Hãy thử tưởng tượng điều này : Vào sáng sớm một ngày kia, TQ bỗng nhiên ào ạt tấn công VN! Trên không thì máy bay và tên lửa bắn phá các thành phố và khu công nghiệp . Trên bộ thì xe tăng cả đoàn dài nhiều km vượt qua biên giới. Ngoài khơi thì hàng đoàn chiến hạm tiến vào các vùng bờ biển. Bạn sẽ bảo đây là tưởng tượng hoang đường, không thể xảy ra. Ucraine và thế giới cũng từng không tin Nga sẽ tấn công cho đến tận khi việc đó xảy ra ngày 24/2/2022 . Điều đó đã xảy ra với Việt Nam rất nhiều lần trong suốt chiều dài lịch sử. Lần gần đây nhất mới cách đây hơn bốn chục năm, vào năm 1979. Vậy có gì bảo đảm là sẽ không bao giờ xảy ra nữa khi VN và TQ có những mâu thuẫn khó có thể dung hòa? Lúc đó, Việt Nam sẽ làm gì? Tất nhiên cũng sẽ như xưa : sẽ mạnh mẽ và quyết liệt chống trả và không bao giờ đầu hàng. Có điều khác là ngày nay, Việt Nam là thành viên của LHQ, của cộng đồng quốc tế. Ta sẽ kêu gọi lên án hành động xâm lược của TQ và sự hỗ trợ của các nước. Ta thử hình dung xem phản ứng của các nước sẽ như thế nào?Những phản ứng kiểu như "kiên quyết phản đối" hay "vô cùng quan ngại" thì sẽ nhiều đấy, nhưng cũng chỉ là "nói mồm" thôi. Khi người ta không thu được lợi hay bị thiệt hại gì đáng kể từ cuộc chiến đó, hành xử như vậy là có thể hiểu được . Các nước nhỏ thì dù có ủng hộ hay không cũng không tạo nên sự khác biệt nào. Vậy chỉ còn lại các siêu cường thế giới và cường quốc khu vực. Ở đông á thì có khả năng Nhật Bản sẽ hỗ trợ bởi điều đó có lợi cho Nhật vì một TQ hùng mạnh và hung hăng sẽ lấn át Nhật trên nhiều mặt. Tuy nhiên, sự hỗ trợ sẽ không nhiều do nguồn lực có hạn và do Nhật không muốn biến mình thành một kẻ thù "không đội trời chung" của TQ. Úc không thích TQ nhưng sẽ khó hy sinh những lợi ích thương mại do khách hàng khổng lồ TQ mang lại. Hơn nữa thực ra Úc cũng không ưa hệ thống chính trị của VN. Vì thế Úc sẽ chỉ hỗ trợ nhân đạo. TQ gần như là "kẻ thù" của Ấn Độ nên Ấn sẽ mong muốn TQ suy yếu. Ấn có thể sẽ hỗ trợ quân sự cho VN nhưng sẽ không nhiều do nguồn lực hạn chế. Nga sẽ không muốn mất người bạn cũ Việt Nam, nhưng lại không muốn căng thẳng với người hàng xóm khổng lồ và ảnh hưởng xấu đến nguồn thu chủ yếu từ bán dầu khí cho TQ. Có thể Nga sẽ ngầm giúp đỡ, nhưng sẽ không mạnh mẽ. Anh, Pháp, Đức thì sẽ khó ngả về phía Việt Nam bởi quan hệ kinh tế với TQ quan trọng hơn nhiều. Cuối cùng chỉ còn Mỹ. TQ là siêu cường mới nổi, đang cạnh tranh vị trí số một của Mỹ. Mỹ sẽ tìm mọi cách làm suy yếu TQ. Vì thế Mỹ sẽ ủng hộ Việt Nam bởi Mỹ có kinh nghiệm với một nước Việt Nam tuy nhỏ nhưng vô cùng mạnh mẽ. Sự ủng hộ đó sẽ như thế nào thì khó đoán. Sự ủng hộ Ucraine hiện nay cho thấy một ý niệm của sự ủng hộ đó. Nếu TQ thắng thì không có gì bảo đảm là họ sẽ dừng lại. Đó không phải là do "bản chất" của TQ. Đó là cách hành xử của các cường quốc mới nổi khi được lãnh đạo bởi một thể chế độc tài toàn trị, trong đó người dân không có cơ chế nào để ngăn chặn những quyết sách không hợp lòng dân. Một ví dụ rõ ràng là cuộc xâm lược vô lý và tàn bạo của Putin. Dân Nga chỉ có một "quyền" - đó là ủng hộ nhà độc tài Putin. Một nước mạnh là khi nhân dân được tham gia vào những vấn đề lớn của đất nước. Cơ chế mà một người hoặc một số người "quyết" tất cả có rủi ro cao là khi có sai lầm lớn thì không sửa được. Hitler là ví dụ cách đây tám mươi năm. Putin là ví dụ ngay trước mắt chúng ta. Trên đây chỉ là suy nghĩ đáng giá "3 xu" của một "phó thường dân". Có thể có những vị lãnh đạo đáng kính sẽ nghĩ kiểu như : Dân ngu biết gì mà bàn chuyện quốc gia đại sự! Xưa nay nhiều nhà cầm quyền thích dân ngu vì dễ quản. Nhưng liệu một nước toàn dân ngu thì nước đó có mạnh không?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét