt với gia đình tôi. Đúng ngày này 1 thế kỷ về trước, một em bé đã oe oe chào đời, người mà về sau đã gặp cụ bà rồi để sinh ra cả một đại gia đình đông con cháu chắt. Đúng hôm nay, cụ đã tròn 100 tuổi. Mấy hôm nay, ông tôi – người con trai duy nhất của cụ, đã hì hà hì hục chuẩn bị các dây rợ loằng ngoằng lấp lánh để trang trí nhà cửa, treo những tấm ảnh quý giá và những bức thư bằng tiếng Pháp lên tường, chào đón sinh nhật cụ. Thật ra, tôi chưa bao giờ có thể gặp mặt cụ vì cụ đã mất từ lâu. Tôi chỉ nhận biết được cụ qua tấm ảnh cũ, chỉ nhìn thấy vầng trán cao, nụ cười tươi tắn qua những tấm ảnh nhỏ. Hôm nay – mừng sinh nhật cụ 100 tuổi,tôi chỉ muốn nói với cụ: Cụ ơi, con cảm ơn cụ rất nhiều vì nhờ có cụ, chúng con mới có được ngày hôm nay.
 Bé Q.C. 10 tuổi viết nhân dịp sinh nhật cụ mình 100 tuổi ngày 8/10/2019.   

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2019

Ai may hơn?

Khi những dòng này đang được viết ra, Hà Nội đã vào giữa thu. Bầu trời xanh thẳm cao vút. Những con đường mát rượi che phủ bởi vòm lá xanh ngắt rực sáng dưới nắng ấm. Phố xá tấp nập xe cộ. Những chiếc xe tải nhỏ chở đầy bia tới những hàng quán để phục vụ khách xem đội Việt Nam sắp đá trận tiếp theo vòng loại World Cup 2022 qua những màn hình TV cỡ lớn. Cũng vào lúc này, ở một nơi cách Hà Nội có lẽ khoảng mười ngàn km về phía tây bắc, xích xe tăng đang rít lên ken két trong tiếng rền vang của đại bác, tên lửa, chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ nã bom đạn vào làng xóm của người Kurd ở phía nam nước Thổ. Xưa nay, các nước nhỏ yếu vẫn thường bị các nước lớn xâm chiếm và áp bức. Trong hoàn cảnh đó, dân những nước nhỏ yếu không có khát khao nào hơn là được độc lập tự do. Họ chiến đấu với hy vọng quê hương sẽ lại được giải phóng. Với người Kurd, hoàn cảnh hiện tại cũng tương tự và lại còn khó khăn gấp bội. Trong nhiều thế kỷ, dân Kurd vốn là những bộ lạc, sống du mục trên một vùng đất mà nay thuộc lãnh thổ của Thổ nhĩ Kỳ, Syria và Irac. Với ngôn ngữ và văn hóa riêng, họ cứ sống như thế mà chưa từng lập ra một quốc gia riêng của mình. Có thể vì thế mà họ bị coi là những kẻ sống nhờ, thường bị xua đuổi và đàn áp. Dân Kurd không có một vùng đất riêng của mình để mà nhớ về như là quê hương, là quê cha đất tổ, là nơi mà họ có thể thề sẽ trở về để giải phóng. Là những chiến binh dũng cảm và thiện chiến, với sự hỗ trợ quân sự của Mỹ, họ đã ngăn được sự bành trướng của Nhà Nước Hồi Giáo IS tàn bạo. Giờ đây, khi mà IS không còn là mối đe dọa lớn nữa, các đồng minh của người Kurd bắt đầu trở mặt. Dân Kurd vẫn luôn có một ước mơ cháy bỏng là lập nên một quốc gia của mình trên chính vùng đất mà họ đã từng sống nhiều thế kỷ. Giờ đây, khi người Kurd dường như đã mạnh lên sau cuộc chiến với IS, ước mơ lập quốc đó của họ lại tiếp tục là mối đe dọa về lãnh thổ với các nước xung quanh, trước hết là Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ thì đang rút lực lượng của mình sau khi tuyên bố chấm dứt sự ủng hộ của họ với người Kurd, đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống IS. Lãnh đạo nước Mỹ luôn có những tính toán trong từng bối cảnh cụ thể họ tin là “có lợi cho Mỹ” nhất, kể cả khi có thể bị coi là phản bội lại những cam kết trước đây, kể cả ở cấp cao nhất. Dân Kurd lại tiếp tục chịu đau thương dưới bom đạn của Thổ và sự đồng lõa của Mỹ. Người Kurd chỉ còn một con đường là tiếp tục cuộc chiến đấu lâu dài cho độc lập tự do của mình.

Với ba chục năm chiến tranh ác liệt, hàng triệu người chết, bom đạn chưa nổ và chất độc vẫn còn gây chết người đến tận hôm nay, khó mà nói là dân Việt còn “may” hơn người Kurd. Nhưng thực tế là người Việt có một vùng đất không nhỏ, một vùng biển rộng lớn mà cha ông để lại. Dù có đi đâu, sống giàu có, thành đạt đâu đó ở xứ người, ta vẫn có một nơi chốn thiêng liêng sâu thẳm trong lòng để nghĩ về, nhớ về, nhất là khi người ta không còn trẻ nữa và khi người ta có một tấm lòng, như cách nói của Trịnh Công Sơn. Đó là một góc phố nhỏ cũ kỹ hồi bé ta chơi đùa với chúng bạn. Đó là gốc đa đầu làng ta ngồi nghỉ dưới bóng mát khi trở về từ đồng ruộng. Đó là con suối nhỏ đầy đá cuội trưa hè ta ngồi cho nước mát chảy qua, vô tư lự nghe chim hót trong lùm cây cao. Đó là nơi cha mẹ ta yên nghỉ trên một ngọn đồi nhỏ yên tĩnh, bên một con sông lặng lẽ chảy về xuôi. Người Việt chắc là ai cũng có những “nơi chốn” như thế, dù họ có thể không đồng ý với nhau nhiều thứ, nhất là chính trị. Cho nên, nói chuyện người khác là để có lòng thương cảm với họ, nhất là những người có hoàn cảnh bất hạnh, khó khăn như người Kurd. Chuyện người khác cũng thường giúp ta nhìn lại mình, hiểu mình hơn, quý nhưng gì ta có hơn là phàn nàn về thứ ta không có.  

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2019

Nhớ về một Con Người

Trong Thế Chiến 2, nước Pháp, quê hương của Tự Do – Bình Đẳng – Bác Ái bị nước Đức phát-xít giày xéo. Phải nhờ quân đồng minh, nước Pháp mới lại được tự do. Nhưng chính phủ Pháp khi đó không chịu hiểu một điều là tự do cũng không kém phần quý báu đối với các dân tộc thuộc địa Pháp, trong đó có Việt Nam. Vừa thoát khỏi gót giày Hit-le, Pháp đã vội vã đưa chiến hạm và đội quân xâm lược trở lại Việt Nam.

Trước tình thế gay go ấy, tháng 12/1946, Chủ Tịch Hồ Chí Minh của nước Việt Nam non trẻ vừa mới giành được độc lập một năm trước đó đã kêu gọi toàn thể nhân dân Việt Nam chống lại cuộc xâm lược của Pháp. Với hy vọng độc lập tự do thiết tha, hàng triệu người Việt Nam đã đáp lại lời kêu gọi ấy.
Trong số đó có một đôi vợ chồng trẻ với một bé gái nhỏ. Anh vốn là một chàng trai Hà Nội, học sinh trường Bưởi – trường trung học dành cho những học sinh người Việt xuất sắc nhất ở miền bắc thời bấy giờ. Yêu văn hóa Pháp, anh thuộc lòng những bài thơ lãng mạn của Rimbaud và Verlaine, những đoạn văn của Victor Hugo và Anatole France. Chị vốn là nữ sinh trường Công Giáo Sainte Marie. Chị thích những bản tình ca Pháp như C’est à Capris hay bài dân ca vui vẻ Quand on est matelot.

Nhưng cái mà Anh yêu hơn cả là tinh thần Tự Do của Cách Mạng Pháp 1789. Cái sâu sắc nhất thấm vào con người Chị lại là tinh thần của Chúa Giê-su, bình thản chịu đựng mọi khó khăn vất vả của cuộc đời. Bỏ lại nhà cửa và cuộc sống êm ấm ở Hà Nội, với hai bàn tay trắng và một cô con gái nhỏ, họ lặn lội lên núi rừng Việt Bắc, tham gia vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Suốt 9 năm ở chiến khu, hai người đã chịu đựng muôn vàn thiếu thốn, đói rét, bệnh tật, bom đạn chiến tranh, cố gắng làm tốt một công việc bình dị là dạy học cho các em nhỏ ở khắp các vùng rừng núi Bắc Việt Nam.
Dường như có một sức mạnh kỳ lạ đã giúp hai con người mỏng manh ấy vượt qua những khó khăn mà ngày nay chúng ta khó mà hình dung được. Sức mạnh ấy chính là tình yêu thương, lòng chung thủy và khát khao trở về thành phố quê hương thân yêu. Cặp vợ chồng trẻ ấy chính là Cha Mẹ chúng ta, Ông Bà của các con chúng ta và Cụ Ông Cụ Bà của các cháu chúng ta.

Hôm nay chúng ta kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Ông. Ông sinh ngày 8/10/1919 tại Hà Nội. Các cụ thân sinh Ông gốc gác ở làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Đông. Cụ ông lúc trẻ làm nghề khắc dấu, một nghề truyền thống của Nhị Khê, sau làm nghề bốc thuốc. Cụ bà là một phụ nữ Việt Nam truyền thống, cả đời lo việc gia đình phục vụ chồng con. Cụ ông phải bôn ba kiếm sống nên từ nhỏ, Ông ở với anh cả là Bác Đoan, làm công chức ở Hà Nội, người đã nuôi Ông ăn học cho tới khi học xong trường Bưởi và đi làm. Sau đó Ông gặp Bà, khi đó là nữ sinh trường Sainte Marie ở Hà Nội.
Sau 9 năm kháng chiến chống Pháp, cuối năm 1954, Ông Bà cùng 3 con đã theo đoàn quân chiến thắng trở về thủ đô. Từ đó, ông tiếp tục công tác giáo dục, từ dạy cấp 1, biên soạn sách giáo khoa, xuất bản, nghiên cứu, đào tạo giáo viên tiểu học. Sau nghỉ hưu năm 1975, ông tiếp tục hỗ trợ cho hoạt động của quỹ nhi đồng LHQ UNICEF tại Việt Nam.

Có lẽ cái chất giản dị, thanh bạch, quân tử của Nguyễn Trãi, một người cùng làng Nhị Khê nhiều thế kỷ trước đã phần nào truyền lại tới tận đời Ông.  Thời trẻ tuy có học nhiều ngôn ngữ và văn hóa Pháp, Ông vẫn mang phẩm chất của một nhà nho. Nghèo mà không hèn -  lời dạy đó của các bậc thánh hiền xưa là nguyên tắc sống của đời Ông. Dù nghèo, Ông chưa bao giờ vì tiền bạc mà bỏ nhân cách. Ông suốt đời đọc sách vì đối với Ông, hiểu biết là niềm vui mà dốt nát là nỗi khổ. Ông là người giản dị, thân mật, dí dỏm và chu đáo. Ai đã tiếp xúc với Ông đều nhớ nụ cười trong sáng và đôn hậu của Ông.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Ông hôm nay, chúng ta nhớ tới Ông và Bà với tràn đầy tình yêu và lòng biết ơn. Ông Bà không chỉ sinh ra và nuôi dưỡng mà còn dạy dỗ chúng ta nên người. Ông dạy dỗ chúng ta bằng những trang sách Tập Đọc lớp 1 mộc mạc đầu tiên cho tới những trang Hồi Ký cuối đời. Bài học quan trọng nhất không phải là viết cho văn vẻ hay làm toán cho đúng mà là học để thành NGƯỜI. Bài học vô giá ấy Ông Bà đã dạy bằng chính cuộc đời mình.

Hà Nội, 8/10/2019