Thứ Năm, 7 tháng 11, 2019

Chuyện của Xoan


Xoan – không rõ tên cô là gì nên tạm gọi như thế - làm nghề chèo đò du lịch ở Tràng An, một điểm du lịch nổi tiếng của Ninh Bình, một tỉnh cách Hà Nội 100km. Đò của Xoan nhẹ lướt trên con sông nhỏ uốn lượn giữa những ngọn núi đồi cây cỏ xanh tươi với những ngôi chùa thấp thoáng. Thỉnh thoảng, con đò lại chui qua những hang động huyền ảo. Người ta gọi vùng này là “vịnh Hạ Long trên cạn” thật không quá lời. Sau khi ngắm cảnh và chụp ảnh thoải mái, người ta hỏi chuyện cô lái đò cho chuyến đi thêm phong phú. Xoan bảo nghề chính của mình là làm ruộng. Do đặc điểm tự nhiên, ở đây chỉ làm được một vụ lúa. Làm ruộng, kể cả là 2 vụ thì chỉ tạm đủ ăn thôi, nghĩa là rất nghèo. Nếu muốn khá hơn thì phải làm thêm việc khác, như đi làm công nhân ở khu công nghiệp. Vùng này toàn núi, không có đất làm nhà máy nên làm công nhân thì phải đi xa, nhà cửa con cái phải nhờ bố mẹ già trông nom. Nếu không đi được thì phải chấp nhận sống nghèo ở quê nhà. Gần đây người ta nhận ra có thể làm du lịch bởi Tràng An có phong cảnh đẹp. Một “đại gia” – từ thường dùng để chỉ những nhà tư bản giàu có và quyền lực - người Ninh Bình bỏ tiền xây một khu chùa chiền Phật giáo rất lớn ở đây. Con sông ngày xưa chẳng biết để làm gì nay biến thành một tuyến du ngoạn trên thuyền chèo tay đẹp như mơ, có thể nói chả kém gì đi gondola ở Venise. Khách du lịch tới đây từ khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt vào dịp tháng Giêng sau Tết, dân Việt ào ạt đổ về đây đi lễ chùa, ngắm cảnh và du ngoạn trên sông. Và tiền bạc cũng ào ạt đổ về đây. Nhưng tiền không chảy vào túi Xoan. Xoan vẫn nghèo. Để được chèo đò, cô phải góp một phần tiền để mua đò. Kể cả khi cô có cả cái đò riêng của mình, cô cũng vẫn không được chèo đò. Vị đại gia kia đã “đấu thầu” để được độc quyền khai thác con sông này cho du lịch. Khách phải trả Đ800k (khoảng US$34) cho một chuyến đò nhưng Xoan chỉ được Đ200k. Cô không được lĩnh ngay mà phải chờ đến một ngày trong tháng, như kiểu lĩnh lương vậy. Một chuyến đò mất khoảng hơn hai tiếng. Xong chuyến, có muốn đi tiếp chuyến khác ngay cũng không được bởi còn có tới 2 ngàn người như Xoan đang chờ đến lượt mình. Khoảng 3 hay 4 ngày nữa cô mới lại được chèo chuyến tiếp theo. Vào mùa lễ hội sau Tết, khách nhiều hơn thì Xoan được chèo nhiều hơn. Dù chịu khó chèo đò, thu nhập của Xoan cũng không khá hơn là bao. Chồng Xoan làm thợ xây ở trong vùng, một ngày được Đ200k. Nếu phải chi những khoản đột xuất như khi nhà có người ốm đau hay con đi học xa, nhà Xoan sẽ lâm vào cảnh khó khăn ngay. Để thoát nghèo, dân thuần nông như Xoan có thể phải đi kiếm sống ở những nơi xa, có khi là rất xa. Trong làng cũng có nhà con cái giỏi giang thành đạt nhưng số đó rất ít.

Cách Tràng An khoảng 250km về phía nam là huyện Can Lộc, nơi có ngã ba Đồng Lộc nổi tiếng trong chiến tranh chống Mỹ với 10 cô gái – thanh niên xung phong hy sinh oanh liệt năm 1968 trong một trận bom của không quân Mỹ khi đánh phá một điểm quan trọng trên con đường vận chuyển quân đội và vũ khí từ Bắc vào Nam. Trong những ngày gần đây, một cô gái Can Lộc nữa trở nên nổi tiếng theo một cách hoàn toàn khác. T.M. – tạm gọi như vậy bởi cảnh sát Anh vẫn chưa công bố chính thức danh tính các nạn nhân – một cô gái từ Can Lộc, trong lúc vật lộn với cái chết trong thùng đông lạnh đóng kín cùng với 38 người khác trên một chiếc xe tải đi từ Bỉ vào Anh, chặng cuối của con đường buôn người đã viết những dòng tin nhắn về Việt Nam sau đây:

- Mẹ ơi, con đang chết đây. Con không thở được. Con xin lỗi mẹ.  

Mấy hôm sau, những dòng ngắn ngủi ấy cùng với hình ảnh trẻ trung xinh đẹp của cô đã tràn ngập báo chí Anh và Châu Âu. Cái chết bi thảm của cô và những người Việt khác trên chiếc xe tải đó đã gây nên nỗi xúc động, xót xa thương cảm to lớn của người dân và chính quyền nước Anh, ngay cả trong bối cảnh hiện tại khi châu Âu đã gần như hết kiên nhẫn với làn sóng nhập cư từ các nước nghèo. Người nhập cư đã gây ra quá nhiều phiền phức cho họ. Công an và ngoại giao VN đã vào cuộc để cùng đối tác phía Anh xử lý vụ việc này và ngăn chặn đường dây buôn người. Gần đây, do kinh tế phát triển, nhiều người VN trở nên khá giàu có. Họ cho con cái đi học ở Anh, Mỹ và các nước phát triển khác, sau đó ở lại luôn để sinh sống và làm việc. Một số thuộc loại rất giàu còn mua cả nhà cửa cho con cái ở. Thậm chí họ còn “mua” cả quốc tịch, thẻ xanh – một loại giấy phép thường trú – cho cả nhà bằng cách đầu tư vào nước họ muốn tới một khoản tiền theo quy định của chính phủ nước đó. Người giàu có nhiều lựa chọn. Họ không nhất thiết phải đi nước ngoài bởi ở trong nước, họ vẫn có thể kiếm được nhiều tiền hơn và sống giàu sang. Nhưng những người nghèo như Xoan vẫn còn đó. Và rất, rất đông! Họ có ít lựa chọn lắm. Nhà Xoan chỉ trông vào một vụ lúa cộng thêm khoản chèo đò của Xoan và tiền công làm thợ xây của chồng Xoan. Với thu nhập ít ỏi đó, chẳng may nhà có ai đau ốm tai nạn thì chẳng biết lấy đâu ra tiền đi bệnh viện. Rất có thể, nhà Xoan đã từng tính chuyện “xuất khẩu lao động” rồi. Có con đường đi chính thức, an toàn, ví dụ như đi Hàn Quốc. Con đường này phải có nghề chuyên môn, đăng ký, chờ đợi, học và thi ngoại ngữ, v.v. khá lâu, phiền phức mà lương không cao lắm, công việc nặng nhọc. Hôm HQ nới rộng visa cho người Việt, hàng ngàn người chen chúc, chờ đợi từ đêm, mấy ngày vẫn chưa tới lượt nộp hồ sơ. Có thể Xoan đã nghe nói người ta đi sang châu Âu, sang Anh, làm công việc không đòi hỏi ngoại ngữ hay chuyên môn gì mà lại thu nhập cao. Nghe nói đó là việc làm nail hay trồng cần-sa. Ở Nghệ An, Hà Tĩnh có nơi cả làng cứ “dắt nhau” sang. Ít lâu sau, người ta đã gửi được tiền về xây nhà, mua ô tô. Có thể Xoan cũng biết là đi cách này chi phí cho “đường dây” cao, đi đường có nhiều khó khăn, rủi ro, sang đó công việc lại vất vả, cư trú bất hợp pháp. Nhưng với người nghèo, chẳng có cách nào dễ cả. Muốn nhanh “thoát nghèo” thì phải chịu khổ, phải liều lĩnh một chút. Vả lại thì cũng chả còn con đường nào khác. Đi như vậy sẽ phải qua “đường dây” đưa người bất hợp pháp vào châu Âu, vào Anh. Có thể sắp tới, những đường dây như thế sẽ ngừng hoạt động, ít nhất là trong một khoảng thời gian nào đó. Rồi thì mọi việc sẽ lại như cũ khi “chiến dịch” truy quét lắng xuống. Mọi chiến dịch chỉ là giải pháp tạm thời, không thể giải quyết được gốc rễ của vấn đề: sự nghèo đói và bất bình đẳng xã hội. Có thể Xoan không đủ liều lĩnh để đi theo “đường dây”, nhất là sau cái chết bi thảm của 39 người vừa rồi. Xứ Nghệ Tĩnh, quê hương của T.M. xưa nay có tiếng là quyết tâm và can đảm. Trong cuộc chiến chống Mỹ, 10 cô gái Đồng Lộc đã chứng tỏ sự cam đảm phi thường dưới mưa bom của không quân Mỹ để bảo vệ con đường huyết mạch Bắc – Nam. Nếu T.M. sống ở thời đó, có lẽ cô cũng như vậy. Ngày nay, thoát nghèo cũng đòi hỏi quyết tâm và can đảm không kém. Sẽ có những người nghèo tiếp tục tìm mọi cách ra đi. Sẽ vẫn như vậy cho tới bao giờ thì không ai biết. Có thể là đến khi không còn những người nghèo như Xoan và T.M. nữa. Đó là khi mà Việt Nam sẽ “sánh vai với các cường quốc năm châu” như ước vọng của Cụ Hồ năm 1946.