Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

Một nghịch lý cổ xưa


Đến cổng nhà máy của hãng Foxconn của Đài Loan chuyên lắp ráp Iphone và Ipad ở Thẩm Quyến TQ vào sáng thứ 2 hàng tuần người ta sẽ thấy một cảnh tượng khá đặc biệt. Hàng ngàn người, phần lớn là thanh niên tụ tập ở đây để chờ xin việc làm, để cũng được như 235.000 người đang làm việc trong cái công xưởng khổng lồ này. Công nhân ở đây được trả 2 Đô-la/ giờ, phải làm việc 12 giờ/ngày – 60 giờ/tuần và phải ở trong các nhà tập thể ngay cạnh nhà máy, 7 người chung một phòng chật hẹp, ngủ giường tầng như kiểu sinh viên. Hàng ngàn con người đang đứng chờ ngoài kia có lẽ biết rõ những điều này, nhưng có lẽ thế vẫn còn tốt hơn là thất nghiệp, hay là làm ruộng ở quê nhà. Còn người ở trong nhà máy thì cũng hiểu rõ rằng nếu họ không chăm chỉ và ngoan ngoãn thì chủ sẽ không ngần ngại mà thay họ ngay bởi một trong số hàng ngàn con người đang chờ đợi ở cổng nhà máy kia. Lắp ráp một thứ phức tạp như cái máy tính bảng Ipad không dễ. Nhưng giới chủ tư bản, với bài học xa xưa từ thời “vua” ô-tô Ford, đã khôn ngoan chia công việc thành hàng trăm, có khi hàng ngàn đầu việc nhỏ đơn giản cho dễ làm. Vì thế nên chỉ cần học 3 ngày là hầu như bất cứ người nào cũng có thể trở thành công nhân lắp ráp và nhanh chóng thạo việc. Công việc giản đơn cứ lặp đi lặp lại, có khi hàng chục ngàn lần trong một ca làm việc, biến người công nhân thành một thứ máy tự động. Điều này gợi nhớ đến bộ phim đầu thế kỷ 20 do danh hài Sác-lô đóng người công nhân trong một dây chuyền mà công việc là cứ vặn một cái ốc, vặn mãi vặn mãi, ngày này sang ngày khác, cho đến khi anh ta phát điên lên, ra đường thấy cái cúc áo trên một cái áo măng-tô một người phụ nữ đang mặc cũng tưởng là cái ốc ấy và chạy ra dùng cờ-lê vặn. Có đến gần hai chục công nhân ở đây đã tự tử, vì có lẽ cũng đã phát điên lên tương tự như người thợ thời Sác-lô kia. Cái nhà máy này có lẽ là ví dụ điển hình về cái cách mà các nhà tư bản đời nay “bóc lột” công nhân. Mà cũng vẫn như xưa thôi, tóm lại là làm việc quần quật suốt ngày, trả lương thấp, và luôn duy trì một đám đông thất nghiệp ngoài cửa để “răn đe” những người đang có việc là phải chăm chỉ và đừng có đòi tăng lương. Cái chiến lược này quả là rất hữu hiệu. Chỉ là lắp ráp thôi mà doanh thu của “đại gia” Đài Loan này lên tới cả tỷ Đô-la một năm. Còn ông chủ chính là hãng Apple thì đã trở thành công ty vào hàng lớn nhất thế giới, với giá thị trường lên tới con số khổng lồ là gần 266 tỷ Đô-la. Cái cơ chế “bóc lột” này thực ra cũng không khác mấy so với cái thời sơ khai của chủ nghĩa tư bản, chỉ khác nay là công nghệ cao nên công nhân và công xưởng phải sạch sẽ. Xưa kia, ở những hầm mỏ nước Anh thời thế kỷ 18-19, trẻ em mới 11, 12 tuổi phải làm việc tới 14 giờ một ngày. Đó là điều mà một nhà tư tưởng người Đức thời ấy tên là Karl Marx không chấp nhận. Marx đã mổ xẻ cái cơ chế của sự bóc lột đó trong bộ sách “Tư Bản”, trong đó ông đi tới kết luận là phải loại bỏ những kẻ bóc lột và thay vào đó một cơ chế mà đại để là tất cả của cải vật chất sẽ là của chung và do nhà nước quản lý và phân phối đều cho tất cả mọi người. Hẳn là những lý luận này phải có sức thuyết phục lắm và viễn cảnh của xã hội loài người hình thành bởi cơ chế đó phải đẹp đẽ lắm nên những người không ưa cái lối “người bóc lột người” trên khắp thế giới mới tán đồng nhiệt liệt như vậy. Trong số họ có những người như Lê Nin ở nước Nga và Mao Trạch Đông ở TQ. Họ đã lãnh đạo những cuộc cách mạng xã hội to lớn để thực hiện ý tưởng của Marx tại nước mình là bằng mọi cách để loại bỏ “giai cấp bóc lột” và tất cả những gì người ta cho là “mầm mống” của nó. Thời “cách mạng văn hóa” ở TQ, người ta đập nát cả đàn violin vì coi nó có liên quan tới tư bản phương Tây và giai cấp bóc lột. Nhưng lòng tham và tính ích kỷ – cái mầm mống chính sinh ra “bóc lột” vẫn cứ tồn tại trong mỗi con người và có lẽ khó có cách nào mà diệt hết được. Mặt khác, nó cũng là cái động lực thúc đẩy người ta cố gắng để thu lợi nhiều hơn cho bản thân bằng cách lợi dụng lao động của người khác, mà cái “kết quả ngoài mong muốn” của cố gắng đó là cũng mang lại một phần lợi ích cho người khác. Đó là cái học thuyết mà Adam Smith, ông tổ của kinh tế tư bản đã nói hồi đầu thế kỷ 19. Người ta đã cố thay cái động lực “lòng tham” bằng những thứ khác như lòng yêu nước, tinh thần tập thể, v.v. Nhưng có vẻ chẳng có thứ gì mạnh bằng lòng tham và sự ích kỷ, vì đó gần như là bản năng tồn tại của con người. Kìm hãm cái bản năng đó, con người không còn động lực gì mạnh mẽ để cố gắng hết sức mình làm việc nữa. Kết quả là sản xuất ngày càng sút kém, hàng hóa vừa ít vừa xấu, có nơi có lúc thậm chí còn không đủ ăn. Dần dần, những xã hội tổ chức theo nguyên lý “không bóc lột” cứ đuối dần, và cuối cùng thì sụp đổ hẳn. Chưa nghĩ ra cách nào hơn cả nên người ta lại phải đi con đường cũ, “trải thảm đỏ” để mời chào những kẻ bóc lột mà mấy chục năm trước người ta cố tiêu diệt và đuổi đi. Những ông chủ ngoại bang đang thoải mái “bóc lột” 235.000 người TQ trong cái công xưởng khổng lồ ngay tại đất nước họ kia lại chính là con cháu những kẻ bóc lột mà họ đã đuổi khỏi lục địa TQ vào năm 1949. Nếu Marx mà sống lại thì có lẽ ông sẽ buồn vì cái giá quá to lớn phải trả - không biết bao nhiêu triệu người đã chết trong những cuộc cách mạng để thực thi học thuyết của ông, nhất là ở Nga và Trung Hoa. Hẳn ông sẽ có thêm nhiều dữ liệu và sự kiện tìm ra lý do tại sao mà cái ý tưởng cao đẹp của ông lại khó thành hiện thực. Trong lúc chờ đợi sự tái sinh và đổi mới của học thuyết Marx thì người ta vẫn phải chấp nhận cái nghịch lý cổ xưa “kẻ ăn không hết, người lần không ra” và sự trị vì của các nhà tư bản vì chưa có cái gì khả dĩ hơn để thay thế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét