Ở
Việt Nam, ngay trung tâm thủ đô Hà Nội, ngay con đường đẹp nhất, bên bờ cái hồ rộng
và đẹp nhất, có một "tượng đài" để kỷ niệm ... một người Mỹ! Trong
lịch sử Việt Nam thời hiện đại, không có quốc gia nước ngoài nào có số lượng
công dân đã từng hiện diện ở đây nhiều như Mỹ. Ở thời điểm cao nhất vào năm
1968, có tới khoảng 543.000 quân nhân Mỹ tham chiến ở miền nam Việt Nam để ngăn
chặn Bắc Việt Nam thống nhất đất nước. Sau đó sự hiện diện của Mỹ cứ giảm dần.
Đến đầu năm 1973 thì quân đội Mỹ rút hết, toàn bộ tù binh Mỹ cũng được trao trả
hết, chỉ còn lại sứ quán ở Sài Gòn. Đến ngày 30-4-1975, sứ quán Mỹ cũng rút
hết. Những năm sau đó, những dấu vết về sự hiện diện của Mỹ ở Việt Nam cũng dần
dần biến mất. Hài cốt của quân nhân Mỹ mất tích cũng dần dần được tìm thấy và
trao trả cho Mỹ. Nhưng có một dấu tích khá là khác thường vẫn còn. Vào năm
1967, trên bầu trời Hà Nội, lực lượng phòng không Miền Bắc bắn rơi một máy bay
của giặc Mỹ xâm lược, như cách gọi
quân đội Mỹ của người Miền Bắc lúc đó. Tên
giặc lái Mỹ nhảy dù, rơi xuống hồ Trúc Bạch ở Hà Nội, bị bắt, bị tù cho tới
đầu năm 1973 thì được trao trả sau Hiệp Định Paris. Để đánh dấu chiến công thắng giặc Mỹ đó, người ta cho dựng một
phù điêu nhỏ có hình phi công Mỹ đội mũ bay, dường như đang quỳ gối, hai tay
giơ thẳng lên trời, có lẽ là để "đầu hàng" những người lính Bắc Việt
đang lao tới để bắt anh ta. Người phi công đó là thiếu tá hải quân Mỹ John
McCain, người sau chiến tranh chuyển sang hoạt động chính trị, làm thượng nghị
sỹ trong nhiều năm. Ông mới qua đời vì bệnh ung thư. Một số người Hà Nội đã
mang hoa tới viếng ông ở cái tượng đài "chiến thắng giặc Mỹ" kia.Trong
cuộc chiến Việt Nam, quân lực hùng hậu của Mỹ, trong đó có ông tham gia là kẻ
bại trận. Ông lại còn bị bắt, bị "kẻ địch" tù đày nhiều năm, có thể
còn bị "tra tấn", như truyền thông Mỹ thỉnh thoảng đưa tin, có thể
ông đã nghĩ mình bị "hạ nhục" bằng tấm bia "đầu hàng" ven
hồ Trúc Bạch, trong khi gia đình ông vào loại "trâm anh thế phiệt" ở
Mỹ, có cha từng là đô đốc hải quân, có tên được đặt cho một tàu chiến mới ghé
thăm Cam Ranh gần đây. Sau chiến tranh thì Việt Nam tiếp tục theo đuổi con
đường đã đi và chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục ra sức chống lại. Trong tình hình
như thế thì nếu như ông là một nghị sỹ "diều hâu", ra sức "chống
phá" Việt Nam như chính phủ, quốc hội, nhiều tổ chức và cá nhân người Mỹ
khác thì đó là chuyện bình thường. Có thù hận thì phải trả một cách nào đó chứ.
Nhưng ông đã không làm vậy mà chọn con đường hòa giải với Việt Nam. Năm 1995,
ông và thượng nghị sỹ John Kerry, cũng là một cựu chiến binh Việt Nam, hai
người đã góp nhiều công sức nhất cho nỗ lực hòa giải với Việt Nam, đã cùng có
mặt bên cạnh tổng thống Clinton khi ông tổng thống chính thức tuyên bố bình
thường hóa quan hệ với Việt Nam. Vậy thì tại sao ông lại chọn con đường hòa
giải với kẻ thù xưa? Phải chăng ông đã
hiểu ra một điều rằng nếu vẫn cứ tiếp tục thù hận thì ông sẽ vẫn tiếp tục bị tù
đày bởi quá khứ, vẫn bị giam cầm trong cái "khách sạn Hilton Hà Nội",
một cái tên mà người Mỹ đặt cho nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội, nơi ông bị giam giữ
trong hơn 5 năm, vẫn là kẻ "giơ tay đầu hàng", như cái cách mà người
ta mô tả ông trong bức phù điêu kia. Nhưng ông đã chọn cách khác, bỏ qua thù
hận, hòa giải với "kẻ thù xưa", hòa giải với bản thân mình để hướng
về tương lai tốt đẹp hơn cho Việt Nam, và cho cả nước Mỹ nữa. Và từ vị trí
"tên giặc lái Mỹ giơ tay đầu hàng
quân dân Miền Bắc", ông đã trở thành một trong số rất ít người Mỹ được
kính trọng và chào đón nhất tại Việt Nam. Cái đài kỷ niệm về ông kia có lẽ sẽ
còn đó rất lâu, sẽ là minh chứng cho hai điều sẽ còn lại trong lịch sử của cả
Việt Nam và Mỹ. Đó là một cuộc chiến tranh tàn khốc của Mỹ trên đất Việt Nam và
sự hàn gắn vết thương khủng khiếp do cuộc chiến đó gây ra.
Tổng số lượt xem trang
Thứ Tư, 29 tháng 8, 2018
Thứ Hai, 27 tháng 8, 2018
Sắp sang thu
Từ
biệt hàng phong đã bao năm
Con
đường nơi ấy khuất mờ xa
Người
bạn năm xưa còn hay mất?
Đâu
rồi bát ngát rừng bạch dương?
Thành
phố của tôi sắp thu sang
Trời
còn oi bức, nắng chói chang
Ngỡ
ngàng hàng phong màu lá đỏ
Nơi
chốn xa xưa bỗng hiện ra
Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2018
Chuyện nhà hàng xóm
Đọc
báo của Malaysia và quốc tế gần đây thấy có chuyện lạ ở nhà hàng xóm thì
"buôn" lại cho vui. Malaysia có mấy hòn đảo nhân tạo do TQ bồi đắp.
Chúng nằm khá gần Singapore. Đó là nơi mà TQ đang triển khai một dự án khổng lồ
100 tỷ USD để xây dựng một thành phố mới. Chính quyền địa phương ở đó rất ủng
hộ dự án này bởi đó là một khoản đầu tư lớn dự kiến sẽ mang lại cho họ nhiều
việc làm, những khoản thu lớn từ thuế, v.v. Họ còn hy vọng về một sự phát triển
vượt bậc, trở thành một đặc khu giống như Thẩm Quyến của TQ. Nó giống vì nằm
gần Singapore, như Thẩm Quyến gần Hồng Kông vậy. Các khu nhà ở tiện nghi hiện
đại đang hình thành. Những chuyến bay đang tấp nập chở đầy khách từ TQ tới mua nhà.
Dự kiến thành phố trên đảo này sẽ có khoảng 700 ngàn dân. Ở một địa điểm khác,
TQ đang xây dựng một cảng lớn, có thể tiếp nhận cả tàu sân bay. Đó chỉ là hai
trong số nhiều dự án TQ đang triển khai, có giá trị tới hàng mấy trăm tỷ đô-la.
Mọi việc diễn ra trôi chảy cho tới gần đây khi Malaysia có thủ tướng mới. Ông
Mahathir - thủ tướng mới - nhìn thấy một vài điều không hay cho Malaysia mà người tiền nhiệm không thấy, hoặc có
thấy nhưng làm ngơ vì những lý do nào đó.
Ở cái dự án thành phố trên đảo kia, ông nhìn thấy một cuộc di dân lớn của người
TQ, và dần dần, đó sẽ thành lãnh thổ TQ. Ở cái hải cảng khổng lồ kia, ông thấy
tương lai nó sẽ là một căn cứ cho hải quân TQ trong chiến lược "đường lưỡi
bò" của họ ở Biển Đông. Ông thấy không có cách nào mà Malaysia có thể trả
món nợ hàng trăm tỷ đô-la cho TQ. Mà nếu con nợ không trả được nợ thì chủ nợ có
thể "xiết nợ" bằng một hình thức nào đó. Đó là những điều không hay cho Malaysia. Gần đây, vị
thủ tướng tiền nhiệm bị cáo buộc tham nhũng lớn và đã bị bắt. Truyền thông đưa
tin rằng những khoản tiền lớn "biến mất" khỏi một quỹ đầu tư rất lớn
của nhà nước do ông trực tiếp lãnh đạo. Ông là người xây dựng được quan hệ
"bạn bè tốt" với TQ và có "công lớn" trong việc thu hút
được những khoản đầu tư khổng lồ từ TQ. Một điều tra gần đây của Malaysia chỉ
ra rằng một số hợp đồng trao cho các công ty TQ đã bị đẩy giá lên quá cao. Ví
dụ như hợp đồng xây dựng đường sắt cao tốc theo ước tính của Malaysia là khoảng
hơn 13 tỷ USD. Sau khi đấu thầu theo quy định của TQ, giá trúng thầu là 20 tỷ
USD được trao cho một công ty TQ. Có cáo buộc cho rằng các công ty TQ chuyển
một phần khoản "chênh lệch" vào quỹ nói trên để "hỗ trợ"
ông cựu thủ tướng. "Bạn tốt" thì phải giúp đỡ nhau khi hoạn nạn mà. Có
lẽ đó là những lý do nào đó làm cho
vị cựu thủ tướng không muốn nói ra những điều
không hay cho Malaysia mà ông thủ tướng mới đã chỉ ra. Trong cuộc viếng
thăm gần đây tới TQ, ông Mahathir đã nói thẳng với thủ tướng TQ rằng tình hình
ở Malaysia là "chủ nghĩa thực dân mới" của TQ. Có lẽ mọi người đều đủ
thông minh để hiểu mục tiêu lâu dài của chiến lược Vành Đai & Con Đường của
TQ cùng những khoản đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ của nó. Nhưng
cũng vì những lý do như ông cựu thủ tướng kia, hoặc những lý do khác, người ta
không muốn hoặc không dám nói ra. Nhưng luôn vẫn có những người lãnh đạo sáng
suốt, dũng cảm và yêu nước, như ông thủ tướng Mahathir, không sợ các siêu
cường, không nói vòng vo, không né tránh sự thật. Có nhân dân ủng hộ, không vì
lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm thì chẳng có gì để sợ hãi cả.
Thứ Hai, 20 tháng 8, 2018
Không phải tại Nhân Dân!
Hồi còn nhỏ, người viết sống ở miền bắc
Việt Nam - xưa hay gọi là Bắc Việt. Đó là một xã hội hầu như không có thông tin
gì về thế giới bên ngoài. Không có truyền hình đã đành. Người ta còn không biết
"tivi" là gì bởi đó là một từ không có trong ngôn ngữ ở Bắc Việt. Sau tháng 4-1975, từ "tivi" mới xuất
hiện, cùng với những cái tivi cũ của Nhật được đưa từ Nam ra Bắc. Báo chí hồi
đó chỉ có vài tờ. Tin tức thường là hôm qua quân dân miền bắc bắn rơi mấy máy
bay Mỹ, quân giải phóng miền nam tấn công ở vùng nào, tiêu diệt được bao nhiêu
Mỹ ngụy, hợp tác xã nọ thu hoạch được bao nhiêu tấn lúa, đại loại như vậy. Thỉnh
thoảng cũng được xem phim của Liên Xô, có cảnh thành phố Mạc Tư Khoa, điện
Kremlin, công trường xây dựng thủy điện ở Xi-bê-ri, hay máy cày chạy trên những
cánh đồng rộng lớn. Cũng khá là ấn tượng rồi. Thế nhưng ấn tượng mạnh lại là
một bộ phim tài liệu - hình như của Đông Đức - nói về cuộc đấu tranh của nhân
dân Venezuela chống lại "đế quốc Mỹ và chế độ tay sai". Người ta thấy
thủ đô Caracas với những con đường rộng lớn trải nhựa phẳng lì, những tòa nhà
cao tầng to lớn, phố phường tràn ngập ánh sáng đèn ban đêm, xe hơi bóng lộn,
dân chúng ai cũng "béo tốt", ăn mặc đẹp đẽ sang trọng, những cửa hàng
đầy ắp hàng hóa, những cô gái xinh đẹp đang mua hàng. Có lẽ Sài Gòn khi đó cũng
như vậy, nhưng không có hình ảnh nào của Sài Gòn xuất hiện ở miền bắc lúc đó cả.
Với một đất nước mà ai cũng chỉ có vài bộ quần áo, giống nhau, sờn cũ, hầu như
không ai có giày để đi cả, ai cũng gày gò vì thiếu gạo ăn, thì Venezuela là hình
ảnh một thiên đường mà dân bắc nằm mơ cũng không thấy. Về sau thì người ta chỉ
để ý đó là một xứ nhiều dầu mỏ và nhiều "hoa hậu". Những năm đầu thế
kỷ 21, người ta lại để ý đến Venezuela với người lãnh đạo mới - Hugo Chavez -
hùng biện, lôi cuốn với những cuộc cải cách xã hội to lớn đầy tham vọng, tự tin
vì có trong tay nguồn đô-la dầu mỏ to lớn, được hàng triệu người, chủ yếu là
tầng lớp bình dân nhiệt liệt ủng hộ. Nhưng ông ra đi năm 2013 vì ung thư. Người
kế tục sự nghiệp là Maduro, so với Chavez thì thiếu hai thứ: một là khả năng
lôi cuốn quần chúng; và hai - là điều quan trọng nhất - tiền. Những năm gần đây
giá dầu đi xuống, ngân sách thu không đủ chi, cạn kiệt dần có lẽ bởi chi tiêu
cho những đại dự án thời kỳ trước, lại chưa kịp xây dựng được những ngành sản
xuất, dịch vụ nào đủ để nuôi sống đất nước. Thế là kinh tế lao dốc không phanh.
Đất nước bị cô lập về mọi mặt. Với lạm phát không phải là "phi mã",
mà là như "tên lửa", đồng nội tệ không phải là giấy lộn, mà là không
bằng giấy lộn. Báo chí hôm nay có hình ảnh tiêu biểu chi tình hình hiện tại. Một
cuộn giấy vệ sinh để cạnh số tiền dùng để mua cuộn giấy đó. Số tiền buộc thành
những "cục gạch" còn to hơn cả cuộn giấy vệ sinh! Người dân Venezuela
đang phải sống những tháng ngày thê thảm, thiếu thốn tất cả mọi thứ cho nhu cầu
hàng ngày tối thiểu nhất. Ấy thế mà Venezuela từng là nước giàu có bậc nhất Nam
Mỹ. Tại sao mà đất nước ấy lại đến nông nỗi này? Câu trả lời để dành cho các
chính trị gia, kinh tế gia, v.v. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn: Không phải
tại nhân dân Venezuela!
Thứ Năm, 9 tháng 8, 2018
Những chuyện không đẹp
Hồi còn học lớp 1, người viết có lần theo mấy đứa trẻ hàng xóm ra Bờ Hồ chơi. Đi qua chỗ bà bán ổi, một đứa – có tiếng là nghịch ngợm – nói với bà hàng ổi: Cô ơi, đằng sau cô có cái gì kia kìa! Khi bà ta quay mặt ra phía sau, nó nhanh tay “thó” một quả ổi bỏ vào túi quần. Lũ chúng tôi cũng đua theo rồi bỏ chạy khi bà hàng ổi nhận ra là bị lũ trẻ lừa. Về nhà tôi còn khoái chí kể cho Mẹ nghe về “chiến tích” đó. Mẹ nghiêm mặt nói rằng đó là ăn cắp, là rất xấu và từ nay đừng bao giờ đụng đến những gì không phải của mình. Mẹ tôi vốn lớn lên trong một gia đình theo Thiên Chúa giáo. Có thể là hồi bé Bà đã được nghe các cha ở nhà thờ Sơn Tây kể những câu chuyện trong Kinh Thánh. Có thể trong đó có chuyện một kẻ ăn trộm vàng, sau bị phát hiện và bị dân chúng ném đá đến chết. Trẻ con mà cho nghe những chuyện như thế thì chúng nhớ suốt đời. Gần đây báo chí chính thống trong nước có đưa tin về vụ một công ty lớn của nhà nước bỏ ra số tiền tới 8 ngàn tỷ Đồng (khoảng gần 400 triệu USD) để mua lại một công ty truyền thông tư nhân. Trong khi giá trị thực của công ty này nhỏ hơn nhiều lần so với giá bán, có nhiều khả năng là hai bên đã thỏa thuân ngầm với nhau, tạo ra các giấy tờ để chứng minh rằng cái giá mua đó là rất “hời” so với giá thị trường quốc tế. Nghe nói các quan chức nhà nước đã chia nhau số tiền chênh lệch rất lớn từ vụ mua gian bán lận này. Theo định nghĩa của Mẹ tôi thì đó là ăn cắp tiền của Nhà Nước, tức là của Dân. Gần đây có vụ một công ty xe hơi Đức loại có uy tín hàng đầu thế giới đã dùng một biện pháp kỹ thuật rất tinh vi, “qua mặt” được cuộc kiểm tra về chất lượng khí thải tại Mỹ và đã bán được rất nhiều xe thuộc loại “kém chất lượng” đó cho tới khi bị phát hiện, bị kiện và bị phạt một số tiền lớn, tới hàng tỷ USD. Lấy đi một phần không khí sạch của nước Mỹ khi không được người Mỹ cho phép, đó là một vụ lừa đảo và ăn cắp lớn. Sri Lanka là một hòn đảo nhỏ phía nam Ấn Độ. Sau một cuộc nội chiến nhiều năm và bị tàn phá, nước này rất cần tiền để tái thiết đất nước. Và rất kịp thời, Trung Quốc có mặt. TQ đưa ra ý định đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng một hải cảng mới với những điều kiện “ưu đãi” mà đất nước nhỏ bé này khó mà từ chối. Công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Vài năm trôi qua nhưng số tàu biển ghé vào cảng này ít tới mức mà số tiền thu được là quá bé nhỏ so với số nợ tới hạn phải trả. Chỉ cần có thế,TQ lại đưa tiếp một để nghị nữa: cho TQ thuê 99 năm. Thật hấp dẫn, phải không. Vả lại thì Sri Lanka cũng chả còn cách nào để trả món nợ khổng lồ ấy. Nghe nói TQ định biến cảng này thành một căn cứ hải quân, một việc nằm trong chiến lược tổng thể khống chế Ấn Độ Dương của họ. Sri Lanka hẳn là không thích lắm, nhưng mà cổ đã “vào tròng” rồi, biết làm thế nào. Cái này có thể gọi là một trò lừa đảo và ăn cướp lớn. Nhiều nước khác ở châu Á, châu Phi đã “ăn quả đắng” này rồi. Sẽ còn những nước khác cũng đang và sẽ bị lôi cuốn vào những cái bẫy đó! Con chuột thì làm sao mà hiểu được mưu mô ẩn trong cái bẫy chuột. Ngày nay thì sự ăn cắp và ăn cướp phải tinh vi, miếng mồi phải thật ngon, mẹo lừa phải cực cao. Cái đó thì các nhà lãnh đạo TQ hơn các nước nhiều. Giống như đánh cờ, họ tính trước rất nhiều bước đi mà các nước khác khó có thể đoán ra. Vừa mới có tin là cảnh sát Nhật vừa phát hiện một kho hàng chứa toàn đồ do người Việt ăn cắp ở các siêu thị bên Nhật. Hiện có tới khoảng 290 ngàn người Việt ở Nhật nên khó tránh khỏi một số người trong đó đi ăn cắp. Người xưa nói đói nghèo sinh đạo tặc. Nước Anh ngày xưa cũng có nhiều người nghèo. Nghèo tới mức người ta đi ăn cắp, thậm chí ăn cướp một chiếc bánh mỳ để qua cơn đói. Sau đó thì bị xử án tù khổ sai, bị đày qua Úc – lúc đó còn là một xứ hoang sơ “khỉ ho cò gáy”. Người nghèo – như một số người Việt đi lao động ở Nhật -thì chỉ có khả năng ăn cắp vặt trong siêu thị. Đó là một thực tế không đẹp, phải nhận là có và cần lên án, sửa chữa. Nhưng mặt khác cũng không nên vội vàng “chụp mũ” chê bai dè bỉu người Việt quá mức.
Thứ Tư, 8 tháng 8, 2018
Một trí tuệ lớn thời xưa
Michel de
Montaigne (1533 -1592) là một triết gia Pháp
thời kỳ Phục Hưng, có ảnh hưởng lớn tới nhiều nhà văn và triết gia ở các thời
kỳ khác nhau trên thế giới như René Descartes, Ralph Waldo Emerson, Stefan Zweig, Friedrich Nietzsche, Jean-Jacques Rousseau, William Shakespeare.
Những người ít học, ít hiểu biết, ít đầu óc tìm tòi thường là những tín đồ tốt.
Tôi trích dẫn lời người khác chỉ để làm rõ ý mình thôi.
Khi bị những suy nghĩ tăm tối, chán
chường, vô vọng tấn công, tôi chạy ngay tới sách vở của mình. Chúng nhanh chóng
tràn ngập tôi và xua tan những đám mây đen đó.
Càng muốn quên đi một điều gì đó, ta lại
càng làm cho nó bám chặt hơn vào trí não của ta.
Ta cố nắm mọi thứ mà chẳng bắt được cái
gì.
Con người là kẻ cực kỳ điên rồ. Một con
giun còn chẳng tạo nổi, vậy mà hắn lại định tạo ra hàng đống thượng đế.
Chúng ta chẳng tin điều gì chắc chắn như
điều ta chẳng hiểu gì cả.
Tôi thích gần gũi nông dân bởi họ chưa
được "học hành" tới mức làm cho trí óc suy nghĩ sai lệch về mọi thứ.
Bị cấm đoán một thứ gì, người ta lại càng
để ý đến cái đó.
Mọi cuộc hôn nhân tốt thường giống tình
bạn hơn là tình yêu.
Hãy để cho Thiên Nhiên làm mọi thứ bởi
Thiên Nhiên biết công việc của nó tốt hơn chúng ta nhiều.
Sống là nghệ thuật và nghề nghiệp của
tôi.
Ta chẳng biết cái chết đợi ta ở đâu. Vậy
thì ta hãy đợi nó ở khắp nơi.
Đời tôi có khối thứ khủng khiếp nhưng
phần lớn chưa bao giờ xảy ra.
Bất cứ cái gì trái ngược với những thói
quen của mình ta đều coi là man rợ.
Kẻ tạo dựng lý lẽ của mình bằng mệnh lệnh và sự ầm ỹ chỉ chứng tỏ rằng cái lý sự đó yếu ớt.
Kẻ tạo dựng lý lẽ của mình bằng mệnh lệnh và sự ầm ỹ chỉ chứng tỏ rằng cái lý sự đó yếu ớt.
Tôi thì biết gì?
Sự dốt nát là cái gối mềm nhất để người
ta cho cái đầu mình nghỉ ngơi.
Gió cũng chẳng có ích gì cho một con
thuyền không có phương hướng.
Tôi chưa từng thấy một con quỷ nào ác
độc hơn hay một phép mầu nào kỳ diệu hơn là chính bản thân mình.
Người ta hay phàn nàn rằng tôi nói quá
nhiều về bản thân mình. Còn tôi thì phàn nàn rằng họ thậm chí còn chẳng thèm
nghĩ về bản thân họ.
Tôi chăm chú lắng nghe lý lẽ của mọi
người nhưng tôi chỉ đi theo cái của bản thân mình.
Tôi vui với sách vở như người ta say mê kho báu vậy.
Người không biết tử tế thì hiểu biết gì
cũng có hại.
Những người có trí nhớ tuyệt vời lại
thường kém khả năng suy xét.
Nếu buộc phải trả lời tại sao tôi thích
người ấy, tôi chỉ có thể giải thích rằng bởi vì đó là người ấy và bởi vì đó là
tôi.
Có quá nhiều sách nói về một quyển sách
khác chứ không phải là một chủ đề khác. Chúng ta chẳng làm gì cả ngoài việc
bình phẩm lẫn nhau.
Có bao nhiêu điều xưa ta tin chắc và kính trọng mà nay chỉ là chuyện tầm phào?
Có bao nhiêu điều xưa ta tin chắc và kính trọng mà nay chỉ là chuyện tầm phào?
Đẹp làm sao những tâm hồn rộng lớn sẵn
sàng đón nhận mọi thứ.
Hãy vui với những gì đang có bởi mọi thứ
khác ngoài tầm với của bạn.
Thứ Hai, 6 tháng 8, 2018
Âm nhạc và lòng yêu nước
Tình cờ gặp trên youtube một tác phẩm âm nhạc
Việt Nam khá cũ. Đó là bản giao hưởng-hợp xướng Tiếng hát người chiến sỹ biên thùy được nhạc sỹ Tô Hải sáng tác cách đây nửa thế kỷ. Âm nhạc kỳ lạ ở chỗ
nó là tiếng nói của trái tim. Khi nghe bản giao hưởng Ma Vlast - người ta dịch là Tổ Quốc Tôi- của nhạc sỹ Séc thế kỳ 19
Bedric Smetana, ta như nhìn thấy, nghe thấy một dòng sông thơ mộng và hùng vĩ,
thấy yêu đất nước ấy, dù chưa tới bao giờ. Nghe Tiếng hát người chiến sỹ biên thùy, người ta bỗng thấy lòng mình
trào dâng một cảm xúc dạt dào, bạn gọi đó là tình yêu quê hương đất nước hay là
gì cũng được. Cái quan trọng đó là một tình cảm chân thành, nếu có trong bạn
thì âm nhạc có thể tạo nên sự cộng hưởng, làm cho nó bùng cháy lên. Điều không
ngờ là sự hoành tráng của tác phẩm. Người Nhật sùng kính âm nhạc cổ điển Châu
Âu đến mức mà họ đã từng dựng lên một dàn hợp xướng tới mười ngàn người cho Giao
Hưởng số 9 của Beethoven. Bản hợp xướng của Tô Hải cũng xứng đáng được dàn dựng
lớn và công phu. Thế nhưng không biết vì lý do gì mà người ta "bỏ quên"
một tác phẩm quan trọng như vậy. Nhưng người nước ngoài lại phát hiện ra tác
phẩm này. Giàn nhạc giao hưởng Rouen của Pháp và giàn hợp xướng Quê Hương - có
lẽ là của Việt kiều và/hoặc sinh viên gần đây đã giàn dựng và trình bày khá
thành công. Solzhenhisyn là một nhà văn Nga thời Liên Xô. Ông có viết một tác
phẩm văn học không được xuất bản ở Liên Xô. Thế nhưng nó lại được xuất bản ở
nước ngoài và giành được giải Nobel văn học năm 1970. Mãi về sau ông mới được
vinh danh ở nước Nga tổ quốc mình. Đến một ngày nào đó người ta sẽ trả lại cho Tiếng hát người chiến sỹ biên thùy và
nhạc sỹ Tô Hải một vị trí xứng đáng vì âm nhạc đỉnh cao và lòng yêu nước chân
chính trong tác phẩm của ông.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)