Thứ Ba, 4 tháng 1, 2011

Tôi là gì?

Có thể nói phần lớn vấn đề của chúng ta là do ta luôn quan trọng cái “Tôi”. Suốt ngày ta lặp đi lặp lại cái “tôi”, nào là làng tôi, nước tôi, Chúa của tôi, công ty tôi, nghề của tôi, tài năng của tôi, nhà tôi, con tôi, v.v. nhiều đến mức không thể liệt kê hết được. Nhưng “tôi” là gì? Cái này thì một số người đã có bàn luận. Tôi có phải là cái thân xác tôi? Nếu "mổ xẻ" và "phân tích" cho kỹ theo khoa học cho đến tế bào, đến "bản đồ gien" thì tôi chả khác bất cứ người nào trong hàng tỷ người trên Trái Đất. Ấy là chưa kể tôi lại có vẻ giống cả lũ chuột nữa! Vì thế nên người ta mới hay dùng chuột bạch để thử các loại thuốc cho người. “Tôi” không phải là cái tên tôi vì tên có thể đổi được, mà lúc cha mẹ đặt thì nhiều khi cũng chỉ vì “nghe nó hay hay” mà thôi. Hay tôi là cái tôn giáo của tôi, như khi ta nói “tôi là một người Thiên Chúa giáo?” Nhưng có nhiều người cải từ đạo này sang đạo khác.Tôi cũng không phải là cái nghề của tôi vì ta luôn có thể chuyển sang làm nghề khác. Hay tôi là cái chức vụ của tôi như giáo sư, bộ trưởng, giám đốc? Chẳng phải, vì rồi ta có thể bị mất chức hay nếu không thì cũng phải về hưu. Hay tôi là cái quốc tịch/hộ chiếu của tôi? Không phải vì thứ này cũng thay đổi được. Thế tôi có phải là cái “giai cấp”, lý tưởng, chủ nghĩa mà tôi theo đuổi? Cũng không phải vì ta thấy những thứ tưởng chừng như vô cùng vững chắc này đã suy yếu, thậm chí tan rã như thế nào rồi. Hay tôi là hiện đại, là người thế kỷ 21? Nhưng thế người ở thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên thì có gì khác? Không ít những người “hiện đại” lại tỏ ra lạc hậu về tư tưởng và ngược lại, có nhưng người cổ xưa mà tư tưởng của họ ngày nay vẫn vô cùng hiện đại. Những phân tích như thế này có thể còn kéo dài, song câu hỏi “tôi là gì?” dường như vẫn không có câu trả lời nào xác đáng. Có vẻ như tôi chẳng là cái gì cả, không tồn tại, hư vô, trống rỗng. Ấy thế mà phần lớn chúng ta lập tức "nhảy dựng" lên để bảo vệ những "cái tôi" như trên hoặc những thứ tương tự khi ai đó đụng chạm đến. Quẳng được những cái “tôi” chẳng phải là mình ấy đi, có lẽ ta sẽ được "giải thoát" - được tự do.
 
Bạn bảo trung tâm vũ trụ ở đâu? Chính là bạn, hay gọi một cách khác là “Tôi”. Suốt ngày và suốt đời, có phải là lúc nào ta cũng nghĩ đại loại theo kiểu “Tôi thích cái này, tôi không thích cái kia” không? Và mọi “vấn đề” của ta có lẽ cũng là do cái cách suy nghĩ và hành động ấy tạo ra cả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét