Tổng số lượt xem trang
Thứ Hai, 5 tháng 11, 2018
Cái kết khó đoán
Khi người dân đang yên ổn làm ăn sinh sống ở quê
hương đất nước mình thì ít người tự nhiên lại bỏ đi nơi khác. Ấy thế mà trong những ngày này, hàng ngàn
người Honduras, một nước nhỏ vùng Trung Mỹ, lại bỏ nhà cửa, quê hương đất nước
và người thân để ra đi. Họ tập hợp nhau thành một đoàn người khổng lồ, ước tính
ban đầu khoảng 7.000 người và càng di chuyển càng tăng thêm vì nhiều người từ
các quốc gia dọc đường cũng đi theo. Họ không di chuyển như ta thường làm khi
đi quãng đường xa hàng ngàn km: đi xe hơi, xe lửa hay máy bay. Họ đi bộ! Và đây
mới là điều làm chính quyền Mỹ đau đầu: Họ muốn vào Nước Mỹ! Nhìn từ trên cao,
đoàn người giống như một đàn kiến khổng lồ từ từ di chuyển. Cần ngủ nghỉ thì họ
nằm ngay ven đường. Ăn thì gặp gì có gì ăn nấy. Có nơi dân địa phương cho đồ
ăn. Ai cho đi nhờ tàu xe thì họ đi nhờ, còn không thì cứ đi bộ, dưới trời mưa
tầm tã hay nóng bức thiêu đốt miền nhiệt đới. Gặp sông thì họ nắm tay nhau,
dùng bất cứ cái gì có thể làm phao mà lội qua. Có những ý kiến khác nhau về lý
do tại sao lại sinh ra đoàn di cư lớn này. Một số người, kể cả trong chính
quyền Mỹ thì cho rằng đây là một cuộc "xâm lược kiểu mới" nhằm vào
nước Mỹ, một âm mưu được khuyến khích và tài trợ bởi các nhóm chính trị cực tả
chống Mỹ, thậm chí là sự "trả đũa" của chính quyền Venezuela vì Mỹ chống
phá họ. Nhưng đa phần, gồm một số nhà báo xâm nhập vào đoàn người, đi cùng với
họ thì hiểu rằng nguyên nhân chính là tình trạng tuyệt vọng ở quê nhà họ do chính
sách tồi tệ của chính phủ, thất nghiệp, đói nghèo, thiên tai và sự hoành hành
của các băng đảng tội phạm. Dù lý do là gì đi nữa thì vấn đề khó là nước Mỹ sẽ
làm gì để đối phó với tình hình khẩn cấp này này? Tổng thống Mỹ dường như đã ra
lệnh cho quân đội đưa 14 ngàn binh sỹ tới biên giới phía nam để ngăn chặn đoàn
người. Trong khi bức tường lớn ở biên giới theo ý đồ của TT Mỹ vẫn còn là trên
giấy, việc ngăn chặn một đoàn người tới cả vạn người đang quyết tâm vượt qua
biên giới gần như là một "nhiệm vụ bất khả thi". Bắn vào những người
di cư gồm cả phụ nữ trẻ em ư? Chỉ có các chế độ tàn bạo như Đức Quốc Xã thì mới
dám làm như vậy. Mở cửa biên giới mà cho họ vào như bà Merkel đã làm với cả
triệu người tỵ nạn Syria ư ? Không thể, bởi như thế sẽ khuyến khích những dòng
người tỵ nạn mới từ khắp châu Mỹ La-tinh nghèo khổ tiếp tục tới Mỹ. Lập ra
những trại tỵ nạn dọc biên giới ư? Có lẽ đây sẽ là giải pháp tạm thời khả dĩ
hơn cả. Nhưng đó sẽ là những ung nhọt nhức nhối mà nước Mỹ sẽ không thể chịu
đựng được lâu. Nhớ lại những năm sau 1975, hàng triệu người Việt Nam cũng đã
từng ra đi trong những điều kiện còn khó khăn nguy hiểm gấp bội. Họ vượt biển
bằng những tàu thuyền thô sơ, đối mặt với cạn kiệt nhiên liệu, lương thực, nước
uống, bệnh tật, thời tiết biển xấu gây chìm tàu, cướp biển rình rập khắp nơi để
cướp bóc hãm hiếp, cuộc sống khốn khổ nhiều năm trong những trại tỵ nạn. Nhưng
ít nhất, dân "boat people" từ Việt Nam lúc đó - tạm dịch là
"thuyền nhân" nghĩa là những người tỵ nạn đi bằng tàu thuyền còn có
hy vọng sẽ được xem xét tiếp nhận vì họ được coi là tỵ nạn chiến tranh. Còn
đoàn người Honduras hầu như có rất ít hy vọng được Mỹ tiếp nhận. Khó mà biết
cuộc khủng hoảng di dân này cuối cùng sẽ kết thúc như thế nào.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét