Trong những ngày này, nước
Pháp lại gây được sự chú ý của toàn thế giới. Khói lửa mù mịt như bãi chiến
trường xung quanh Khải Hoàn Môn, biểu tượng tinh thần của nước Pháp. Đại lộ
Champ Elise - được mệnh danh là đại lộ đẹp nhất thế giới - đầy những chiếc xe
hơi bị lật ngược và đốt cháy rừng rực, các cửa hàng bị đập phá tan hoang. Cảnh
sát phun vòi rồng, bắn đạn cao su và hơi cay, dùng dùi cui để chống lại hàng
vạn người biểu tình mặc aó vàng. Họ
xây "chiến lũy" bằng tất cả những gì có thể lấy được tại chỗ, ném
gạch đá và hô to "Macron - demission" - tạm dịch là
"Macron - từ chức". Họ đòi vị tổng thống đương nhiệm từ chức. Xem
những cảnh "bạo loạn" ấy, nhiều người tự hỏi: Paris hoa lệ là đây
sao? Nước Pháp văn minh, giàu có, phát triển bậc nhất là thế này sao? Lịch sử hiện đại Việt Nam mang nhiều dấu ấn
của Pháp. Từ cách đây hai trăm năm, những cha cố Pháp bắt đầu quan tâm tới Việt
Nam. Họ muốn truyền bá đạo Gia-tô tới người Việt. Chính quyền phong kiến lúc đó
và dân Việt phản ứng mạnh. Cha cố Pháp bị đàn áp, thậm chí bị xử tử. Đạo của
chúa Giê-su bị gọi là "tà đạo". Các cha cố xin chính phủ Pháp mang
quân đội sang "dọn đường" cho đạo Gia-tô vào Việt Nam. Năm 1858, tàu
chiến Pháp bắn phá Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam. Đến cuối thế kỷ 19,
sau khi đàn áp được nhiều cuộc phản kháng của dân bản địa, toàn bộ bán đảo Đông
Dương trong đó có Việt Nam trở thành thuộc địa Pháp. Người Việt "dị
ứng" với tất cả những gì họ cho là liên quan tới Pháp, tới
"Tây", tới quân xâm lược. Nhà thơ Tú Xương thậm chí còn châm biếm
việc học tiếng Pháp:
Thôi thôi, lạy mợ xanh-căng* lạy
Mả tổ tôi không táng bút chì
*Năm mươi (tiếng Pháp)
Hầu hết những gì Pháp làm ở Việt Nam khi đó là để phục
vụ cho mục đích khai thác thuộc địa và thu lợi cho nước Pháp. Nhưng việc gì
cũng có "tác dụng phụ" cả. Chính quyền thuộc địa buộc dân Việt học
tiếng Pháp là để việc cai trị của họ dễ dàng hơn. Nhưng nhờ có tiếng Pháp,
những người Việt trẻ ưu tú cũng tiếp cận được văn hóa, lịch sử, triết học, và
đặc biệt là tinh thần Tự Do - Bình Đẳng -
Bác Ái của Cách Mạng Pháp. Họ tự hỏi sao cái tinh thần ấy đẹp đẽ thế mà
người Pháp ở đây lại tàn ác vậy? Một người trai trẻ ở Nghệ An vào năm 1911 đã
xin làm phụ bếp trên một tàu buôn Pháp đậu ở bến Sài Gòn để được đi khắp thế
giới và đến tận chính nước Pháp để tìm cho ra sự thật cho mình và con đường cho
Việt Nam. Khi ở Pháp, anh tố cáo chế độ tàn bạo xấu xa của Pháp ở Việt Nam với hy vọng dân Pháp và chính phủ
Pháp sẽ để ý tới Việt Nam, và có thể, tình hình ở Việt Nam sẽ được cải thiện.
Kết quả là cảnh sát Pháp cho anh vào "danh sách đen", vào diện cần
phải theo dõi chặt chẽ. Năm 1919, khi bên thắng trận Thế Chiến 1 họp ở Pháp,
anh gửi đến hội nghị một bản yêu cầu các quyền tự do dân chủ cho Việt Nam.
Không có hồi âm nào cho yêu cầu đó cả, có lẽ bởi các cường quốc, trong đó có Pháp
lúc đó chỉ quan tâm tới việc xử lý kẻ bại trận là nước Đức thế nào và chia chác
quyền lợi giữa các nước thắng trận ra sao, hơn là để ý tới nguyện vọng của một
nước châu Á nhỏ bé, xa xôi, chưa có tên trên bản đồ thế giới. Lúc đó, có lẽ chính
quyền Pháp đã vô tình giúp người thanh niên ấy - lấy tên là Nguyễn Ái Quốc -
hiểu ra một điều là khó có thể cầu xin tự do, nhất lại là từ kẻ đã cướp đi cái quyền
đó của mình. Năm 1946, trước nguy cơ Pháp lại xâm lược Việt Nam một lần nữa,
tước bỏ quyền độc lập mà người Việt đã giành lại được vào tháng 9-1945, Cụ Hồ, chủ
tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã sang Pháp với hy vọng đạt
được một giải pháp nào đó vẫn giữ được độc lập mà lại tránh được chiến tranh đổ
máu. Nhưng chẳng có đàm phán nào có thể làm cho nước Pháp thực dân từ bỏ ý định
xâm lược Việt Nam một lần nữa. Chẳng bao lâu sau khi Cụ Hồ từ Pháp về, tàu hải
quân Pháp nổ súng bắn phá Hải Phòng, giết chết hàng ngàn thường dân. Nước Pháp
lại "giúp" cho người Việt khẳng định lại một điều không mới: Độc Lập
Tự Do không phải là thứ có thể cầu xin ở kẻ xâm lược. Và người Việt đã chiến
đấu cho đến khi quân đội Pháp phải hạ vũ khí và đầu hàng tại Điện Biên Phủ. Trở
lại với nước Pháp của hôm nay, ta có thể học được vài điều khá quan trọng. Một
nước phát triển, một xã hội phát triển không nhất thiết phải là một "thiên
đường" nơi mà mọi người dân đều giàu có và hạnh phúc. Một nước như thế vẫn
luôn có nhiều vấn đề, đôi khi là khá nghiêm trọng, như cuộc bạo loạn của những
người áo vàng đang diễn ra ở nhiều
nơi trên đất Pháp. Điều quan trọng là dân Pháp được biểu tình để thể hiện
nguyện vọng của mình, đòi hỏi những điều họ cho là chính đáng. Chính quyền có thể
can thiệp, nhưng chỉ là để ngăn chặn những hành động quá khích và cũng chỉ dùng
tới vòi rồng nước và hơi cay. Người ta còn nhớ để chống lại cuộc biểu tình ôn
hòa của sinh viên ở Thiên An Môn năm 1989, chính quyền TQ đã dùng tới cả quân
đội và xe tăng. Họ không ngần ngại bắn vào và thậm chí đè chết những sinh viên
tay không. Khi có hàng vạn người dân phản đối, chính phủ Pháp vẫn không thể đàn
áp, cấm dân biểu tình, cấm dân tụ tập đông người, chặn mạng xã hội để ngăn
người kết nối với nhau để đi biểu tình hay cấm vào những khu vực nào đó trong
thành phố, bởi đó là quyền của người dân và chính phủ phải tôn trọng theo quy
định của Hiến Pháp và luật lệ. Chính phủ cũng đã buộc phải xem xét những đòi
hỏi của nhân dân và bắt đầu có những điều chỉnh về những chính sách bị phản
đối. Cuộc "đối đầu" giữa chính phủ Pháp và những người dân thường vẫn
đang diễn ra và chưa biết sẽ kết thúc ra sao. Nhưng nó đã cho thấy cách mà một
xã hội văn minh, dân chủ và phát triển hoạt động như thế nào, nhất là khi có
mâu thuẫn giữa chính quyền và nhân dân. Đó là một bài học về dân chủ, bài nhập
môn trình độ "vỡ lòng abc".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét