Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

Sự bất bình thường của cái chết


Con người sinh ra, lớn lên, già đi rồi chết. Rồi lại sinh ra, lớn lên, già đi, rồi lại chết. Cái chu trình này đã tiếp diễn hàng vạn, có lẽ hàng triệu năm rồi. Vậy thì cái chết phải là một cái gì rất bình thường. Nhưng không hiểu sao chúng ta lại không coi nó là bình thường. Hãy nhìn những đám tang ở Việt Nam hay Trung Quốc. Người ta than khóc thảm thiết. Khi người thân yêu ra đi, nhất là khi họ còn trẻ hoặc bị tai nạn bi thảm thì sự tiếc thương là tự nhiên. Nhưng khi những người tám mươi hay chín mươi tuổi ra đi, con cháu có hiếu cũng tiếc thương, song có lẽ phải coi đó là sự bình thường. Nhiều người có lẽ cũng hiểu như vậy. Nhưng xã hội dường như lại đòi hỏi họ phải tỏ ra đau khổ, tiếc thương vô hạn, v.v. và nếu không làm như thế thì sẽ bị chê là “bất hiếu”. Và thế là từ xưa, người ta nghĩ ra những thứ như quần áo xô, chống gậy, đi giật lùi, lăn ra đất, kể lể công đức, kèn trống ỉ eo suốt ngày đêm, v.v. để tỏ lòng thương tiếc người quá cố. Nhưng cứ giả vờ mãi thì cũng mệt. Thế là người ta “sáng kiến” tìm người khóc thuê. Với phương tiện ngày nay thì việc này thật dễ - một cái máy “cát-xét” hay đĩa CD là có tiếng con cháu khóc than, kể lể suốt ngày. Nhưng như thế cũng “chưa là gì”. Ngày nay “phú quý sinh lễ nghĩa”. Người ta thuê cả “dàn” thầy thợ các loại đến để làm đủ các loại cúng bái. Đến chỗ này thì tình thương nhớ người quá cố có vẻ đã bắt đầu nhường chỗ cho sự sợ hãi của gia chủ rằng nếu không đủ thủ tục thì có thể sẽ có rủi ro cho công danh sự nghiệp và đường làm ăn. Chưa hết, những nhà có chức có quyền và “đại gia” giàu có thì đây có thể là dịp để phô trương quyền thế và tiền của. Người ta trịnh trong “xướng” to qua loa phóng thanh tên tuổi và chức vụ của những người, những đoàn đến viếng. Rồi thì cơ man nào là xe cộ, vòng hoa, và nhất là “phong bì”, một trong những sản phẩm của thời “đổi mới”. Gần đây nghe nói còn có những vị quan chức tỉnh còn cho thông báo chính thức về tang lễ cho toàn tỉnh để mọi người đến dự cho đủ. Thế là cái mục đích ban đầu là để thương nhớ người quá cố tiếp tục “biến tướng” thành ra một dịp để “củng cố” quan hệ giữa người đến viếng và gia chủ, nhất là khi gia chủ lại là người có chức có quyền. Lúc ấy có lẽ người ta chỉ quan tâm đến gia chủ là ai chứ người nằm trong quan tài là ai người ta cũng chả cần quan tâm. Cái chết của người già – vốn là một việc bình thường của thiên nhiên và việc con cháu tiễn đưa họ – đáng lẽ phải là một nghi lễ giản dị, thành kính, ấm áp tình người như lúc con cháu đối với cha mẹ ông bà khi họ còn sống - đã biến thành một thứ méo mó phô trương không bình thường bởi sự giả dối, tham lam, dốt nát, háo danh lợi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét