Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2011

Đói nghèo: Tại sao?


Người đàn ông khi không còn cách gì để kiếm sống nữa và nếu anh ta không muốn chết đói, anh ta sẽ đi ăn cắp một chiếc bánh mỳ. Người đàn bà khi không còn cách gì để kiếm sống nữa và nếu chị ta không muốn chết đói, chị ta sẽ đi ăn cắp hoặc làm điếm, dù chỉ để lấy một chiếc bánh mỳ.

 “Đói cho sạch, rách cho thơm” -  Đó có phải là đạo lý của người nghèo? Hay chỉ là sự lừa phỉnh của người giàu?

Ai cũng biết là cuộc sống không chỉ là ngày ăn 2, 3 bữa rồi tối đi ngủ. Nhưng sự thật cay đắng đối với hàng tỷ người trên khắp thế giới từ xưa đến nay là họ đã rất vất vả mà may ra cũng chỉ được thế thôi, mà nhiều khi còn chưa được như thế nữa.

Với đại đa số người nghèo, mong muốn cháy bỏng nhất là hết nghèo và giàu dần lên. Sẽ là vô đạo đức và độc ác nếu người giàu không giúp gì đáng kể cho việc này.

Ta không đói, không nghèo nên không biết đói và nghèo thì khổ thế nào và tại sao người nghèo lại suy nghĩ và hành động như vậy. Nếu bạn không biết làm gì để giúp họ bớt đói nghèo thì đừng chê trách hoặc làm gì để họ khổ hơn nữa.

Trời Đất làm ra ánh sáng, không khí, nước, cỏ cây, các loài vật và nhiều thứ khác đủ để nuôi sống loài người. Nhưng con người không biết điều, ai cũng tham lam giành giật thật nhiều cho riêng mình. Kết quả là “kẻ ăn không hết, người lần không ra”. Có lẽ đó là nguyên nhân nạn đói khổ và loạn lạc khắp nơi trên thế giới từ xưa đến nay chưa bao giờ ngừng.  

Cái vòng luẩn quẩn nghèo khổ về vật chất và tăm tối về tinh thần giam hãm không biết bao nhiêu con người trên thế giới. Một nền giáo dục tốt và cơ hội được học cho tất cả trẻ em có lẽ là cách duy nhất để phá vỡ cái vòng luẩn quẩn ấy.

Người nghèo là thử thách hàng ngày cho tình thương của chúng ta.

Hàng ngày, ở Việt Nam và khắp nơi trên giới, chúng ta nhìn thấy nhiều người nghèo khổ, già nua, tàn tật, trẻ em không nơi nương tựa chơi vơi trôi giạt trên dòng sông cuộc đời. Thực ra thì chúng ta chỉ nhìn mà không “thấy” họ, bởi đầu óc chúng ta quá bận với việc thăng tiến trên con đường công danh và làm ăn, theo dõi chứng khoán, giá vàng và đô-la, với kế hoạch tuần này đi đánh “gôn” , đi nghỉ dưỡng, sắm chiếc điện thoại mới, ôtô mới, đi chơi với cô “bồ” trẻ, v.v. Chúng ta chỉ muốn xua đuổi hết những người ăn xin, tàn tật, bán vẻ sổ số rong, v.v. đi chỗ khác vì họ nhếch nhác, bẩn thỉu, xấu xí mà lại còn quấy rầy ta. Đôi khi ta cũng tỏ ra khá “nhân từ”, mua vài thứ họ bán cốt để “tống khứ” họ đi cho mau, hoặc để tỏ ra “thương người” trước mặt người khác hoặc là để làm đẹp lòng bản thân.  

Chúng ta nên thành thật mà nhận rằng “lòng tốt” của chúng ta trong các việc từ thiện đối với người nghèo đôi khi có lẽ chỉ là cách ta tô vẽ cho bộ mặt của ta đẹp hơn và tự làm hài lòng mình bằng cách lừa dối rằng ta cũng có lòng nhân ái.

Đức Chúa Giê-su hẳn biết rõ chúng ta đối xử với người nghèo khó, bất hạnh, bị xã hội ruồng bỏ tệ như thế nào nên Người đã phải nêu gương bằng cách đến với những kẻ trộm cướp, những cô gái điếm, những người bị “hủi”. Ít người trong chúng ta có đủ tình yêu và sự dũng cảm để theo được lời dạy của Người.

Sự giàu có xa hoa không thể tưởng tượng được và cái nghèo khó cùng cực vẫn cứ tồn tại song song hàng ngàn năm nay cùng với lời dạy của Kinh Thánh là người giàu lên được “Nước Trời” còn khó hơn lạc đà chui qua lỗ kim, với cuộc đời và tấm gương của Chúa Giê-su, Đức Phật và các bậc Thánh Hiền ở mọi thời đại. Sự trớ trêu dai dẳng ấy đôi khi không khỏi làm chúng ta hoài nghi: cuộc đời này còn có lẽ phải và đạo lý không? Hay tất cả chỉ là sự dối trá?  

Phần lớn chúng ta đều thèm khát sự giàu có vật chất. Ngay cả khi ta tỏ ra coi thường hay khinh bỉ sự giàu có, thực chất đó chỉ là sự ghen tỵ với những người giàu khi biết rằng mình không thể nào đạt được như họ.

Rất ít người thực sự tin rằng giàu tình thương chứ không phải giàu tiền của mới là sự giàu có thật sự. Có lẽ vì thế mà hàng ngàn năm nay, người ta vẫn tiếp tục kính cẩn nghiêng mình trước Chúa Giê-su, Đức Phật và các vị thánh khác nhưng ít ai thực sự làm theo những điều các vị ấy dạy dỗ. Những ngôi nhà sang trọng tiện nghi, những chiếc ôtô bóng lộn và các thứ tương tự vẫn làm chúng ta “cảm động” hơn những lời dạy của các vị thánh hiền!
      
     Chúng ta thường khinh người nghèo và ghét người giàu. Chúng ta cho rằng nghèo là do lười học và lao động và giàu là do tham lam và xảo quyệt. Có vẻ như ta tự mâu thuẫn với mình vì tại sao giàu không phải là do chăm học và lao động? Còn nghèo không phải là do không được học và lao động? Thiếu tình người, sự thông cảm và bao dung, lý trí thường dẫn ta đến những kết luận sai lầm. 
      
     Ta có trách nhiệm một phần với sự nghèo khổ của thế giới bởi bất cứ thứ gì trên đời này đều liên quan đến mọi thứ khác.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét