Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 9 tháng 3, 2011

Nhãn mác và Danh hiệu


 Các loại “nhãn mác” như người da đen, người Lào, người Do Thái, người Trung Quốc, người Hồi giáo, giáo sư, tiến sỹ, bộ trưởng, giám đốc, nông dân, lái xe, “ô-sin”, người quét rác, đồng nát,  tù nhân, gái điếm, con nghiện, người nhiễm HIV, người bị “hủi”, v.v. thường làm ta suy nghĩ và cư xử sai với người mang “danh hiệu” đó. Các danh hiệu đó thường không nói lên gì nhiều về một con người. Mỗi con người dù mang bất cứ “danh hiệu” gì thực ra không phải chỉ là những gì theo quan niệm phổ biến– phần lớn là những định kiến sai lầm – về người đó. 

 Thiên hạ chưa biết tài mình mà mình không buồn, há chẳng phải mình là người quân tử hay sao?Xưa đức Khổng tử dạy các học trò điều này có lẽ vì ngài biết rõ bệnh háo danh của kẻ sỹ.

Có một số rất ít người tưởng chừng như không háo danh.Thực ra họ vượt tầm của bọn người phàm tục chúng ta thường chỉ hám hư danh của các học vị hay chức vụ là những thứ do người khác ban cho mà người xưa gọi là “nhân tước”. Họ vươn tới những thứ con người không thể ban tặng mà người xưa gọi là “thiên tước” do Trời ban - sự lưu danh muôn thuở.

Không nên trách những kẻ háo danh vì họ là sản phẩm tất yếu của một xã hội chưa thực sự tôn vinh con người vì những giá trị nhân văn đích thực, mà thay vào đó là những thứ hư danh ghi trên các loại giấy chứng nhận.

Ngày nay danh thiếp nào cũng ghi đầy các chức vụ và bằng cấp ở trước tên người. Điếu văn nào cũng kể lể các chức tước danh hiệu của người quá cố. Vẫn chưa đủ, người ta còn khắc lên bia mộ để cho danh hiệu, chức tước đó được “muôn thuở”. Thậm chí cả khi ta có vẻ như chấp nhận sự vô danh, thâm tâm ta vẫn muốn người khác biết rằng ta là một người “không thèm” danh tiếng, mà thực chất là một dạng tinh vi của háo danh mà thôi. Khó có người có chút tài nào lại có thể bình thản chấp nhận sự vô danh.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét