Ai cũng có tuổi thơ và nó đều đẹp. Ngày ấy ta còn bé lắm. Ta vui vì được ăn kem. Ta buồn vì con dế mèn chết. Ta vùng vằng vì ván cờ “quân sự” với cậu bé hàng xóm đang đến hồi gay cấn thì Cha ta lại sai ta ra phố mua cho Người hai điếu thuốc lá. Ta bực bội vì đang nghỉ hè mà Cha ta ngày nào cũng bắt ta làm một bài văn. Ta khóc vì bị một đứa lớn và khỏe hơn bắt nạt. Ta ước mơ có một chiếc mũ như của anh bộ đội biên phòng, nhưng Mẹ ta nghèo nên không thể mua chiếc mũ đó. Ta mong đến Tết để được chơi pháo nổ và ăn bánh chưng.Ta không hiểu vì sao Mẹ ta khóc, nhưng lúc nào ta cũng bênh Mẹ. Người lớn có những buồn vui của họ mà ta không hiểu được. Tuổi thơ xa lắc ơi, ngày ấy đâu rồi!
Giá mà người lớn chúng ta có thể trở lại sự hồn nhiên như các em bé, đói thì ăn, mệt thì ngủ, vui thì cười, đau thì khóc, cần “vệ sinh” thì “vệ sinh”, chẳng việc gì phải lo lắng, sợ hãi, che dấu, tức giận, cố gắng, mưu toan, tranh giành, xấu hổ, cứ tự nhiên, bình thản như nước, như mây vậy, v.v. Than ôi! Tại sao chúng ta lại trở thành một lũ “người lớn” mà trí tuệ lại nhỏ hẹp như vậy?
Tuổi thanh niên là quãng đời con người đẹp đẽ, tràn đầy sức sống, lãng mạn và lý tưởng. Song những người trẻ tuổi thường còn ngây thơ nên dễ bị lạm dụng cho những mưu đồ ích kỷ được che đậy khéo léo. Nhưng sự lạm dụng và phí phạm tuổi trẻ chủ yếu lại thường do chính bản thân những người trẻ tuổi bởi họ chưa đủ bản lĩnh để kiềm chế bản năng và chưa đủ trí tuệ để biết cái gì là giá trị đích thực của đời người. Nền văn hóa ngày nay lại thường dẫn dắt họ đi sai nhiều hơn là đúng đường.
Tại sao tuổi trẻ hay mắc sai lầm mà nhiều khi vì những nguyên nhân “vớ vẩn” như xông vào đánh nhau chỉ vì một va chạm nhỏ khi đi xe trên đường, một lời nói không vừa lòng, hay thậm chí chỉ là một cái nhìn bị hiểu nhầm? Có lẽ đó là cách do cuộc sống tạo ra để họ học cách sống, để đến lúc trưởng thành, có khi đến lúc già rồi mới có thể cảm thấy rằng mình đã từng trải, hiểu cuộc đời và lúc bấy giờ có thể bắt đầu gật gù vuốt râu và “dạy dỗ” bọn trẻ!
Ít người trẻ tuổi xác định được đúng thực sự mình muốn gì và có khả năng gì. Nền giáo dục có lẽ là một trong những nguyên nhân chính của vấn đề này.
Người trưởng thành khí huyết vẫn hăng, song đã có kinh nghiệm cần thiết và biết sống thực tế hơn. Người trưởng thành thường khó kiềm chế tham vọng quyền lực, danh vọng và tiền bạc.
Người xưa nói già mới hiểu được “mệnh Trời”. Có lẽ kinh nghiệm cuộc đời và khí huyết không còn quá “hăng” nữa làm họ sáng suốt hơn. Nhưng quá nhiều kinh nghiệm và quá ít hăng hái cũng thường cản trở sáng tạo, chấp nhận rủi ro và thay đổi.
Có lẽ xã hội ngày nay ít tôn trọng người già nên họ phải che dấu mái tóc bạc bằng thuốc nhuộm, dấu làn da nhăn nheo bằng kỹ thuật thẩm mỹ và né tránh câu hỏi về tuổi tác. Một xã hội còn chưa tôn trọng người già thì chưa phải là một xã hội thực sự văn minh và phát triển.
Ngày xưa, phải sống nhiều năm thì mới có nhiều kiến thức. Do đó người già, như kiểu “già làng” ở một số dân tộc thiểu số được mọi người tôn trọng. Thế giới “phẳng” của công nghệ thông tin và sự dễ dàng của giao thông ngày nay cho những người tương đối trẻ cơ hội nắm bắt được nhiều kiến thức đủ các loại. Do đó người già ít được coi trọng hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét