Như bao thanh niên khác, Lý cũng lên thành
phố lớn tỉnh mình để lập nghiệp. Vài năm sau, phần vì thấy cuộc sống đô thị
không hợp với mình, phần vì để chăm sóc bà mình già yếu cô đơn, cô trở về quê
hương – một vùng núi ở Tứ Xuyên, TQ – để sống một cuộc đời mà nông dân ở đó vẫn
sống có lẽ từ hàng ngàn năm qua. Cô gái mảnh mai đó tự cày ruộng bằng trâu kéo,
gieo mạ, lội bùn cấy lúa, gặt đập thủ công, phơi thóc ở sân nhà, cũng lấy chân
“di” thóc cho khô đều, v.v. , những việc quá quen thuộc với nông dân Việt Nam.
Vườn nhà cô trồng đủ loại rau quả và hoa. Cô nuôi gà, cá và cả cừu. Cô vào rừng
lấy củi đun, nấm, măng. Cô lội xuống hồ hái sen. Cô chặt tre nứa tự tay làm bàn
ghế, đan lát dụng cụ trong nhà. Cô tự làm mực tàu, giấy “gió”, bút lông để vẽ
tranh kiểu cổ điển TQ và viết chữ trang trí nhà năm mới. Cô nấu cả một “thực
đơn” dài các loại món ăn màu sắc của vùng Tứ Xuyên, làm nhiều loại bánh truyền
thống, làm đồ uống từ hoa quả và ngũ cốc. Cô tự cắt lông cừu, bện thành len,
may áo khoác mùa đông. Khi còn ở thành phố, cô nhận thấy nhiều bạn trẻ lớn lên
ở đó biết rất ít về nông thôn. Vì thế cô thử làm video để giúp các bạn đó hiểu
những điều đơn giản như trồng lúa thế nào, cách nấu những món ăn truyền thống
hay cảnh vật ở thôn quê. Cô chỉ làm, hầu như không nói, không “trình bày” gì
cả. Cô không ngờ rằng rất nhiều người TQ thích các video đó. Họ như thấy một thôn
nữ cổ tích, một nàng tiên trong các tranh vẽ và truyện cổ xưa TQ sống giữa cảnh
vật và thiên nhiên đẹp hút hồn. Có tới hàng chục triệu người xem ở TQ và hàng
triệu người ở nước ngoài. Vừa rồi, một cô gái ở Hà Nội có nói với một tờ báo rằng
cô đành “cắn răng” trả VNĐ100k cho một chuyến taxi để đi làm vì cô không còn có
thể chịu nổi việc phải chen lấn hàng ngày với hàng triệu xe máy và ô tô chạy
hỗn loạn, kẹt cứng trong bầu không khí đặc kịt khói bụi ô nhiễm nữa. Hàng trăm
triệu người ở các thành phố lớn ở TQ, Ấn Độ, Đông Nam Á, châu Phi cũng chịu
cảnh tương tự. Đó là thế giới của các nước “đang phát triển”. Nhưng ngay cả khi
sống ở Tokyo, một thành phố giàu có và phát triển bậc nhất thế giới, ở giờ cao
điểm bạn vẫn phải chen lấn, dù có vẻ “trật tự và văn minh” hơn với hàng triệu
người khác trên những chuyến tàu điện ngầm chật cứng. Sau khi thoát khỏi những
đám đông như thế, bạn sẽ phải ngồi ở văn phòng hay xưởng sản xuất ở một công ty
nào đó và xử lý hàng núi công việc cho tới tận tối mịt, chỉ để tiếp tục chen
lấn theo chiều ngược lại để về nhà – một căn phòng chật chội ở cách chỗ làm
hàng tiếng đồng hồ đi xe, mệt lử, ăn qua loa cái gì đó cho xong bữa tối, lăn ra
ngủ để sáng hôm sau có sức mà tiếp tục cái chu trình bất tận ấy. Có người – có lẽ
hàng triệu người sẽ đồng ý – sau khi xem video của Lý đã thốt lên rằng đó là
một cuộc sống mơ ước. Điều đó dễ hiểu khi người ta đang sống như cô gái Hà Nội
kia, hay như anh nhân viên văn phòng ở Tokyo hay Mumbai. Nhưng phải chăng chúng
ta đều từng có nguồn gốc từ những làng quê như cô Lý kia. Cuộc sống của cô ta
quả thực rất đỗi bình thường, có gì là “đặc biệt” đâu? Phải chăng ta đã không
chịu nổi sự buồn chán của việc đêm nghe dế kêu, ngày nghe gà gáy, lợn kêu ủn
ỉn, buồn bã nhìn ánh trăng lãnh lẽo mà than thân trách phận khi phải còng lưng
cấy lúa mà vẫn phải “hầu hạ” một bà già đau yếu, xấu xí và cau có? Phải chăng
ta bị cuốn hút bởi ánh đèn thành phố lung linh, siêu thị đầy ắp hàng hóa hay
phố phường với những dàn xe cộ bóng loáng, những cô gái xinh đẹp của K Pop?
Cuộc sống nào cũng có cái giá của nó mà ta phải trả. Ở đâu cũng có thể tìm thấy
niềm vui và vẻ đẹp cuộc sống, nếu ta sống hết lòng, tận tụy và yêu thương tất
cả. Đó là bài học không nhỏ của cô gái bé nhỏ họ Lý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét