Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

Bài học của loài ong



Bình thường, con ong bé nhỏ hiền lành, chăm chỉ gom phấn hoa làm mật. Ong chẳng tự nhiên "tấn công" ai cả. Nhưng khi có kẻ định phá tổ, cướp mật, cả đàn ong không hề sợ hãi, lao thẳng vào đốt kẻ thù, bất kể chúng to lớn đến đâu. Trong những cuộc đối đầu bất cân xứng như thế, có khi ong "thua trận", nhưng thường thì ong đuổi được, thậm chí có khi còn tiêu diệt được kẻ "xâm lược".  

Khổ hay Sướng?



Quyết chiến cứu nhà, chết khí phách anh hùng, 
thẳng lưng cao đầu dân Việt, sao lại khổ?  

Đầu hàng mất nước, sống làm thân nô lệ, 
quỳ gối ôm chân giặc Tàu, có sướng không?

Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

Phép mầu của chiến tranh




Ở Liên Xô, vào tối hôm trước ngày 22/6/1941 cuộc sống vẫn bình thường. Học sinh sinh viên vừa tốt nghiệp, các đôi trai gái vẫn đi chơi cả đêm. Sớm hôm sau, khi mọi người vẫn còn đang ngủ yên thì hàng đàn máy bay Đức bỗng nhiên xuất hiện và dội bom xuống đầu họ, mở đầu một cuộc chiến tranh khốc liệt nhất trong lịch sử loài người. Ở Hà Nội, vào tối ngày 16/2/1979, mọi sinh hoạt vẫn bình thường. Như mọi khi, người ta vẫn xem TV, không ai hay biết gì cả. Thế mà vào sáng sớm hôm sau, hàng chục sư đoàn quân TQ được đại bác và xe tăng yểm trợ, ào ạt nổ súng tiến vào Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía bắc, mở đầu một cuộc chiến tranh tuy không dài nhưng vẫn vô cùng đẫm máu. Còn hiện tại, ở Ucraina, súng đã nổ, đã có dân thường chết, xác nằm vạ vật bên đường. Ở Việt Nam, căng thẳng của cuộc xung đột ngoài khơi chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Mọi người im lặng theo dõi và chờ đợi. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra. Không ai có thể chắc chắn rằng một cuộc chiến tranh sẽ không xảy ra. Trong hoàn cảnh đó, không chỉ chuyện "hòa bình, hữu nghị" với TQ là vớ vẩn mà hầu như mọi thứ khác cũng đều trở nên không phù hợp. Mọi trò vui trên TV trở nên nhạt nhẽo, vô duyên. Người trẻ tuổi mọi khi dường như chỉ quan tâm đến giải trí thì nay bỗng nghiêm túc hẳn lên với các "avatar" mới có hình cờ đỏ sao vàng. Người lớn tuổi mọi khi hay than phiền về giới trẻ hay mộng mị về quá khứ xa xôi thì nay cả ngày chỉ theo dõi mọi tin tức và bình luận liên quan tới cuộc đối đầu với TQ ở biển Đông. Mấy chị "ve chai đồng nát" lúc nghỉ trưa dưới bóng cây tránh nắng hè oi ả nói chuyện với nhau nửa đùa nửa thật: Này ăn nhanh nhanh lên, sắp đánh nhau to rồi! Thì ra khi sự sống còn không còn là chuyện đùa nữa, người ta tự khắc vứt bỏ hết mọi thứ phù du viển vông để trở về sống thiết thực, chăm chú và tỉnh thức trong giờ phút hiện tại. Chiến tranh té ra còn là một phép mầu, có sức mạnh thay đổi con người mà có lẽ chả kinh sách tôn giáo nào ở thời bình có thể làm được.                

Chủ Nhật, 25 tháng 5, 2014

Những giá trị thật của nước Nga



Nhiều người Việt Nam, nhất là những người sinh ra trong thời kỳ chiến tranh lạnh và đã từng học tập và sinh sống tại nước Nga và các nước thuộc Liên Bang Xô Viết như Belarus, Ucraina ... cho đến nay vẫn còn giữ một tình cảm nồng ấm về đất nước và con người nơi họ ở khi đó. Chính vì thế mà sự im lặng của truyền thông Nga với tình hình nghiêm trọng ở Việt Nam hiện nay không khỏi làm cho chúng ta thấy buồn. Tệ hơn nữa, đúng lúc Việt Nam cần ít ra là một sự thông cảm, động viên, dù chỉ là lời nói từ  lãnh đạo nước Nga, một dân tộc mà bấy lâu nay nhiều người Việt hằng yêu mến, quý trọng, khâm phục thì truyền thông Nga lại đang hoan hỉ trong việc Nga vừa tiến thêm một bước quan trọng trong việc thắt chặt quan hệ chính trị, kinh tế, quân sự với Trung Quốc, nước đang hung hăng gây hấn với Việt Nam. Có nhà báo Nga - mà có lẽ phải gọi là tên bồi bút - lại còn xuyên tạc lịch sử và bôi nhọ Việt Nam. Những sự kiện này không tránh khỏi gây ra một sự thất vọng, đổ vỡ, thậm chí là căm phẫn và đau đớn cho những người Việt vốn yêu mến nước Nga. Nó làm cho họ phải suy nghĩ. Thực ra thì các chính trị gia, các nhà lãnh đạo, giới truyền thông không phải lúc nào cũng có thể đại diện cho cả một dân tộc. Truyền thông ở nhiều nước thường chỉ là công cụ của nhà cầm quyền. Trong chính trị thì cuối cùng, quyền lợi ích kỷ của một quốc gia, một chủng tộc, một nhóm người, một gia đình, thậm chí là một cá nhân nắm quyền lực thường là trên hết. Đó là sự thiển cận của các chính trị gia. Chúng ta không đánh đồng những gì làm ta yêu nước Nga và dân tộc Nga với sự ích kỷ và thiển cận đó. Đó là vì cái chúng ta yêu là tâm hồn Nga nhân hậu thể hiện qua âm nhạc của Tchaikovsky, Rachmaninov, Shostakovich, Soloviev-Xedoi, Frenken, thơ văn của Puskin, Lermontov, Tolstoi, Exenhin, hội họa của Levitan, Repin, Kramkoi, balet của nhà hát Kirov và Bolshoi. Ta khâm phục sự hy sinh và lòng dũng cảm của hàng triệu người Nga và các dân tộc Liên Xô trong cuộc chiến đấu chống lại sự xâm lược của Đức Quốc Xã, cứu loài người khỏi ách nô dịch phát-xít. Ta yêu thiên nhiên nước Nga bao la và tươi đẹp. Ta yêu mến và biết ơn tấm lòng nhân hậu của những người dân chất phác và tử tế đã sẵn lòng cưu mang hàng vạn thanh niên Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam ác liệt nhất, dù cho đất nước Liên Xô thời đó cũng chả giàu có dư dật gì. Chính trị ích kỷ và các chính trị gia thiển cận hẹp hòi, những kẻ cơ hội chỉ là thứ nhất thời. Họ đến rồi đi để rơi vào đống rác của thời gian và lịch sử. Còn những giá trị thật của nước Nga là còn mãi.