Chỉ dính một tí bùn đen thôi là có thể làm bẩn cả một chậu nước trong hay một chiếc áo trắng. Một đời người cố gắng giữ gìn có thể hỏng cả chỉ vì một lỗi lầm. Chậu nước hay chiếc áo còn có thể tẩy sạch. Vết “đen” trong cuộc đời khó có thể tẩy sạch khỏi chính tâm mình, chứ chưa nói đến trong suy nghĩ của người khác.
Tổng số lượt xem trang
Thứ Năm, 31 tháng 3, 2011
Đen và Trắng
Chỉ dính một tí bùn đen thôi là có thể làm bẩn cả một chậu nước trong hay một chiếc áo trắng. Một đời người cố gắng giữ gìn có thể hỏng cả chỉ vì một lỗi lầm. Chậu nước hay chiếc áo còn có thể tẩy sạch. Vết “đen” trong cuộc đời khó có thể tẩy sạch khỏi chính tâm mình, chứ chưa nói đến trong suy nghĩ của người khác.
Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011
Về nhà
Sáng ta đi làm. Chiều tối ta về nhà. Sáng hôm sau ta lại đi làm. Và cứ thế suốt cuộc đời. Việc này lặp đi lặp lại đến mức làm ta thấy việc mỗi ngày trở về nhà chẳng có gì đặc biệt cả. Cơm tối xong ta lại lập tức bật tivi lên. Người nào “văn minh” hơn thì vào “mạng”. Cứ thế cho đến lúc đi ngủ. Có người thay vì về nhà thì thích “bù khú say sưa” ở quán bia, ầm ỹ và vui vẻ hơn. Điều này rất phổ biến ở Hà Nội. Chúng ta có lẽ không ai nghĩ rằng cái việc “nhàm chán” ấy – trở về nhà mình để ở bên người thân mỗi ngày – một ngày nào đó lại có thể trở thành mơ ước thiết tha nhất và có thể là cay đắng nhất, vì ngôi nhà ấy, tổ ấm ấy không còn nữa do ta không cẩn thận chăm sóc gìn giữ, hoặc do một tai họa nào đó, như động đất hay sóng thần.
Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2011
Còn lại gì?
Ai cũng chỉ sống một lần. Và quá khứ cũng chỉ có một và không thay đổi được. Quá khứ là tuổi thơ của ta, là cha mẹ ta sống cực nhọc vất vả nay đã khuất núi, là xóm làng thành phố quê hương ta nơi dù có nghèo khó xấu xí quê mùa thế nào đi nữa thì cũng đã nuôi ta để ta còn được sống đến ngày hôm nay, là những lớp học đơn sơ, những sách giáo khoa cũ kỹ, những tấm ảnh đen trắng ố vàng bé tí teo ta chụp với những cậu bé và cô bé mà nay không biết ở đâu, những thày cô thuở ấy dạy ta những bài học đầu tiên mà chưa chắc ta hiểu được chúng có ý nghĩa thế nào với cuộc đời ta. Quá khứ là những xứ sở xa xôi lãnh lẽo ta đã đến thời trẻ tuổi, đã hào phóng đùm bọc chia sẻ cơm áo với ta, những đứa trẻ của chiến tranh khốc liệt. Quá khứ ấy là của riêng ta. Chỉ mình ta biết. Chỉ mình ta nhớ thương. Quá khứ ấy sẽ theo ta đi vào dĩ vãng mênh mông và vô tận. Tất cả sẽ đi vào quên lãng. Chẳng để lại gì.
Sản phẩm của Chúa Trời hay Con người?
Các hãng tốt nhất thế giới đôi khi vẫn có sản phẩm bị lỗi (vì thế nên mới có chế độ bảo hành). “Sản phẩm” của Chúa Trời là con người cũng vậy thôi, đôi khi bị lỗi về hình thức, như những người ngoại hình xấu, hay về chức năng, như bị bệnh tật bẩm sinh. Song ta thường không coi một số hành vi “dã man” của con người chỉ là biểu hiện khuyết tật của hệ thần kinh, tâm hoặc sinh lý. Ví dụ những kẻ “giết người hàng loạt” chắc là những “phế phẩm” của Tạo Hóa. Loại phế phẩm không thể sửa chữa được thì buộc phải loại bỏ. Song loại bỏ họ với lòng căm thù hay với một chút thông cảm có khác nhau.
Sáng tạo và Cóp nhặt
Phần lớn kiến thức của chúng ta thực ra là kiến thức của người khác mà chúng ta tích cóp được. Cái mà ta cho là “sáng tạo” thường chỉ là sự “xào xáo” những cái của người khác, may ra thì có thêm một chút của mình mà thôi.
Tại sao chúng ta sống hời hợt?
Có lẽ ai cũng có thể say mê một cái gì đó và có thể theo đuổi nó suốt đời. Nhưng phần lớn chúng ta thường bắt chiếc người khác và không biết tìm ra niềm say mê của riêng mình. Vì thế, cuộc sống của chúng ta mới hời hợt, vật vờ và nhàm chán.
Có lẽ ít nhiều ai cũng có cảm giác chán chường, trống rỗng và mất phương hướng. Đó là vì ta không biết sống. Biết sống là luôn có “một cái gì đó” để theo đuổi. Người thông minh là tìm ra “một cái gì đó” đáng theo đuổi suốt đời không bao giờ chán.
So sánh
Chúng ta thường xuyên so sánh. Điều đó cũng tốt thôi, vì giúp ta hiểu ta đang ở đâu. Nhưng hình như sự so sánh của chúng ta luôn “khập khiễng”, một phần vì thiếu thông tin hoặc chúng không chính xác. Nhưng lý do chính có lẽ là do chúng ta chỉ muốn nhìn một chiều, chỉ muốn “nhìn lên”. Lúc nào ta cũng thấy mình còn chưa đủ tiền, nhà mình còn chưa đủ rộng và sang trọng, con mình còn chưa vào được những trường học tốt nhất, mình đã chán chơi ten-nít rồi nhưng chưa được chơi “gôn”, v.v. Rồi ta bắt đầu suy rộng ra theo kiểu bao nhiêu nước đã có tàu hỏa cao tốc rồi mà ta chưa có và đại loại như thế. Những quyết định cá nhân dựa trên “cơ sở dữ liệu” như vậy có lẽ khó là những quyết định tốt nhất. Ở phạm vi quốc gia cũng vậy thôi.
Tính cách người ta lộ rõ khi nào?
Tính cách thật của con người thường lộ ra qua cách đối xử với tiền bạc và của cải, người giàu và nghèo, người quyền cao chức trọng và kẻ “vô danh tiểu tốt”, cấp trên và cấp dưới, người già và trẻ, đẹp và xấu. khi thành công và thất bại, người bất hạnh và khổ đau, người bất đồng ý kiến, khó khăn gian khổ và hiểm nguy, v.v. – nói chung là trong những hoàn cảnh khi chỉ còn 2 lựa chọn: Có hay Không.
Không lối thoát
Kẻ tội lỗi thường bị dày vò bởi chút lương tâm còn sót lại. Hơn nữa, nỗi lo một ngày kia tội lỗi sẽ bị phơi bày ra ánh sáng luôn đè nặng lên cuộc sống của họ. Nếu họ không có chút lương tâm và sợ hãi nào thì họ là con vật, không phải là con người. Như vậy dù kẻ tội lỗi may ra thoát được sự trừng phạt của dư luận hay pháp luật của con người thì vẫn không thoát khỏi sự trừng phạt của Trời Đất.
Tu khó hay dễ?
Các bậc chân tu xưa thường vào rừng sâu hay lên núi cao có lẽ để được sự yên tĩnh và tránh xa cám dỗ của chốn thị thành. Ngày nay, sự cám dỗ của xã hội tiêu dùng và tự do cá nhân đối với “lục căn” còn mạnh hơn nhiều. Vì thế, “tu” ngày nay cũng khó hơn.
Nếu đã thực sự theo đạo lý, mọi cám dỗ đâu còn có ý nghĩa gì? Có lẽ vì thế có những bậc chân thiền đời xưa nói rằng tu được ở giữa chốn thị thành mới là chân tu.
Tu khó. Có lẽ vì thế nên Phật giáo xưa mới khuyến
cáo là có thể phải cần nhiều kiếp thì mới đạt. Song nếu thật sự chân thành và tỉnh
thức, kết quả có thể thấy ngay.
Tu dưỡng có lẽ giống như đi trên dây vậy, một chút mất “thăng bằng”, một tí mất tập trung là ngã xuống đất ngay. Nhưng điều quan trong hơn là lại “lên dây” và tiếp tục đi.
Tu dưỡng có lẽ giống như đi trên dây vậy, một chút mất “thăng bằng”, một tí mất tập trung là ngã xuống đất ngay. Nhưng điều quan trong hơn là lại “lên dây” và tiếp tục đi.
Còn trẻ
Loài người với một triệu năm tuổi kể từ khi bắt đầu xuất hiện có lẽ là còn khá trẻ so với Trái Đất đã 4,5 tỷ năm. Thực ra, con người có trí khôn – khoa học gọi là “homosapien” – còn rất trẻ, mới được 150 ngàn năm. Cho nên nếu con người hãy còn tật “xấu” gì thì ta hãy cố tha thứ vì “hắn” còn “trẻ” và cần thêm thời gian nữa để học tập và trưởng thành.
Lợi hay hại?
Hiểu biết của con người về thân phận của mình và quan hệ với thiên nhiên và vũ trụ dường như đã đạt đến trình độ cao từ thời cổ. Ngày nay, con người quá say mê sự hào nhoáng của tiến bộ kỹ thuật mà thực chất chỉ nhằm tạo thêm nhiều tiện nghi vật chất. Đắm chìm trong vật chất, con người dường như tê liệt về tinh thần. Vì thế những vấn đề cơ bản quan trọng hơn cho cuộc sống đặt ra từ xa xưa dường như nay bị sao nhãng.
Con người được tạo hóa ban cho trí tuệ. Nhờ đó con người từ chỗ sống như loài vật hoang dã đã tự tạo cho mình nhiều sản phẩm vật chất và tinh thần, làm cho cuộc sống loài người khác hẳn loài vật. Nhưng con người nhiều khi trở thành nạn nhân của chính những ý tưởng “điên rồ” khi những ý tưởng đó biến thành quyết tâm của những kẻ nắm được quyền lực chính trị. Vì muốn xây dựng một xã hội “trong sạch”, chỉ có nông dân mà Pol Pot đã mù quáng tàn sát hàng triệu đồng bào của mình vì cho đó là cách nhanh nhất xây dựng một xã hội không còn giai cấp bóc lột. Tin rằng chủng tộc thượng đẳng “Aryan” đang bị đe dọa bởi các chủng tộc thấp kém hơn như Do Thái, Slavơ, v.v., Hitle đã “giải quyết” vấn đề đó bằng một cuộc chiến tàn khốc nhất trong lịch sử, làm chết hàng chục triệu người. Học thuyết “Domino” cho rằng nếu “mất” Việt Nam thì các nước xung quanh sẽ “đổ” theo của các tổng thống Mỹ đã đẩy hàng triệu thanh niên Mỹ đến chiến trường Việt Nam, ném hàng triệu tấn bom, rải hàng triệu lít chất độc hóa học, gây ra cái chết của gần 60.000 thanh niên Mỹ và hàng triệu người Việt Nam. Để thực hiện ý tưởng xây dựng một xã hội không còn “người bóc lột người”, Lê Nin theo học thuyết Marx, thực hiện cuộc cách mạng Tháng Mười, lập nên nhà nước “công nông” tại Nga và từ đó kéo theo việc thành lập các chế độ tương tự ở một loạt nước khác. Sau hơn 70 năm, cuộc cách mạng xã hội đầy tham vọng này đã hầu như hoàn toàn thất bại trước bản chất thực dụng cố hữu của con người.
Nhiều khi con người được lợi bao nhiêu từ trí khôn của mình thì có lẽ cũng bị hại bấy nhiêu bởi trí khôn ấy. Phát minh ra thuốc nổ để rồi bị giết chết ngày càng nhiều vì thuốc nổ. Phát minh ra rượu, thuốc lá, ma túy để rồi bị chính những thứ này tàn phá sức khỏe. Phát minh ra tôn giáo để rồi bị chính tôn giáo chia rẽ và trói buộc hàng ngàn năm nay. Phát minh ra vũ khí hạt nhân để rồi phải sống với nguy cơ bị hủy diệt.
Truyền thống và Bản sắc
Mặc dù một số truyền thống tốt cứ mai một dần, một số tập quán lạc hậu lại tỏ ra khá bền vững với thời gian. Ví dụ như tục bốc mộ của người miền Bắc Việt Nam. Cách đây 100 năm, nhà văn hóa Phan Kế Bính đã nói rằng tục này rất mất vệ sinh và trông rất thương tâm. Ấy thế mà từ ấy đến nay đã một thế kỷ trôi qua mà vẫn chưa thấy một nhà “cách mạng” nào dám hưởng ứng ý kiến của cụ Phan và lên tiếng phê phán hủ tục này.
Việc nhỏ và Việc lớn
Có những việc làm và lời nói khiêm tốn lại có sức mạnh to lớn khi đúng lúc đúng chỗ. Nhưng để làm được những việc “nhỏ” ấy lại cần có trí tuệ và tình yêu lớn để biết cần làm gì và khi nào.
Việc lớn cần nhiều công sức và thời gian. Người muốn làm việc lớn cần tiết kiệm chúng. Muốn thế phải tránh bận tâm với những việc nhỏ mọn, theo đuổi những cái lợi nhỏ, chịu những cái “thua” trong những cuộc tranh đấu lặt vặt, nhất là với những kẻ tiểu nhân thất phu để vươn tới cái đích lớn.
Khi đã có việc lớn của cuộc đời rồi, hãy yên tâm thẳng tiến, tranh thủ từng phút, đừng quay đầu lại, không sợ thất bại, không mong thành công, không mong nổi tiếng, bình thản với sự vô danh, không nản chí khi chỉ có một mình, không sốt ruột về kết quả, không buồn vì chẳng ai hiểu mình, không so bì với thành công của người khác, không cần ai cổ vũ tán thưởng, không nản khi bị chê bai, không lùi bước trước trở ngại, không hám cái lợi nhỏ. Xưa nay có lẽ ít ai đủ dũng cảm và nghị lực để theo con đường này.
Người chí lớn mà chưa nên sự nghiệp lớn, ấy là vì Trời chưa giúp thôi!
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)