Mưa lại rơi
Trên thành phố
Vẫn còn ai đó
Lầm lũi
Kiếm sống
Trong mưa
Có vẻ như đang có một không khí "cuồng Mỹ" ở Việt Nam - một đất nước từng có một " lòng hận thù ngút trời" đối với "Đế quốc Mỹ". Dù sao thì hòa bình vẫn tốt hơn chiến tranh. Có cơ hội tốt thì cần tranh thủ tận dụng. Nhưng có lẽ cũng nên ý thức rằng mọi thứ đều biến đổi theo thời gian. Không có gì là mãi mãi, là "muôn năm" cả. Hận thù có thể biến thành thiện cảm và ngược lại. Sự việc luôn phát triển và khi đi đến tận cùng, nó biến thành cái ngược lại.
Có lẽ ít ai khổ mãi hay sướng mãi. Thường thì là sự đan xen. Một nước, một dân tộc cũng vậy. Cho nên người xưa mới có câu " sông có khúc, người có lúc".
Nước nào cũng đặt lợi ích của mình lên trên hết. Nhưng nước nào cũng cần một thứ gì đó của những nước khác. Nhưng ở đời chẳng ai "cho không" ai cái gì. Nếu nước bạn chẳng có cái gì các nước khác cần thì chẳng ai muốn chơi với nước bạn cả. Muốn chơi thì phải biết đổi chác. Khôn thì sự đổi chác đó có lợi cho dân cho nước. Dại thì chuốc lấy cái hại.
Ở Mỹ, chính xác là Detroit, bang Michigan nơi có công nghiệp ô tô lớn và lâu đời nhất thế giới - đang có phong trào tranh đấu khá rầm rộ của công nhân do nghiệp đoàn công nhân ô tô - UAW - tổ chức. Họ lên án sự cửa quyền và tham lam của giới chủ, đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc, v. v. Họ cũng lên án giới tài phiệt phố Wall. Ở đây sẽ không đi vào nội dung cụ thể của cuộc đấu tranh này. Cái hơi buồn cười và khá là trớ trêu là với việc xây dựng nhà máy sản xuất ô tô ở North Carolina, và có lẽ cả việc tham gia vào TTCK New York, giới chủ từ Việt Nam - một nước XHCN do ĐCS lãnh đạo - rồi đây sẽ phải đối mặt với cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân Mỹ. Đó là một thực tế của nước Mỹ có từ thời công nhân biểu tình ở Chicago vào ngày 1/5/1886 mà ta học mãi ở nhà trường. Ở Việt Nam, giới chủ trong nước, rồi giới chủ nước ngoài như Đài Loan, Hàn Quốc, v. v. có vẻ như chưa phải đối mặt loại hoạt động như thế của công nhân Việt Nam thì phải? Từ khi Liên Xô sụp đổ, có vẻ như "cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và vô sản" không còn được nhắc tới nhiều nữa. Nhưng mâu thuẫn giữa giới chủ và công nhân - nói theo kiểu ngày xưa là "tầng lớp tư bản bóc lột và giai cấp vô sản bị áp bức bóc lột" chưa bao giờ biến mất. Mà có áp bức là có đấu tranh . Và nó đang diễn ra ở Mỹ. Câu chuyện Tư bản - Vô sản mà Các Mác nêu ra gần hai thế kỷ trước vẫn còn là thời sự của ngày nay.
Vừa mới xảy ra một vụ cháy nhà khủng khiếp ở Hà Nội, làm chết hơn năm mươi người. Đó là những nỗi đau và mất mát to lớn không gì bù đắp được. Chỉ còn biết hy vọng là thời gian và cuộc sống rồi sẽ dần dần hàn gắn và chữa lành những vết thương này.
Hiểu biết là biết được sự thật thường bị che đậy bởi vô vàn những lớp vỏ bên ngoài. Trong cái thế giới giả dối ngày nay - mà ngày xưa hay tương lai thì cũng thế - biết được sự thật mới khó làm sao.
Nghĩ mãi nghĩ hoài mà chẳng ra
Biết đâu đi ngủ có khi hơn
Bạn sẽ bước sang thế giới khác
Xứ sở diệu kỳ của giấc mơ
Bạn còn muốn đi đâu nữa?
Chẳng phải là đã tới rồi sao?
Lặng yên mà ngắm những gì đã qua
Mà vẫn chưa hiểu chưa thấy
Có hàng tỷ người như bạn. Ai cũng bận rộn với những việc của riêng mình. Bạn là cái gì mà người ta phải quan tâm? Kể cả khi bạn có cả một núi tiền, một dàn "siêu xe", một hạm đội du thuyền hay một lâu đài có ngàn phòng, là vua hay tổng thống, vừa lên ngôi hay bị lật đổ thì người ta vẫn kệ bạn. Người ta có nhiều việc phải quan tâm hơn như đóng tiền học cho con mình hay mua thuốc chữa bệnh. Cho nên bạn làm gì hay không làm gì, muốn sống thế nào hay bất cứ cái gì, suy cho cùng thì cũng chả có gì quá quan trọng cả. Cứ bình thản, lặng lẽ mà sống, mà làm việc cần làm và nhất là đừng cố làm "to chuyện".