Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

Bà mẹ Việt Nam

Mấy hôm nay, dư luận khá bức xúc trước dự án 20 triệu đô-la xây bức tượng “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” với kích thước “nhất Đông Nam Á” vì cho đó là lãng phí lớn khi cuộc sống của nhân dân còn quá thiếu thốn nghèo khổ, nguy cơ tham nhũng cao và ý nghĩa chưa “tâm phục khẩu phục” của biểu tượng này. Đa số các bà mẹ ấy và những phụ nữ Việt Nam khác đều là những người nông dân nghèo khó, vất vả một nắng hai sương "chân lội dưới bùn tay cấy mạ non", tần tảo nuôi con, chịu muôn vàn hy sinh vất vả mà không bao giờ nghĩ đến chữ “anh hùng”. Họ là những người nhỏ nhắn, vô cùng giản dị, khiêm tốn. Nhiều người đã lớn tuổi mà khi ra Hà Nội vẫn xưng “em” hoặc thậm chí “cháu” với những người thành phố trẻ tuổi hơn mình nhiều. Cái khối bê-tông và đá hàng ngàn tấn kia chắc là sẽ hết sức xa lạ, lạnh lẽo với nền văn hóa làng quê dung dị của họ. Không khéo nó sẽ giống những thứ tượng kệch cỡm đã từng được dựng lên ở Trung Quốc thời "cách mạng văn hóa" hay Bắc Triều Tiên ngày nay. Có lẽ vì thế mà xưa kia, nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:

Mênh mông áo vải hồn muôn trượng,
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn

Sự vĩ đại của một lãnh tụ là ở sự giản dị và lòng nhân ái chứ đâu phải ở kích thước cái tượng. Với người mẹ, người phụ nữ thì điều đó lại càng đúng hơn. Những công trình, những tượng đài to lớn mà không thấm đượm cái hồn văn hóa của dân tộc thì sẽ chỉ như những con “khủng long” mà thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét