Tổng số lượt xem trang

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2018

Điều gì đáng học từ người Hàn?

Mới xảy ra việc một cô giáo lớp 6 ở Quảng Bình phạt một học sinh trai vì tội "chửi bậy" bằng cách bắt cả lớp mấy chục em nhỏ tát vào mặt bé trai kia. Dĩ nhiên, cô giáo kia đã làm một việc phản giáo dục. Nhưng dư luận đặt câu hỏi tại sao cô giáo ấy lại làm thế? Có một bài viết khá sâu sắc của một tác giả nữ trẻ trên báo VNExpress chỉ ra nguyên nhân sâu xa của việc này - và nhiều việc khác nữa trong xã hội Việt Nam ngày nay, đó là sự sợ hãi. Ở phương tây, và ngay cả ở Nga nữa, khi dân không hài lòng điều gì thì họ thường nói ra, có khi ở trên mạng xã hội, trên truyền thông đại chúng, hay xuống đường biểu tình, như ở Paris đang có các cuộc biểu tình lớn phản đối việc tăng giá xăng dầu. Ở đây dân cũng có nhiều điều muốn nói ra. Nhưng họ im lặng. Họ chưa quen phát biểu chính kiến của mình. Họ ngại, thậm chí là sợ. Một nỗi sợ vu vơ truyền kiếp lâu đời. Trong khoảng một ngàn năm Bắc thuộc, dân Việt chịu sự cai trị trực tiếp của những quan lại từ Trung Hoa tới. Đó là một lối quản lý nhà nước dựa trên luật lệ hà khắc, đòi hỏi sự tuân thủ tuyệt đối và sự không tuân thủ sẽ bị trừng phạt nặng nề. Vua chúa sống xa hoa trong lâu đài, cung cấm, tách biệt hẳn với dân. Quan có việc cần tiếp xúc với vua thì phải quỳ lạy. Không được nhìn thẳng vào mặt vua. Nếu nhìn thì có thể bị coi là "phạm thượng" và bị phạt nặng. Xong việc không được quay đầu đi ra, mà phải đi giật lùi. Đạo lý của Khổng Tử vốn là tốt đẹp, dần dần bị kẻ thống trị lợi dụng, biến thành những sợi dây vô hình trói buộc dân để họ dễ bề thao túng . Dân chỉ còn biết cam chịu tủi nhục để được yên thân. Khi người Việt giành được độc lập thì họ cũng kế thừa luôn cái lối quản lý nhà nước ấy. Vả lại, khi đó thì cũng chưa có lựa chọn nào khác. Người dân chấp nhận sống như thế trong nhiều thế kỷ. Vua chúa coi họ là "thảo dân" - tạm dịch là "cỏ rác" - đại ý là có thể bị chà đạp mà không thể phản ứng lại. Vua quan và dân cứ suy nghĩ và hành động như thế hết đời này sang đời khác thì dần dần cái đó đi vào tiềm thức, vào "gen", tự động truyền từ ông cha sang con cháu. Giữa thế kỷ 19, người Pháp dùng vũ lực chiếm đoạt và biến Việt Nam thành thuộc địa để khai thác tài nguyên và nhân công rẻ mạt phục vụ cho chính quốc. Với cách thức và mục đích như thế, hiển nhiên là họ gặp phải sự kháng cự của người bản xứ. Để tiêu diệt sự kháng cự đó, người Pháp lập ra một bộ máy cai trị và đàn áp gồm quan chức người Pháp nắm các vị trí chủ chốt và một đội ngũ ngưởi bản xứ cấp dưới để thi hành các mệnh lệnh. Vì thế nên dân Việt vẫn là kẻ bị trị, bị coi là dân da vàng nghèo nàn lạc hậu, chỉ đáng làm nô lệ cho người Pháp. Nếu phản kháng nhẹ thì bì tù đày khổ sai ở nơi xa xôi hẻo lánh như Lai Châu, Côn Đảo, còn nặng thì bị chặt đầu bằng những chiếc máy chém mang từ Pháp sang. Cái mới đáng kể mà người Pháp mang sang là những nhà hát opera, công sở, biệt thự kiểu Pháp, cầu Long Biên, đường xe lửa. Những nỗi sợ truyền kiếp của dân Việt thì vẫn còn đó. Năm 1940, nước Pháp sụp đổ trước cuộc tấn công của Đức Quốc Xã. Ở Việt Nam, chính quyền thực dân Pháp cũng đầu hàng quân đội Nhật. Hai tròng áp bức đã dẫn đến nạn đói khủng khiếp làm khoảng 2 triệu người chết ở Bắc Việt Nam. Năm 1945, nước Nhật phát-xít thua trận và đầu hàng quân đồng minh. Tranh thủ bối cảnh ấy, cụ Hồ và phong trào Việt Minh tuyên bố độc lập vào ngày 2-9-1945. Bản tuyên ngôn độc lập do cụ Hồ viết và đọc có trích dẫn bản tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mỹ và bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách Mạng Pháp năm 1791, đặt tên nước là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Trong thư gửi Tổng Thống Mỹ Truman tháng 2/1946, cụ Hồ đề nghị Mỹ, với tư cách là nước bảo vệ tự do và công lý trên thế giới ủng hộ độc lập của Việt Nam và mong muốn hợp tác toàn diện với Mỹ. Những điều này chỉ ra rằng cụ Hồ có ý định xây dựng một nước Việt Nam theo hướng tự do và dân chủ. Mỹ đã không trả lời thư của cụ Hồ, có lẽ vì họ còn quá bận rộn với việc xử lý Châu Âu và Nhật bản, hỗn loạn và tan hoang sau sau chiến tranh, ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô hùng mạnh vừa đánh bại cả Đức Quốc Xã lẫn Nhật Bản, hơn là quan tâm đến một đất nước nhỏ bé, xa xôi, thậm chí còn chưa có tên trên bản đồ thế giới. Trong khi đó, vừa mới thoát khỏi ách chiếm đóng của Đức Quốc Xã, Pháp đã vội vã huy động quân viễn chinh để chiếm lại Việt Nam. Tưởng có thể "nuốt chửng" Việt Nam một cách nhanh chóng, Pháp không ngờ gặp phải sự kháng cự quyết liệt của hàng triệu người với quyết tâm không chịu mất nước và làm nô lệ cho Pháp một lần nữa. Nuốt không trôi, với một kinh tế ốm yếu mới thoát khỏi chiến tranh, Pháp đành quay sang cầu cứu sự hỗ trợ quân sự của Mỹ, với lý do là cần ngăn chặn sự bành trướng của phe cộng sản ở Đông Nam Á. Điều này thuyết phục được Mỹ bởi Mỹ đã nhận thấy sự hình thành một loạt các nước Đông Âu đi theo Liên Xô. Thế là thay vì ủng hộ cụ Hồ, Mỹ quyết định ủng hộ Pháp chiếm lại Việt Nam. Trước tình thế gay go đó, cụ Hồ buộc phải kêu gọi sự hỗ trợ của Liên Xô và Trung Quốc. Năm 1954, quân Pháp đầu hàng tại Điện Biên Phủ,  một việc chưa từng có trong quan hệ giữa các cường quốc phương Tây với các nước nhược tiểu. Từ đó, thế giới mới bắt đầu để ý đến Việt Nam. Hội nghị Giơ-ne-vơ sau đó để xử lý vấn đề Việt Nam có sự tham gia của các cường quốc chủ yếu như Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp. Theo hiệp định, Việt Nam bị tạm thời chia làm 2 miền với kế hoạch là sẽ bầu cử trong vòng 2 năm để thành lập chính phủ mới và thống nhất đất nước. Lo lắng trước viễn cảnh một Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo của cụ Hồ và sẽ ngả theo phe Trung Quốc và Liên Xô, nước Mỹ bắt đầu can thiệp trực tiếp để ngăn cản quá trình đó. Họ dựng lên một chính phủ ở Sài Gòn và bắt đầu ồ ạt viện trợ kinh tế và quân sự với ý đồ như ô. Diệm tuyên bố là sẽ "lấp sông Bến Hải, Bắc tiến" để nắm được cả nước, từ đó ngăn chặn được sự mở rộng của "làn sóng Đỏ". Nước VNDCCH của cụ Hồ còn quá non trẻ, lại kiệt quệ vì vừa ra khỏi cuộc chiến tranh 9 năm chống Pháp, vì thế không còn con đường nào khác là phải dựa vào hai nước lớn là Trung Quốc và Liên Xô để giữ vững và thống nhất lại được quốc gia đã được thành lập vào năm 1945. Cứ thế, Việt Nam dần dần bị cuốn vào cuộc chiến tranh lạnh của các cường quốc. VNDCCH gọi tắt là Miền Bắc dựng nước với hai bàn tay trắng. Bởi cánh cửa sang Mỹ và phương tây đã bị đóng lại, Miền Bắc buộc phải dựa vào LX và TQ để học hỏi từ hệ thống chính trị, mô hình nhà nước cho đến quản lý kinh tế. Sự tin tưởng vào các nước "anh em" như LX và TQ có phần hồ hởi và ngây thơ, bởi lúc đó chưa có ai có hiểu biết gì đáng kể về thực tế XHCN. Tất cả chỉ là niềm tin, như là niềm tin tôn giáo vậy. Khi nhà độc tài Stalin chết, nhà thơ Tố Hữu đã khóc thương thế này:

Ông Stalin ơi! Ông Stalin ơi!
Hỡi ông mất, đất trời có không?

Nhiều người Bắc cảm thấy gần gũi với Lê Nin:

Ông Lê Nin ở nước Nga
Mà em vẫn thấy rất là Việt Nam

Tố Hữu đã dành cho TQ một sự ngưỡng mộ:

Chào Trung Quốc giang sơn hùng vĩ
Quê Hồng Quân vạn lý trường chinh

Với niềm tin tốt đẹp như thế, Miền Bắc đã chấp nhận hệ thống chính trị mà LX và TQ đã xây dựng. Đó là dictatura proletariata , một thuật ngữ tiếng Nga mà các tài liệu chính thống của Miền Bắc dịch là chuyên chính vô sản. Có lẽ chính xác hơn thì phải dịch là độc tài vô sản. Theo chính sách này, Lê Nin, rồi Stalin, Mao Trạch Đông đã dùng bạo lực để loại bỏ tất cả những ai, những gì bị cho là liên quan tới tư bản, địa chủ, tư hữu, bóc lột, chống đối chế độ. Dân Liên Xô thời Stalin, dân TQ thời Mao sống trong một nỗi sợ thường trực là có thể bị quy kết là tư sản, địa chủ, phản động. Cả về phương diện này, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng.Thế là nỗi sợ của người dân lại tiếp tục. Và cứ như thế cho đến tận hôm nay. Những con người sợ hãi có thể là những công cụ tốt để thực hiện ý định của nhà cầm quyền, ít nhất là trong một giai đoạn và hoàn cảnh nào đó. Nhưng họ sẽ không phù hợp cho một xã hội phát triển và văn minh, nơi mà tự do và sáng tạo là động lực quyết định. Gần đây, quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc có vẻ tốt lên. Người Việt, nhất là các bạn trẻ, thích K-Pop, mốt, phim tình cảm Hàn và thích bắt chước theo. Nhưng có lẽ ít người tìm hiểu lịch sử Hàn. Trong nhiều thế kỷ, cũng như Việt Nam, bán đảo Triều Tiên là một xã hội phong kiến chịu ảnh hưởng nhiều của Trung Hoa. Đầu thế kỷ 20, Triều Tiên cũng chịu sự đô hộ hà khắc của đế quốc Nhật. Sau Thế Chiến 2, tương tự như Việt Nam, hai nhà nước được hình thành - Bắc và Nam Triều Tiên. Năm 1953, khi chiến tranh Nam-Bắc Triều Tiên kết thúc, Nam Triều Tiên, nay gọi là Hàn Quốc chỉ còn là một đống đổ nát. Trẻ con đi học phải ngồi xuống đất ở ngoài trời, tập viết thì lấy que mà viết xuống đất. Năm 1975, khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, Nam Việt Nam, ít nhất là Sài Gòn thì đã khá phát triển. Bắc Việt Nam còn nghèo, nhưng lớp học ở những vùng nghèo nhất cũng còn có "nhà tranh, vách đất", có bàn ghế. Từ điểm xuất phát đó, trong vòng hai chục năm, HQ đã trở thành một cường quốc về đóng tàu. Cũng trong khoảng thời gian đó, chính trị và kinh tế Hàn nằm dưới sự lãnh đạo của những chính khách độc tài vô cùng hà khắc và sự độc quyền của những công ty lớn có mối liên hệ gần gũi với họ. Nhưng dân Hàn nhận ra rằng sự độc tài chính trị và độc quyền kinh tế đó sẽ kìm hãm và ngăn cản mục tiêu tiến lên văn minh và hiện đại của đất nước. Dân Hàn, nhất là thế hệ trẻ đã tranh đấu quyết liệt và không sợ hãi cho mục tiêu đó. Từ gần như con số 0 sau chiến tranh, chỉ trong khoảng hơn ba chục năm, Hàn Quốc đã trở thành một nước văn minh phát triển cao toàn diện. K-pop hay phim Hàn thì cũng tốt thôi. Song vượt qua nỗi sợ hãi truyền kiếp của bản thân có lẽ là điều mà người Việt đáng học hỏi hơn cả từ người Hàn. 

Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2018

Có thể lại một lần nữa?


Nhiều người Việt lớn tuổi, nhất là những người đã từng học tập hay làm việc ở Liên Bang Xô Viết, gọi tắt là Liên Xô, vẫn còn giữ một tình cảm tốt đẹp với LX, với nước Nga. Nhưng đó là một đất nước khác xa với nước Nga bây giờ. Những năm 90 sau khi LX sụp đổ, nước Nga rơi vào một giai đoạn hỗn loạn. Chính sách tư nhân hóa ồ ạt khi đó đã làm thất thoát những tài sản khổng lồ mà LX có được nhờ thiên nhiên ưu đãi, nhờ lao động cần cù và hy sinh xương máu của bao thế hệ người LX. Những chính trị gia tham nhũng bắt tay với đám doanh nhân tội phạm vơ vét vô tội vạ của cải của đất nước, phá tan cơ cấu kinh tế cũ, sản xuất đình đốn, kinh tế sụt giảm, thất nghiệp trầm trọng, lạm phát phi mã, những khoản tiết kiệm cả đời cho tuổi già tan biến, tội phạm hoành hành, đời sống của hàng triệu người đi vào chỗ khốn cùng. Lúc đó Putin xuất hiện và với "bàn tay sắt" của mình lập lại được trật tự ở nước Nga. Kinh tế và xã hội cũng dần ổn định. Nhờ chính sách kinh tế thận trọng hơn, trấn áp được sự lũng đoạn của các đại gia tội phạm, tận dụng nguồn nhân lực tốt, trình độ khoa học kỹ thuật cao, cơ sơ hạ tầng sẵn có và nhờ giá dầu lúc đó tăng, nước Nga đi vào phục hồi và phát triển. Kinh tế tăng trưởng, đời sống của đông đảo nhân dân cải thiện rõ rệt. Năm 2014, nhân lúc tình hình Ucraina rối ren, một cuộc trưng cầu dân ý - được cho là có sự hậu thuẫn mạnh của Nga - được tổ chức ở bán đảo Crimea và kết quả là vùng này được sáp nhập vào Nga. Những việc này làm cho uy tín của Putin lên cao và kết quả là Putin và đảng của ông ta nắm quyền lãnh đạo nước Nga liên tục suốt gần hai chục năm qua, cho đến tận bây giờ.  Nhưng không phải mọi chuyện đều êm đẹp. Vừa rồi một cô "gái gọi" thuộc một công ty người mẫu Nga sau khi đi "phục vụ" một nhóm khách VIP có viết một cuốn sách nhỏ kể về cách "quyến rũ và chinh phục" tỷ phú, có lẽ chỉ nhằm khuếch trương bản thân cô ta. Nhưng cuốn sách vô tình lộ ra vài chi tiết gây được sự chú ý của Navalny, một chính trị gia đối lập nổi tiếng ở Nga về chống tham nhũng. Dựa vào những chi tiết đó, nhóm điều tra của Navalny phát hiện ra rằng nơi cô gái đến là Na uy, trên một du thuyền sang trọng thuộc sở hữu của một tỷ phú Nga nổi tiếng. Vị khách VIP mà ông ta tiếp đãi trên con tàu của mình là một trong các "cận thần" thân tín nhất của TT Nga đương nhiệm. Navalny đã mang quyển sách và câu chuyện đó lên kênh truyền hình của mình. Câu chuyện rất nhanh chóng lan truyền đến hàng triệu người xem. Vị tỷ phú kia kiện cô gái ra tòa án Nga về tội vi phạm quyền riêng tư của người khác. Cô bị bắt khi đang ở Thái Lan vì vi một điều luật gì đó của Thái. Tiếp theo thì không rõ số phận của cô ra sao. Câu chuyện là một minh họa cho cơ cấu quyền lực ở nước Nga ngày nay. Phương Tây có đưa ra một tài liệu mà họ gọi là "bản danh sách của Putin". Đó là danh sách mấy chục tỷ phủ có quan hệ gần gũi với TT Nga, trong đó có cả vị đại gia bí ẩn trong câu chuyện của cô gái trên. Tổng tài sản của các vị này lên tới vài trăm tỷ đô-la mà theo đánh giá của Forbes chiếm tới khoảng 35% tài sản của toàn bộ 144 triệu dân Nga cộng lại. Cũng theo Forbes, Mạc Tư Khoa được coi là "thủ đô của các tỷ phú". Họ làm gì mà có tài sản lớn như vậy? Theo mô tả ở bản "danh sách", họ là chủ những công ty lớn nhất ở Nga như dầu mỏ, khí đốt, kim loại quý như nikel, sắt thép, phân bón, v.v. Đó vốn là những tài sản công bị "tư nhân hóa" - chính xác hơn là bị chiếm đoạt trong thời kỳ hỗn loạn sau khi LX sụp đổ. Các ông chủ mới của nước Nga - những oligarkh  gọi theo tiếng Nga, tạm dịch là "đại gia" (hay là "tư bản lũng đoạn" theo cách gọi chính thức ở Việt Nam trước đây) và nhóm quan chức chóp bu - chuyển những khoản tiền khổng lồ họ chiếm được thành những "biệt phủ" rộng mênh mông ở nước Nga, những lâu đài cổ, du thuyền siêu sang ở nước ngoài. Đó mới là phần nổi. Còn phần chìm của tảng băng như những khoản tiền gửi ở các ngân hàng và đầu tư ở nước ngoài thì không ai biết là bao nhiêu cả. Đó là một sự "chảy máu vốn" rất lớn. Người Việt xưa có câu "Thượng bất chính, hạ tắc loạn" - có thể hiểu nôm na là khi những người cầm quyền, những người lãnh đạo nhà nước và lãnh đạo các doanh nghiệp mà không tuân thủ pháp luật và đạo đức thì dân chúng cũng sẽ coi thường pháp luật và đạo đức, xã hội sẽ rối loạn. Điều này thể hiện rõ ngay trong cuộc sống hàng ngày khắp nơi ở nước Nga. Bất cứ việc gì liên quan tới nhân viên nhà nước các cấp, muốn họ bỏ qua những vi phạm của mình thì "đút tiền" là xong. Thậm chi chỉ yêu cầu họ làm việc gì trong phạm vi nhiệm vụ của họ thì cũng phải đưa vsiatki, nghĩa là đưa phong bì, đưa tiền hối lộ. Việc càng lớn thì tiền hối lộ phải càng lớn. Một bộ máy điều hành đất nước dựa trên những quan chức tham nhũng, một nền kinh tế dựa vào những đại gia tham nhũng, một cơ cấu quyền lực dựa vào sự câu kết của những người như thế thì khó mà che dấu và bưng bít mãi được, khó mà có được sự tin tưởng và ủng hộ lâu dài của đại đa số nhân dân Nga. Ngày 7-11 vừa rồi tại Quảng Trường Đỏ cũng có một sự kiện chính thức, nhưng không phải là để kỷ niệm Cách Mạng Tháng 10, mà là để diễn tả lại cuộc diễu binh ngày 7/11/1941. Trong buổi diễu hành hôm đó, không có lá cờ, biểu ngữ hay một lời nào trong diễn văn của vị thị trưởng Mạc Tư Khoa, người chủ trì buổi lễ, nhắc tới Cách Mạng Tháng Mười, tới Lenin cả. Có thể hiểu rằng chính quyền hiện tại của nước Nga muốn người ta quên dần đi ngày 7/11/1917 và sự kiện gắn với ngày đó là cuộc Cách Mạng Tháng Mười dưới sự lãnh đạo của Lenin. Nhưng nhân dân thì vẫn không quên. Cũng trong ngày hôm ấy, cũng tại Mạc Tư Khoa, một cuộc tuần hành khá lớn khác đã diễn ra tại một khu vực khác của thành phố. Cuộc tuần hành này khá giống những những cuộc tuần hành ngày 7/11 những năm trước 1991, với nhiều cờ đỏ búa liềm, chân dung Lenin, những biểu ngữ về Cách Mạng Tháng 10 Nga, những khúc quân nhạc và bài hát quen thuộc thời kỳ Xô-viết. Người ta thấy rõ nhiều biểu ngữ lớn mang dòng chữ "Tháng Mười Mới sẽ đến". Người tham gia tuần hành đa phần là những người lớn tuổi, những người mà cuộc đời đã từng gắn bó với đất nước và xã hội Xô-viết. Họ vẫn còn nhớ một "thời thanh niên sôi nổi", khi mà con người sống với một lý tưởng cao đẹp vì đất nước, vì mọi người. Họ vẫn thấy nuối tiếc xã hội Xô-viết trong sạch lành mạnh, nơi không có cái kiểu những đại gia giàu sụ và quan chức tham nhũng bòn rút của cải của đất nước, sống xa hoa phè phỡn trong khi đất nước vẫn đầy rẫy người nghèo khổ, vô gia cư, thất nghiệp, nghiện hút, đĩ điếm và trẻ lang thang. Người ta thấy có nhiều bạn trẻ cũng tham gia đoàn tuần hành. Ở đâu và bao giờ cũng vẫn luôn có những người trẻ tuổi có xu hướng "nổi loạn" chống lại những bất công xã hội. Nhưng bất công như thế mà không được xử lý tận gốc rễ của vấn đề thì sẽ tích tụ lại và lớn dần lên. Đến một mức nào đó, nó sẽ phá vỡ cái cơ chế chính trị, kinh tế, xã hội đã tạo ra nó. Và có thể lại một lần nữa nước Nga lại trở thành ngọn cờ cách mạng của loài người. 

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2018

Bánh Mỳ


Nhiều người, nhất là những người lớn tuổi đều còn nhớ ngày 7/11/1917. Đó là ngày kỷ niệm cuộc Cách Mạng tháng Mười Nga. Trong hàng chục năm, cho tới năm 1991, đó từng là ngày lễ quan trọng nhất trong năm ở nước Nga và tất cả các nước trong Liên Bang Xô Viết như Ucraina, Belarus, Kazakstan, v.v. Tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Mạc Tư Khoa luôn diễn ra một lễ diễu binh của những đoàn quân oai hùng và các loại vũ khí hạng nặng trong tiếng nhạc của những hành khúc bất hủ, với những lá cờ đã từng theo bước Hồng Quân trong các trận chiến khốc liệt chống lại cuộc xâm lăng của Đức Quốc Xã trong Thế Chiến 2. Tiếp theo luôn là cuộc tuần hành của đông đảo nhân dân với cờ đỏ búa liềm, hoa cẩm chướng đỏ và chân dung vị lãnh tụ của Cách Mạng là Lenin. Lá cờ đỏ có hình búa liềm là biểu tượng của Liên Bang Xô-Viết hùng cường, đầy tự hào trong hơn bảy chục năm. Nhiều người đã quá quen với biểu tượng đó đến mức khi không có nó, người ta cảm thấy thiếu đi một hình ảnh thân thuộc. Nhưng nhiều người Nga, nhất là những người đã ở tuổi trưởng thành trong giai đoạn "đổi mới" - tiếng Nga gọi là Perestroika - thời kỳ 1985-91 đều còn nhớ rõ một Liên Bang Xô-Viết, một nước Nga hoàn toàn khác. Trong thời kỳ đó, Liên Bang Xô-Viết gặp phải những khó khăn to lớn, đặc biệt là về mặt kinh tế. Khắp nơi, người ta thấy những dòng người xếp hàng dài chỉ để mua những nhu yếu phẩm hàng ngày như bánh mỳ, sữa, xà-phòng, giấy vệ sinh. Thời đó có một câu truyện cười về một dòng người dài dằng dặc chờ mua rượu vodka. Sau khi chờ nhiều giờ, những người xếp hàng được cửa hàng thông báo là tạm thời hết hàng và đề nghị họ chờ thêm. Một số người quá bực tức quyết định đã đến lúc phải giải quyết gốc rễ của vấn đề thiếu thốn mọi thứ của đời sống xô-viết. Họ quyết định đi thẳng tới điện Kremli để "xử lý" những người đứng đầu ở đó. Những người thiếu can đảm hơn thì ở lại tiếp tục chờ rượu về. Một lát sau, khi những "nhà cách mạng mới" quay về cửa hàng vodka, những người vẫn xếp hàng hỏi họ đã "giải quyết" xong vụ Kremli chưa. Và câu trả lời là: ở đó người ta xếp hàng còn đông hơn ở đây nhiều! Truyện cười nào cũng chứa đựng một phần sự thật. Mẩu truyện cười kia té ra lại là một lời tiên đoán về số phận của chính quyền xô-viết. Năm 1917, khẩu hiệu "Bánh Mỳ, Ruộng Đất, Hòa Bình" đã giúp những người cộng sản bôn-se-vich giành được sự ủng hộ của đông đảo dân Nga và giúp họ giành được chính quyền. Hơn bảy chục năm sau, cũng chính vấn đề "bánh mỳ" đã làm mất lòng tin của hàng triệu dân Nga vào chính quyền của họ. Tại sao Liên Bang Xô-Viết hùng mạnh là thế mà lại sụp đổ là một đề tài lớn, phức tạp, nhiều nhà nghiên cứu đã tốn không ít công sức và giấy mực trong hàng chục năm qua mà vẫn chưa thể đồng ý với nhau. Có một sự kiện lịch sử là vào một buổi tối tháng 12-1991, khi người ta chính thức "khai tử" Liên Bang Xô-Viết bằng cách buộc Ô. Gorbachev, Tổng Thống Liên Bang Xô-Viết từ chức và cho hạ lá cờ đỏ búa liềm khỏi cột cờ trên nóc Cung Đại Hội trong khu điện Kremli, không có một ai tới để bảo vệ lá cờ đó. Thế mà 20 triệu người Nga và các dân tộc khác trong Liên Bang Xô-Viết đã hy sinh trong Thế Chiến 2 để bảo vệ nước Nga, bảo vệ chính quyền xô-viết, bảo vệ lá cờ đó. Cách đây gần sáu thế kỷ, mở đầu bản thiên cổ hùng văn Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi viết: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Có thể hiểu nôm na rằng việc cốt yếu nhất của mọi chính sách của nhà cầm quyền là phải làm sao để cho đại đa số người dân được yên ổn làm ăn sinh sống. Không làm được như thế thì khó có chủ nghĩa hay chính thể nào tồn tại được mãi. Người ta chỉ tin vào cái bánh thật - hay nồi cơm cũng thế - ăn được và no bụng mà ít ai ngu dại đi tin vào các loại "bánh vẽ".

Thứ Hai, 5 tháng 11, 2018

Cái kết khó đoán

Khi người dân đang yên ổn làm ăn sinh sống ở quê hương đất nước mình thì ít người tự nhiên lại bỏ đi nơi khác.  Ấy thế mà trong những ngày này, hàng ngàn người Honduras, một nước nhỏ vùng Trung Mỹ, lại bỏ nhà cửa, quê hương đất nước và người thân để ra đi. Họ tập hợp nhau thành một đoàn người khổng lồ, ước tính ban đầu khoảng 7.000 người và càng di chuyển càng tăng thêm vì nhiều người từ các quốc gia dọc đường cũng đi theo. Họ không di chuyển như ta thường làm khi đi quãng đường xa hàng ngàn km: đi xe hơi, xe lửa hay máy bay. Họ đi bộ! Và đây mới là điều làm chính quyền Mỹ đau đầu: Họ muốn vào Nước Mỹ! Nhìn từ trên cao, đoàn người giống như một đàn kiến khổng lồ từ từ di chuyển. Cần ngủ nghỉ thì họ nằm ngay ven đường. Ăn thì gặp gì có gì ăn nấy. Có nơi dân địa phương cho đồ ăn. Ai cho đi nhờ tàu xe thì họ đi nhờ, còn không thì cứ đi bộ, dưới trời mưa tầm tã hay nóng bức thiêu đốt miền nhiệt đới. Gặp sông thì họ nắm tay nhau, dùng bất cứ cái gì có thể làm phao mà lội qua. Có những ý kiến khác nhau về lý do tại sao lại sinh ra đoàn di cư lớn này. Một số người, kể cả trong chính quyền Mỹ thì cho rằng đây là một cuộc "xâm lược kiểu mới" nhằm vào nước Mỹ, một âm mưu được khuyến khích và tài trợ bởi các nhóm chính trị cực tả chống Mỹ, thậm chí là sự "trả đũa" của chính quyền Venezuela vì Mỹ chống phá họ. Nhưng đa phần, gồm một số nhà báo xâm nhập vào đoàn người, đi cùng với họ thì hiểu rằng nguyên nhân chính là tình trạng tuyệt vọng ở quê nhà họ do chính sách tồi tệ của chính phủ, thất nghiệp, đói nghèo, thiên tai và sự hoành hành của các băng đảng tội phạm. Dù lý do là gì đi nữa thì vấn đề khó là nước Mỹ sẽ làm gì để đối phó với tình hình khẩn cấp này này? Tổng thống Mỹ dường như đã ra lệnh cho quân đội đưa 14 ngàn binh sỹ tới biên giới phía nam để ngăn chặn đoàn người. Trong khi bức tường lớn ở biên giới theo ý đồ của TT Mỹ vẫn còn là trên giấy, việc ngăn chặn một đoàn người tới cả vạn người đang quyết tâm vượt qua biên giới gần như là một "nhiệm vụ bất khả thi". Bắn vào những người di cư gồm cả phụ nữ trẻ em ư? Chỉ có các chế độ tàn bạo như Đức Quốc Xã thì mới dám làm như vậy. Mở cửa biên giới mà cho họ vào như bà Merkel đã làm với cả triệu người tỵ nạn Syria ư ? Không thể, bởi như thế sẽ khuyến khích những dòng người tỵ nạn mới từ khắp châu Mỹ La-tinh nghèo khổ tiếp tục tới Mỹ. Lập ra những trại tỵ nạn dọc biên giới ư? Có lẽ đây sẽ là giải pháp tạm thời khả dĩ hơn cả. Nhưng đó sẽ là những ung nhọt nhức nhối mà nước Mỹ sẽ không thể chịu đựng được lâu. Nhớ lại những năm sau 1975, hàng triệu người Việt Nam cũng đã từng ra đi trong những điều kiện còn khó khăn nguy hiểm gấp bội. Họ vượt biển bằng những tàu thuyền thô sơ, đối mặt với cạn kiệt nhiên liệu, lương thực, nước uống, bệnh tật, thời tiết biển xấu gây chìm tàu, cướp biển rình rập khắp nơi để cướp bóc hãm hiếp, cuộc sống khốn khổ nhiều năm trong những trại tỵ nạn. Nhưng ít nhất, dân "boat people" từ Việt Nam lúc đó - tạm dịch là "thuyền nhân" nghĩa là những người tỵ nạn đi bằng tàu thuyền còn có hy vọng sẽ được xem xét tiếp nhận vì họ được coi là tỵ nạn chiến tranh. Còn đoàn người Honduras hầu như có rất ít hy vọng được Mỹ tiếp nhận. Khó mà biết cuộc khủng hoảng di dân này cuối cùng sẽ kết thúc như thế nào.