Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2011

Chiến tranh và Hòa bình



Chúng ta đều khá hiếu thắng. Ta luôn muốn thắng trong mọi cuộc tranh luận, thậm chí ngay cả khi trong thâm tâm ta biết mình sai. Ta muốn thắng “bằng mọi giá” trong các loại cuộc chiến từ "khẩu chiến”, gươm giáo cho đến đại chiến bằng bom đạn và vũ khí hạt nhân, từ giữa hai người cho đến giữa hai bộ lạc, hai gia đình, hai dòng họ, hai làng, “fan” của hai đội bóng, hai quốc gia, hai tôn giáo, hai hệ tư tưởng, v.v. Ta muốn thắng vì cái ý muốn phải hơn người để bảo đảm sự thống trị của ta chứ không hẳn là vì ta thực sự yêu quý những gì ta cho là “của ta”. Thử tưởng tượng có hai con kiến hoặc hai đàn kiến đang tranh luận và đánh nhau vì một vấn đề nào đó của loài kiến. Dĩ nhiên đối với con người chúng ta thì những “lý luận”, “quan điểm”, “chân lý”, v.v. của loài kiến là vô nghĩa và buồn cười. Nhìn từ trên núi xuống, con người cũng bé li ti như kiến vậy. Mà nếu nhìn từ trên máy bay, ta chỉ bằng hạt bụi. Còn nói theo “quan điểm vũ trụ” thì thậm chí Trái Đất to lớn của chúng ta cũng chỉ là một trong hàng tỷ tỷ những hạt cát bụi trong đại vũ trụ. Thế mà chúng ta - những con kiến và hạt bụi ấy - lại coi cuộc sống không quan trọng bằng những lý luận, quan điểm, chân lý, chủ nghĩa, thánh thần, v.v.  mà cơ bản chỉ là sản phẩm của tưởng tượng đến độ ta sẵn sàng đấu đá chém giết nhau vì những thứ đó. Thế nhưng đó chính là cách loài người suy nghĩ và hành xử từ xưa đến giờ.

Việt Nam là một trong những dân tộc phải chịu vô vàn đau thương của chiến tranh. Ba triệu người đã chết. Hàng triệu người trở về vẫn phải chịu một cuộc sống khó khăn vất vả. Hàng vạn người tàn tật suốt đời. Đất nước bị tàn phá bởi hàng triệu tấn bom đạn và chất độc hóa học. Hàng triệu người đã phải rời bỏ quê hương mình để đến những đất nước xa lạ. Hàng triệu gia đình, những người cha, người mẹ, người vợ có người thân không trở về. Họ phải nén nỗi đau, âm thầm chịu đựng một mình để cố tiếp tục một cuộc sống thường là thiếu thốn vất vả. Sự tàn bạo của chiến tranh và những đau đớn mà nó gây ra không có cách nào mô tả hết được. Thế mà đây mới chỉ là một trong vô vàn cuộc chiến mà loài người không nhớ nổi là bao nhiêu từ khi xuất hiện trên Trái Đất đến giờ. Chiến tranh vẫn tiếp tục cho đến hôm nay. Còn các nhà lãnh đạo ở mọi thời đại luôn có những lý do “chính đáng” để biện minh cho các cuộc chiến đẫm máu ấy. 

Con người hiểu quá rõ sự tàn khốc và đau thương của chiến tranh. Nhưng chiến tranh vẫn xảy ra cho đến hôm nay. Tất cả các nước, kể cả những nước nghèo khổ nhất, vẫn dành những khoản ngân sách lớn cho quân đội và vũ khí. Trí tuệ của những người giỏi giang nhất trên thế giới vẫn tập trung vào việc nghĩ ra những công cụ giết người ngày càng “hiệu quả” hơn. Thế mà con người đã trải qua hàng vạn năm “tiến hóa”. Không biết còn cần đến bao nhiêu vạn hay triệu năm nữa con người mới đạt đến “trình độ” của loài cừu, nghĩa là không giải quyết mâu thuẫn theo cách của hổ báo và chó sói. Dường như vũ khí hạt nhân, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiên tai, dịch bệnh, nạn đói, v.v. vẫn còn chưa đủ đe dọa sự sống nên con người vẫn tiếp tục tìm thêm các cách giết người mới.  

Nếu dồn vào, xác người chết trong các cuộc xung đột lớn nhỏ từ xưa đến nay có lẽ chất thành núi cao, còn máu và nước mắt sẽ chảy thành sông lớn. Nhưng ở mọi thời đại, các chính trị gia, các nhà lãnh đạo và tướng lĩnh luôn có những mục tiêu “quan trọng” hơn và họ sẽ không tiếc xương máu của quân lính và nhân dân để đạt được chúng.

Vừa rồi có một vụ “ôm bom tự sát” ở một sân bay một nước lớn làm chết nhiều người. Vị thủ tướng nước đó thề sẽ “trả thù” những kẻ chủ mưu. Ngay cả đức Giáo Hoàng cũng lên tiếng cầu mong cho Chúa Trời “chặt chân” những kẻ ác. Ngày nay, bạo lực vẫn là phương pháp phổ biến để đối phó với bạo lực. Và như vậy, lại sinh ra bạo lực mới. Cái vòng luẩn quẩn có từ xa xưa này dường như không có lối thoát.     

Ngày nay ta hay than phiền về tình trạng “đạo đức xuống cấp”, rồi cho là thế hệ trẻ ngày nay không bằng cha anh xưa. Có lẽ trong những hoàn cảnh đặc biệt như chiến tranh, đói khổ, v.v. con người có nhu cầu dựa vào nhau để tồn tại. Do đó những tính “xấu” như tham lam, ích kỷ, ủy mỵ, v.v. tạm chìm xuống nhường chỗ cho những tính “tốt” như đoàn kết, giúp đỡ nhau, tập thể, dũng cảm. Khi hoạn nạn qua đi, cuộc sống trở lại bình thường thì con người cũng trở lại “bình thường” với những tính “xấu” vốn có lại nổi lên như cũ.   

Nếu mọi ý định trong đầu của các chính trị gia, các tướng lĩnh trên thế giới, đại loại như những tiết lộ các tài liệu “Mật” của Mỹ gần đây cho thấy, và thậm chí cả những người ‘bình thường” như chúng ta nữa biến thành hiện thực, chắc Trái Đất sẽ biến thành một bãi chiến trường khổng lồ và phút chốc sẽ chỉ còn là một chốn không người đổ nát hoang tàn.

Nếu rất thành thật với bản thân mình, có lẽ chúng ta phải nhận rằng chỉ có những người lính phải ra trận, người thân của họ và nhân dân ở những vùng bị ảnh hưởng trực tiếp của chiến tranh là không muốn chiến tranh. Còn lại, với đủ mọi lý do khác nhau, chúng ta thấy chiến tranh là “hay hay”. Ta thích xem hai bên đánh nhau ra sao, vũ khí của họ siêu đẳng hay lạc hậu thế nào, quân tướng của họ hay dở ra sao, trông họ có “oai” không, v.v. Đối với những người không bị ảnh hưởng, chiến tranh cũng “hay” như khi họ xem phim về trận Stalingad, trận đấu xe tăng ở Kursk, trận Trân Châu Cảng, v.v, mà lại có phần hay hơn vì là “truyền hình trực tiếp”. Tệ hơn nữa, những cảnh đau thương chết chóc thật lại còn cho ta cơ hội có cảm giác “thương cảm” với những nạn nhân chiến tranh, cho ta cơ hội làm “đẹp” lòng mình hơn. Thế thì làm sao mà ngăn được chiến tranh?

Hình như nước nào, dân tộc nào cũng tự hào vì những cuộc chiến đẫm máu và “oai hùng” của mình trong lịch sử và đều cố “tô vẽ” chúng cho “đẹp” hơn, để cảm thấy “hãnh diện” hơn. Không biết có dân tộc nào lại tìm cách quên đi cái quá khứ đau buồn của chiến tranh khi những người trẻ tuổi của hai bên lao vào chém giết nhau mà ai cũng cho rằng mình là “chính nghĩa”.

Chúng ta được dạy dỗ là phải tranh đấu để giành lấy những gì mình muốn. Ta tranh đấu, giành giật thì người khác cũng tranh đấu giành giật. Như vậy tất sinh mâu thuẫn và xung đột. Nhẹ thì là khẩu chiến mà nặng là đấm đá. Nếu là hai nước thì đó sẽ là bom đạn. Bởi vậy hòa bình chỉ là lời nói cửa miệng vì tâm ta đâu có hòa bình. Có lẽ phải bắt đầu từ xây dựng hòa bình trong nội tâm mỗi người thì may ra thế giới mới có hòa bình.

Khó có hòa bình nếu ta không thể tha thứ cho người hàng xóm về những gì anh ta đã gây ra cho mình, hoặc cha mẹ, ông bà, tổ tiên anh ta đã từng gây ra cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên mình. Quan hệ quốc tế cũng vậy thôi.

Thỉnh thoảng chúng ta cũng nói đến hòa bình. Song dường như chiến tranh, tất nhiên là chiến tranh giữa những người khác và không ảnh hưởng trực tiếp đến mình, mới là thứ mọi người thích. Không cần nói tới các loại lãnh tụ “diều hâu” hay hừng hực tinh thần dân tộc và tôn giáo hẹp hòi mà ở thời nào cùng có. Cái đáng nói là hàng tỷ người trên hành tinh này tối nào cũng xem cảnh bạo lực đủ loại, từ phim ảnh cho đến bạo lực thật ở khắp mọi nơi trên thế giới. Không có bạo lực thì ta thấy cứ “nhạt nhẽo” thế nào ấy. Ở đây có trách nhiệm của một hệ thống truyền thông đại chúng chủ yếu do một siêu cường nắm giữ. Còn phần lớn các nước khác thì do chưa vươn lên được ở lĩnh vực này nên đành bị phụ thuộc truyền thông do một siêu cường và các công ty khổng lồ của nó, trong đó có các công ty sản xuất vũ khí thao túng.  

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lời kêu gọi nhân dân Việt Nam chống lại cuộc xâm lược của Pháp năm 1946 đã nói rằng nếu chúng ta muốn hòa bình thì chúng ta phải nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng thì Pháp càng lấn tới. Không dễ gì mà xác định được đâu là giới hạn cuối cùng của nhân nhượng, dù là trong quan hệ giữa hai nước hay hai cá nhân, song chẳng có cách nào khác.

Chiến tranh có lẽ chưa bao giờ ngừng trên Trái Đất. Có lẽ hòa bình chỉ là một chút “giải lao” giữa các cuộc chiến tranh.

Hình như những nước, những nhà lãnh đạo nói nhiều đến công lý, nhân quyền, v.v. lại là những kẻ gây ra chiến tranh nhiều nhất. Vì đó là những lý do, những cách biện hộ tốt nhất để gây chiến. 

Chiến tranh không bắt đầu ở chiến trường. Nó bắt đầu ở ngay trong đầu mỗi người chúng ta.

Suy cho cùng, tất cả chúng ta đều ủng hộ chiến tranh, trực tiếp hoặc gián tiếp, có hoặc vô ý thức.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét