Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Ít mới quý, nhiều thì rẻ?

Có một bộ phim - hình như của Mỹ - kể chuyện một nhóm người đi tìm một kho báu trên sa mạc. Họ tìm được rất nhiều vàng bạc châu báu và chia nhau mang về. Nhưng nước uống cạn dần và sức của họ cũng cạn theo. Họ đành phải vứt dần vàng bạc mang theo. Người vứt hết vàng bạc, chỉ giữ lại nước uống thì cuối cùng ra khỏi được sa mạc. Kẻ tham lam cố giữ vàng mà bỏ bớt nước thì cuối cùng kiệt sức chết khát giữa sa mạc. Khi hiếm, một giọt nước còn quý hơn cả cục vàng. Thái Lan thì lại đang có quá nhiều nước. Nước lụt ngập hầu hết các vùng. 12 triệu dân Băng Cốc cũng không thoát được lụt. Nhiều người đang phải bỏ nhà cửa đi tránh lũ. Khi quá nhiều, nước là một tai họa lớn. Những người thực dân da trắng đầu tiên tới vùng đất Nam Phi nhiều thế kỷ trước thấy trẻ con bản địa chơi những cục đá phát sáng lóng lánh. Chúng vứt cả ra ngoài đường. Họ nhận ra rằng đó là … kim cương! Khi quá nhiều, kim cương cũng chỉ là đồ chơi của trẻ nghèo. Nhưng rồi nhanh chóng, những “cục đá” ấy được thu gom để mang về châu Âu và cũng nhanh chóng trở thành thứ cực quý và hiếm. Thời “bao cấp” ở Hà Nội có người có xe đạp mới lấy giấy bọc kỹ để phòng bụi và sây sát sơn, rồi còn treo lên để đỡ hại lốp. Cái xe đạp lúc đó còn quý hiếm hơn cả ô tô bây giờ. Bây giờ nhà nào cũng ít con và kinh tế cũng khá hơn nên trẻ con được chăm sóc, chiều chuộng nhiều khi quá mức, mới hơi sụt xịt một tý là cả nhà đã cuống lên. Khi xưa nghèo hơn mà lại đông con, nhà nào ít cũng năm bảy đứa, nhà nhiều thì cả chục đứa, hoặc hơn. Trẻ con, nhất là ở nông thôn thì thả cho “tự do” chơi ngoài đường, bùn đất mũi dãi lấm lem cũng mặc. Nhân loại sắp đạt 7 tỷ người. Cái cảnh chen chúc đông nghịt giờ là phố biến khắp nơi, nhất là ở các nước nghèo. Chẳng cần phải đi “tham quan khảo sát” ở đâu, cứ ra phố Hà Nội -24/7 – là thấy ngay. Chật cứng ở ngoài đường, trong bệnh viện, ở trường học, trên xe buýt, ở khắp nơi. Hà Nội xưa vốn nổi tiếng là nơi thanh lịch thì nay là thứ ngược lại, xô bồ, hỗn tạp, thô bạo, chen lấn. Người nhiều thì mọi thứ thành ít. Ít thì người ta tranh nhau, chẳng coi nhau ra gì nữa. Thế nên, con người cũng chả còn quý nữa. Có một thứ rất sẵn và cực “rẻ” là không khí. Trời cho không khí ở khắp nơi và hoàn toàn “miễn phí”. Nhưng với lối sống vô trách nhiệm với môi trường của con người ngày nay thì không khí - cái thứ “rẻ hơn bèo” đó một ngày sẽ trở nên hiếm và đắt nhất. Đơn giản là vì ta có thể sống thiếu vàng cả đời, thiếu cơm cả tuần, thiếu nước cả ngày nhưng thiếu không khí có lẽ không quá 1 phút!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét