Lại một "Năm Mới" vụt trôi qua
Bao nhiêu hạnh phúc với khổ đau
Tất cả đi vào quên lãng hết
Một "Năm Mới" mới đến kia rồi
Lại chúc lại tụng lại pháo hoa
Lại mong "Năm Mới" tốt hơn xưa
Để rồi cuối năm quay đầu lại
Vạn sự vẫn thế chỉ trừ ta
Lại một "Năm Mới" vụt trôi qua
Bao nhiêu hạnh phúc với khổ đau
Tất cả đi vào quên lãng hết
Một "Năm Mới" mới đến kia rồi
Lại chúc lại tụng lại pháo hoa
Lại mong "Năm Mới" tốt hơn xưa
Để rồi cuối năm quay đầu lại
Vạn sự vẫn thế chỉ trừ ta
Nói là một nghệ thuật. Nghe và hiểu cũng thế. Mà thậm chí còn khó hơn. Bởi vì người ta thường thích nói chứ mấy ai thích nghe. Nhất là khi nghe những người "khó chịu", những người mà người ta cho là kém hiểu biết, là nói toàn những thứ "vớ vẩn". Chịu đựng được những người như thế và hiểu được người ta muốn nói gì còn hơn một nghệ thuật. Nó là một đạo đức, một tài năng. Bởi vì phải chăng phần lớn chúng ta khó truyền đạt được điều muốn nói và chúng ta thường rất vui khi có người nghe và hiểu được mình.
Tại sao người xưa đã nghĩ tới "Ngày Tận thế"? Có phải vì họ không còn tin là con người có thể giải quyết được vấn đề "tồn tại hay không tồn tại"?
Một "kẻ ngốc", vô tư lự, cười "hềnh hệch" về bất cứ chuyện "vớ vẩn" nào . Một người "hiểu biết" luôn quạu cọ phê phán mọi thứ và mọi người. Ai "khôn" hơn?
Bạn biết cái "trật tự" trong rừng rậm, trên đồng cỏ Châu Phi hay trong đại dương rồi đấy. Bạn có nghĩ rằng cái "trật tự" trong xã hội con người thì có khác không?
Chúa Giêsu có lẽ cũng vốn là một người từng đi trên mặt đất, sống một cuộc sống đơn giản như phần lớn chúng ta thôi. Nhưng ông nhận thấy sự khổ đau cùng cực của dân chúng thời đó do nghèo đói và bị áp bức. Ông muốn thay đổi bằng sự phản kháng bất bạo động. Thông điệp của ông là " Các anh em, hãy thương yêu nhau". Tình thương đó giúp dân chúng đoàn kết và không sợ hãi. Nhưng điều đó lại làm cho những kẻ cầm quyền sợ hãi. Họ kết án tử hình và thi hành án bằng cách đóng đinh ông lên một cái cọc gỗ, hai tay giang ra - có lẽ để đóng đinh cho dễ. Thế rồi xác ông bị bỏ mặc trên cái cột trong tư thế đó, có lẽ để đe dọa dân chúng là nếu chống lại chính quyền thì sẽ bị trừng phạt như thế. Đế quốc La Mã đã vô tình tạo ra Chúa Giêsu như thế. Ông trở thành một trong số ít những huyền thoại lớn nhất trong lịch sử loài người. Câu chuyện về ông bao nhiêu là thật, bao nhiêu là do người đời sau tưởng tượng ra cũng không quan trọng nữa. Tất cả là do con người cần một chỗ dựa tinh thần để sống trong một thế giới bất công và khổ đau vô tận. Đối với đa số chúng ta, tìm đâu ra một chỗ dựa tinh thần tốt hơn là tôn giáo? À, té ra đây cũng vẫn chỉ là một suy nghĩ chủ quan nữa về Thiên Chúa Giáo nhân ngày Chúa Giêsu ra đời mà thôi. Merry Christmas!
Trong trường học với một lũ trẻ con, những đứa yếu, bé nhỏ, hiền lành, nhà nghèo, học kém, có dị tật hay trông khác "bầy đàn" thường bị những đứa to khỏe, hung hãn, nhà giàu hay giỏi hơn coi thường hay bắt nạt. Hình ảnh này mà phóng to lên thì cái bạn thấy chính là cách con người đối xử với nhau, ở phạm vi cá nhân hay một nhóm người như dân tộc, quốc gia hay tôn giáo . Có lẽ nó là bản chất của con người ?
Người Nga có câu tục ngữ tạm dịch ý là "cứ nhẹ nhàng, lặng lẽ mà đi thì sẽ đi được xa. Hơi buồn cười là bây giờ có vẻ họ đang làm ngược lại lời khuyên đó. Nhưng ở đây không nói chuyện của Nga. Có vẻ như người Việt đang hơi bị "vĩ cuồng " với một số thành tựu bước đầu của mình. Đường còn xa lắm.
Hết năm rồi
Ngoảnh lại nhìn năm cũ
Cuộc đời vẫn thế
Hỷ, Nộ, Lạc, Ai...
Con người vẫn khổ đau
Vẫn cố hy vọng
Đợi chút ánh hồng
Le lói phương xa
Một năm lại sắp qua
Bao giờ sẽ khác?
Dậy sớm một sáng mùa đông lạnh giá. Pha một ấm trà ngon nóng bỏng tay. A, niềm vui chỉ giản dị thế thôi sao?
Hà Nội 12 độ C - khá là lạnh, ít nhất là theo "chuẩn" của người Việt. Trong cái lạnh này thì cái người ta muốn đơn giản lắm: được trở về "tổ ấm" của mình, ăn bữa cơm nóng với người thân rồi đi ngủ mà không phải quá lo lắng đến ngày mai. Cất hết những lý luận với những đồ thị loằng ngoằng đi. "Chủ nghĩa" nào mà không đem lại cho dân thường những điều sơ đẳng kia thì đều chẳng có mấy ý nghĩa.
Bạn có nghĩ rằng chỉ cần "uốn ba tấc lưỡi" là có thể "lật ngược" định kiến của người khác về những hành động không mấy tử tế của bạn trong suốt mấy chục năm qua? Tiếng Anh có câu thành ngữ "actions speak louder than words " tạm dịch ý là "nói thì dễ, làm mới khó". Tiếng Việt có câu: "cái lưỡi không xương, nhiều đường lắt léo". Dù sao thì lời nói tử tế có thể là một khởi đầu tốt. Hãy chờ xem.
Mọi thứ đều vô thường. Nhưng chẳng lẽ cái tình trạng "người ăn không hết, kẻ lần không ra" là một ngoại lệ? Ít nhất là nó vẫn như thế - có lẽ trừ thời kỳ "cộng sản nguyên thủy" - từ khi có loài người cho tới hôm nay, mà có vẻ ngày càng trầm trọng hơn. À, biết đâu tương lai rồi sẽ khác? Có phải chính Phật cũng hoài nghi điều đó? Cho nên mới có lời khuyên là phải sống trong hiện tại?
Dân thì đã khá là chăm chỉ làm ăn và nuôi nhau là chính. Họ còn nuôi cả "quan" nữa . Tất cả những gì mà đất nước có được thì đều là do "Trời" và do dân cả. Cho nên quan nên "biết điều" hơn. Họ phải phục vụ dân tốt hơn , bớt "sách nhiễu" dân hơn . Họ nên hiểu họ là "do dân" chứ không phải là "thay Trời trị dân". Họ phải chấm dứt ngay tệ "ăn cắp" của dân. Cái này không chỉ là việc nhục nhã và đáng xấu hổ. Nếu cứ tiếp tục thì có thể thành một tai họa lớn với hậu quả khó lường. Những văn bản nọ kia với nước ngoài cũng có thể giúp dân, nếu khéo léo tận dụng. Cuối cùng thì ai cũng vì quyền lợi của mình cả. Chẳng ai "cho không" ai cái gì hết.
Phần lớn chúng ta có lẽ cũng chỉ là "con ếch ngồi đáy giếng" nhưng lại rất thích "làm to" câu chuyện của mình. Đấy là người xưa nói như thế. Ngày nay thì chúng ta vẫn là một lũ "ếch". Chúng ta vẫn nằm ở cái giếng có tên là Trái Đất mà không biết là nó nhỏ bé đến mức nào so với Vũ Trụ. Mà bạn biết là chúng ta "ầm ĩ" như thế nào rồi. Trong nhiều ngôn ngữ có thành ngữ "không có gì mà sao ầm ĩ thế". Bởi vì nó là như thế đấy.
"Thoát" Trung, Mỹ, hay Nga đều không dễ bởi các nước lớn đều có "lực hút" mạnh. Cho nên trong cả ngàn năm, dù có tinh thần độc lập cao, Việt Nam vẫn phải "chịu khó" làm chư hầu cho "thiên triều" Trung Hoa để được yên và chỉ phản kháng mạnh mẽ khi không còn lựa chọn nào khác. Để thoát Mỹ, Việt Nam đã phải hứng chịu một sức mạnh quân sự khổng lồ bậc nhất thế giới, chỉ còn thiếu có bom nguyên tử. Áp lực của Liên Xô, rồi Nga là gì thì chỉ có "người trong cuộc" biết rõ, nhưng có lẽ cũng không hề nhẹ. Cho nên cũng không khó hiểu khi Cuba rất kiên cường nhưng vẫn khó "thoát Mỹ". Rồi liệu Ucraina có thoát được Nga không thì ít người dám chắc. Dù có chính nghĩa, Gaza và Palestine khó mà "thoát" được Israel, một nước diện tích nhỏ, dân số ít nhưng lại có sức mạnh quân sự và kinh tế ở tầm cường quốc. Bắc Triều Tiên là một trường hợp khá đặc biệt. Bị kẹt giữa ba nước lớn - Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc, nước này đã cố để có được vũ khí hạt nhân và do đó họ có trong tay một công cụ khá mạnh để chống lại sự "bắt nạt" của láng giềng. Việt Nam thì tuy "thoát" được Mỹ rồi nhưng dần dần vẫn bị cuốn vào quỹ đạo của Mỹ vì sức mạnh của siêu cường kinh tế này và những lợi ích do việc này mang lại. Và lẽ tất nhiên là "thiên triều" Trung Hoa không thích và không dễ dàng để Việt Nam đi "chệch" khỏi quỹ đạo của họ. Đại khái đó là "tấn trò đời" thời hiện đại.
Tại sao người ta cứ "triết lý" mãi về cuộc sống? Có phải để cho đỡ sợ hãi không? Làm sao mà không sợ được khi mọi giáo lý, thánh thần, thiên đường và mọi thứ đại loại như vậy đều không có gì là chắc chắn cả. Chỉ có một thứ chắc chắn. Cái đó đợi chúng ta - tất cả, không có ngoại lệ - đằng kia, ở cuối con đường. Chúng ta biết quá rõ đó là cái gì. Và người ta sợ.
Chỉ có Thượng Đế - Đấng Sáng Tạo và Hủy Diệt - là nắm được chân lý. Bởi thế nên mới có những người muốn làm Thượng Đế hay đại loại như vậy để áp đặt lên người khác những cái mà họ cho là "chân lý" mà thường là những quyền lợi ích kỷ của họ và nhóm của họ.
Nếu tính bằng đồng tiền VN thì khó mà hình dung được số tiền khổng lồ mà một người đàn bà "siêu lừa" đã chiếm đoạt được từ một ngân hàng gần đây vì nó có quá nhiều số 0. Thế cho nên Nguyễn Du đã phải thốt lên :
Đàn bà dễ có mấy tay
Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan
Mà đám đàn ông thì lại "thấp cơ thua trí đàn bà".
Rồi không biết có phải là cái người được coi là "giàu nhất VN" hiện nay kiếm được nhiều tiền như thế là do dùng toàn "nữ tướng" không?
Có những bức thư, những tấm ảnh, những quyển sách hay kỷ vật được người ta lưu giữ suốt đời. Rồi người ta sẽ ra đi. Những kỷ vật kia sẽ ra sao? Bạn sẽ không thích điều này đâu : Chúng sẽ kết thúc ở một bãi rác nào đó. Sẽ được chôn lấp hoặc tái chế. May hơn thì nằm trong quang gánh của một bà "đồng nát" hay một bà bán xôi. Nhưng đó chỉ là điểm trung chuyển tạm thời thôi. Cuối cùng thì vẫn thành cát bụi cả. Bản thân chúng ta có khác gì không? À, có phải là Kinh Thánh đã nói đại ý rằng tất cả sẽ trở về với cát bụi không?
Chỉ có một thứ người giàu không mua được. Đó là thời gian. Và đó là sự công bằng duy nhất Tạo Hóa ban cho loài người.
Điện Biên 1954
Cũng xứng đáng
Có một Ouverture 1812 lắm chứ
Có lẽ tài năng ấy chưa ra đời
Phải đợi thôi
Sẽ có
Trong tất cả các ngôn ngữ đều có thán từ "Trời ơi". Tại sao? À, tại vì, suy cho cùng thì - như Nguyễn Du đã nói trong Truyện Kiều - muôn sự tại Trời cả.
Những thứ trình diễn ầm ĩ, cuồng nhiệt có thể là cách để "lấy lòng" dân chúng lúc ban đầu, nếu dân "khoái" những nhà lãnh đạo kiểu đó. Song cuối cùng thì "cơm áo gạo tiền" mới là thứ quyết định sự ủng hộ của dân chúng. Ở đâu cũng thế thôi.
Người vẫn sống
Trong tôi
Ngọn nến lung linh
Nhớ nụ cười rạng rỡ
Đôi mắt sáng ngời
Cậu mất ngày 7/11/2003 tức ngày 14/10 năm Quý Mùi
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quan mặc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi
Đã có khá nhiều bản dịch hay bài thơ này của Vương Hàn, một thi sĩ đời Đường TQ. Ở đây chỉ "dịch chơi" một chút để giải trí thôi.
Rượu đỏ tươi màu chén long lanh
Thèm uống lệnh truyền thắng dây cương
Say lăn bãi cát đừng cười nhé
Bao giờ trở lại chốn quê hương
Ở Trung Đông, Ukraina, Myanma, con người đang bắn giết nhau không thương tiếc. Có gì mới không? Có lẽ là không có gì khác so với thời cách đây một trăm, một ngàn, mười ngàn năm hoặc lâu hơn nữa. À mà có một cái khác là nhờ có tiến bộ về khoa học và công nghệ, bây giờ người ta giết được nhiều người hơn và tốn ít thời gian hơn xưa rất nhiều. Tại sao con người lại đối xử với nhau như vậy? À, liệu có còn thiếu lời giải thích nào không? Hay là nên chấp nhận đó là "số phận" của con người trên Trái Đất? Mà có lẽ cũng nên hy vọng là một ngày nào đó sẽ khác. Nhưng chỉ có Trời - Đấng Tạo Hóa - mới biết được khi nào ngày đó sẽ đến.
Tại sao vạn vật trên Trái Đất cứ sinh sinh diệt diệt mãi vậy? Hãy nhìn lên Vũ Trụ. Tại sao ta lại nghĩ rằng mọi thứ ở đây phải khác ở đó? Có phải vì có chúng ta - một sinh vật nhỏ bé, mong manh, khá là xuẩn ngốc và ngạo mạn - sống ở đây?
Khi tiền bạc là Chúa Tể thì mọi người đều là đày tớ của nó và mọi thứ chỉ là công cụ của nó.
Ở đâu mà cũng toàn người già thì chính họ cũng không thể chịu đựng nổi. Thì ra Trời đã tính cả rồi.
Đầy buồn bã, lo âu và sợ hãi, hỗn loạn và phi lý. Đó là một cơn ác mộng hay cuộc sống của chúng ta? Thì có gì khác nhau?
Những hàng rào "tầng tầng lớp lớp" kín đến mức "con kiến chui không lọt". Ấy thế mà "voi" lại dễ dàng lọt qua. Tại sao ư? À, bởi vì chúng được làm để ngăn "kiến" thôi. "Voi" thì dễ dàng bước qua. Nếu vướng thì nó đạp đổ.
Einstein từng nói rằng sự ngu ngốc của con người là vô hạn. Liệu có thể nói thêm là sự tham lam và độc ác cũng vậy không? À, mà không cần. Bởi lẽ chúng cũng chỉ là một phần của sự ngu xuẩn mà thôi.
Cuộc sống của loài người trên Trái Đất cũng giống như cơ thể của một người vậy. Tất cả các bộ phận cơ thể đều liên quan, phụ thuộc và hỗ trợ lẫn nhau. Thỉnh thoảng một vài bộ phận có thể trục trặc, ốm đau thì các phần khác vẫn phải hoạt động vì chỉ có như thế toàn bộ cơ thể mới có thể dần trở lại bình thường. Thế cho nên nếu ở đâu đó có thiên tai hay chiến tranh, người ở nơi khác có thể thể hiện sự thông cảm và giúp đỡ song cuộc sống của họ vẫn nên diễn ra bình thường.
Thật buồn cười - mà có lẽ là đáng buồn - là các nước đều nói "hòa bình" nhưng ai cũng chuẩn bị cho chiến tranh. À, bởi không ai tin lời nói của người khác cả.
Xưa kia, Miền Nam quá ảo tưởng về Mỹ, còn Miền Bắc thì Liên Xô và Trung Quốc. Nay chúng ta lại ảo tưởng về bản thân?
Không ai biết tương lai vì nó chưa tới. Hiện tại thì hỗn độn khó hiểu. Quá khứ - của một người hay cả loài người - cho thấy một vài điều. Đó là : Không thể đoán được tương lai, và : Chẳng có gì là quá quan trọng cả.
Hươu nai biết luật lệ do sư tử và hổ báo đặt ra là bất công. Nhưng chúng có thể làm gì?
Khi "công lý" và "luật pháp quốc tế" không phục vụ lợi ích của kẻ mạnh, chúng sẽ được thay thế bằng "luật rừng".
Cuối cùng thì không phải là những giá trị nhân văn phổ quát như tự do, bình đẳng, bác ái, nhân quyền, v. v. mà Phương Tây thường "dạy bảo" thế giới mà là quyền lợi - thường là quyền lợi ích kỷ của giới "elite" lãnh đạo chính trị và các tập đoàn công nghệ, tài chính, các tổ hợp công nghiệp - quân sự mới quyết định chính sách của Phương Tây.
Thấy sự phi lý, bất công, độc ác, tàn nhẫn khủng khiếp diễn ra với hàng triệu người Palestine ở Gaza mà vẫn im lặng như thể không biết, không liên quan thì có còn chút đạo lý nào không? Không có lý lẽ nào có thể biện hộ được đâu.
Chiến tranh thông tin - được trang bị công nghệ hiện đại - đang tạo ra tình trạng mà người xưa gọi là "thiên hạ đại loạn". Có lẽ nó đã đến mức mà người ta không biết là nên tin ai, tin vào cái gì nữa.
Loài người rất khôn. Đó là một điều hiển nhiên không cần bàn cãi. Nhưng tất cả những cái "khôn" đó có lẽ vẫn chỉ là khôn "vặt". Cái khôn lớn để giữ gìn hòa bình và cuộc sống cho toàn thể loài người dường như vẫn chưa có. Và có thể là sẽ không bao giờ tìm ra. Nếu như thế, loài người sẽ đi đến chỗ tự hủy diệt
Chính nghĩa và lẽ phải thường thuộc về nhân dân vì họ tự do và không bị trói buộc vào những quyền lợi ích kỷ.
Bỗng nghe tiếng trẻ thơ
Khóc thét
Giật mình
tưởng đang ở
Gaza
Thì ra là mơ
giấc ngủ trưa
Hà Nội mùa thu
Bình Yên
Ấm áp
Gần đây cứ mải nghĩ về chiến tranh Ucraina, rồi nay lại Hamas - Israel, những việc xa tít tận trời tây mà ít nghĩ về những chuyện "sát sườn" ở khu vực này, nơi ta ở. Liệu TQ có "mượn gió bẻ măng" nhân khi mà Mỹ và Phương Tây còn đang quá bận rộn để thực hiện giấc mộng hơn bảy mươi năm: "giải phóng" Đài Loan? TQ đã "tập dượt" cho việc này quá lâu rồi. Không nhẽ cứ "hô khẩu hiệu" mãi? Không nhẽ đợi đến lúc Mỹ - Israel "giải quyết" xong vụ Hamas, rồi xong cả vụ Ucraina sau đó thì lại dồn sức vào Đài Loan ? Lãnh tụ TQ cũng không còn quá trẻ để chờ đợi thêm nhiều năm nữa, để rồi chuyển giao cho thế hệ sau? Rồi lại còn chuyện "di sản" nữa: Mao chủ tịch lập nên nước Trung Hoa thời hiện đại. Đặng biến một TQ nghèo nàn lạc hậu thành một siêu cường dân giàu nước mạnh. Còn ông chủ tịch hiện nay sẽ để lại một giấc mộng giang dở? Cho nên ông ta sẽ phải làm được một điều gì đó lớn lao mà chưa ai làm được. Mà còn gì hơn là thu hồi Đài Loan? Mà một khi đã xong cái "ung nhọt" ấy , TQ hẳn sẽ bắt đầu "tính sổ" với những láng giềng khác, nhất là những "kẻ cứng đầu cứng cổ" không chịu "thần phục Thiên Triều" ? À mà thôi. Những việc "đại sự quốc gia" ấy đâu đến lượt dân thường chúng ta bàn. Vớ vẩn!
Ngọn lửa chiến tranh ở Ucraina còn chưa có dấu hiệu nào của sự kết thúc thì một cuộc chiến mới đã bùng phát ở Trung Đông. Hamas - một tổ chức vũ trang người Palestine - đã đột ngột tấn công vào Israel, gây ra cái chết của hàng trăm người mà trong đó có những người đang dự một lễ hội gần dải Gaza - lãnh địa của Hamas. Israel lập tức đánh trả. Hàng trăm người Palestine đã chết. Cuộc chiến này sẽ đi đến đâu là điều mà không ai có thể dự đoán. Chỉ có một điều chắc chắn là sẽ có thêm rất nhiều chết chóc và tàn phá. Mâu thuẫn Israel - Palestine phát sinh từ khi nhà nước Do Thái được thành lập năm 1948 trên vùng đất mà người Palestine coi là thuộc về mình từ hàng ngàn năm trước. Còn người Do Thái thì cho rằng tổ tiên của họ cũng đã từng sống ở đó và cũng lâu đời như thế . Chuyện kể rằng các tộc người ở nơi khác đến và đuổi người Do Thái đi. Từ đó người Do Thái phải lang thang khắp nơi, sống nhờ "đất khách quê người" và thường bị kỳ thị và đàn áp. Nhưng họ có một niềm tin là Palestine là vùng đất mà "Thượng Đế đã hứa ban cho họ" và nhất định họ sẽ trở về. Do đó mà mâu thuẫn Israel - Palestine có lẽ không bao giờ có thể giải quyết được. Nó chỉ có thể tạm lắng để rồi lại bùng phát trở lại.
Có vẻ như đang có một không khí "cuồng Mỹ" ở Việt Nam - một đất nước từng có một " lòng hận thù ngút trời" đối với "Đế quốc Mỹ". Dù sao thì hòa bình vẫn tốt hơn chiến tranh. Có cơ hội tốt thì cần tranh thủ tận dụng. Nhưng có lẽ cũng nên ý thức rằng mọi thứ đều biến đổi theo thời gian. Không có gì là mãi mãi, là "muôn năm" cả. Hận thù có thể biến thành thiện cảm và ngược lại. Sự việc luôn phát triển và khi đi đến tận cùng, nó biến thành cái ngược lại.
Có lẽ ít ai khổ mãi hay sướng mãi. Thường thì là sự đan xen. Một nước, một dân tộc cũng vậy. Cho nên người xưa mới có câu " sông có khúc, người có lúc".
Nước nào cũng đặt lợi ích của mình lên trên hết. Nhưng nước nào cũng cần một thứ gì đó của những nước khác. Nhưng ở đời chẳng ai "cho không" ai cái gì. Nếu nước bạn chẳng có cái gì các nước khác cần thì chẳng ai muốn chơi với nước bạn cả. Muốn chơi thì phải biết đổi chác. Khôn thì sự đổi chác đó có lợi cho dân cho nước. Dại thì chuốc lấy cái hại.
Ở Mỹ, chính xác là Detroit, bang Michigan nơi có công nghiệp ô tô lớn và lâu đời nhất thế giới - đang có phong trào tranh đấu khá rầm rộ của công nhân do nghiệp đoàn công nhân ô tô - UAW - tổ chức. Họ lên án sự cửa quyền và tham lam của giới chủ, đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc, v. v. Họ cũng lên án giới tài phiệt phố Wall. Ở đây sẽ không đi vào nội dung cụ thể của cuộc đấu tranh này. Cái hơi buồn cười và khá là trớ trêu là với việc xây dựng nhà máy sản xuất ô tô ở North Carolina, và có lẽ cả việc tham gia vào TTCK New York, giới chủ từ Việt Nam - một nước XHCN do ĐCS lãnh đạo - rồi đây sẽ phải đối mặt với cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân Mỹ. Đó là một thực tế của nước Mỹ có từ thời công nhân biểu tình ở Chicago vào ngày 1/5/1886 mà ta học mãi ở nhà trường. Ở Việt Nam, giới chủ trong nước, rồi giới chủ nước ngoài như Đài Loan, Hàn Quốc, v. v. có vẻ như chưa phải đối mặt loại hoạt động như thế của công nhân Việt Nam thì phải? Từ khi Liên Xô sụp đổ, có vẻ như "cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và vô sản" không còn được nhắc tới nhiều nữa. Nhưng mâu thuẫn giữa giới chủ và công nhân - nói theo kiểu ngày xưa là "tầng lớp tư bản bóc lột và giai cấp vô sản bị áp bức bóc lột" chưa bao giờ biến mất. Mà có áp bức là có đấu tranh . Và nó đang diễn ra ở Mỹ. Câu chuyện Tư bản - Vô sản mà Các Mác nêu ra gần hai thế kỷ trước vẫn còn là thời sự của ngày nay.
Vừa mới xảy ra một vụ cháy nhà khủng khiếp ở Hà Nội, làm chết hơn năm mươi người. Đó là những nỗi đau và mất mát to lớn không gì bù đắp được. Chỉ còn biết hy vọng là thời gian và cuộc sống rồi sẽ dần dần hàn gắn và chữa lành những vết thương này.
Hiểu biết là biết được sự thật thường bị che đậy bởi vô vàn những lớp vỏ bên ngoài. Trong cái thế giới giả dối ngày nay - mà ngày xưa hay tương lai thì cũng thế - biết được sự thật mới khó làm sao.
Nghĩ mãi nghĩ hoài mà chẳng ra
Biết đâu đi ngủ có khi hơn
Bạn sẽ bước sang thế giới khác
Xứ sở diệu kỳ của giấc mơ
Bạn còn muốn đi đâu nữa?
Chẳng phải là đã tới rồi sao?
Lặng yên mà ngắm những gì đã qua
Mà vẫn chưa hiểu chưa thấy
Có hàng tỷ người như bạn. Ai cũng bận rộn với những việc của riêng mình. Bạn là cái gì mà người ta phải quan tâm? Kể cả khi bạn có cả một núi tiền, một dàn "siêu xe", một hạm đội du thuyền hay một lâu đài có ngàn phòng, là vua hay tổng thống, vừa lên ngôi hay bị lật đổ thì người ta vẫn kệ bạn. Người ta có nhiều việc phải quan tâm hơn như đóng tiền học cho con mình hay mua thuốc chữa bệnh. Cho nên bạn làm gì hay không làm gì, muốn sống thế nào hay bất cứ cái gì, suy cho cùng thì cũng chả có gì quá quan trọng cả. Cứ bình thản, lặng lẽ mà sống, mà làm việc cần làm và nhất là đừng cố làm "to chuyện".
Ở thế giới bên ngoài, chẳng có đâu là "thiên đường" hay "địa ngục". Tất cả chỉ là tương đối. Trong thế giới nội tâm cũng vậy. Mà có khi nội tâm người ta có thể biến thiên đường thành địa ngục hoặc ngược lại.
Vạn vật chuyển động và thay đổi không ngừng. Không ai có thể biết chắc về tương lai. Vì thế không nên khẳng định bất cứ điều gì, kể cả khi tin rằng mình hiểu rõ.
Mỗi người chỉ có một cuộc đời thôi. Nó nhỏ bé, ngắn ngủi và gần như vô nghĩa. Tội nghiệp lắm. Hãy thương lấy mình. Và người khác nữa. Có là ai thì cũng thế thôi.
Cái bạn cần phải chuẩn bị nhất đó là chuẩn bị sống với bản thân mình. Xã hội không có lỗi gì. Đơn giản đó là quy luật đào thải tự nhiên. Kêu ca phàn nàn là vô ích. Cách tốt nhất là bình thản chấp nhận. Thế thôi.
Từ Hư Vô
Con người xuất hiện
Tay không trần trụi
Cố sống và tích cóp
Thật Nhiều
Rồi tay không trần trụi
Trở lại Hư Vô
Không biết, không quan tâm thì ta là những con cừu tội nghiệp mà người ta dễ dàng dắt đến bất kỳ đâu. Quan tâm và biết nhiều thì sẽ nhận ra rằng mọi thứ đều quá rắc rối phức tạp để có thể biết chắc đâu là sự thật, đâu là con đường đúng và kết quả là sự hoài nghi mọi thứ.
Ngày nay có một ngành công nghiệp có tên gọi là "công nghiệp giải trí". Hàn Quốc nổi tiếng trên thế giới về nhiều mặt, trong đó đặc biệt là ngành công nghiệp này. Nó thu về hàng núi tiền và làm tăng sức mạnh "mềm" của HQ. Vừa rồi, VN chứng kiến tận mắt một cơn "siêu bão" văn hoá từ HQ có tên là Blackpink đã đổ bộ chớp nhoáng và "tàn phá" VN như thế nào. Cháy vé xem, cháy phòng khách sạn, cháy vé máy bay... Mọi thứ đều "cháy" và mọi thứ đều "ăn theo ". Thật là khủng khiếp! Không biết người Việt có học được điều gì không hay là lại chê bai kiểu như "mấy cô gái Hàn này múa hát cũng chẳng hay hơn mấy cô gái Việt ở phố đi bộ Hồ Gươm" hay "thanh niên Việt bây giờ gu thẩm mỹ quá thấp, chỉ toàn đu theo trào lưu" , v. v. Không biết có ai, nhất là các đ/c quản lý văn hoá - tư tưởng có nghĩ là tại sao mà mặt hàng này người ta bán giá "cắt cổ" như thế mà dân mình cứ đội nắng đội mưa lao vào như "thiêu thân" mua ào ào như thế không?
Bán đảo Triều Tiên vốn là một nước thống nhất, bị đế quốc Nhật xâm lược và đô hộ vào đầu thế kỷ 20 cho đến khi Nhật đầu hàng Đồng Minh năm 1945. Người Triều Tiên hồ hởi vì thoát áp bức của Nhật chưa được bao lâu thì đất nước lại bị chia cắt làm đôi tại vĩ tuyến 38 bởi các cường quốc thắng trận trong Thế Chiến 2 là Mỹ và Liên Xô. Năm 1950, Bắc Triều Tiên với hỗ trợ của TQ và Liên Xô đã tấn công Nam Triều Tiên để thống nhất đất nước. Nam Triều Tiên với sự hỗ trợ trực tiếp của Mỹ đã đẩy lùi quân Bắc Triều Tiên trở lại vĩ tuyến 38 và thậm chí xa hơn về phía Bắc. Chỉ với sự tham chiến của một triệu "chí nguyện quân" TQ, Bắc Triều Tiên mới đưa được tình thế trở lại như ban đầu với biên giới ở vĩ tuyến 38. Cuộc chiến 1950-1953 tuy không dài nhưng vẫn vô cùng ác liệt với những tổn thất to lớn cho cả hai bên. Đó là một trong những cuộc chiến tranh đẫm máu nhất thế kỷ 20. Từ đống đổ nát của chiến tranh, Nam Triều Tiên đã vươn lên và trở thành một quốc gia phát triển hiện đại giàu có. Vài ngày nữa sẽ có tới mấy chục ngàn người, phần lớn là còn rất trẻ tuổi sẽ đến xem một ban nhạc của các cô gái Nam Triều Tiên biểu diễn tại Hà Nội. Cũng vài hôm nữa, Việt Nam sẽ khởi công xây dựng một nhà máy sản xuất ô tô điện ở Mỹ. Còn Bắc Triều Tiên thì vẫn như còn sống trong thời chiến của hàng chục năm trước. Họ đang kỷ niệm bảy mươi năm ngày kết thúc chiến tranh Triều Tiên với một chủ đề không thay đổi suốt thời gian đó : chuẩn bị chiến tranh với Mỹ và Nam Triều Tiên. Một điều nữa cũng ít thay đổi. Đó là cuộc sống của phần lớn người dân Bắc Triều Tiên vẫn khó khăn thiếu thốn.
Khi tranh cử, người ta có thể nói nghe "hay ho" lắm và có thể làm cho nhiều người thích và bầu cho họ. Nhưng giữa nói và làm thường có một khoảng cách khá xa. Và thường chỉ đến khi vào việc, dân mới biết có bầu đúng người không. Cho nên bầu "nhầm người" là chuyện không hiếm. Vì thế cái "hay" của bầu cử không hẳn là cái quyền chọn người. Nhưng người được bầu ra mà không làm được việc thì khó có thể trúng cử lần tiếp theo. Đó mới là cái "hay" của một nền dân chủ thực sự.
Nước Nga đang ốm nặng. Họ bị một bệnh tạm gọi là "vĩ cuồng". Không phải chỉ là ban lãnh đạo, mà rất nhiều dân thường cũng bị nhiễm bệnh. Hơn một năm nay, Nga đã tiêu tốn những khoản nhân lực và vật lực khổng lồ vào chiến tranh xâm lược Ucraina mà họ đã hiểu ra là không thể giành phần thắng. Tai họa ở chỗ là Nga không thể chịu thua, ngừng cuộc chiến và đơn phương rút lui. Họ không thể vượt qua sự kiêu ngạo quá lớn của mình. Họ giống như một "con bạc khát nước", quyết "chơi đến cùng". Vì quá vĩ cuồng, Putin lâu nay gần như là chỉ sống trong một thế giới tưởng tượng của mình. Gần đây, một nhà báo Mỹ gọi Putin là "tên ngốc nguy hiểm nhất thế giới". Ngốc là vì ông ta ném hết vốn liếng của Nga vào một cuộc chiến vô nghĩa và vô vọng. Nguy hiểm là vì ông ta có một con " át chủ bài" - vũ khí hạt nhân. Không ai có thể chắc chắn rằng ông ta sẽ không chơi "con bài cuối cùng" đó khi bị dồn đến đường cùng .
Suy nghĩ - Tìm kiếm - Không thấy - Thất vọng - Suy nghĩ...
Đó là cái vòng luẩn quẩn có tên gọi là Cuộc Đời?
Ngọn lửa từ Trời vẫn đốt thiêu
Bao giờ cho đến tháng Mười đây?
Nước cạn đất khô người khốn khó
Trời sinh Đất diệt chuyện ngàn xưa
Có thể còn hơi sớm để hiểu thực sự chuyện gì đang xảy ra ở nước Nga. Có vẻ như là một cuộc bạo loạn vũ trang đã bắt đầu. Lực lượng chủ chốt của bạo loạn này là khá lớn, theo ô. Prigozin, ông chủ và tổng chỉ huy, là tầm 20.000 quân. Đó là một đội quân "đánh thuê" tư nhân do Prigozin lập ra, đã từng chinh chiến ở Châu Phi và gần đây nhất là lực lượng chủ chốt của phía Nga trong trận chiến đẫm máu Bakhmut. Prigozin vốn từng là một "đệ tử" rất gần gũi với Putin. Đội quân của ông ta - lấy tên là Wagner - tỏ ra khá tàn bạo và thiện chiến. Gần đây Prigozin công khai lên án Bt Quốc Phòng Nga vì đã không cung cấp đủ đạn được cho Wagner và vì thế họ phải chịu tổn thất lớn ở Bakhmut. Một số nhà bình luận cho rằng Prigozin có tham vọng chính trị, có lực lượng quân sự mạnh và bắt đầu nhận được sự ủng hộ của nhiều tầng lớp ở Nga, nhất là những người bắt đầu vỡ mộng với cuộc chiến của Nga ở Ucraina và cho rằng Nga cần có một ban lãnh đạo hoàn toàn mới. Sự việc đang tiếp diễn nhanh và khó đoán. Không ai dám chắc rằng đây có phải là "sự khởi đầu" cho sự chấm dứt của chế độ Putin không. Có khả năng là cuộc bạo loạn này lại tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cuộc tổng phản công của Ucraina để giành lại các vùng đất bị Nga chiếm đoạt trước đây và điều này lại càng đẩy nhanh sự suy yếu của chính quyền Putin.
Kiếm tìm ở đời
Là chạy theo thất vọng
Đời không theo ý bạn
Cũng chẳng theo ý ai
Nó là vô tâm
Là Vô Lý
Một sớm bình yên
Một mình lặng lẽ
Ly cà phê nhỏ bé
A, niềm vui đơn giản thế
Sao cứ đi tìm ở đâu?
Mỗi người một con đường
Chẳng ai giống ai
Trên Trái Đất
Đừng ép buộc người khác
Dù là người thân nhất
Phải như mình
Đó là Văn Minh
Tự Do Độc Lập
Viển vông ngần ấy đã đủ chưa?
Đoạn cuối con đường dần hiện ra
Cuộc đời là thế đi đâu thoát?
Quanh quẩn cũng vẫn lòng Bàn Tay
Cuộc đời này
Không tự nhiên mà có
Nó là mồ hôi và máu
Bao thế hệ đã qua
Bạn góp phần mình được chút nào chưa?
Hay là chỉ quen đòi hỏi?
Một sáng Chủ Nhật
Bình Yên
Không tự nhiên
Mà có
Hãy trân trọng và biết ơn
Ai biết được Chiến Tranh
Khi nào lại tới
Có cảm giác cuộc chiến Nga - Ucraine bây giờ na ná như một trận đấu bò. Bị người đấu bò Ucraina đâm đau và chảy máu, con bò Nga ngày càng hung hãn hơn, điên cuồng lao vào người đấu bò. Người đấu bò khéo léo né tránh, khi có thời cơ thì lại đâm thêm nữa. Cứ như vậy cho đến khi con bò kiệt sức và gục ngã. Vũ khí mới của Ucraina là drone vừa rồi được cho là đã sử dụng để tấn công thủ đô Moskva, thậm chí trúng cả sào huyệt của chóp bu Nga là khu Rubliopka ở ngoại ô. Dù chưa gây ra thiệt hại vật chất gì đáng kể nhưng lại có tác động tinh thần lớn. Truyền thông nhà nước và giới "tinh hoa" Nga thì trút giận lên giới quân sự vì cho là phòng không yếu kém không bảo vệ nổi thủ đô. Dân thường, nhất là ở các vùng sâu xa, các vùng dân tộc thiểu số, nơi phải ra trận và thương vong nhiều nhất thì lại có vẻ "hả hê" vì có thể từ đây, giới nhà giàu và "quý tộc" ở thủ đô cũng sẽ buộc phải "nếm mùi" chiến tranh. Lửa chiến tranh do Nga gây ra để thiêu đốt nước láng giềng Ucraina đã lan ngược trở lại nước Nga.
Thửa ruộng bé tí cày đã xong
Giờ đà đến lúc được ngả lưng
Thảnh thơi nón lá che mưa nắng
Bờ ruộng cũng đâu kém sa-lông
Ngày xưa có hai anh em nhà kia rất thân thiết với nhau, dù thỉnh thoảng có mâu thuẫn. Về sau người anh nổi giận vì cho là bị đối xử không công bằng nên đã dùng một hòn đá đập vào đầu người em.
Câu chuyện trên nghe có "quen quen" không? Phải rồi, đó là một câu chuyện trong Kinh Thánh. Nhưng có người có thể cho rằng đó là câu chuyện đang diễn ra giữa Nga và Ucraine. Không sai. Đó vẫn là cách mà con người giải quyết mâu thuẫn từ thuở khai thiên lập địa cho đến ngày nay. Công cụ có thể là hòn đá, thanh kiếm, khẩu súng hay tên lửa "siêu vượt âm" Kinzhal, song mục đích vẫn như nhau : Giết người!
Ngày 9/5/1945, Hồng quân Liên Xô cắm lá cờ đỏ búa liềm lên nóc nhà Quốc Hội Đức Quốc xã ở thủ đô Berlin , đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của phát xít Hitler và sự toàn thắng của các lực lượng chống phát xít, đứng đầu là Liên Xô. Đó là một ngày kỷ niệm vẻ vang của nhân dân Liên Xô và nhiều nước khác trong hàng chục năm sau đó cho đến tận bây giờ. Đó là chiến thắng của nhân loại tiến bộ chống lại âm mưu nô dịch loài người của những thế lực đen tối và bạo tàn nhất thế kỷ 20. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991 và nhất là khi Putin và băng nhóm của ông ta lên nắm quyền ở Nga, kỷ niệm ngày 9/5 hàng năm vẫn tiếp tục được tổ chức.Tuy nhiên, Putin và băng nhóm của ông ta có những mưu đồ khác và cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại và sự hy sinh vô bờ bến của Hồng Quân và hàng triệu người dân Liên Xô bị ông ta lợi dụng cho mưu đồ đen tối đó. Và vào sáng sớm ngày 24/2/2022, Putin và băng nhóm của ông ta hiện nguyên hình là một bè lũ phát xít mới của thế kỷ 21. Suốt hơn một năm qua kể từ ngày đó, quân đội Nga đã tàn phá không thương tiếc không biết bao nhiêu thành phố và làng mạc, giết hại không biết bao nhiêu dân thường, đẩy hàng triệu dân Ucraina vào cảnh không còn nhà cửa và nguồn sống, buộc phải bỏ quê hương đất nước đi lánh nạn tại các nước láng giềng. Suốt hơn hai mươi năm cầm quyền, Putin đã lừa dối nhân dân Nga, phản bội lại sự hy sinh của cha ông mình trong cuộc sống chiến tranh vệ quốc vĩ đại vì hòa bình và nhân phẩm của nhân dân Nga và toàn thế giới. Tất cả là để phục vụ mục đích bành trướng đế quốc của Putin và băng nhóm của ông ta. Nhưng rất nhanh chóng, sự bành trướng đế quốc tàn bạo của Putin đã gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ và dũng cảm của Ucraina với sự ủng hộ mạnh mẽ của hầu như toàn thế giới. Cuộc xâm lược Ucraina của Putin nhất định thất bại. Ucraina sẽ có thêm một ngày kỷ niệm lớn nữa - Ngày Chiến Thắng cuộc xâm lược của đế quốc Nga.
Tại sao con người cứ "triết lý" mãi về cuộc sống và cái chết? Bởi vì sâu thẳm bên trong người ta sợ, thế nhưng lại không dám chấp nhận và nói lên điều đó.
Nga có một anh tạm gọi là "phóng viên chiến trường". Anh này khá nổi tiếng vì những lời nói hung hăng về Ucraina đại để như "chúng ta sẽ cướp sạch, giết sạch, phá sạch...". Vừa rồi anh ta và những "fan" hâm mộ có tổ chức một buổi họp mặt tại một tiệm cà phê ở trung tâm tp Saint Petersburg có lẽ là để vinh danh "công trạng" của anh ta. Một bức tượng bán thân của anh ta được người hâm mộ mang đến và trao tặng. Vài phút sau, một vụ nổ mạnh xảy ra. Người ta nghĩ là chính bức tượng đã phát nổ vì có chất nổ bên trong. Hậu quả là nhân vật chính của buổi "vinh danh" chết ngay tại chỗ. Mấy chục người khác có mặt trong quán bị thương. Ở ta thì có chuyện một vị thứ trưởng ngoại giao nhận mấy chục tỷ đồng "quà" của một số doanh nghiệp để "sắp xếp" cho họ được tham gia thực hiện các chuyến bay "giải cứu" đồng bào ta bị mắc kẹt tại các nước bị dịch cô-vid hoành hành vài năm trước. Đ/c thứ trưởng này đã bị bắt cùng với hàng loạt cấp dưới trong ngành ngoại giao. Những chuyện tương tự vẫn xảy ra từ xưa tới nay và ở khắp nơi là điều không mới và không lạ. Thiền sư Thích Nhất Hạnh có nói đại ý rằng hành động của ta là chỗ ta đứng. Có thể hiểu là khi ta làm điều ác điều xấu, đất dưới chân ta sẽ sụp đổ và chôn vùi ta. Đó là luật nhân quả mà ngay cả người Phương Tây cũng biết.
Mới có một tin thế này : vừa phát hiện ra một "lỗ đen" có thể nuốt trọn 30 tỷ mặt trời! Trời Đất! Thôi đừng nghĩ về cái "lỗ đen" đó làm gì. Đơn giản là vì nó nằm ngoài khả năng suy nghĩ và hiểu biết của loài người. Đối với vũ trụ, chúng ta chỉ là một lũ ngốc hợm hĩnh. Có lẽ tốt hơn là nên cư xử với nhau và với vạn vật xung quanh khiêm tốn và tử tế hơn.
Ngôn ngữ là do con người tạo ra. Đó là một thứ tuyệt vời. Nhưng nó không hoàn hảo, như chính con người vậy. Có lẽ vì thế nên người Á Đông xưa khuyên là "biết thì không nói", còn Phương Tây coi "im lặng là vàng".
Ai cũng bấm bấm
Cố "kết nối" thật nhiều
Trong cuộc đua "sống ảo"
Mỗi người - một hòn đảo
Có ai yêu ai?
Có "kết" bao nhiêu
Vẫn khó mà "nối"
Lớp lớp rào chắn
Bảo vệ Chúa Tể - Cái Tôi
Ở đời sống khó làm sao
Bạn nghiên bạn bút có đâu được nhiều
Một con phố cong hẹp
Đường sắt cũ kỹ chạy qua
Vài quán "cóc" cà phê
Ghế bàn thô sơ nhếch nhác
Thế mà người Tây
Tóc vàng mắt xanh
Ở tận Âu Mỹ xa xôi
Vẫn thích
Ngắm ly cà phê nhỏ từng giọt
Thời gian trở lại ngày xưa
Đoàn tàu cũ kỹ chạy qua
Như trong phim
Viễn Tây Hoang sơ
Một Hà Nội mái ngói cũ nhấp nhô
Chỉ còn lại trong tranh
Bùi Xuân Phái
Một Hà Nội cà phê đường phố
Một nét duyên xưa
Ông cha chúng ta vô tình tạo nên
Có lẽ sẽ chỉ còn trong ảnh
Bạn thích "breaking news"
Thích "giật gân", thích "hot"
Nhưng "no news" có khi lại tốt
Bởi cuộc sống vẫn "chạy" bình thường
Nếu nó cứ "lồng lên"
Truyền thông tha hồ "giật tít"
Chắc gì đã tốt
Khi cuộc đời trục trặc ốm đau
Chỉ "béo" cho truyền thông
Nhất là mấy anh "kền kền lá cải"
Vỗ tay trên những xác người
Tỉnh táo trong cuộc đời
Là không nên tin ngay
Những gì "báo chí" nói
Nói thì dễ lắm
Làm mới khó làm sao
Bởi phải vượt qua
Cái tôi thâm căn cố đế
Trùng trùng lớp lớp
Nếp nghĩ thói quen
Đã thành bản chất của ta
Bạn tu ư?
Không khéo chỉ là "tu hú"
Giữa đại ngàn Tây Nguyên
Mặt hồ mênh mông cuộn sóng
Ai bảo phải ra biển lớn?
Gió bão ở đây nào dễ vượt qua
Sắp tới, cuộc xâm lược Ucraina của Putin sẽ tròn một năm. Một cái nhìn toàn cảnh cho thấy rằng từ lâu, Putin có tham vọng phục hồi lại vị trí siêu cường nước Nga đã từng có ở thời Liên Bang Xô Viết và đế quốc Nga trước đó. Ông ta tin rằng không có nước Ucraina nào cả mà đó chỉ là một phần của nước Nga bị tách ra vì những mưu đồ chính trị mà nay cần phải thu hồi lại. Từ khi xảy ra cuộc "cách mạng cam" năm 2004 và nhất là sự kiện năm 2014 khi dân Ucraina lật đổ vị tổng thống thân Nga để "thoát Nga", tiến tới trở thành thành viên EU và NATO, Ucraina trở thành một vấn đề lớn, một nguy cơ đối với dự án "nước Nga vĩ đại" và vị trí của ông ta trong lịch sử hay ít nhất là quyền lực của mình mà ông ta cho là phải giải quyết "dứt điểm". Sáng sớm ngày 24/2/2022, kế hoạch "giải quyết" Ucraina bằng một cuộc chiến tranh xâm lược "chớp nhoáng" mà ông ta gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" bắt đầu bằng một cuộc tấn công ồ ạt trên toàn tuyến biên giới phía bắc và phía đông Ucraina. Nga tin rằng sẽ dễ dàng đè bẹp Ucraina, chiếm thủ đô Kiev trong ba ngày sau đó thì tổ chức duyệt binh và ca nhạc mừng chiến thắng, v. v. Thực tế một năm qua cho thấy rõ đó là những toan tính hoàn toàn sai lầm về chiến lược của "Putin đại đế". Ucraina không nhanh chóng đầu hàng và dân Ucraina không "nổi dậy chống lại chính quyền phát xít", không mang hoa, bánh mì và muối ra chào đón "quân giải phóng Nga" như ban lãnh đạo và truyền thông Nga hoan hỉ tưởng tượng. Người Ucraina đã đoàn kết, kháng cự mạnh mẽ và quyết liệt, chiếm lại nhiều vùng lãnh thổ quan trọng bi Nga chiếm đoạt hồi đầu cuộc chiến, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu hơn 135.000 binh sĩ, gần 600 máy bay các loại, gần 10.000 xe tăng và xe bọc thép và nhiều thiết bị quân sự khác. Nga là một nước lớn một siêu cường, ít nhất là về mặt quân sự. Nga không thể đơn giản rút lui và dễ dàng chịu thua một Ucraina bị coi là nhỏ bé và yếu hơn nhiều. Vì thế, dù bị đánh đau và thiệt hại nặng nề, Nga không còn cách nào khác ngoài việc tiếp tục lao vào như "thiêu thân" với hy vọng mỏng manh là với ưu thế hiện tại về vũ khí, nhất là tên lửa và máy bay, Ucraina sẽ mệt mỏi, không chịu đựng được nữa và phải ngồi vào bàn đàm phán để chấp nhận những vùng đất mà Nga chiếm đoạt của Ucraina là lãnh thổ Nga, và như thế, Nga có thể rút lui mà không bị coi là thua trận. Mong muốn là một chuyện nhưng có làm được không lại là chuyện hoàn toàn khác. Lính Nga phải ra trận để phục vụ cho ý đồ xâm lược và bành trướng đế quốc của Putin nên không thể có tinh thần dũng cảm hy sinh như ông cha họ, những chiến sĩ Hồng Quân Liên Xô trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc chống lại phát xít Đức thời kỳ 1941-1945. Khác hẳn với lính Nga, các chiến sĩ lực lượng vũ trang Ucraina kế thừa toàn vẹn tinh thần đó của cha ông mình. Họ chiến đấu vì độc lập, tự do, dân chủ, quyền tự quyết và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc mình. Những giá trị thiêng liêng đó đã mang lại cho Ucraina sức mạnh tinh thần to lớn giúp họ đứng vững suốt một năm qua trước sức mạnh tàn bạo của quân xâm lược Nga. Sự chính nghĩa và quả cảm đó của Ucraina đã chinh phục được cảm tình, sự khâm phục và ủng hộ của nhân dân toàn thế giới. Chính phủ nhiều nước trong đó có những nền kinh tế và quân sự lớn như Đức, Anh, Pháp, Nhật và đặc biệt là Mỹ từ chỗ nghi ngại khả năng kháng cự của một Ucraine nhỏ và yếu hơn nhiều so với Nga đã nhanh chóng trở thành một "hậu phương lớn" cung cấp một lượng viện trợ quân sự và kinh tế khổng lồ giúp Ucraina đẩy lùi quân xâm lược Nga. Ucraina càng đánh càng mạnh hơn. Trong khi đó, Nga đang đổ hết vốn liếng đang cạn dần vào một cuộc chiến tranh phi nghĩa hao người tốn của mà hầu như chưa đạt được kết quả gì đáng kể. Có thể bây giờ Putin nghĩ rằng ông ta là Stalin đang lãnh đạo cuộc chiến đấu để bảo vệ nước Nga. Nhưng có lẽ ông ta giống Sa hoàng Nicolai đệ nhị hơn. Thất bại trong chiến tranh, Sa hoàng Nicolai buộc phải thoái vị và đế quốc Nga sau đó tan rã. Đó là một viễn cảnh đang hình thành. Nó không còn xa nữa.
21.000 người đã chết
Người Thổ hết nước mắt rồi
Giờ có thể hỏi Trời
"Ngài không có mắt?"
Chúng tôi quỳ lạy Alla đã nhiều kiếp
Vẫn chưa đủ sao?
Trời bảo : Ta làm việc của ta
Còn các ngươi
Hãy làm việc của mình cho tốt
Động đất này là thử thách
Xem các ngươi hứa có làm không
Ta đã ban cho Bàn tay, Trí tuệ và Trái tim
Để các ngươi hành động
Không phải chỉ cầu nguyện
Là được như ý đâu
Hãy cứu giúp những người khổ đau
Hãy tự cứu mình rồi Trời cứu
Hàng ngàn người đã chết
Hàng ngàn người già phụ nữ trẻ em
còn nằm dưới gạch đá và bê tông
Trong ngút ngàn đổ nát
Nếu bạn không thể làm gì để cứu giúp
Hãy đừng thờ ơ
Mỗi nỗi đau của con người
Cũng là của bạn và tôi
Không có nỗi đau
Của người khác
Chiến tranh Việt Nam tưởng đã lùi xa
Mà vẫn còn nguyên
Trong những người lính
Hồi ấy anh là kẻ thù
Là người bên kia chiến tuyến
Chúng tôi bắn vào anh
Từ những khẩu AK
Anh bắn vào chúng tôi
Bằng những khẩu M16
Ai cũng muốn sống
Muốn trở về quê hương
Nơi người thân vẫn đợi
Thế rồi một viên đạn
Từ phía bên anh
Trúng một chàng trai bên kia
Anh ấy ngã xuống
Từ ba lô rơi ra
Một cuốn sổ nhỏ học sinh
Những dòng chữ viết tay
Những bông hoa tặng người con gái
Như mọi chàng trai thầm yêu
Ở khắp nơi trên thế giới
Nhưng cuốn sổ này còn hơn thế
Một dấu vết chiến tranh
Buồn đau và đẫm máu
Anh muốn giữ kín
Chôn chặt chôn sâu
Để quên đi quá khứ buồn đau
Những tháng ngày xa xưa ấy
Nhưng vết thương ấy vẫn rỉ máu
Nó cần được chữa lành
May mà vẫn còn cái thiện trong anh
Nhân quyền Dân chủ Tự do
Từ tuyên ngôn 1776
Khi người ta đưa cho anh súng
Bảo phải đi Việt Nam chiến đấu
Bảo vê nước Mỹ và tự do
Anh tin anh phải làm điều đúng
Anh bắn
Cũng dũng cảm như người đồng lứa bên kia
Bắn cả vào những người nông dân
Áo bà ba đen đang gặt lúa
Rồi anh nhận ra mình bị lừa dối
Anh bộ đội có quyển sổ kia
Cũng chỉ là một người nông dân
Lội ruộng bùn trên cánh đồng Miền Bắc
Cuốn sổ nhỏ kia ngày đêm.
Vẫn theo anh như nhở nhắc
Món nợ máu vô tình
anh mắc ngày xưa
Cái tuổi đôi mươi nhiệt huyết ngây thơ
Tin hết những gì mà cấp trên bảo
Giờ gần đất xa trời anh mới hiểu
Đã đến lúc phải trả món nợ cuộc đời
Anh muốn lên đường
Lại về nơi khu rừng nhiệt đới
Nơi tuổi hai mươi anh đã sống
Lần này anh sẽ không mang theo súng
Anh biết chẳng ai sẽ bắn anh
Những người nông dân nhỏ bé đơn sơ
Sẽ giang rộng vòng tay
Chào đón anh
Như một người bạn cũ
Và Cuốn Nhật Ký kia
Năm mươi năm
Nửa vòng Trái Đất bôn ba
Lại trở về mái nhà xưa
Ngày ấy ra đi
Trong lửa đạn bom rơi
Vẫn tin một ngày trở lại.
Bà mẹ một người chơi đàn
Hay một người trồng lúa
Cũng "vĩ đại" như nhau
Hay bình thường như nhau
Đều mang nặng để đau
Mười ngày chín tháng
Anh làm ra lúa gạo nuôi tôi?
Thường thôi! Có gì đáng nói
Anh chơi đàn hay cỡ thế giới
Tôi tung hô lên tận mây xanh
Dù tôi chẳng đủ tiền mua
Một cái vé xem hạng bét
Nhưng đời vẫn thế
Muốn hay không
Vẫn cứ háo danh
Người sang "bắt quàng" làm họ
Còn người trồng lúa kia
Hãy trở về đồng ruộng
Nhà Hát Lớn này không phải chỗ của anh
À, muốn ở thành phố ư?
Thì chạy "xe ôm" hay "shipper" nhé
Cũng muốn được "tung hô"?
Thì hãy lên biên cương hải đảo
Tổ quốc sẽ ghi công
Đừng bao giờ nói đời bất công
Bởi ở đâu và bao giờ vẫn thế
Kẻ có núi tiền kẻ tay không
Chẳng ai còn nói chuyện "bất công"
Bởi nó xưa rồi, như Trái Đất
Muốn khác? Xin mời tới Mặt Trăng!
Đời ai cũng đến điểm cuối thôi
Ngoảnh lại ngoảnh đi sắp hết rồi
Mỗi ngày là một cuộc đời khác
Sao không làm tươi mới bạn ơi
Lẳng lặng mà xem cái trò chơi
Kẻ cười người khóc chó thành voi
Phút chốc sự nghiệp thành mây khói
Vẫn thế xưa nay tấn trò đời
Người xưa cứ lần lượt ra đi
Dòng sông chảy mãi còn lại chi?
Một cái bóng mờ trên ảnh cũ
Lao tâm khổ tứ để làm gì?
Chùa phủ miếu đền vạn người chen
Danh lợi bạc tiền vẫn thế thôi
Cầu Phật mấy ai theo lời Phật
Đưa lối dẫn đường vẫn quỷ ma
Cuộc đời cứ thế lặng lẽ trôi
Ai cười ai khóc cũng mặc thôi
Đường ai nấy đi không thể khác
Vô sản năm châu đâu cả rồi?
Bi hài là vở kịch xưa nay
Vua truồng diễu phố vẫn vỗ tay
Vạn tuế muôn năm ai dám khác?
Tại đám thần dân? Tại thợ may?
Đập phá mãi rồi cũng tan hoang
Nền cũ biết xây cái gì đây?
Sao sớm lá thu còn ai nữa?
Hào kiệt đâu rồi nghĩ tái tê
Nắng ấm chiều xuân lại sáng lên
Vắng lặng con đường mỗi mình ta
Ngẩng lên bầu trời xanh thăm thẳm
U ám tan rồi nhẹ bước chân
Cuộc đời của bạn
Cuộc đời của tôi
Hay bất kì ai
Một dấu chấm mờ nhạt
Đâu đó trong vô tận mênh mông
Tương lai và quá khứ
Sao cứ to chuyện thế
Có ý nghĩa gì đâu
Đống giấy cũ lâu năm
Bao yêu thương nhiệt huyết
Đi theo người xưa hết
Chỉ còn lớp bụi thời gian
Xầm xì rồi cũng hửng nắng thôi
Rồi mưa rét buốt lại tiếp theo
Trời Đất một vòng quay muôn thuở
Sinh lão bệnh tử rồi lại sinh
Triết lý bao nhiêu vẫn thế thôi
Chi bằng lặng ngắm Đất Trời quay
Vạn vật đều Trời sinh Đất dưỡng
Lồng lộng mênh mông chẳng lọt ai
Lâu ngày lại nhớ tới bạn xưa
Nào ngờ Anh đã về nơi xa
Trí tuệ hào hoa Con Người ấy
Ở đời như Anh được mấy ai
Quyển lịch lại tiếp tục sang trang
Tất cả vào quá khứ mênh mông
Là ai cũng chẳng là ai hết
Bồng bềnh còn lại một đám mây
CHÚC mãi chúc hoài chúc gì đây?
MỪNG vui buồn khổ cứ đổi nhau
NĂM mới năm xưa đâu có khác?
MỚI là phải mới ở trong tâm