Theo truyền thuyết của
Ki-tô giáo, trước Công Nguyên có một hoàng đế La-Mã tàn bạo, gây chiến liên
miên, buộc thanh niên trẻ phải đi đánh nhau. Nhận thấy nhiều thanh niên không
muốn ra trận vì quyến luyến người yêu, vợ con, vị vua này ra lệnh cấm nam nữ
yêu nhau và cưới nhau. Có một cha cố tên là Valentin đã chống lại lệnh ấy. Ông
bí mật làm lễ cưới cho các đôi trai gái. Với tội chống lại lệnh hoàng đế,
Valentin bị xử tử hình. Vào ngày hành quyết – ngày 14/2 – trước khi bị đưa ra
pháp trường, ông bí mật gửi một lá thư – có lẽ là để an ủi, mà cũng có thể để
thổ lộ tình yêu của mình – cho một cô gái mù, con gái của viên cai ngục mà trước
đây ông đã cố giúp chữa bệnh. Sau này, một Giáo Hoàng La Mã đã phong Thánh và lấy
ngày 14/2 làm ngày “Thánh Valentin” để ghi nhớ sự hy sinh dũng cảm của một người
cho tình yêu và hạnh phúc của con người. Nhưng xã hội “thực dụng và tiêu dùng”
ngày nay không bỏ lỡ một cơ hội kinh doanh tốt như thế. Đến ngày này, người ta
nhớ câu chuyện cảm động và ý nghĩa đẹp của ngày Valentin thì có lẽ ít, mà lại
lo mua quà, từ hoa hồng, sô-cô-la, gấu bông đến đồ trang sức và những món quà đắt
tiền khác, rồi đi nhà hàng sang trọng, đi du lịch, v.v. để “thể hiện” tình yêu
bởi không có quà, hay quà rẻ tiền thì lại sợ bị chê là kém “ga-lăng”, “quê”,
“keo” v.v. Liệu có chút tình yêu nào không ở trong cả người cho lẫn người nhận món
quà Ngày Tình Yêu là một lẵng hồng giá 15 Triệu Đồng (khoảng USD750) – bằng thu
nhập trung bình cả năm của 1,5 triệu gia đình nghèo ở Việt Nam? Thánh Valentin
mà có sống lại thì có lẽ cũng không vui vì người ta chỉ lợi dụng câu chuyện của
ông để kiếm tiền, khoe giàu, khoe “sành điệu” chứ ít ai nghĩ làm sao để có nhiều
yêu thương hơn và bớt đi khổ đau trên Trái Đất. Nhưng có thể ông sẽ cảm thấy được
“an ủi” một chút bởi ngay cả đến Chúa Giê-su, Đức Phật và nhiều con người xuất
chúng khác trong suốt lịch sử đã hy sinh cuộc đời mình để làm cho loài người tốt
đẹp hơn cũng không tránh khỏi bị lợi dụng cách này hay cách khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét