Có phải mùa thu?
Đâu rồi con nai vàng?
Đâu rồi tiếng thu xào xạc?
Chỉ còn ta ngơ ngác
Trước bão tố cuộc đời
Có phải mùa thu?
Đâu rồi con nai vàng?
Đâu rồi tiếng thu xào xạc?
Chỉ còn ta ngơ ngác
Trước bão tố cuộc đời
Đó là cụm từ mà những người "phía bên kia" dùng để nói về những cuộc di cư lớn ở Việt Nam như cuộc di cư của một triệu người công giáo miền Bắc vào Nam năm 1954 hay hai triệu người Việt từ miền Nam sang Mỹ và các nước Phương Tây sau 1975. Thực ra đó là chuyện thường xảy ra khi một nước gặp những bất ổn lớn về chính trị, kinh tế hay do thiên tai. Thế giới đang chứng kiến một cuộc "bỏ phiếu " như thế ở nước Nga. Sau khi tt Putin ra lệnh tổng động viên, cuộc "bỏ phiếu" bắt đầu và ngày càng lan rộng. Vé máy bay những chuyến gần nhất sang các nước còn cho người Nga nhập cảnh không cần visa đã nhanh chóng hết sạch dù giá vé tăng vọt lên gấp nhiều lần so với bình thường. Trừ mấy nước Baltic, còn lại thì ở các nước có biên giới chung với Nga như Phần Lan, Gruzia, Kazakhstan, Mông Cổ đều có một cảnh tượng chung là những dòng xe kéo dài nhiều cây số chen kín những con đường dẫn đến cửa khẩu vào các nước này. Những người bỏ chạy khỏi nước Nga - họ là ai? Đó trước hết là những người thuộc diện phải nhập ngũ. Theo lý thuyết thì sẽ có khoảng 300.000 người phải nhập ngũ. Thực tế có thể lên tới cả triệu người. Nước Nga dầu sao vẫn chưa phải là Bắc Triều Tiên để có thể dễ dàng nhồi vào đầu dân những thứ vô lý như Nga tấn công Ucraine là để bảo vệ người Nga sống ở đó khỏi sự áp bức của chính quyền phát xít ở Kiev. Ở thời đại internet và với một dân trí khá cao, nhiều người dân Nga hiểu rằng Nga đang xâm lược Ucraine để phục vụ mục đích bành trướng đế quốc của tập đoàn đang cai trị nước Nga đứng đầu là Putin. Họ hiểu rõ rằng Putin đang không tiếc xương máu của dân Nga mà trước hết là họ cho cuộc chiến tranh tàn bạo và vô nghĩa ở Ucraine. Vì thế trong lúc còn chưa đủ lực lượng để đối đầu trực diện với chính quyền Putin, cách tốt nhất hiện nay là chạy trốn ra nước ngoài. Điều khá lạ lùng là thay vì xua đuổi dân "tị nạn" Nga, các nước trên lại làm điều ngược lại : Họ chào đón và tạo điều kiện cho những người tị nạn này sớm ổn định cuộc sống ở nước họ. Chính quyền và dân những nước này không "ngu" như ta tưởng đâu. Những người Nga tị nạn này không giống như dân tị nạn chiến tranh và đói nghèo từ một số nước Châu Phi hay Trung Đông, những người đến với hai bàn tay trắng, không tiền bạc, không nghề nghiệp, trông chờ vào trợ cấp nhân đạo của nước sở tại. Dân tị nạn Nga thì khác. Họ có tiền để chi trả cho việc ổn định cuộc sống thời gian đầu. Họ có nghề nghiệp, chuyên môn kỹ thuật và kinh doanh để có thể tham gia tích cực vào nền kinh tế nước tiếp nhận họ. Họ dễ dàng hòa nhập với văn hoá bản địa vì các nước này, trừ Phần Lan, đều từng là một phần của Liên Xô, với ngôn ngữ chung là tiếng Nga. Như vậy, về thực chất, dân tị nạn Nga có thể là một nguồn đóng góp nhân lực và vốn đáng kể, một loại FDI bỗng dưng "ở trên Trời" rơi xuống. Ngoài ra, chính phủ và dân những nước này lại còn được tiếng là tử tế và nhân đạo.
Nước Nga đã tổng động viên. Dù chính quyền nói là chỉ "một phần", dân Nga biết rằng đó là nói dối để giảm bớt phản kháng của nhân dân. Khắp nước Nga đang diễn ra hai cảnh tượng. Một là những cuộc biểu tình chống chiến tranh và sự đàn áp bắt bớ của cảnh sát. Hai là những cuộc tiễn đưa người thân ra chiến trường Ucraine đẫm nước mắt của người ở lại. Khi Putin đưa quân xâm lược Ucraine hồi cuối tháng 2 vừa rồi, đa số người Nga vẫn ung dung xem tv và chờ tin chiến thắng của "quân ta" mà họ không mảy may nghi ngờ. Người "có điều kiện" thì vẫn đi nghỉ mát ở Crimea hay Thổ Nhĩ Kỳ. Thói đời xưa nay vẫn là "Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại" mà. Nhưng tự dưng đi đốt nhà hàng xóm cho "bõ ghét" thì không "ngon ăn" thế đâu. Nghiệp chướng tới ngay. Gieo gió thì gặt bão. Số binh sĩ Nga chết ở mặt trận Ucraine đã lên tới 56.000. Hàng vạn, hàng chục vạn thanh niên Nga đang bị lùa ra trận để bù đắp cho số chết trận và số bị thương không còn khả năng chiến đấu . Đa số sẽ chết ở đó. Số may mắn sống sót trở về sẽ không còn là những chàng trai ngây thơ và sợ hãi nữa. Họ sẽ là những người lính đã qua tôi luyện trong lửa đạn chiến tranh, đã cận kề cái chết, đã nhận ra rằng họ đã bị lừa dối. Họ trở về để hỏi tội những kẻ trong điện Kremlin đã lừa dối và ép buộc họ đi đến chỗ chết trong một cuộc chiến đẫm máu và vô nghĩa . Họ sẽ không đi tay không như những người biểu tình. Trong tay họ là những khẩu súng mà họ sử dụng thành thạo. Lịch sử nước Nga năm 1917 dường như đang lặp lại.
Không biết anh đã diễn vai gì
Hoàng tử trong Hồ Thiên Nga?
Hay dũng sĩ Spartak?
Hôm qua vở diễn của Anh kết thúc
Anh đã diễn cả hai
Hào hoa như Hoàng Tử xưa
Oanh liệt như Anh Hùng ấy
Bởi Anh không diễn dưới ánh đèn sân khấu
Mà dưới chớp lòe tên lửa và bom
Tay Anh cầm không phải là chiếc cung
Mà là khẩu tiểu liên sáng ngời ánh thép
Không khán giả và tiếng vỗ tay
Chỉ có đại bác và máy bay gầm thét
Anh hy sinh nhưng Anh không chết
Anh sống mãi với những người yêu ba lê
Trong trái tim Ucraina bất tử
Báo Sự thật Ucraina đưa tin nghệ sĩ ba lê hàng đầu nhà hát ba lê Quốc Gia Ucraina vừa hy sinh trong một trận chiến ở vùng Donesk
Từ trước tới nay, nhất là từ khi bắt đầu chiến tranh xâm lược Ucraina, Nga luôn luôn dùng chiến thuật "nói dối". Từ lãnh đạo tới truyền thông chính thống, họ nói dối "như thật", đến mức mà đa số dân Nga đều tin là thật. Thậm chí không chỉ nhiều người Việt mà đến cả một số tướng lĩnh, một số bình luận viên trên tv và mạng xã hội cũng tin theo. Đó là tình trạng "sương mù chiến tranh" thường thấy do các bên tham chiến tạo ra để dẫn dắt dư luận và che dấu sự thật. Putin rất ưa chuộng cách này vì ông ta có một bộ máy tuyên truyền khổng lồ và một đội ngũ "dư luận viên" khá là tài ba và được trả lương "khủng". Nói dối mãi thành quen, mà quen đến mức tưởng là thật. Cái sự "nói láo" đó đã bắt đầu phản tác dụng khi mà càng ngày càng nhiều "giấy báo tử" được gửi tới các bà mẹ và những người vợ ở khắp nước Nga. Theo thống kê của Ucraina, con số binh sĩ Nga tử trận đã vượt qua 50 ngàn. Dân Nga ở Crimea, nơi được coi là tiền đồn "bất khả xâm phạm" của Nga gần đây đã phải chen nhau đến tắc đường qua cầu Kerch chạy về Nga để tránh các cuộc tấn công của Ucraine vào sân bay và kho đạn dược. Đặc biệt là các cuộc tấn công "dồn dập và thần tốc" của Ucraina đang diễn ra ở vùng Kharkov. Tình hình chiến sự thay đổi nhanh tới mức là tin tức vừa cập nhật thì chỉ vài tiếng sau đã bị lạc hậu. Ucraina đã chiếm lại được hàng ngàn km2 những vùng đất của mình bị Nga chiếm đóng. Che dấu và bịa đặt nữa cũng khó nên một vài DLV truyền hình hàng đầu của Nga chuyển sang chiến thuật "đá bóng" cho an toàn. Khi nào được hỏi về tình hình "chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ucraine" là họ đẩy câu hỏi cho các phát ngôn viên chính thức của quân đội. Các DLV quân đội thì bắt đầu lúng túng và đưa ra các bình luận mâu thuẫn nhau. Có lẽ bí quá nên một vài tờ báo chính thống của Nga như Sự thật Komsomol đã không còn né tránh sự thật là quân Nga đang rút lui dần khỏi vùng Kharkov. Một số nghị sĩ ở vùng Moskva và Leningrad đã lên tiếng yêu cầu Putin từ chức vì cho rằng sự lãnh đạo của tt Nga đang đưa đất nước đến thảm họa . Đám "sương mù chiến tranh" cứ dần tan. Một điều khá thú vị là truyền thông và mạng xã hội Việt Nam. Đang có hiện tượng "quay xe" theo hướng đưa nhiều tin tức và bình luận tích cực về Ucraine hơn trước. Chắc chắn Nga sẽ không chịu thua trận dễ dàng. Chắc chắn Ucraine sẽ còn phải chịu đựng vô vàn hy sinh gian khổ nữa. Nhưng Ucraine nhất định sẽ đánh bại cuộc xâm lược trắng trợn, tàn bạo và phi nghĩa của đế quốc Nga, giữ gìn được độc lập, tự do và phẩm giá của mình. Nhân dân Việt Nam cũng nên hiểu, chấp nhận sự thật đó và mạnh dạn ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Ucraine. Đơn giản vì đó là chính nghĩa.
Ngày 2 tháng 9 là một trong những ngày mà trẻ con khi xưa mong đợi. Thường là phải dậy sớm, đi ra chỗ Nhà Hát Lớn chờ xem "duyệt binh". Có lần ra muộn thì chỉ thấy những chú bộ đội áo ướt đẫm mồ hôi. Họ ngồi nghỉ ở vỉa hè, nhiều anh mệt quá nằm vạ vật trên bãi cỏ. Ngay cả người lớn cũng háo hức. Thích nhất là khi được đi "đón Bác Hồ". Đó là điều mà bây giờ người ta không hiểu được. Khi nguyên thủ nước ngoài đến Hà Nội, Cụ Hồ thường ra đón tận sân bay rồi cùng với khách đi xe mui trần qua các phố. Lúc đó các phố xe đi qua đều đông nghịt người. Dân ra đường chủ yếu là để thấy Bác Hồ, chứ ít người quan tâm khách là ai. Bây giờ thì các vị VIP đi xe cửa đóng kín, có xe cảnh sát " tiền hô hậu ủng" còi hú ầm ĩ. Dân thì "không quan tâm", bởi họ còn bao nhiêu nỗi lo chất chứa trong người. Và lại những người lãnh đạo về sau hầu như không ai có được khả năng cuốn hút đám đông mạnh mẽ, cái "charisma" như Cụ Hồ. Khi lần đầu tiên ra mắt dân Việt Nam vào ngày 2-9-1945 để đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập lịch sử, Cụ Hồ gần như ngay lập tức chinh phục được trái tim và khối óc của hàng vạn người Hà Nội có mặt tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội vào giây phút lịch sử ấy. Cụ mất cũng đúng vào ngày 2-9-1969.