Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2011

Cái vòng luẩn quẩn


-->Một thời chúng ta đã từng vô cùng hồ hởi với một viễn cảnh “ngày mai đây tất cả sẽ là chung, tất cả sẽ là niềm vui và ánh sáng”*. Chúng ta đã thành thực tin vào điều đó và đã có những cố gắng vô cùng to lớn, trả giá bằng sinh mạng của hàng triệu người để tiến theo lý tưởng đó. Rồi khi mà tất cả đã là chung, chúng ta mới nhận ra một điều khá cũ là “cha chung thì không ai khóc”, không ai cố gắng làm việc cả nên sản xuất ít ỏi và cuộc sống của hàng triệu người thì luôn thiếu đói và nghèo khổ. Thế rồi bỗng có một người “phát minh ra cái bánh xe”, theo như cách nói của người phương Tây, chỉ ra rằng phải để nông dân làm chủ mảnh ruộng của mình và thóc lúa họ trồng được trên mảnh ruộng đó thì họ sẽ cố gắng nhiều hơn. Nguyên lý cổ xưa đó như một phép lạ đã nhanh chóng làm cho không những đủ ăn mà con dư thừa để xuất khẩu. Thế là người ta vội vã áp dụng cách đó cho công nghiệp, thương mại, v.v. và thấy rõ rằng mọi thứ hàng hóa và dịch vụ đều nhiều lên và tốt lên khá nhanh chóng. Nhiều người cũng phát hiện ra rằng có thể trở nên rất giàu có nếu biết “cách”. Thế là một phong trào tạm gọi là “thi đua tư bản chủ nghĩa” bùng phát một cách mạnh mẽ và tự giác hơn bất cứ cuộc thi đua XHCN nào trước đây. Có thể nói là “nhà nhà và người người” thi nhau mạnh ai nấy được ra sức vơ vét làm của riêng cho mình càng nhiều càng tốt. Kẻ có chức có quyền và gia đình họ và những kẻ nhanh tay nhanh trí thì thu được hàng núi của cải. Đất nước từ chỗ tất cả là chung bắt đầu bị chia nhỏ thành vô vàn “lãnh địa” của các nhà tư bản mới vốn từng là “vô sản” hoặc con cháu của họ. Nhưng không phải tất cả đều được hưởng lợi như nhau từ cuộc tạm gọi là “cách mạng” theo chiều ngược lại này. Hàng triệu người nông dân mất ruộng đất cho những nhà đầu tư dần dần trở thành những người làm thuê, những nhân công rẻ mạt bị bóc lột thậm tệ tại các khu công nghiệp mới. Họ bắt đầu nhận thấy một cuộc sống xa hoa phè phỡn của các nhà “tư bản đỏ” và gia đình con cháu họ. Những sự bất bình của hàng triệu người này sẽ tích tụ và tăng dần lên. “Tức nước thì vỡ bờ”, không có cơ sở chắc chắn nào để loại bỏ hoàn toàn khả năng một viễn cảnh tương tự những gì đang xảy ra ở một loạt các nước Trung Đông. Nếu không có một thay đổi cơ bản trong cách vận hành xã hội, bánh xe lịch sử sẽ lại quay vòng như cũ, với những cuộc cách mạng mới. Cái vòng luẩn quẩn sẽ lặp lại.
*Thơ Tố Hữu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét