Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

Lãnh đạo và Quần chúng


Có những dân tộc thông minh giỏi giang nhưng có lúc phải chịu số phận bi thảm vì họ đã để cho hoặc không ngăn nổi một vài kẻ tham lam, độc ác, điên rồ và vô cùng xảo quyệt dẫn dắt họ.

Một dân tộc chỉ làm chủ được số phận của mình khi có cách để tìm ra và đưa những cá nhân tốt nhất lên làm lãnh đạo, giám sát và đánh giá được hoạt động và có thể thay thế họ khi cần thiết.

Ta thích những người chỉ huy quyết lao vào cuộc chiến. Ta dựng tượng họ uy nghi ngồi trên mình ngựa đang lồng lên còn tay thì lăm lăm thanh gươm dài. Những chỉ huy không có cuộc thắng trận nào, dù là đẫm máu đến đâu đi nữa, thì không được nổi tiếng và được ca ngợi lắm. Có lẽ vì chúng ta thích đánh nhau, thích tỏ rõ “chí khí anh hùng”, thích “lạnh lùng vung gươm ra xa trường”, thích “làm trai phải chết nơi chiến trường, lấy da ngựa bọc thây”, v.v.

Tượng đài, dù là bằng đá hay bằng đồng đen vẫn có thể dễ dàng bị đập vỡ. Chỉ có tượng đài trong lòng người là bền mãi với thời gian.

Vũ lực và lừa dối có thể áp đặt sợ hãi và tuân thủ nhưng không thể chinh phục trái tim. 

Đã có những thời kỳ đất nước phải đối mặt với những thử thách to lớn. Chính những lúc đó, vua chúa đồng cam cộng khổ với dân, còn dân thì không quản vất vả hy sinh, hết lòng vì việc lớn của đất nước. Nhưng khi hoạn nạn qua đi, cuộc sống trở lại bình thường, vua chúa lại tách dần khỏi dân, sống xa hoa trụy lạc, tàn nhẫn trên lưng sự nghèo khổ của dân. Đất nước suy yếu và lại lâm nạn. Nhưng khi đó, dân không còn muốn hy sinh cho những kẻ bạc nghĩa đó nữa. Đất nước lại mất vào tay ngoại xâm cho đến khi xuất hiện hào kiệt mới tập hợp nhân dân dưới ngọn cờ cứu nước. Cái vòng quay đó của lịch sử vẫn chuyển động.
 
-->

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét