Mấy hôm nay, truyền thông thế giới sôi sục về sự kiện Ucraina vừa phá hủy tới một phần ba lực lượng không quân chiến lược - những "pháo đài bay" - của Nga. Đó là những máy bay siêu lớn dùng để mang vũ khí hạt nhân, tương đương với B-52 của Mỹ. Nga đã dùng những máy bay này suốt mấy năm nay để bắn phá Ucraina. Các chuyên gia quân sự ở khắp nơi còn đang "soi" kỹ các video - do Ucraina cung cấp - và ảnh vệ tinh để kiểm đếm xem thực sự mức độ thiệt hại của Nga. Cho đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định rằng đã có ít nhất 11 máy bay bị phá hủy. Con số có thể tăng lên khi có thêm bằng chứng. Sự kiện này có ý nghĩa vô cùng to lớn ở vài điều. Đó là cách đánh. Ucraina đã giấu hàng trăm drone cỡ nhỏ mang theo chất nổ trong các xe tải container. Những chiếc xe tải như thế chạy khắp các con đường ở Nga. Những chiếc xe này được lái tới các địa điểm được xác định trước. Đó là những nơi sát các sân bay quân sự giành riêng cho những máy bay chiến lược như Tu 95. Những sân bay này nằm sâu trong lãnh thổ Nga, cách Ucraina hàng ngàn km. Có lẽ Nga đã tin rằng tên lửa hay drone tầm xa của Ucraina không thể nào bay tới được. Khi những chiếc xe tải kia đến vị trí xác định, nóc xe được mở tự động ra và các drone -đã được lập trình và có khả năng nhận dạng mục tiêu bằng AI -bay lên và nhanh chóng tiếp cận các máy bay đỗ thành hàng dài ở sân bay. Các Drone - cảm tử lao vào máy bay và cứ thế phá hủy từng chiếc một mà không gặp trở ngại nào. Phía Ucraina công bố con số thiệt hại là 41 máy bay, trị giá tới 7 tỷ USD. Nhưng có lẽ điều nguy hiểm "chết người" với Nga không chỉ là số máy bay hay số tiền mà còn là một vấn đề khác. Đó là Nga không có khả năng bù đắp số máy bay mất đi dù có bỏ ra bao nhiêu tiền đi nữa. Nga không còn khả năng chế tạo những máy bay đó từ khi Liên Bang Xô viết tan rã. Ucraina đã có một trận đánh lớn lịch sử gây được thiệt hại tầm chiến lược cho quân xâm lược mà không cần dùng những sư đoàn quân đông nghịt, những đoàn xe tăng đông như kiến, những dàn tên lửa to lớn đắt tiền hay những phi đội máy bay chiến đấu đông đảo. Trí tuệ sáng tạo, trình độ khoa học kỹ thuật hiện đại và quyết tâm bảo vệ độc lập tự do của Ucraina đã thay thế tất cả những điều đó. Đó là cách đánh kiểu "du kích". Người Việt Nam còn gọi chiến thuật đó là "đặc công". Đó là cách một nước nhỏ và yếu hơn về vũ khí chống lại một nước lớn có vũ khí nhiều hơn và hiện đại hơn. Một số bình luận viên quân sự của Nga đã ví chiến dịch Mạng Nhện - tên chiến dịch do Ucraina đặt - là một Trân Châu Cảng của Nga. Có lẽ còn có thể gọi chiến dịch Mạng Nhện này là một "Điện Biên Phủ trên không" phiên bản Ucraina. Đó là cách Việt Nam gọi chiến dịch Linebacker 2 của không quân chiến lược Mỹ ném bom Hà Nội cuối tháng 12.1972. Theo số liệu của Mỹ thì có tới 15 chiếc B-52 bị lực lượng phòng không Bắc Việt Nam bắn rơi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét