Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012
Cái thú lang thang
Ở đời có nhiều cái thú. Nhưng lang thang có lẽ là một trong những cái tuyệt nhất. Cái lẽ sinh tồn buộc người ta cả đời đi làm vất vả tất bật, theo những kỷ luật giờ giấc, khuôn phép, áp lực đủ loại làm người ta nhiều khi mệt mỏi và chán ngán. Khi lang thang, ta có cái cảm giác tự do, không mục đích, không chương trình, kế hoạch, muốn đi đâu, muốn xem gì, muốn ngồi, muốn đứng, muốn nghỉ ngơi, muốn ăn, v.v. tùy thích. Ta trở lại cái tuổi thơ hồn nhiên của mình. Bạn có thể ngồi rất lâu dưới vòm lá rậm rạp của một cái cây ở Bờ Hồ, ngắm kỹ cái thân cây xù xì dây leo bám chằng chịt. Cái cây đại thụ già này có cái vẻ trầm mặc của một triết gia thâm thúy. Nó không nói gì vì theo các hiền triết Á Đông xưa, biết thì không nói. Mà cái cây này thì đã “biết” quá nhiều, đã trải bao nhiêu nắng lửa, bão tố, rét buốt, đã bao lần lặng ngắm mặt nước hồ long lanh dưới ánh nắng hay lung linh dưới ánh đèn đủ màu sắc, chứng kiến bao nhiêu số phận con người, bao nhiêu thăng trầm của lịch sử. Cái cây khó mà nhớ hết bao nhiêu cô gái và chàng trai đã ngồi dưới vòm lá của nó. Nhưng có lẽ nó còn nhớ rõ vào năm 1945 những người dân quê Bắc Việt đói lả kiệt sức dựa vào gốc cây này để qua đêm và sáng hôm sau người ta quẳng xác họ lên những chiếc xe bò để đem đi chôn ở một hố chôn tập thể nào đó. Ngồi ở một quán nước vỉa hè dưới bóng cây đa già cạnh cửa một cái đền ở phố cổ có lẽ còn thú vị hơn một cái Bar sang trọng trong một khách sạn 5 sao nhiều. Có thể vừa “ngâm nga” một chén trà 2 ngàn Đồng (10 cents) vừa ngắm dòng người và xe tấp nập đi lại. Bà bán nước vui chuyện kể về mối tình thời thanh xuân của mình. Lúc đó trông chị ta như rạng ngời lên với đôi mắt rất đẹp bởi cái hạnh phúc xa xưa ấy. Nguyễn Đình Thi xưa từng nói “bồi hồi chàng trai những đôi mắt nào” có lẽ bởi chính ông – một chàng trai Hà Nội đã từng bồi hồi với những đôi mắt như thế. Rồi bỗng chị nói nhỏ lại như thì thầm. Hình như chị khóc. Anh xe “ôm” già – có vẻ là một khách quen – nói là người yêu của chị, vốn là một chàng trai cùng phố đi bộ đội và không trở về. Từ đó chị không yêu ai nữa. Hình như không có giấy báo tử. Chị đã tự đi khai báo với chính quyền là chàng trai kia là chồng mình và cạy cục xin khắc tên anh vào bia liệt sỹ của phường nằm ngay trong cái đền này. Không biết ai đã nghĩ ra cái ý tưởng cho những ngôi đền mà hầu như phố cổ nào cũng có – là nơi người ta thờ những vị có công với làng xóm – thuở xưa phố Thăng Long có lẽ cũng không khác làng quê là bao – thêm cái chức năng “nghĩa trang liệt sỹ phường”. Rồi từ đó, chị mở một quán nước – gọi là quán chứ thực ra chỉ là một cái chõng tre bé tý, ấm nước, vài cái chén, cái điếu cày với vài thứ khác nữa – dưới gốc đa này. Có lẽ chị muốn mãi mãi bên anh. Hài cốt của anh ở nơi đâu chả ai biết. Nhưng cái đó có lẽ cũng chả quan trọng gì. Cái quan trọng là cái hồn người ta vẫn sống – và chỉ có thể sống trong tâm tưởng người còn sống, và chỉ có thể như thế khi người ta để lại tình yêu. Giá mà Puskin hay Mô-pát-xăng sống lại mà ngồi nghe chuyện này thì biết đâu sẽ có thêm một câu chuyện nữa trong những kiệt tác truyện ngắn của họ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét