Ven
Hồ Tây ở Hà Nội có một cái cây rất lớn. Vòm lá của nó rậm rạp đến nỗi ngay khi
đang nắng mà vào gần gốc cây thì cảm thấy như sắp tối. Thân cây thật to lớn, xù
xì, chằng chịt dây leo bám quanh. Cành to cành nhỏ thì chi chít tới mức không
thể đếm được vì quá nhiều. Không biết cái cây này đã bao nhiêu tuổi, nhưng chắc
là nó đã “già” lắm. Nhưng ban đầu chắc nó chỉ là một cái cây nhỏ với vài cành
và một ít lá. Có lẽ vì loài người cũng phát triển như cái cây đại thụ này nên
người ta hay vẽ cái “cây” gia đình để xem những người ngày nay có nguồn gốc từ
những ai trong quá khứ. Nếu có một ghi chép theo dõi đầy đủ từ nhiều đời trước
trong quá khứ thì rất có thể ta sẽ thấy rằng tất cả chúng ta đều có cùng tổ
tiên. Câu hát “We are the World “ tạm
dịch là “Chúng ta là toàn thể nhân loại”
trong một bài hát cùng tên của Michael Jackson có lẽ không chỉ là một khẩu hiệu,
một lời kêu gọi, mà nó đúng là như thế. Con người có vẻ rất khác nhau về bên
ngoài như màu da, vẻ mặt, tiếng nói, văn hóa, lối sống, tôn giáo, v.v. song có
lẽ đó chỉ là “tiểu dị”. Cái “đại đồng” mà toàn thể loài người chia sẻ chính là
cái nguồn gốc như nhau và số phận giống nhau. Ai cũng muốn được ăn ngon ngủ
yên, được học hành, có việc làm, được thương yêu và tôn trọng, được khỏe mạnh và hạnh phúc.
Nhưng rồi ai cũng khổ đau, cô đơn, lo âu, bất hạnh trong cuộc đời, và cuối cùng
là tuổi già, bệnh tật và cái chết. Thế cho nên, để hiểu loài người thì ta phải hiểu
rõ mình đã. Khi đã hiểu rõ mình thì chỉ cần “suy bụng ta ra bụng người “ là có thể hiểu thế giới. Khi đó, ta sẽ bao
dung hơn với mọi người. Và có thể sẽ bớt đi được nhiều những tranh cãi, đối đầu
vô ích.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét