Thứ Năm, 22 tháng 2, 2024

Cái đẹp ở đâu?

Hình như chúng ta quá "nghiện" văn hoá Mỹ và Phương Tây? Phim ảnh thì hầu như nhất định phải có bạo lực, nam phải "cơ bắp, dữ dằn", nữ phải hở hang với những "đường cong bốc lửa, câu chuyện phải rặt sex - tiền - đấm đá, bắn súng - tội ác- éo le hay đại loại như thế. Nếu phim không thế thì không hấp dẫn, bị chê là " nhạt". Nhưng chính quá nhiều những thứ như thế thì cuối cùng người ta cũng " ngán tận cổ". Rồi một hôm, người ta xem thử một phim " Tàu" thời nay. Bộ phim có tên là Đường Về Nhà (1999). Có thể nói đó là một bộ phim đẹp, giản dị, lãng mạn và cảm động. Điều khác biệt là hoàn toàn không có những thứ kiểu "Âu - Mỹ" hay "Hàn Quốc"như nói trên. Phim tình yêu mà không có cả ôm hôn nhẹ nhàng, chứ chưa nói đến cảnh "nóng". Lời thoại thì rất ít, gần như là " phim câm", chứ chưa nói đến nói huyên thuyên, quát tháo, chửi rủa. Nữ chính thì chỉ là một cô "gái quê", mặc không lộ ra một chút "đường cong" nào cả. Nam chính thì chỉ là một "anh giáo làng", không "đẹp trai", ăn mặc giản dị, không chút kiểu cách, chứ chưa nói đến là phải là kiểu "anh hùng" , râu ria xồm xoàm, dữ dằn hay kiểu như" hoàng tử". Thiên nhiên thì chỉ là một làng quê nghèo, nhà cửa đơn sơ, đồ vật thô ráp. Ấy thế mà vẫn hấp dẫn, vẫn xúc động . Hình như đạo diễn đã chủ ý loại bỏ tất cả để nói lên một điều. Đó là cái đẹp là sự trong sáng thuần khiết của tâm hồn. Tình yêu ở đâu và thời nào thì cũng là hạnh phúc vô biên và khắc khoải đợi chờ. Nhưng cái khác biệt ở đây là nó hoàn toàn thuần khiết, không bị lấm bẩn bởi tình dục, tiền bạc hay những toàn tính nhỏ nhen. Người ta chợt liên tưởng đến thư pháp hay kiểu vẽ tranh chấm phá đơn sơ ở Trung Quốc thời xưa. Cho nên không phải cứ " như Tây" là đẹp, và cứ thế là mù quáng bắt chiếc Âu Mỹ hay Hàn Quốc. Có đến " mấy ngàn năm văn hiến" mà chả nhẽ dân ta lại không thấy được vẻ đẹp của mình là cái gì? 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét