Việt Nam vừa mới tưng bừng kỷ niệm 50 năm ngày kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước 30.4.1975 và chuyển sang thời kỳ hòa bình, phát triển và phồn vinh với những mục tiêu đầy tham vọng. Trong lúc đó thì ở Châu Âu, một không khí không mấy vui vẻ từ cuộc chiến tranh tàn khốc ở Ucraina vẫn đang bao trùm suốt mấy năm nay. Châu Âu được bình yên và giàu có suốt từ sau Thế Chiến 2 một phần quan trọng là nhờ vào cái "ô an ninh" của Mỹ che chở. Thế nhưng không có gì là mãi mãi cả. Vị tổng thống Mỹ đương nhiệm có quan điểm khác về nhiều thứ. Ông ta cho rằng Châu Âu phải tự bảo đảm an ninh. Trước một nước Nga siêu cường quân sự với vũ khí hạt nhân, đang đánh phá Ucraina tàn bạo và vẫn đe dọa rằng sẽ không dừng lại, câu hỏi lớn là Châu Âu phải làm gì? Họ bỗng nhiên hiểu ra rằng vấn đề lớn nhất hiện nay không phải là môi trường hay các thứ khác mà là làm sao có thể bảo đảm an ninh trước một nước Nga hùng mạnh và hung hăng như thế. Châu Âu có rất ít lựa chọn. Và chiến lược đang được lựa chọn không mới: Muốn hòa bình thì phải chuẩn bị chiến tranh! Các nước chủ chốt của Châu Âu như Đức, Pháp, Ba lan đã bắt đầu những kế hoạch tái vũ trang to lớn. Xuất hiện những video game mường tượng cuộc tấn công của Nga vào các nước Baltic và các nước khác. Thậm chí có cả những giả định về Chiến tranh thế giới 3 với số người chết lên đến hàng tỷ. Có tin đồn trên mạng là Việt Nam đang chuẩn bị mua một lô tiêm kích F-16 của Mỹ trị giá hàng tỷ Đô la. Có lẽ Việt Nam là một trong những nước thấm thía nhất cái triết lý bảo vệ hòa bình nói trên. Lịch sử loài người là lịch sử của những cuộc chiến tranh lớn nhỏ. Chúng nhiều tới mức không ai có thể nhớ hết được. Có người từng nói rằng hòa bình chỉ là "giải lao" giữa các cuộc chiến tranh. Tình hình ở Châu Âu đang diễn ra như thế. Liệu Việt Nam có là ngoại lệ không? Với những căng thẳng về chủ quyền đang diễn ra bấy lâu nay ở Biển Đông thì không ai có thể chắc điều gì cả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét