Ngày nay ở khắp thế giới người ta thi “Hoa Hậu” với mục đích là xem ai đẹp nhất. Thế nào là đẹp thì có thể đoán qua các tiêu chuẩn. Đó là chân có dài không, tỷ lệ “ba vòng” có ở mức tối ưu không. Hình như các nghiên cứu về những đặc điểm hấp dẫn của phụ nữ đối với đàn ông về phương diện tình dục, khả năng mang thai, sinh con và nuôi con của phụ nữ cũng tương tự. Chọn như thế là hợp với lẽ tự nhiên. Có lẽ người xưa cũng nhận ra điều đó nên mới có câu ca dao “Những người thắt đáy lưng ong, vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con”. Nhưng rồi những “nữ hoàng sắc đẹp” này thường lại hay bị tai tiếng. Thực ra thì họ chỉ đẹp hơn người thường về phần “thân” thôi, vì tiêu chí chọn lựa chỉ nhắm khá kỹ vào “ba vòng” của họ chứ có xét gì về đạo đức đâu mà trách họ. Giả sử có muốn chọn người đẹp cả phần “tâm” nữa thì cũng khó bởi không có cuộc thi nào có thể xác định được. Ấy là chưa nói những cô gái có “tâm” chắc gì đã thích mặc mỗi bộ đồ lót đi nghễu nghện trên sân khấu có đèn pha rọi vào cho khán giả, hình như phần lớn là đàn ông ngồi dưới xem. Vì thế ta nên nhìn nhận những người đẹp này đúng với cái họ có, nghĩa là có khuôn mặt và hình thể đẹp, thế thôi. Nhưng vấn đề không phải là họ. Xã hội tiêu dùng ngày nay do đàn ông thống trị đang tìm đủ mọi cách để thỏa mãn tối đa các giác quan mà nhà Phật gọi là “lục căn”, và dĩ nhiên, “sắc” là một trong những món đàn ông “hám” nhất. Bọn họ, nhất là những kẻ giàu có và thích ăn chơi trác táng sẽ không tiếc tiền cho việc này.
Người xưa ca ngợi bậc “đại trượng phu” là người giàu sang không thể làm hư hỏng, nghèo khó không thể làm cho hèn hạ, sức mạnh không thể khuất phục. Nhưng thái độ của các bậc đó trước mỹ nữ thế nào thì hình như chưa thấy nói đến. Có lẽ người xưa đã biết rằng sắc đẹp có thể làm “nghiêng nước, nghiêng thành” nên đã cẩn thận không tuyên bố một điều họ không chắc lắm!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét