Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

Tản mạn về Con người


Con người chỉ là một đống da thịt mềm bé nhỏ bao bọc quanh một cái khung xương khẳng khiu dễ gãy vỡ và một mớ lùng nhùng thịt, mỡ, ruột gan, tim phổi, v.v. Đan xen vào tất cả là một hệ thống đường ống li ti chằng chịt để đưa máu đến mọi chỗ. Kinh hoàng nhất có lẽ là cái đầu, là một cái hộp tròn bằng xương, bên trong là một nắm bột đặc, nhão, trông như đậu phụ - người ta bảo đây là hàng tỷ tế bào thần kinh, nơi chứa toàn bộ bộ máy điều khiển hoạt động sinh vật, trí tuệ và tinh thần của con người. Đấy mới là phần hữu hình, có thể thấy được bằng kính hiển vi. Nhưng lại còn phần vô hình: những ý nghĩ được tạo ra như thế nào, mọi thứ ta học được lưu giữ ở đâu, v.v. Để “làm ra” được một người hoàn chỉnh, con người phải mất gần một năm trong bụng mẹ, rồi sau đó phải mất ít nhất 15-20 năm nữa với bao nhiêu công sức nuôi nấng chăm sóc của bao nhiêu người. Ấy là chưa kể đến hàng triệu năm công sức của quá trình tiến hóa. Con người thật tinh vi, yếu ớt, mỏng manh, tốn kém như thế, lại rất dễ tổn thương cả phần xác và phần hồn. Ấy thế mà con người luôn tự cho mình là “thông minh” lại sử dụng cơ thể mình một cách thật dại dột như thế này đây: Để mua vui, người ta đấm đá vào đầu, vào người nhau, bẻ tay chân nhau, và gọi đấy là “thể thao”! Tệ hơn nữa, con người tạo ra những cái vô hình trừu tượng như thánh, chúa, đạo, chủ nghĩa, dân tộc, v.v. rồi hàng triệu người đã bị đẩy đến chỗ cầm giáo mác đâm chém nhau cho chết, rồi dùng súng đạn bom gây nổ cho tan xác nhau ra, để bảo vệ những thứ trừu tượng và vô thường đó.       

Điều đáng tiếc là con người nhiều khi sử dụng trí khôn của mình – báu vật mà tạo hóa ban cho - một cách lãng phí nhất.

 Về phương diện vật chất, mỗi người trong chúng ta là một người. Nhưng về phương diện tinh thần, trong cái con người vật chất ấy hình như có nhiều “người tinh thần” khác nhau, có ý kiến và phản ứng khác nhau về nhiều vấn đề. Sự phức tạp ấy lại tăng thêm với sự tác động của con người “bản năng”. Con người này thường phản ứng rất nhanh nên sự can thiệp của những “người tinh thần” nhiều khi không kịp.   

Hoạt động sinh lý, tinh thần và hành vi của con người được điều khiển và chi phối bởi hàng tỷ tế bào trong bộ não. Hoạt động của hàng tỷ tế bào này như thế nào có lẽ là điều con người còn biết quá ít.

Con người có tính người nhất không xa lạ với tất cả những gì liên quan đến con người.

Người ta sợ nhất là cái chết. Tai nạn giao thông gây ra một số người chết rất lớn. Ở Việt Nam là khoảng 11.000 người chết mỗi năm, còn ở Mỹ là 42.000. Ấy thế mà chẳng thấy ai, kể cả báo chí hay truyền hình bàn bạc hay lo lắng gì cả. Trong khi đó thì mới nghe nói có một loại “bọ xít hút máu”, mà chưa có ai chết cả thì cả nước ta, rồi nghe nói cả bên Mỹ nữa lập tức xôn xao lo sợ. Người ta hay sợ cái gì mới lạ. Còn cái gì nhiều và hàng ngày xảy ra, dù có khó chịu và tệ hơn nhưng mãi rồi cũng quen.

Người phương Tây cho rằng con người không phải là thánh, cũng không phải là quỷ mà là kết hợp của cả hai. Cuộc đời là quá trình làm cho phần “thánh” tăng thêm và phần “quái vật” bớt đi.  

Từng giờ từng phút, qua các giác quan như mắt, mũi, tai, v.v. cơ thể ta thu nhận “thông tin” từ bên ngoài. Những thông tin đó lại được bộ óc “xử lý” bằng cách sử dụng những thông tin ghi nhớ trong óc như ký ức, thành kiến về một người, một sự việc, một nước. Việc xử lý này cũng thường sử dụng, hay đúng hơn là bị ảnh hưởng bởi thể trạng của ta, như đang mệt, đang tức giận, đang buồn về cái gì đó. Kết quả xử lý thế là thường bị sai lệch, làm ta nói và hành động sai. Có lẽ số phận của thế giới và loài người nhiều khi phụ thuộc vào những thứ “vớ vẩn” như thế của những người có quyền lực to lớn. Vì thế chúng ta mới thường hay hối tiếc rằng “đáng lẽ” mình phải nói thế này và làm thế này mới đúng, thế mà mình lại nói thế kia và làm thế kia. Còn đối với những người nắm vận mệnh của một nước, chưa thấy sử gia nào dám cả quyết rằng cuộc chiến giữa nước A và nước B là do ông vua nước A bị đau răng còn ông vua nước B bị nhức đầu!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét