Thứ Tư, 29 tháng 8, 2018

Một tượng đài


Ở Việt Nam, ngay trung tâm thủ đô Hà Nội, ngay con đường đẹp nhất, bên bờ cái hồ rộng và đẹp nhất, có một "tượng đài" để kỷ niệm ... một người Mỹ! Trong lịch sử Việt Nam thời hiện đại, không có quốc gia nước ngoài nào có số lượng công dân đã từng hiện diện ở đây nhiều như Mỹ. Ở thời điểm cao nhất vào năm 1968, có tới khoảng 543.000 quân nhân Mỹ tham chiến ở miền nam Việt Nam để ngăn chặn Bắc Việt Nam thống nhất đất nước. Sau đó sự hiện diện của Mỹ cứ giảm dần. Đến đầu năm 1973 thì quân đội Mỹ rút hết, toàn bộ tù binh Mỹ cũng được trao trả hết, chỉ còn lại sứ quán ở Sài Gòn. Đến ngày 30-4-1975, sứ quán Mỹ cũng rút hết. Những năm sau đó, những dấu vết về sự hiện diện của Mỹ ở Việt Nam cũng dần dần biến mất. Hài cốt của quân nhân Mỹ mất tích cũng dần dần được tìm thấy và trao trả cho Mỹ. Nhưng có một dấu tích khá là khác thường vẫn còn. Vào năm 1967, trên bầu trời Hà Nội, lực lượng phòng không Miền Bắc bắn rơi một máy bay của giặc Mỹ xâm lược, như cách gọi quân đội Mỹ của người Miền Bắc lúc đó. Tên giặc lái Mỹ nhảy dù, rơi xuống hồ Trúc Bạch ở Hà Nội, bị bắt, bị tù cho tới đầu năm 1973 thì được trao trả sau Hiệp Định Paris. Để đánh dấu chiến công thắng giặc Mỹ đó, người ta cho dựng một phù điêu nhỏ có hình phi công Mỹ đội mũ bay, dường như đang quỳ gối, hai tay giơ thẳng lên trời, có lẽ là để "đầu hàng" những người lính Bắc Việt đang lao tới để bắt anh ta. Người phi công đó là thiếu tá hải quân Mỹ John McCain, người sau chiến tranh chuyển sang hoạt động chính trị, làm thượng nghị sỹ trong nhiều năm. Ông mới qua đời vì bệnh ung thư. Một số người Hà Nội đã mang hoa tới viếng ông ở cái tượng đài "chiến thắng giặc Mỹ" kia.Trong cuộc chiến Việt Nam, quân lực hùng hậu của Mỹ, trong đó có ông tham gia là kẻ bại trận. Ông lại còn bị bắt, bị "kẻ địch" tù đày nhiều năm, có thể còn bị "tra tấn", như truyền thông Mỹ thỉnh thoảng đưa tin, có thể ông đã nghĩ mình bị "hạ nhục" bằng tấm bia "đầu hàng" ven hồ Trúc Bạch, trong khi gia đình ông vào loại "trâm anh thế phiệt" ở Mỹ, có cha từng là đô đốc hải quân, có tên được đặt cho một tàu chiến mới ghé thăm Cam Ranh gần đây. Sau chiến tranh thì Việt Nam tiếp tục theo đuổi con đường đã đi và chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục ra sức chống lại. Trong tình hình như thế thì nếu như ông là một nghị sỹ "diều hâu", ra sức "chống phá" Việt Nam như chính phủ, quốc hội, nhiều tổ chức và cá nhân người Mỹ khác thì đó là chuyện bình thường. Có thù hận thì phải trả một cách nào đó chứ. Nhưng ông đã không làm vậy mà chọn con đường hòa giải với Việt Nam. Năm 1995, ông và thượng nghị sỹ John Kerry, cũng là một cựu chiến binh Việt Nam, hai người đã góp nhiều công sức nhất cho nỗ lực hòa giải với Việt Nam, đã cùng có mặt bên cạnh tổng thống Clinton khi ông tổng thống chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Vậy thì tại sao ông lại chọn con đường hòa giải với kẻ thù xưa?  Phải chăng ông đã hiểu ra một điều rằng nếu vẫn cứ tiếp tục thù hận thì ông sẽ vẫn tiếp tục bị tù đày bởi quá khứ, vẫn bị giam cầm trong cái "khách sạn Hilton Hà Nội", một cái tên mà người Mỹ đặt cho nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội, nơi ông bị giam giữ trong hơn 5 năm, vẫn là kẻ "giơ tay đầu hàng", như cái cách mà người ta mô tả ông trong bức phù điêu kia. Nhưng ông đã chọn cách khác, bỏ qua thù hận, hòa giải với "kẻ thù xưa", hòa giải với bản thân mình để hướng về tương lai tốt đẹp hơn cho Việt Nam, và cho cả nước Mỹ nữa. Và từ vị trí "tên giặc lái Mỹ giơ tay đầu hàng quân dân Miền Bắc", ông đã trở thành một trong số rất ít người Mỹ được kính trọng và chào đón nhất tại Việt Nam. Cái đài kỷ niệm về ông kia có lẽ sẽ còn đó rất lâu, sẽ là minh chứng cho hai điều sẽ còn lại trong lịch sử của cả Việt Nam và Mỹ. Đó là một cuộc chiến tranh tàn khốc của Mỹ trên đất Việt Nam và sự hàn gắn vết thương khủng khiếp do cuộc chiến đó gây ra.            

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét