Nhiều trường học ở Việt Nam treo khẩu hiệu “Tiên học lễ - Hậu học văn” . Nhưng những gì ở ngoài đường, ngoài xã hội lại cho thấy chúng ta còn khá “vô lễ” trong cách đối xử với nhau và khá là “vô văn” hay nói nôm na là còn tối tăm dốt nát về nhiều mặt. Sống trong một biển người còn thiếu cả “lễ” lẫn “văn”, thật là khó cho cả thầy lẫn trò dạy và học theo tinh thần ấy.
Ngày xưa học là tích lũy và “thuộc lòng” kiến thức để sau đó trích dẫn theo kiểu “tầm chương trích cú” suốt đời. Ngày nay học là để biết chọn lọc, xử lý kiến thức để biến thành của mình và phát triển thêm trên cơ sở đó.
Các bậc thánh hiền xưa dạy rằng hãy im lặng nhưng không gì không biết. Chúng ta ngày nay thì làm ngược lại. Mới học được một chút nhưng vẫn phải “tự tin” và ra vẻ như đã học được nhiều.
Những bài học tốt nhất là do cuộc đời dạy, thường cay đắng và đắt giá.
Học trước hết là học “nghệ thuật” sống. Hầu như ngày nào cũng có cơ hội để học. Vì thế nên người xưa có câu “đi một đàng học một sàng khôn”.
Học là để nhận ra và vứt bỏ cái tâm địa hẹp hòi “bẩm sinh” của chúng ta, để có thể nhận ra không chỉ cái xấu cái ác mà còn cái hay cái đẹp của mọi người và cuộc sống quanh ta.
Nếu vẫn ít bao dung với mọi người thì ta vẫn chưa học được gì đáng kể. Hãy xem Trời Đất bao dung chúng ta như thế nào.
Một ngày “học” được thêm một điều gì về bản thân mình là một ngày học được nhiều.
Xã hội và nền văn hóa ngày nay thường chỉ coi học như là để có được một nghề, có giấy chứng nhận để đi làm kiếm sống và để kiếm được cho nhiều tiền. Toàn bộ nền giáo dục được xây dựng bởi các loại chuyên gia theo hướng đó. Ít ai tin rằng học trước hết và trên hết phải là học làm người.
Một ngày không học được gì là một ngày uổng phí.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét