Chỉ có con người là cứ tranh nhau nói. Còn Trời có nói gì đâu.
Có lẽ biết nói là không dễ nên người ta mới có câu “im lặng là vàng”.
Người có bản lĩnh thì kiềm chế được lời nói của mình.
Có những thứ phải tự cảm nhận và khó có thể diễn đạt bằng lời. Có lẽ vì thế ngay cả những bậc cao minh thời xa xưa đã phải thốt lên là nói thì không biết còn biết thì không nói.
Những lời nói giản dị chân thật ấm áp từ đáy lòng thường có sức mạnh không ngờ.
Có những lời nói làm rung động trái tim hàng triệu người bởi nó cộng hưởng được với những gì thiêng liêng trong trái tim họ.
Có một thứ "giải trí" mà chúng ta thích là nói xấu người khác khi họ không có mặt. Họ thường là những người nổi tiếng, giàu có, đẹp, giỏi giang và thành công hơn ta.
Chúng ta thường thiếu thận trọng trong lời nói. Có lẽ vì thế nên người phương Tây mới khuyên hãy “quay lưỡi bảy lần” rồi hãy nói.
Lời nói thường là sự thể hiện của ý nghĩ và cảm xúc. Nó có thể ngọt ngào, có thể sắc như dao, nhọn như kim, có thể bẩn thỉu, đè nặng như đá tảng, có thể “chắc như đinh đóng cột” hay “dai như đỉa”, có thể là “miệng Nam mô bụng bồ dao găm”.
Chúng ta khó cưỡng lại ý muốn “nói thả cửa”, nói cho bõ tức, nói để phô diễn kiến thức và sự “thâm thúy” của mình, để tỏ ra mình có khiếu hài hước.
Một lời nói có thể làm chúng ta bực tức mãi, thậm chí còn lao vào mạt sát nhau, có khi còn đánh nhau nữa.
“Lời nói không mất tiền mua”. Một lời xin lỗi, một lời cảm ơn chân thành đúng lúc giúp cho cuộc sống nhẹ nhàng dễ chịu.
Người xưa có câu: "Mồm miệng đỡ chân tay". Thế cho nên, muốn nói gì thì nói, cuối cùng thì hành động mới là quan trọng và đáng tin cậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét