Tổng số lượt xem trang

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

Chơi Golf hay Không?


Dạo này dư luận khá bận rộn, kẻ thì ủng hộ, người thì phản đối chỉ thị của ông tân bộ trưởng giao thông cấm các cán bộ lãnh đạo ngành giao thông chơi golf để dành thời gian cho công việc. Phe ủng hộ cho rằng món này không những tốn thì giờ mà còn là thứ xa xỉ dành cho “đại gia” chứ cán bộ, kể cả loại lương cao lấy đâu ra tiền mà chơi. Người phản đối, trong đó có cả những quan chức luật pháp cho rằng vào ngày nghỉ người ta có quyền chơi cái gì tùy thích, miễn là không phạm pháp. Nghe ra thì cũng có lý. Nhưng có vẻ như hai bên đang bàn về những mặt khác nhau. Bên chống thì nói về lý. Bên ủng hộ thì thiên về mặt đạo đức. Người có cái tâm thì ai nỡ chơi xa xỉ như thế khi đất nước còn hàng triệu người nghèo khổ, thiếu đói do lụt bão mất mùa, giá cả tăng vọt, không có tiền cho con đi học, chữa bệnh, trường lớp, cơ sở y tế dột nát, đường xá lầy lội, môi trường ô nhiễm, giao thông tắc nghẽn,v.v. Nghe nói chi phí cho một năm chơi golf là khoảng 500 triệu đồng. Lại nghe nói Viện Toán trả mức lương cao nhất cho GS Châu, một nhà toán học cỡ hàng đầu thế giới là 5 Tr.Đ/tháng. Như vậy, giả sử GS dành tất cả tiền lương để chơi golf thì ông phải làm 100 tháng hay hơn 8 năm thì mới đủ tiền chơi một năm. Vậy thì các quý vị quan chức trung ương và địa phương cả nước lấy tiền đâu ra để chơi? Đó chính là chỗ mà ông bộ trưởng chắc thừa biết mà không nói ra. Rồi nhiều nghiên cứu còn chỉ ra vấn đề môi trường và xã hội của các sân golf. Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc được đăng trên website worldwatch.org, các sân golf trên thế giới sử dụng gần 9,5 tỉ lít nước/ngày, đủ cung cấp nước uống trong một ngày cho 4,7 tỉ người. Trong khi đó nhiều vùng của Việt Nam và trên thế giới còn khô cằn và thiếu cả nước uống. Sân golf sử dụng những diện tích đất rất lớn thường có nguồn gốc từ ruộng đất của nông dân hoặc “đất hoang” sau đó được các nhà đầu tư biến thành dự án, được sự “ủng hộ” của quan chức địa phương và trung ương và sau khi “đền bù” cho nông dân nghèo, mà thực chất là những khoản đầu tư siêu lợi nhuận lợi dụng sự nghèo khổ và kém hiểu biết của bà con nông dân và thói tham nhũng của một bộ phận cán bộ có chức có quyền. Như vậy, chơi golf có thể coi là một sự đồng lõa, có hoặc vô ý thức, với việc làm hại môi trường và tước đoạt nguồn sống lâu dài của người nghèo. Người có ý thức và có cái tâm thì không nỡ làm những việc như thế. Năm 1945, nước Việt Nam non trẻ vừa giành được độc lập cũng vừa trải qua một nạn đói khủng khiếp làm 2 triệu người chết. Trong thư gửi đồng bào cả nước đăng trên Báo Cứu Quốc ngày 28-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hiện trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”. Không có luật nào bắt Cụ Hồ nhịn ăn lúc đó hay cấm ta chơi golf bây giờ cả. Chỉ có lương tâm có mách bảo ta phải làm gì và không nỡ làm điều gì thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét