Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013
Hai đám tang
Hôm qua có một đám tang với những nghi lễ quốc gia
hoành tráng nhất, trọng thể nhất, diễn ra trong bối cảnh
của những tiếc thương vô hạn, những lời ngợi ca tột đỉnh
của không chỉ hàng triệu người dân trong nước, mà còn
của nhiều người ở nước ngoài, trong đó có nhiều người nổi
tiếng và kiệt xuất. Người quá cố - tướng Giáp – một trong
số rất ít những người lãnh đạo, đại diện tiêu biểu nhất của
hai cuộc chiến tranh chống lại các thế lực nước ngoài hùng
mạnh – hoàn toàn xứng đáng được như vậy. Cùng lúc đó
cũng đã diễn ra một đám tang khác, tại một nhà tang lễ bình
dân, với những nghi lễ bình thường, sự tiếc thương và ca ngợi
chủ yếu là của con cháu trong nhà. Đó là một đám tang của
một người bình thường, như mọi đám tang khác diễn ra hàng
ngày ở đất nước này và ở khắp nơi trên thế giới. Sự khác nhau
là quá rõ, như ngày với đêm vậy. Đó là sự công bằng của con
người. Hơn hai ngàn năm trước có một người ngồi lặng yên dưới
gốc cây bồ đề. Trong đêm tối của bạt ngàn rừng rậm, Người –
sau này được gọi là Đức Phật - hẳn đã nhìn lên ánh sáng lấp lánh
của cả triệu vì sao trên nền trời tối đen, bao la, sâu thẳm
và vô tận. Biết đâu lúc đó, Người đã thấy rằng con người trên
Trái Đất – tất cả - đều là một phần vật chất nhỏ bé tạo nên bởi
Trời Đất. Tạo Hóa lại ban cho mỗi sinh linh bé nhỏ ấy một cái
Tâm ban đầu – một mảnh đất tốt lành như nhau và trao quyền
cho ta tự do nhào nặn, cày xới cái tâm ấy. Cuối cùng thì tất cả
những con người ấy - TẤT CẢ - đều biến mất đi, biến đổi sang
những dạng vật chất và tâm linh mới. Trong những đêm ấy, biết
đâu Người cũng đã nhận ra có những vì sao tắt đi, rồi có vì
sao mới lại xuất hiện? Biết đâu Người nhận ra đó cũng là số phận
của Trái Đất, của Mặt Trời, sinh ra để rồi lại mất đi và lại sinh
ra … Trước Tạo Hóa, không có ai là vĩ nhân cả. Trước Tạo
Hóa, chúng ta đều bình đẳng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét