Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Albert Einstein: Về Con Người và Cuộc Đời



Cuộc đời của mỗi con người trên trần thế chỉ là tạm thời, và người ta sống vì cái gì không ai có thể biết được, mặc dù thỉnh thoảng ta vẫn tự cho là mình có cảm thấy được ý nghĩa đó. Nếu nhìn nhận từ cuộc sống hằng ngày mà không đi sâu hơn, ta có thể cho rằng ta sống vì những người xung quanh ta, vì đồng loại mà trước tiên là những người mà nụ cười và cuộc sống đầy đủ của người ấy là niềm hạnh phúc của ta, tiếp đến là những người mà ta không biết cụ thể nhưng số mệnh của ta gắn với họ bằng niềm cảm thông.

Hằng ngày tôi thường tự nhủ cả trăm lần rằng cuộc sống nội tâm và ngoại tâm của tôi là nhờ vào thành quả lao động của biết bao người, những người đang sống và cả những người đã chết, và rằng tôi phải nỗ lực để cho đi một cách thỏa đáng với những gì tôi đã được hưởng và vẫn đang được hưởng.

Tôi thực sự muốn sống một cuộc sống đơn giản và hay bị dằn vặt bởi suy nghĩ mình đang được hưởng quá nhiều từ đồng loại. Tôi cho rằng một cuộc sống giản dị là một cuộc sống tốt đẹp cho tất cả mọi người cả về thể chất lẫn tinh thần.
Không nên gò ép lúc nào cũng bắt mình phải nghiêm tức quá mức cần thiết, khi mà trong cuộc sống những phút nhìn đời bằng con mắt hài hước cũng có vị trí quan trọng không kém.

Mỗi người có một lý tưởng riêng soi đường đi cho những nỗ lực và lẽ phải của riêng người đó. Xét theo phương diện này tôi hoàn toàn không coi sự nhàn hạ hay niềm hạnh phúc là cái đích cuối cùng của mình, thậm chí tôi cho những chuẩn mực cơ bản ấy chỉ phù họp với bầy heo mà thôi.

Tôi tự đi trên lối của riêng mình, trái tim tôi chưa bao giờ hoàn toàn thuộc về đất nước tôi, quê hương tôi, bạn bè tôi, và ngay cả cái gia đình nhỏ của riêng tôi. Trong tất cả những mối quan hệ gắn bó ấy tôi chưa bao giờ từ bỏ ý định ngoan cố sống tách rời, muốn được sống cô độc - những ý nghĩ cứ lớn dần theo năm tháng.

Một người luôn tỉnh táo sắc sảo nhận ra hạn chế của khả năng hiểu và thông cảm lẫn nhau mà không bao giờ ân hận. Một người như vậy chắc chắn có đánh mất lòng tốt và sự ngây thơ theo một cách nào đó, nhưng mặt khác con người ấy không bị ảnh hưởng bởi quan điểm, thói quen và những phán xét của người khác, tránh được sự cám dỗ phải xoay theo những cơ sở không có gì là chắc chắn ấy.

Lý tưởng chính trị của tôi là nền Dân chủ. Hãy tôn trọng tất cả mọi người, không nên có việc người này được tôn sùng còn người kia lại bị hạ thấp. Không được ép buộc những người đi theo, mà phải để họ có quyền chọn cho mình người cầm lái. Mọi người phải có quyền bầu ra người lãnh đạo cho mình. Một thể chế chuyên chế để áp bức sẽ sớm bị thoái hoá trong một thời gian ngắn, tôi tin chắc như vậy. 

Bạo lực luôn hấp dẫn những kẻ thấp kém về đạo đức, và tôi tin rằng đã thành quy luật là nối nghiệp những tên bạo chúa thiên tài luôn là những tên khốn kiếp. Vì lý do đó, tôi luôn là người quyết liệt chống lại những hệ thống như vậy.

Cái mà tôi cho là có giá trị đích thực không phải là nhà nước, mà là cá thể sáng tạo và cá thể cảm nhận, là cá nhân. Chỉ cá nhân mới vượt lên, tạo dựng được những giá trị chân quý và cao cả, trong khi bầy đàn cứ mãi vẫn là trì độn trong tư duy và cảm xúc.

Chủ nghĩa anh hùng phục tùng mệnh lệnh, bạo lực mù quáng, trò hề ái quốc tởm lợm, tôi căm ghét chúng làm sao. Tôi thà bị băm vằm làm muôn mảnh còn hơn là dự phần vào cái trò khốn nạn đó. Dù sao tôi vẫn luôn nghĩ tốt về nhân loại và tôi tin rằng, lẽ ra bóng ma này đã có thể biến đi từ lâu nếu lý trí lành mạnh của dân chúng không bị những tham vọng về kinh tế và chính trị, thông qua trường học và báo chí, làm cho bại hoại.

Hạnh phúc lớn lao nhất của đời người là gì vẫn còn là một bí ẩn. Đó hẳn là cảm xúc mạnh mẽ của con người lớn lên từ cái nôi của nghệ thuật và khoa học chân chính. Một người không biết đến cảm giác ấy, không còn thấy băn khoăn, hay kinh ngạc trong cuộc đời có khác nào đã chết hay chỉ như ngọn nến đã tắt mà thôi.

Bí mật về sự vĩnh hằng của cuộc sống, sự mơ hồ về kiến trúc kỳ diệu của tạo hóa. cùng với những nỗ lực để có thể hiểu được một phần dù chỉ là rất nhỏ lý lẽ của sự tồn tại hiển nhiên của mình trong tự nhiên, đối với tôi như vậy là quá đủ.

Giá trị đích thực của một con người trước hết được xác định bởi anh ta đã đạt đến chỗ giải phóng khỏi cái Tôi đến mức độ nào và theo nghĩa gì.

Tôi nghiệm thấy chắc chắn rằng, không của cải nào trên đời này có thể đưa nhân loại tiến lên được, ngay cả khi nó được trao vào tay những người tận tâm nhất. Chỉ có tấm gương của những nhân cách lớn và trong sạch mới dẫn đến những tư tưởng và hành động cao quý. Đồng tiền chỉ kích thích tư lợi và luôn mê hoặc sự lạm dụng.

Có ai có thể tưởng tượng ra Moses, Jesus hay Gandhi được trang bị bằng những bao tải tiền của Carnegie hay không?

Nếu chúng ta ngẫm nghĩ về cuộc đời và nỗ lực của mình, chúng ta sẽ sớm nhận ra rằng, hầu hết những hoạt động và mong muốn của chúng ta đều có quan hệ với sự tồn tại của người khác. Chúng ta nhận ra rằng, về bản chất giống loài, chúng ta cũng giống như những động vật sống theo bầy. Chúng ta ăn thức ăn người khác trồng, mặc quần áo người khác may, sống trong nhà người khác xây. Hầu hết những gì ta hiểu biết và tin tưởng đều do người khác bày cho ta thông qua ngôn ngữ, mà ngôn ngữ cũng do những người khác tạo ra. Nếu không có ngôn ngữ, khả năng tư duy của chúng ta sẽ rất hạn chế - chỉ tương đương với những động vật cao cấp. Vì thế chúng ta phải thừa nhận rằng, để chúng ta hơn được động vật, trước hết chúng ta phải mang ơn vì được sống trong cộng đồng loài người. Một cá thể bị bỏ rời một mình từ khi sinh ra sẽ có suy nghĩ và cảm nhận hoang dã như động vật, đến mức chúng ta khó mà tưởng tượng được. Vậy nên, căn nguyên và ý nghĩa tồn tại của một cá thể nằm ở chỗ anh ta không hẳn là một sinh thể đơn lẻ mà là thành viên của một cộng đồng lớn của con người, cộng đồng dẫn dắt đời sống vật chất và tinh thần của anh ta từ khi sinh ra tới khi chết.

Cái làm nên giá trị của một con người trong cộng đồng phụ thuộc trước hết vào việc những tình cảm, suy nghĩ và hành động của anh ta giúp ích được bao nhiêu cho sự tồn tại của người khác.

Trải qua bao thế hệ, tất cả tài sản vật chất, tinh thần và đạo đức mà chúng ta nhận được từ cộng đồng đã được tạo dựng bởi những cá thể sáng tạo đơn lẻ như người tìm ra cách dùng lửa, người tìm ra cách trồng trọt, và người phát minh ra đầu máy hơi nước. Chỉ cá thể đơn lẻ mới có thể tư duy và qua đó, tạo ra những giá trị mới cho xã hội, thậm chí đề ra những quy phạm đạo đức mới để đời sống cộng đồng hướng theo. Nếu không có những cá thể sáng tạo, suy nghĩ và phán xét độc lập, thì sự phát triển lên cao của xã hội là khó tưởng tượng. Cũng như vậy, một cá thể đơn lẻ sẽ không thể phát triển nếu thiếu mảnh đất dinh dưỡng của cộng đồng.

Một cộng đồng lành mạnh là một cộng đồng gắn liền với tính độc lập của những cá thể cũng như với sự liên kết bên trong của xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét