Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

Tản mạn Hồ Gươm

Những ngày cuối đời, Cha thỉnh thoảng lại đòi ra Bờ Hồ đi dạo. Người bước từng bước rất khó khăn vì chứng bệnh Parkinson. Người ta khi gần Đất xa Trời thường nhớ về những gì xa xôi đẹp đẽ nhất trong cuộc đời mình. Lặng ngắm Cha, bỗng thấy hiện ra một Hà Nội đầu những năm 40 thế kỷ trước. Một chàng thanh niên tuấn tú dong dỏng cao với cặp mắt sáng ngời. Mặc chiếc áo lương dài, đi đôi guốc mộc, đội mũ rộng vành, như các học sinh nghèo khác ở trường Bưởi, một trường trung học loại "đầu bảng" của Hà Nội thời bấy giờ, chàng đi bên một thiếu nữ xinh xắn, mặc áo dài trắng, cổ đeo kiềng, như các thiếu nữ con nhà khá giả ở Hà Nội thời ấy. Nàng là nữ sinh trường Sainte Marie, một trường Công giáo cho nữ. Với vẻ rụt rè mà vẫn sôi nổi, Chàng đọc thơ Verlaine, Rimbaud và những đoạn văn của Anatole France*. Nàng không nói gì mà chỉ mỉm cười lắng nghe, tay cầm bó hoa tím nhỏ, khuôn mặt tràn đầy hạnh phúc. Tà áo dài khẽ bay trong gió chiều thu. Rồi hai người lên xe điện. Họ ngồi bên nhau trên chiếc ghế băng dài. Trời tháng Mười bắt đầu tối sớm hơn và se lạnh. Nàng nhẹ nhàng ngả đầu vào vai Chàng. Chàng đặt một nụ hôn nhẹ lên má Nàng. Nàng thì thầm: Je te préparerai de bon plats**... Những lúc như thế, người ta thấy thời gian trôi đi quá mau. Qua Hàng Gai, Hàng Bông, chả mấy chốc chuông xe điện kêu “leng keng” báo đã đến bến Hàng Đẫy. Chàng tiễn Nàng về tận nhà ở Văn Miếu. Rạo rực trong mối tình đầu, chàng lững thững đi bộ về nhà ở Rue des Chapeaux (nay là Hàng Nón). Có lẽ đó là những tháng ngày hạnh phúc nhất. Họ đâu có ngờ rằng phía trước là những cuộc chiến tranh tàn khốc, những năm tháng đói nghèo gian khổ cùng cực. Nhưng chính cái tình yêu trong sáng thuở ban đầu ấy đã giúp họ sức mạnh và lòng dũng cảm để bên nhau suốt cuộc đời. Hồ Gươm là cái hồn của Hà Nội bởi nó mang tâm hồn của người Hà Nội, trong đó có những chàng trai và cô gái như thế.

* Các nhà thơ, nhà văn Pháp thế kỷ 19
** Em sẽ nấu cho Anh những món ăn ngon

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét