Thứ Ba, 18 tháng 8, 2020

Cách Mạng Belarus

 Việt Nam vốn là một vùng đất cách mạng. Với sự ra đi về với tổ tiên của hầu hết các nhà cách mạng tiền bối và những người trực tiếp chứng kiến, cách mạng cũng dần lùi vào quá khứ xa xôi. Cái còn lại có lẽ chỉ là vài bài xã luận trong những dịp kỷ niệm trên những tờ báo chính thống ít độc giả hay những bài học của trẻ em để chúng học thuộc lòng mà có lẽ chẳng hiểu gì.  Ngay trên quê hương của cuộc “cách mạng Tháng Mười long trời lở đất, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử loài người, v.v. “, những hình ảnh của cuộc cách mạng Nga năm 1917 có lẽ cũng chỉ còn lại ở một vài tổ chức “cánh tả” hay vài nhà sưu tập đồ cổ thôi. Kỷ nguyên cách mạng phải chăng đã qua đi? Những gì đang xảy ra ở Belarus trong vòng một tháng qua cho thấy nó vẫn là thời sự nóng bỏng nhất. Cho đến bây giờ, người ta có lẽ chỉ biết Belarus là một vùng đất nhỏ ở phía tây nước Nga. Sau khi Liên Xô tan rã, người dân ở đó vẫn lặng lẽ lao động ở các xí nghiệp công nghiệp hay những nông trường có từ thời LX, vẫn “chăm chỉ và ngoan ngoãn” tuân theo vị tổng thống đầu tiên, tại vị suốt mấy chục năm qua, bằng lòng với sự “ổn định” ở mức thu nhập có lẽ thuộc nhóm thấp nhất châu Âu. Chính quyền ở đó muốn người dân tuyệt đối tuân thủ Bachka – Người Cha của đất nước và dân tộc Belarus, một danh hiệu có lẽ vị tổng thống đó tự phong. Ở châu Âu, ông ta có một danh hiệu nổi tiếng khác – nhà độc tài châu Âu cuối cùng. Có lẽ ông ta khá xứng đáng với danh hiệu đó bởi những việc làm của mình: bắt bớ, giam cầm, tra tấn, thủ tiêu những người chống đối mà đa phần chỉ là có ý kiến khác với ý ông ta. Suốt từ 1994 tới nay, bất chấp mọi cáo buộc gian lận, ông ta luôn thắng “áp đảo” trong tất cả các cuộc bầu cử tổng thống. Trước thềm cuộc bầu cử TT vừa qua ngày 9/8/2020, ông ta đã “cẩn thận” loại trừ khỏi danh sách ứng viên tất cả những người được cho là có khả năng gây khó khăn cho mình. Và có lẽ để cho cuộc bẩu cử vẫn có vẻ là có cạnh tranh, và từ đó thì việc trúng cử lần nữa là “xứng đáng”, ông ta để cho một người phụ nữ trẻ, một bà nội trợ hiền lành nhút nhát, chưa từng có biểu hiện quan tâm hay tham gia vào chính trị ra ứng cử thay cho chồng mình, một bloger về hoạt động xã hội khá nổi tiếng, một trong những ứng cử viên TT bị bắt trong thời gian vận động bầu cử vì một lý do “chống đối người thì hành công vụ” nào đó mà người ta nghi ngờ là chính quyền cố tình ngụy tạo ra. Một “đối thủ” nữ như thế thì khó có thể gây ra một khó khăn gì, dù là nhỏ nhất, ít nhất là theo quan điểm của chính quyền. Nhưng ở đời thỉnh thoảng lại xảy ra những điều mà không ai ngờ tới. Điều mà Lukashenko – vị TT đương nhiệm – không thể ngờ tới đã xảy ra. Người thiếu phụ - Svetlana Tikhanovskaya – đã liên minh với hai người phụ nữ trẻ khác, một là trợ lý của một ứng viên TT khác, cũng bị bắt cùng thời gian, và một là vợ của một ứng viên khác nữa, bị loại khỏi danh sách vì “bất hợp lệ” và sau đó buộc phải rời khỏi đất nước để tránh bị bắt như hai người kia. Ba thiếu phụ trẻ, xinh xắn, thông minh, bổ trợ cho nhau tạo thành một bộ ba có sức cuốn hút không ngờ, được những đám đông lớn nhiệt liệt ủng hộ ở tất cả những thành phố họ đi qua để vận động bầu cử. Lý do mà đại đa số dân Belarus sẵn sàng bầu cho Tikhanovskaya không phải vì cô ta có tài năng xuất chúng gì để lãnh đạo mà chỉ là để loại bỏ nhà độc tài mà họ đã quá chán ghét. Sự nhiệt liệt ủng hộ của rất đông dân chúng và nhiều bằng chứng khác khiến người ta tin rằng cô đã đạt được số phiếu cao nhất, tới 80%, trong khi vị TT đương nhiệm chỉ khoảng 10%. Thế nhưng ban bầu cử TW mà người ta tin rằng chỉ là một công cụ để gian lận bầu cử - đã tuyên bố là Lukashenko trúng cử với 80% số phiếu. Đó có lẽ là giọt nước cuối cùng làm tràn ra cái sự bực tực, oán hận, chán nản mà dân Belarus đã tích tụ trong lòng mình suốt hơn ¼ thế kỷ qua. Hàng chục ngàn người, nhất là thanh niên đã đổ ra đường ở thủ đô Minsk và khắp các thành phố lớn để biểu tình hòa bình phản đối sự gian lận trắng trợn đó. Ngay lập tức, chính quyền đã phản ứng bằng bạo lực của dùi cui, vòi rồng, lựu đạn cay, bắt giam và đánh đập khoảng hơn 6000 người biểu tình. Có lẽ chính quyền vẫn tin rằng lần này cũng thế, bạo lực sẽ làm người dân sợ hãi và nhanh chóng chấm dứt phản kháng. Nhưng Lukashenko đã lầm. Bạo lực lại chỉ làm tăng gấp bội sự phản kháng của nhân dân. Chủ nhật vừa qua, dân ở khắp nước đã đổ về thủ đô Minsk, tạo thành một cuộc tuần hành khổng lồ với khoảng 250.000 người tham gia. Đám đông hô vang khẩu hiệu Ukhadi! – (Tiếng Nga, tạm dịch là “cút đi”), đòi Lukashenco từ chức. Điều lạ lùng là nhiều người, nhất là các thiếu nữ, ăn mặc đẹp, tay cầm hoa, tươi cười như thể họ đang dự một lễ hội đường phố mà không phải một cuộc biểu tình đòi lật đổ tổng thống! Cũng dễ dàng nhận thấy là không có những hành động như đốt ô tô, đập phá cửa hàng hay hôi của như thấy ở các cuộc biểu tình gần đây ở Pháp hay Mỹ. Thậm chí một số thiếu nữ còn tặng hoa và ôm hôn những anh cảnh sát đặc nhiệm được trang bị đầy đủ để trấn áp người biểu tình. Có thể vì số người biểu tình quá lớn nên chính quyền hiểu rằng không thể đàn áp được nữa. Nối tiếp biểu tình quần chúng, công nhân các xí nghiệp trụ cột của Belarus bắt đầu bãi công. Tiếp theo là cơ quan truyền hình TW, nhà hát giao hưởng, v.v. Thậm chí một số sỹ quan cảnh sát, quân đội lên mạng xã hội kêu gọi đồng nghiệp ngừng ủng hộ chính quyền. Có lẽ là để đi thị sát thực tế, TT Lukashenko đã đến một nhà máy để tận mắt xem tình hình thế nào. Cái mà ông ta nhận được sau phát biểu của mình là những tiếng hô đồng thanh của công nhân: Cút đi! Cút đi! Vị TT này đã hiểu ra rằng ông ta không còn có thể “trị vì” theo cái cách vẫn làm như hơn 25 năm qua. Người dân Belarus thì cũng hiểu ra rằng họ đã vượt qua nỗi sợ hãi kéo dài hơn 25 của mình. Đây quả thực là một cuộc cách mạng. Đó không phải là cách theo cách ta thường gặp, với rất nhiều bạo lực, đổ máu như cách mạng tư sản Pháp xưa, Cách Mạng tháng Mười Nga. Đây có thể là một ví dụ, một hình mẫu cho một cuộc cách mạng văn minh, cách mạng “không bạo lực”. Cuộc cách mạng đang còn tiếp diễn mà không ai có thể đoán trước nó sẽ kết thúc như thế nào. Chỉ có một điều khá chắc chắn là Lukashenko sẽ không còn có thể “cai trị” dân Belarus như xưa nữa bởi ông ta đã mất hết sự ủng hộ của đa số nhân dân. Dân chủ - tiếng Anh là democracy – có nghĩa đại ý là quyền lực của đám đông, của nhân dân. Quyền lực mà ông ta có là do nhân dân trao cho, chứ không phải là “trời ban cho” hay kế thừa gia đình như ở các xã hội phong kiến. Nhưng quyền lực là thứ ma túy gây nghiện mà không có thứ ma túy nào mạnh bằng. Cái mà ông ta sẽ cố bám vào để giữ quyền lực của mình là lực lượng cảnh sát và quân đội. Những người lính ở trong cảnh sát hay quân đội đang nhìn đám đông hàng vạn người biểu tình kia trong đó có thể có cả gia đình, bạn bè của chính họ, và họ sẽ nghĩ rằng tại sao mình phải bảo vệ cái ông TT độc tài và tàn bạo kia mà lại không đứng về phía nhân dân? Những người lớn tuổi từng sống ở Miền Bắc Việt Nam thời trước hẳn đã từng phải học chính trị, và có thể cũng từng thấy chán những câu “khẩu hiệu” kiểu như “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng – Karl Marx” hay “Cách mạng là ngày hội của quần chúng – V.I. Lenin”. Những gì đang xảy ra trước mắt cả thế giới ở Belarus có thể là ví dụ sống động cho những tuyên bố đó.   

 

Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2020

Đất lành chim đậu

 

 Mới có hơn nửa năm trước, ở khắp nơi trên thế giới, người ta hớn hở đón năm mới 2020, nâng cốc chúc nhau hạnh phúc và may mắn mà không một ai có mảy may nghi ngờ rằng một đại họa đang tới gần. Khởi phát từ Vũ Hán, TQ từ cuối 2019, đại dịch viêm phổi Covid-19 với tốc độ chóng mặt đã lan ra khắp thế giới. Đến hôm nay, thế giới đã có hơn 21 triệu người bị nhiễm Covid – 19 và hơn 762 ngàn người đã chết mà dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Thế giới bị đảo lộn và tác động lớn đến mức khó có thể đánh giá được đầy đủ mức độ thiệt hại. Nước Mỹ giàu có, dân chủ, tự do - vùng đất ước mơ của cả thế giới hơn 100 năm qua thì nay đang dẫn đầu với danh hiệu buồn “nơi chết chóc nhất thế giới”. Việt Nam suốt gần nửa thế kỷ qua là vùng đất của chiến tranh, lạc hậu, nghèo khổ, cô lập, cấm vận, tham nhũng, ô nhiễm… nơi mà người ta chỉ muốn thoát ra để đến Bắc Mỹ hay Tây Âu. Khi xảy ra dịch Covid – 19 thì những dòng người Việt vẫn di chuyển, chỉ khác là theo chiều ngược lại: trở về. Đó là vì Việt Nam bỗng nhiên trở thành một ốc đảo khá an toàn giữa một đại dương dịch bệnh mênh mông. Đàn người có lẽ cũng như những đàn chim di cư, luôn tìm đến nơi nào dễ sống hơn. Rồi đây, khi dịch bệnh qua đi, người ta sẽ lại tiếp tục ra đi. Rồi người ta lại trở về khi lại gặp dịch bệnh, thiên tai, bất ổn kinh tế, xã hội… Đó là câu chuyện muôn thuở, chuyện đất lành chim đậu.